Sự kiện Trần Trường, 25 năm nhìn lại (1)

Cảnh sát Westminster ước tính có khoảng hàng chục ngàn người vào tối Thứ Hai 22 Tháng Hai, năm 1999, phản đối việc hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng sản treo trong tiệm video Hi-Tek do Trần Trường làm chủ (ảnh: Al Schaben/Los Angeles Times via Getty Images)
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Sự kiện Trần Trường, 25 năm nhìn lại (1)
Loading
/

Cách đây gần 25 năm, trung tâm Little Saigon đã xảy ra “biến cố Trần Trường”, một sự kiện được xem là biến động chính trị lớn nhất của cộng đồng người Việt kể từ ngày tỵ nạn trên đất Mỹ sau 1975.

Vụ biểu tình lớn nhất, kéo dài lâu nhất này đã trở thành bước ngoặt quan trọng trong lịch sử người Việt tại Hoa Kỳ, như lời cựu chánh án Tòa Thượng Thẩm Orange County Nguyễn Trọng Nho: “Vụ Trần Trường đã biến Little Saigon từ cộng đồng ngái ngủ, chỉ quan tâm đến các thành tựu vật chất, thành một cộng đồng hoạt động chính trị tích cực.”

Hơn hai thập niên trôi qua nhưng nhân chứng-luật sư Trần Thái Văn, khi nhắc lại, vẫn có cảm giác toàn bộ sự việc như diễn ra ngay trước mắt. “Làm sao quên được vụ Trần Trường, một sự kiện khiến nhiều người Việt bắt đầu nhận thức rằng chỉ tham gia chính trường và đi sâu vào dòng chính nước Mỹ thì tiếng nói cộng đồng Việt mới có thể mạnh mẽ và cộng đồng mới có thể bảo vệ nhau,” luật sư Văn nói với chúng tôi, trong những buổi gặp gỡ vào Tháng Tư 2023 để kể về những ký ức hình thành nên đời sống chính trị Little Saigon.

Ông Trần Trường (trái) với ảnh Hồ Chí Minh trong tiệm video của mình (ảnh: Richard Hartog/Los Angeles Times via Getty Images)

53 ngày đêm

Năm 1999, Little Saigon xảy ra sự kiện thu hút hầu như tất cả mọi người Việt ở Mỹ cũng như thế giới, được báo chí Anh ngữ gọi là “Hi-Tek Incident”, hoặc “Vụ biểu tình chống Hồ Chí Minh năm 1999” (Anti-Ho Chi Minh protests of 1999) liên quan đến việc một người cho thuê băng video tên là Trần Trường. Người này treo chân dung Hồ Chí Minh và cờ Việt Nam Cộng sản (cờ đỏ sao vàng) trước cửa tiệm mình tại số 9550 đại lộ Bolsa, trong Trung tâm Thương mại Bolsa (Bolsa Marketplace) thuộc thành phố Westminster.

Trong suốt gần hai tháng trời, mỗi ngày đều có hàng trăm người tụ tập biểu tình trước cửa tiệm Hi-Tek, kêu gọi Trần Trường tháo gỡ hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng sản (ảnh: Lý Kiến Trúc)

Là một trong những nhân chứng có mặt suốt 53 ngày đêm diễn ra biểu tình, luật sư Trần Thái Văn nhớ lại: “Nói những chuyện ở Bolsa thì tôi khá rành, vì văn phòng nha khoa của mẹ tôi (nha sĩ Dư Thị Mỹ Lan) ở dưới, còn văn phòng luật sư của tôi ở trên lầu trong khu Thương xá Ngân hàng Cathay, nằm trên đại lộ Bolsa, về phía Đông của đường Magnolia, chỉ cách tiệm Hi-Tek của ông Trần Trường chừng ¼ dặm. Sự kiện xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán nên tôi nhớ lắm, vì tôi là một trong những luật sư đầu tiên được các đại diện cộng đồng Việt Nam liên lạc để đối phó với sự biến này.”

Luật sư Văn kể, ngày 17 Tháng Giêng 1999, tức chỉ còn một tháng nữa là tới Tết Kỷ Mão, ông nghe tin có một ông chủ tiệm cho mướn video Hi-Tek tên Trần Trường (Trần Văn Trường) treo hình Hồ Chí Minh trong tiệm của mình.

Báo chí lúc đó cho biết, một khách hàng, khi đến cửa tiệm Hi-Tek của Trần Trường và nhìn thấy hình Hồ Chí Minh, đã báo cho những người khác. Lập tức sau đó, khoảng 50 người kéo đến cửa tiệm video, yêu cầu tháo bức hình. Một nhân viên của tiệm tháo xuống, nhưng qua hôm sau, chủ tiệm Trần Trường không những treo lại hình, mà còn thêm lá cờ Việt Nam Cộng sản, cũng ngay trong tiệm.

Luật sư Trần Thái Văn (áo vest đen, mang kiếng) đứng cạnh một ký giả người Mỹ tại khu vực biểu tình (ảnh: Lý Kiến Trúc)

“Với sự thách thức của Trần Trường, đại diện cộng đồng Việt Nam lúc đó có ông Bùi Bỉnh Bân, ông Trần Ngọc Thăng và ông Hồ Anh Tuấn là chủ tịch Ủy ban Phát huy Chính nghĩa Người Việt Quốc Gia, bắt đầu phản ứng,” luật sư Văn kể. “Một trong những luật sư đầu tiên liên lạc với tôi là Nguyễn Quốc Lân, nói rằng một sự kiện nghiêm trọng như vậy thì mình có thể làm được gì. Chúng tôi cố vấn cho họ rằng theo đúng luật thì cộng đồng có quyền phản đối, biểu tình trong tinh thần bất bạo động theo Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép. Chắc chắn cộng đồng Việt Nam không chấp nhận có một người tỵ nạn treo hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng sản ngay trong lòng Little Saigon như thế. Đó là hành động khiêu khích, đầy tính thách đố cộng đồng”.

Trần Trường (phải) đối diện với những người biểu tình giận dữ bên ngoài tiệm Hi-Tek (ảnh: Richard Hartog/Los Angeles Times via Getty Images)

Được tổ chức và vận động rầm rộ, những người biểu tình bắt đầu kéo tới tiệm Hi-Tek, ngày càng đông, vây kín nguyên khu vực. Khi ấy, ông Trần Trường vẫn không ngừng có hành động thách thức, phát biểu với truyền thông Mỹ với những ngôn từ khiêu khích, cùng vợ đứng thắp nhang, rồi vái lạy chân dung Hồ Chí Minh. Hành động của ông khiến những người biểu tình càng giận dữ. Mấy ngày đầu có khoảng trên 300 người tham gia, qua những ngày sau, nhất là cuối tuần, đoàn biểu tình lên đến hàng ngàn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán trong khu vực.

“Chủ phố lúc đó là ông Quách Nhứt Danh thấy phiền nên thuê luật sư riêng ở Newport Beach làm đơn ‘mời’ Trần Trường đi, nhưng không giải quyết được vì những biến chuyển xảy ra rất nhanh, càng ngày càng đông người biểu tình,” luật sư Văn nhớ lại.

Những người biểu tình nhìn vào tiệm của Trần Trường, tối 16 Tháng Hai (ảnh: David McNew/Getty Images)

Ngày 21 Tháng Giêng, Tòa Thượng Thẩm Orange County đưa ra phán quyết sơ bộ, buộc Trần Trường phải tháo dỡ những biểu tượng cộng sản trong cửa tiệm. Vài tiếng sau, vợ ông đến tiệm để tháo ảnh Hồ Chí Minh và cờ cộng sản trước sự chứng kiến của hơn 400 người biểu tình. Tuy nhiên sau đó, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) bào chữa và ủng hộ quyền tự do ngôn luận của Trần Trường. Ngày 10 Tháng Hai, phán quyết của Tòa án Thượng thẩm Orange County bị hủy bỏ.

Trong suốt gần hai tháng trời, mỗi ngày đều có hàng trăm người tụ tập trước cửa tiệm Hi-Tek. Đỉnh điểm là tối 26 Tháng Hai, khi số người biểu tình lên đến khoảng 15,000. Từ hành động phản đối cá nhân Trần Trường, cuộc biểu tình trở thành sự kiện chính trị lên án chế độ cộng sản Việt Nam. Nhiều tổ chức người Mỹ gốc Việt thắp nến, lên án những hành vi vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Giới nghệ sĩ cũng tham gia với những chương trình âm nhạc bày tỏ phẫn nộ chính sách ngược đãi người dân trong nước của chính quyền cộng sản Việt Nam…

Những tranh cãi trong cộng đồng

Kể lại với chúng tôi, luật sư Văn cho biết lúc xảy ra sự kiện, ông đóng vai trò cố vấn pháp lý cho các nhân vật lãnh đạo biểu tình trong cộng đồng, cũng như giữ vai trò liên lạc giữa cộng đồng Việt với các viên chức công lực Mỹ. Với tư cách là người gắn bó trong cộng đồng, cũng như có kinh nghiệm làm việc trong chính quyền, hiểu luật, nói thông thạo Anh và Việt ngữ, luật sư Văn đã liên lạc với các đồng viện trong suốt 53 ngày biểu tình, trong đó có luật sư Nguyễn Quốc Lân, Trần Kinh Luân, Charlie Mạnh, Phạm Văn Phổ, Nguyễn Quang Trung, Tracy Nguyễn,… cũng như với ông Jimmy Tòng, Hội Đồng Liên Tôn, và đại diện các chính đảng khác.

Trong ảnh từ trái: Đại úy Andrew Hall (sau là Cảnh sát trưởng Westminster), Luật sư Trần Thái Văn. Hàng sau, từ trái: Ông Hồ Anh Tuấn; Luật sư Charlie Mạnh; Luật sư Nguyễn Quang Trung, Luật sư Norman Feirstein (đứng), trong một nhà hàng, họp về vụ Trần Trường (ảnh: Lý Kiến Trúc)

Lúc này, bộ máy công lực của chính quyền địa phương hoạt động hết công suất. Không khí cực kỳ căng thẳng. Với chính quyền, họ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh nói chung, kể cả cơ sở thương mại của Trần Trường. Chính quyền thành phố Westminster huy động hơn 200 cảnh sát để giữ trật tự. Chỉ riêng chi phí an ninh đã là $750,000 – một số tiền lớn thời điểm đó. Với sự tập trung quá đông người biểu tình, chính quyền thành phố Westminster cuối cùng xoay sở không nổi và phải yêu cầu sự tiếp trợ từ sở cảnh sát các thành phố lân cận, trong đó có Sở Cảnh sát quận hạt Orange County.

Cuộc biểu tình kéo dài khiến cảnh sát rất mệt mỏi, trong khi họ không có kinh nghiệm chống biểu tình. Cảnh sát và chính quyền Mỹ nói chung không hiểu sao chỉ vì một tấm hình và lá cờ mà mọi người phản đối dữ dội như vậy. Dĩ nhiên họ không thể nào hiểu được rằng, với rất nhiều người Mỹ gốc Việt, hình ảnh Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng khơi dậy những tội ác mà cộng sản đã gây ra cho cá nhân họ cũng như cho dân tộc nói chung.

Những người tham gia biểu tình phẫn uất kể lại họ từng bị cưỡng bức, tù đày và mất mát như thế nào dưới tay cộng sản. Họ không thể quên những tháng ngày đói khổ khi cộng sản tràn vào miền Nam. Ký ức những ngày vượt biển suýt chết vẫn còn ám ảnh trong họ. Những vết thương lòng lẫn vết thương thể xác vẫn còn chưa lành sẹo…

Luật sư Trần Thái Văn (trái) và Luật sư Trần Kinh Luân tại khu vực biểu tình (ảnh: Lý Kiến Trúc)

“Trong vòng 10 ngày đầu tiên xảy ra vụ việc, có buổi họp tại văn phòng ở nhà hàng Seafood World,” luật sư Văn kể tiếp. “Tôi nhớ, dự họp tối hôm đó có ông Bùi Bỉnh Bân, Hồ Anh Tuấn, Trần Ngọc Thăng, các viên chức công lực như cảnh sát thành phố Westminster, cảnh sát các thành phố lân cận, cảnh sát quận hạt Orange County. Chánh biện lý là ông Tony Rackauckas cũng có mặt”.

Luật sư Trần Thái Văn kể, “Mọi người bàn nhau về vai trò của công lực và cộng đồng. Tôi thấy tình hình không ổn. Các ông trong hội đoàn nói rằng đây là chuyện chống cộng, ảnh hưởng đến vấn đề sống còn của cộng đồng người tỵ nạn, phải để họ “làm việc” trực tiếp với Trần Trường và cảnh sát nên đứng qua một bên. Trong khi đó, bên công lực thì nhắc đi nhắc lại rằng, cộng đồng không được phép bạo động khi biểu tình. Ông cảnh sát trưởng thành phố Westminster Jim Cook đã nhấn mạnh và nhắc nhở như vậy. Riêng ông Chánh biện lý Tony Rackauckas, được xem là viên chức công lực cao cấp nhất quận hạt Orange County, là người thân với cộng đồng Việt, thì tỏ ra thông cảm và không nói gì.”

Ngày 1 Tháng Ba, khi trở về cửa tiệm, Trần Trường bị những người biểu tình ném trứng. Cảnh sát có mặt để bảo vệ ông, nhưng cũng nhờ vậy, họ phát hiện tiệm của Trần Trường kinh doanh băng dĩa lậu. Ngày 5 Tháng Ba, cảnh sát xin được trát tòa, lục soát tiệm Hi-Tek, tịch thu hơn 17,000 băng video và 146 đầu máy. Cuối cùng, sau 53 ngày hừng hực không khí biểu tình nóng bỏng, sự kiện Trần Trường kết thúc vào ngày 11 Tháng Ba. Chủ tiệm Hi-Tek bị truy tố vì tội cho thuê băng lậu, và buộc phải rời khỏi Trung tâm Thương mại Bolsa. Tháng Tám năm 1999, Trần Trường bị tuyên án ba tháng tù.

Sự kiện biểu tình chống Trần Trường dẫn đến làn sóng chống cộng quyết liệt, cuối cùng kết thúc, tuy nhiên “dư chấn” chính trị của sự kiện chưa dừng lại tại đó. Cộng đồng đã rút ra được nhiều bài học từ vụ Trần Trường. Đó là gì?

CÒN TIẾP

_____________

Sự kiện Trần Trường đã thu hút sự chú ý của truyền thông Mỹ. Đây là đoạn phim ngắn của hãng tin AP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: