“Sống trong gia đình không hạnh phúc, ba mẹ ly hôn, sang Mỹ định cư với bàn tay trắng, vốn tiếng Anh không có, nhưng chính môi trường nơi đây đã khiến một tay mê game từng bỏ học như mình, trở thành một công dân Mỹ, đã, đang và sẽ làm những điều hữu ích cho xã hội, đặc biệt là cộng đồng Việt ở California,” Karduz Nguyễn tâm sự.
Sống tích cực
Karduz là con một. Ai cũng nói, con một là được cưng chiều nhưng “cậu ấm Sài Gòn” này lại không được như thế. Nhà chỉ có ba người, nhưng hiếm khi họ ngồi chung bàn trong các bữa ăn. Rồi ba mẹ ly dị, cậu thanh niên 17 tuổi rơi vào trầm cảm, tự giam trong phòng suốt hai năm liền, đắm chìm trong những trò chơi trực tuyến vô bổ, và càng chơi, cậu còn bị thêm hội chứng lo âu, với những biểu hiện bị gọi là điên khùng.
Năm 2011, Karduz cùng mẹ sang Mỹ định cư theo diện bảo lãnh bên nhà ngoại. Hai mẹ con không biết nhiều tiếng Anh, lại nghèo rớt, nên phải sống chung phòng với bà ngoại trong gia đình người cậu ở San Jose. Hơn ai hết, anh hiểu tâm lý của người nhập cư không biết rành tiếng Anh như thế nào. “Rất sợ khi người ta nói mà mình không hiểu gì hết,” Karduz kể. “Năm đầu tiên mình chỉ đi học ESL (English as a Second Language) bằng chiếc xe đạp lọc cọc. Học xong gia đình khuyên đi làm kiếm tiền, chứ hơn 20 tuổi rồi, sợ học không vô, nhưng mình nói ‘không’, phải có kiến thức đã, rồi tính gì thì tính.”
Karduz quyết định chọn De Anza College, một trường xa nhà, nơi mỗi ngày anh phải mất bốn tiếng đồng hồ để đi và về bằng xe bus. Chỉ sau hai năm sống chung với gia đình ngoại, anh quyết định ra riêng với một chút tự tin, vì chọn được đúng ngành học mà sau này khiến cuộc sống của anh thay đổi 180 độ: Ngành tâm lý học.
Sau De Anza College, Karduz nhận được học bổng $34,000 ở University of California, Berkeley, cũng ngành tâm lý học. Karduz nói anh may mắn là học trò của một vị giáo sư giỏi và biết quan tâm đến sinh viên. Anh thay đổi dần suy nghĩ, bước ra ngoài xã hội nhiều hơn, biết yêu và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Thái độ sống tích cực cũng khiến anh chịu khó kiếm học bổng để trang trải bớt chi phí hàng ngày.
Đó là những học bổng dành cho người có thu nhập thấp, cho học sinh Á châu, học sinh mới nhập cư… Từ học bổng của chính phủ cho tới các doanh nghiệp tư nhân như Coca Cola, Walmart,… cứ nộp đơn là anh được nhận. “Chắc cũng hơn chục cái học bổng à nha, ít nhất là $500, nhiều nhất khoảng $8,000,” Karduz cười, nói. “Trong suốt quãng thời gian đi học, hầu như mình không phải trả học phí.”
Suốt năm 2012, Karduz thường xuyên đến các trung tâm viết và đọc tiếng Anh để học thêm. Sang năm 2013, anh được chọn trở thành người hướng dẫn (tutor) cho sinh viên ngoại quốc chưa giỏi tiếng Anh, làm trợ giảng, tư vấn về tâm lý cho sinh viên, chấm bài cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 (ETS).
Để có cuộc sống tích cực, Karduz vừa học, vừa đi làm để có thể trả tiền nhà và chi tiêu hàng ngày, đồng thời dành thời gian làm thiện nguyện viên ở các tổ chức xã hội, trong đó có API Health Equity Collective chuyên giúp cộng đồng người Á châu.
Phục vụ
Năm 2018, Karduz quyết định từ San Jose của Santa Clara County dời xuống Santa Ana của Orange County để sinh sống và làm việc. Lúc đầu anh nộp đơn vào Sở Ghi danh cử tri, làm việc bán thời gian trong những kỳ bầu cử. Vì sao? Karduz giải thích, anh chọn công việc này vì phát hiện ra rất nhiều văn bản, tờ quảng cáo, flyer sử dụng tiếng Việt quá tệ, không chỉ bị lỗi chính tả mà còn sai về cú pháp, từ ngữ. Từ việc làm bán thời gian, Karduz nhanh chóng được nhận làm việc chính thức, toàn thời gian.
Thời gian này, nạn thù ghét người Á châu bùng lên và ngày trở nên căng thẳng, Karduz tham gia vận động vì anh quan niệm, nếu mọi người hiểu nhau, nạn thù ghét sẽ ít đi. Sau một thời gian tham gia các hoạt động từ thiện, Karduz nhận ra, nếu chỉ là thành viên, anh sẽ không chủ động làm được những điều mình mong muốn, nên đã cùng một số bạn bè là viên chức của các thành phố và Orange County, tòa án, trường tư thục, trường công,… lập ra tổ chức phi lợi nhuận mang tên Vietnamese Language Access (VietLa).
Sứ mệnh của VietLa là quảng bá văn hóa Việt và cung cấp khả năng tiếp cận nhiều hơn về ngôn ngữ cho những người có trình độ tiếng Anh hạn chế, và cho người không rành tiếng Việt. “Mục tiêu của tụi mình là tiếp cận cộng đồng, với các dịch vụ chuyên về ngôn ngữ, văn hóa, phổ biến văn hóa Việt,” Karduz giải thích thêm. “Tụi mình liên lạc để góp ý cho các bản dịch thuật của cơ quan chính quyền địa phương, thông cáo báo chí, tờ rơi, poster, social media post,… bị sai. Nếu họ cần, tụi mình sẽ nhận dịch lại cho họ.”
VietLa có thiện nguyện viên làm các dịch vụ miễn phí hoặc lấy giá tượng trưng cho người thu nhập thấp trong việc dịch thuật giấy tờ, quảng bá các chính sách của thành phố hay quận hạt mà nhiều người chưa biết, như chính sách cho người mua nhà lần đầu, sắc lệnh cho người thuê nhà, mua nhà,… Thay vì mở lớp dạy thi quốc tịch, VietLa có thiện nguyện viên giúp người chuẩn bị thi thực hành các cuộc phỏng vấn cho quen với không khí phòng thi.
Karduz tâm sự, khi chọn ngành tâm lý học, anh được dạy về hạnh phúc con người, học cách trân quý cuộc sống, cách yêu thương bản thân. Không ít người thắc mắc sao anh lại nhào vô mấy công việc “bất vụ lợi” này, thay vì có thể kiếm được tiền bằng kiến thức và kỹ năng riêng. Nhưng Karduz nói đó là đường hướng của mình. Anh quan niệm, hạnh phúc là cho đi và yêu thương bản thân mình; hạnh phúc khi giúp được người, vì đó cũng là cách để giúp chính bản thân.
2020 là năm có quá nhiều mất mát vì COVID-19, cũng là lúc để anh nhìn lại bản thân và để hy vọng. “Mình chỉ biết hy vọng. Có những lúc buồn không dám nói, mà vui cũng không dám khoe với gia đình, thậm chí ngày tốt nghiệp mình không mời mẹ, vì mình muốn giữ một khoảng cách, để ba mẹ không kỳ vọng và cũng không thất vọng, khi biết một sự thật về mình…” Karduz nói.
“Come-out”
Sự thật đó là Karduz thuộc cộng đồng LGBT. Và đây cũng là lý do anh âm thầm sống trong mặc cảm và cô đơn suốt nhiều năm liền. “Sau khi suy nghĩ rất kỹ, mình quyết định ‘come-out’ với ba mẹ,” anh kể tiếp. “Ba thì còn ở Việt Nam, mẹ cũng gần 70, sợ bà thất vọng vì đứa con mà bà đang rất tự hào, nên mình chỉ nhắn tin, chứ không dám gọi điện thoại.”
Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2020, Karduz gửi tin nhắn cho ba mẹ và thổ lộ: “Cảm ơn Mẹ, chúc Mẹ một năm mới vui vẻ. Có một điều con phải nói với Mẹ từ lâu rồi, con là gay và con tự hào về bản thân mình…” Ngay tức khắc, anh nhận được tin nhắn trả lời của mẹ: “Mẹ biết chuyện lâu rồi. Mẹ thương con lắm. Con đừng suy nghĩ nhiều vì con vẫn là con của mẹ. Có tâm sự gì cứ nói chuyện với mẹ.” Bất ngờ, anh cũng nhận được tin nhắn lại của người cha, với lời lẽ tương tự: “Giới tính của con là gì thì con cũng vẫn là con của ba. Cần tâm sự gì, cứ nói chuyện với ba”.
Karduz hạnh phúc vì được đấng sinh thành thấu hiểu. Đó là một trong những động lực thúc đẩy anh làm được nhiều hơn, với các dự án phục vụ cộng đồng, để mọi người, không phân biệt ai là ai, đều có thể được hưởng phúc lợi, nhất là trong giáo dục, và trở thành con người tốt, hữu ích cho xã hội.
____________
Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022