Little Saigon và những người muôn năm cũ (4)

Sinh hoạt thường nhật trong cộng đồng Little Saigon (ảnh: Dân Huỳnh)

Ở trên là tóm lược ngắn gọn sự thành hình ngôi chùa và chút ít sinh hoạt sau khi nhà thơ Lữ Mộc Sinh trở thành vị Sư Phật giáo Mật tông, không còn một Lữ Mộc Sinh đời thường, đã chết mất tiêu, phố Cát đã trở thành quá khứ. Nhiều người không hiểu khi gặp thầy về Little Saigon, thầy ngó lơ như không biết, những người từng một thời quen ở phố Cát Bolsa. Tôi không còn thẩm quyền nói về một người bạn nữa, vì sau khi Lữ Mộc Sinh tu ở Tây Tạng về Mỹ hành đạo, có ba người bạn Sinh trở thành đệ tử ông, là Nguyễn Diệu Thắng, Trần Đông Châu và Lê Giang Trần sau chót.

Tôi xin thêm đôi chút về nhóm bạn của Lữ Mộc Sinh và có thêm anh Phạm Công Thiện. Trước hết là nhà thơ Cao Đông Khánh. Khi anh Du Tử Lê đưa tôi về nhà anh và cưu mang tôi khoảng hai năm, tôi ngủ sau đêm đầu tiên mới biết mặt thi sĩ Cao Đông Khánh. Anh làm biên tập cho tờ tuần báo Tay Phải của anh Lê nên ngày làm báo anh có mặt để viết bài.

Từ khi có anh Phạm Công Thiện, anh Khánh đến chơi, và cũng như anh Thiện, anh trở thành người-anh-bạn thân tình với cả nhóm. Nhóm này bị giang hồ phố Cát Bolsa gọi là nhóm điên, thấy thường ăn nhậu ở Phở Ngon hay ở mọi quán khác, một nhóm đông, nói cười vui nhộn ồn ào nhưng không bao giờ gây với ai.

Nhóm gồm: Phạm Công Thiện, Cao Đông Khánh, Lê Uyên Phương, Vô Thường, Bùi Thiện Danh, Lữ Mộc Sinh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Diệu Thắng, Nguyễn Tất Nhiên, Hải Cao võ sĩ, Trần Đông Châu, Jimmy Long, Phạm Hoàng Dũng, Khôi râu, Lê Giang Trần, Lưu Tú Phương, cô em út Mộ Dung Nhí. Là nhóm hằng ngày gặp hay thường xuyên nhậu nhẹt với nhau.

Nhóm không thường xuyên gặp nhau nhưng vẫn luôn thân tình: Sư trưởng Hạ Quốc Huy, Thiền sư Lê Phương, Trầm Phục Khắc, Phạm Thanh Quang, Kiều Nguyên Tá, Vũ Huy Quang, Trần Duy Đức, Phạm Việt Cường, Trịnh Y Thư, Phan Tấn Hải, Khánh Trường, Trần Trúc Giang, Bình Thủy điên…

Người anh và là Thầy Phạm Công Thiện có nhiều người không ưa. Anh thường nói, “tao có cái mũi như mũi chó, hễ cứt thì tao ngửi nhanh lắm”. Cho nên anh ngửi ai mà anh muốn tống đi thì anh giở trò diễn tuồng “PCT là một kẻ không ra gì”, nói tục, chửi thề, ngông ngang, ác độc, cao ngạo, tàn nhẫn, mất dạy vân vân và vân vân; thế là kẻ ái mộ gặp Phạm Công Thiện lần đầu tiên liền lộ vẻ khinh bỉ ra mặt hoặc chịu hổng nổi, bỏ đi. Đi vừa khuất dạng thì thiền sư ta cười hăng hắc nói với mấy đứa em, tụi bây thấy tao đuổi nó đi lẹ không, chỉ cần diễn một con người tồi tệ là nó vọt.

Anh Thiện chưa hề đối xử với nhóm em bạn này bất cứ một thái độ nào cao ngạo. Tôi ngồi viết bài, ảnh thấy cái gạt tàn nhỏ sắp đầy, ảnh xếp tờ giấy thành cái lạo rồi đến nhẹ nhàng trút tàn thuốc lá vào gói lại đem đi đổ. Có khi anh bất chợt hỏi một câu, tôi ngước lên ngơ ngác nhìn anh, anh liền vội nói anh xin lỗi, em viết tiếp đi, tao không làm phiền mày nữa. Kiểu gói tàn thuốc bỏ cho không hôi thùng rác trở thành cái mà cả bọn bắt chước, bây giờ đã thành thói quen, và làm sao không cảm động khi anh dọn đổ tàn thuốc cho thằng em đang ngồi viết, nó tự hỏi, mầy là cái thá gì?

Căn nhà xe lùi vào một chút của khuôn nhà anh Du Tử Lê được dùng làm tòa soạn báo Tay Phải. Tôi được Lê Dũng và Trần Duy Đức truyền nghề layout. Tôi ngủ ở giường sắt nhỏ nhà binh sát vách với ngoài đường của garage. Một đêm mùa đông, anh Thiện từ chùa Diệu Pháp ở Monterey Park nhờ người chở xuống tòa soạn Tay Phải ở lại chơi với tôi vì mai là cuối tuần. Tôi nói anh ngủ giường em có mền, em dọn trống bàn anh Cao Đông Khánh ngủ trên đó.

Anh Thiện nhứt định không chịu, nói tao ngủ trên bàn thằng Khánh, mày bị gãy lưng ngủ ở giường cho êm. Tôi đành dọn sạch cái bàn viết sắt to tướng để ảnh nằm nói chuyện chơi, vì ngoài trời rất lạnh. Anh Thiện móc trong túi xách ra một xâu chuỗi hạt nâu nhỏ loại đeo thấy trước ngực, có thể dùng lần hạt niệm chú. Anh cười vui nói, có người đi Ấn Độ thỉnh ở chùa đem về tặng anh, anh thấy em cần hơn nên đem xuống cho em đeo. Tôi cảm động và đeo chuỗi này cẩn thận nên tám năm sau mới bị đứt dây bung mất nhiều hạt, đành cất sợi chuỗi đứt trên bàn thờ Phật. Anh Thiện nằm đắp đỡ lạnh bằng mấy tờ báo trên ngực, nói chuyện đã đời rồi ngủ ngáy khò.

Đêm đó tôi trằn trọc mãi, nghĩ sao mà ảnh thương mình quá vậy? Mình chỉ là một thằng nhóc đang sống lang thang ăn nhờ ở đậu bơ vơ chợ đời… Cái tình này của anh đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi, giống như người anh vỗ vai thằng em bảo nó đứng dậy và bước tới, đã chuyển hóa tôi, và tôi sống với một quan niệm duy nhất: “Ở hiền gặp lành”.

Nguyễn Diệu Thắng có cá tánh mạnh không kém Lữ Mộc Sinh, hắn kể cho anh em nghe, “ĐM, nói không lại, chơi không bằng, đánh lộn không ăn, chữ nghĩa thua xa lắc, nhậu cũng không lợi nữa, thì… tao làm học trò cho xong chuyện, khỏi mệt hơi hơn thua. Mà hơn gì nổi, chỉ toàn thua! Thì nhận ổng làm sư phụ là đúng rồi!” Đó là lý do Thắng chọc trời khuấy nước quỳ xuống cho ông thầy Sinh quán đảnh thu làm đệ tử.

Một ngày đẹp trời có nguyên do, Thắng bỏ sở nghỉ làm, không màng đến mức lương 120 ngàn một năm mà hãng Boeing trả cho anh ở chức vụ “khoa học gia”; cũng vừa trải qua năm năm miệt mài đọc sách đạo, bán nhà cùng vợ Diệu dọn qua Texas, mua căn nhà ở thành phố Springs gần nhà thầy Phạm Công Thiện cho tới lui gần gũi. Thắng bắt đầu manh nha ý định dịch thuật trong đầu mà mãi thêm nhiều năm sau, sau khi hai thầy Thiện và Sinh mất mới tung ra tác phẩm.

Ngoài quyển dịch đầu tiên về đạo lý Yoga do Osho giảng theo bộ Yoga Sutras của Patanjali; Nguyễn Diệu Thắng sau năm năm đã dịch xong cuốn thứ bảy, mỗi cuốn dày trên 350 trang, trong bộ 12 cuốn Osho giảng kinh Pháp Cú. Văn phong của dịch giả câu thông một cách linh diệu với chữ nghĩa Osho nên thi sĩ Du Tử Lê sau khi đọc trọn ba cuốn đầu do tôi thay mặt Thắng biếu anh, anh Lê viết ba bài giới thiệu đăng trên nhật báo Người Việt và trang mạng của ông, hết lời khen dịch thuật rất hay, tặng cho Diệu Thắng biệt danh là “Thắng Osho”.

Tôi là người đầu tiên được đọc bản thảo dịch thuật của Diệu Thắng, thấy Thắng dịch quá tuyệt vời, nghĩ nếu còn anh Thiện thế nào ảnh cũng vui mừng vỗ mạnh như búa tạ vô lưng thằng em Thắng mấy cái, và thế nào cũng viết tựa giới thiệu cho dịch phẩm.

Tôi dọn qua Texas vì anh Thiện đã dọn qua đó, đồng thời Nguyễn Diệu Thắng, Trần Đông Châu đã là đệ tử của Thầy Sinh và cũng dọn sang Texas trước đó. Nói cách khác, bốn người này về đó để có thể gần gũi bên nhau trên con đường Phật đạo mà thi sĩ Lữ Mộc Sinh tiên phuông trở thành nhà sư hoằng pháp Phật. Tiếc thay, người tính không bằng trời tính.

Thầy Sinh trở thành vị sư tu hành lập chùa định cư ở Houston, Texas không hẳn là lý do tối thượng để anh em quy tụ về Texas, mà vì “con người” Lữ Mộc Sinh. Thi sĩ Lữ Mộc Sinh special forces từ khi chơi với anh em luôn luôn cho thấy là một người bạn chí tình chí cốt, bênh vực, bảo vệ, hào sảng, người lớn, tự trọng, hào hùng, cô độc, không thiếu một ưu điểm mạnh mẽ nào.

Nay chàng thi nhân đã thành đạo sĩ, giảng dạy Phật pháp một cách khoa học và nghiêm túc, một người tu hành độc lập, cương nghị. Góp vốn đầu tư kinh doanh cùng một số đệ tử nên hằng tháng có thu nhập tiêu dùng cá nhân và cho sinh hoạt chùa chứ không có thùng phước sương hay xin ai tiền bạc; điều mà thầy Sinh trả lời khi bị hỏi về tài chánh, thầy nói, “tao là phú tăng chứ không phải bần tăng nghe mậy!”

Tông phái Mật của thầy là dòng tu được cho phép ăn mặn lẫn ăn chay, nên thầy Sinh lúc chay lúc mặn. Sau thời biểu giảng kinh nghiêm nghị, lạy Phật nghiêm trang, đã chấm dứt, thầy trò quây quần ăn trưa, thầy kêu đệ tử nhậu nhẹt cho vui vẻ cuộc đời thường. Khi thầy ăn chay thì tịnh thực thấy mà thương! Còn lối ăn nói tùy người đối diện, khi tục khi thanh, khi hề hà, khi hà khắc, khi như trẻ dại, lúc tựa thiền sư… trí tuệ thong dong, tự tại vô ngại.

Thầy Phạm Công Thiện bất ngờ mất được hai năm thì thầy Sinh tạ thế. Hai vị Thầy này, một con người là thiên tài triết gia thiền sư; một con người là nhân kiệt thi sĩ đạo sư. Chớ ai nói là hiểu biết một cọng lông của bậc mấy con người này. Cho nên, những gì tôi kể ra đây không phải là những điều để đánh giá, mà đó là những sức sống mãnh liệt thơ mộng nhất mà tôi thật có duyên được “kinh qua” để cảm tạ trong một kiếp người có thiện duyên mà bừng sáng cái tâm thức, dù chỉ sáng lập lòe như con đom đóm còn hơn mải miết tối tăm vô minh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: