Tết xuân thì…

Share:
Minh họa: Pexels

Không ai là không cảm thấy xôn xao trong không khí rộn ràng ngày Tết. Con nít thì nghĩ tới cái ăn, quần áo mới, cùng những tràng pháo. Người lớn thì trăm người như một, vừa chạy lo sắm sửa vừa nhìn trước ngó sau xem còn thiếu gì, mặc dù họ đã trải qua rất nhiều cái Tết trong suốt cuộc đời.

Minh họa: Pexels

Tết là dịp thử thách tính chu đáo của gia trưởng và tài nội trợ khéo léo của bà chủ gia đình. Cái ăn cái mặc một tay bà lo, từ khoanh bánh tét tới hũ củ kiệu, từ nồi măng kho tới bánh mứt đủ loại trên bàn thờ gia tiên. Dù trong nhà đã đầy ắp thì đối với bà dường như vẫn còn thiếu thứ gì đó quan trọng lắm mà nghĩ hoài không ra, thôi thì mặc kệ, tới đâu hay đó.

Giữa lưng chừng tuổi tác của người già và con nít là những chàng trai cô gái tới độ trưởng thành. Họ không lăng xăng như lũ trẻ, không nhìn trước ngó sau như vợ chồng gia trưởng nhưng với nhiều người trong họ thì Tết có một ý nghĩa khác: Háo hức tình yêu và… tìm người trong mộng.

Minh họa: Pexels

Tìm ở đâu? Họ chưa chắc biết nhưng trong thâm tâm thì lờ mờ rằng trong ba ngày Tết, các cô thiếu nữ cũng như họ, chải chuốt đủ kiểu, cố làm sao để người con trai nào khi thấy mình cũng phải quay đầu nhìn một lần nữa… Tết thật sự là một mùa xuân, một nụ mai chớm nở trong hơi sương của ngày giao bôi giữa cũ và mới, giữa cái đã qua và điều sắp tới. Ý nghĩa của ngày Tết nếu diễn giải cho sát có lẽ không thể vài trang giấy, bởi nó ngàn trùng…, với vô vàn hạnh phúc, và hạnh phúc không thể nói bằng lời.

Thật ra không phải đợi đến “ba ngày Tết” con người mới thấy hạnh phúc. Những ngày giáp Tết chính ra mới là thời điểm của náo nức và nôn nao. Đó là những ngày mà đất trời len lỏi vào lòng người nhiều cảm giác rất lạ. Lúc đó, gió Bấc hay gió mùa Đông Bắc luôn mang theo không khí lạnh và ướt. Thời tiết thay đổi rõ rệt, nhiệt độ giảm, trời có mưa phùn, đôi khi sương mù…

Trong không khí bảng lảng chất thơ ấy, con người dễ buồn vui thất thường. Nhất là tuổi mới lớn, chớm học yêu, bỡ ngỡ tỏ tình. Có những chàng trai đạp xe lòng vòng khu nhà có người con gái mà chàng để ý. Cảnh vật và không khí chung quanh chộn rộn, làm lòng chàng trai trẻ lẫn cô thiếu nữ xuân đều như nở hoa. Chàng ngồi chăm chỉ chà bóng chiếc lư hương nhưng tâm trí để đâu đâu. Nàng chăm chú dọn dẹp khoảnh sân cho tới khi không còn một chiếc lá nhỏ nhoi nào còn sót nhưng lòng kín đầy những chiếc lá sầu vui nhung nhớ. Và hạnh phúc nào bằng được người yêu rụt rè tới “chúc Tết” mình và bố mẹ mình… 

Minh họa: Pexels

Hạnh phúc ấy không thể diễn tả. Nó như vị say ngọt của thứ rượu tình yêu chảy ngay xuống cổ khiến ngất ngây như thể bất tận. Vị hạnh phúc của nó nằm trọn vẹn trong tim, trong trí. Khi “người ấy” đến, mùa xuân không bao giờ có đêm đen và không khí luôn âm vang rộn ràng, từ âm thanh của đôi guốc mộc khe khẽ bước lên cầu thang ọp ẹp khi nàng thẹn thùng bước lên căn gác của chàng; hay tiếng xe đạp cọc cạch của chàng vừa dừng lại trước cánh cổng có dàn bông giấy nhà nàng, em ơi, mở cửa cho anh. Tâm trạng yêu đương ngày Tết rất khác ngày thường, bởi, trong cái lành lạnh của gió đông, trong làn mưa phùn lất phất, luôn là những hình ảnh thơ mộng…

Minh họa: Pexels

Tết, luôn gõ cửa mọi nhà với những ca khúc Xuân, quyến rũ tất cả như kẹo mứt quyến rũ chiếc lưỡi hay mùi pháo quyến rũ khứu giác. Các ca khúc Xuân luôn ca tụng sự sum họp vui vầy. Nếu để ý sẽ thấy hiếm có ca khúc Xuân nói về tình yêu lứa đôi. Hầu như chỉ có một ca khúc nói về hạnh phúc tình nhân. Đó là bài Em đến thăm anh đêm ba mươi (nhạc: Vũ Thành An, thơ: Nguyễn Đình Toàn).

“Em đến thăm anh đêm ba mươi / Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi / Anh nói với người phu quét đường / Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.”

Chỉ bằng chiếc lá vàng thôi đã là bằng chứng cho một tình yêu đang bùng lên lên rực rỡ! 

“Tay em lạnh để cho tình mình ấm / Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm / Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan / Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?”

Nghe nhạc mà như nghe đôi chim non cùng nhau ríu rít. Hoa cỏ cũng vui lây. Ngoài trời cũng như trong lòng, với cái thăm thẳm đêm ba mươi, là hai trái tim cùng đập một nhịp lưu luyến, cho dù sự lưu luyến ấy không kéo dài vì cuộc đời vốn dĩ phân ly và phôi pha… 

“Tháng ngày đã trôi qua / Tình đã phôi pha / Người khuất xa / Chỉ còn chút hương xưa… Rồi cũng phong ba / Rụng cùng mùa / Dòng sông đêm / Hồn đen sâu thao thức / Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau / Đá buồn chết theo sau / Ngày vực sâu / Rớt hoài xuống hư không / Cuộc tình đau”

Bài hát kết thúc bằng những ý niệm chia lìa nhưng dường như không ai thấy buồn. Có lẽ vì câu đầu tiên đã thôi miên mọi người, đã chi phối con tim của những người ao ước hạnh phúc trong thời khắc giao chuyển vũ trụ càn khôn… Người nghe không nhớ đến “tình đã phôi pha” mà chỉ muốn chạm vào “môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm”, bởi “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?”… 

_____________

Bài đã đăng trong Giai phẩm Xuân 2023 của Saigon Nhỏ phát hành ngày 19 Tháng Mười Hai 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: