LOS ANGELES, California – Hơn 45 năm qua, sự thành công của thế hệ trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ luôn là niềm tự hào cho một dân tộc mà hai chữ “di dân” hoặc “tị nạn” đã gắn chặt vào số mệnh chung của đất nước. Với lợi thế của một quốc gia ‘hiệp chủng quốc’ hùng mạnh bởi đa sắc tộc, đa văn hoá, thế hệ trẻ đó đang tạo nên một vị trí vững vàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Câu chuyện của cô gái mang hai dòng máu Việt – African, Ashley Nguyễn DeWitt, giám đốc tuyển lựa diễn xuất, đạo diễn chuyển âm phim hoạt hình cho các hãng phim lớn của Hollywood, là một ví dụ cho sự thành công ấy.
‘Tôi họ Nguyễn’
Lần đầu tiên đối diện với Ashley Nguyễn DeWitt, nếu chỉ nhìn thấy cô, nghe cô nói chuyện, chỉ biết tên mà chưa biết họ, thì không ai có thể nói đây là một cô gái gốc Việt Nam. Ashley có làn da ngăm đen, mái tóc dày, quăn tít đặc trưng của người gốc Phi, cùng với giọng nói “thuần” Mỹ của một cô gái sinh ra và lớn lên ở California.
Cho đến khi Ashley nói ‘Tôi họ Nguyễn” thì một câu chuyện thú vị được mở ra. Ashley là thế hệ thứ ba của một gia đình di dân Việt Nam và là kết quả của mối tình đẹp của một người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Phi.
“Ba tôi từng phục vụ trong lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Sau khi giải ngũ, ông làm cảnh sát điều tra ở East Palo Alto, và ông gặp mẹ tôi, là nhân viên ở sở cảnh sát đó. Mẹ tôi là người African, ba tôi là người Việt. Và dĩ nhiên, tôi và em trai, là ‘mixed’”, Ashley kể về “thế giới thu nhỏ” trong gia đình mình với nụ cười hạnh phúc.
Cha của Ashley, ông Tài Nguyễn, được bà nội của cô dẫn sang Mỹ lúc ông bảy tuổi. “Bà nội và ba của tôi là di dân, đến Mỹ năm 1967. Ba tôi nói rành tiếng Việt lắm, ông chỉ không viết được tiếng Việt thôi”, cô kể. Ashley cũng biết vài từ tiếng Việt ít ỏi, do “cô giáo” bà nội của cô, bà Dzung Metts dạy cho.
“Tôi gần gũi với bà từ nhỏ. Bà nấu cho tôi món ăn Việt Nam. Bà chỉ vào hình ‘chicken’ và dạy tôi nói ‘con gà’. Với tôi, bà là một nhà ngôn ngữ học. Bà dịch thuật cho FBI, làm việc cho Bộ Quốc Phòng”, Ashley tự hào nói về người bà thông thạo ba ngôn ngữ Việt, Anh và Pháp của mình.
Như bao trẻ em gốc Việt sinh ra ở Mỹ, Ashley và em trai của cô cũng được cha mẹ cho đến lớp học tiếng Việt, một cách lưu giữ cội nguồn. Nhưng, theo ký ức của cô, ngày đầu tiên đến lớp Việt ngữ, Ashley và em trai “không được cô giáo quan tâm đến”.
“Cô giáo cho tôi và em tôi ngồi chơi trong một góc với quả táo và hộp phấn màu. Cô dạy cho những đứa trẻ Việt Nam khác, không quan tâm đến chúng tôi. Tôi không biết vì sao”, Ashley nhớ lại.
Không ngần ngại với câu hỏi “Đó có phải là ‘kỳ thị chủng tộc’ không?”, Ashley nói: “Thật sự, tôi đã phải nhiều lần đối diện với vấn nạn phân biệt sắc tộc trong cuộc sống.” Vào năm ngoái, lúc đỉnh điểm của phong trào Black Lives Matter và sau đó là Stop Asian Hate, Ashley đã rất lo lắng cho gia đình Việt Nam và cả gia đình Mỹ gốc Phi của cô.
“Chấm dứt phân biệt chủng tộc ư? Tôi cho rằng có một vấn đề sâu thẳm hơn cần phải làm. Nó không chỉ là biểu tình kêu gọi mọi người đừng nên phân biệt chủng tộc nữa. Nó cần phải được thể chế hoá, cần phải được giải quyết tận gốc rễ hơn”, cô nêu quan điểm của mình.
Đón nhận tinh tuý của nhiều nền văn hoá
Trong tâm hồn của cô gái gốc Việt mang hai dòng máu Việt-African này, là cả một niềm tự hào mãnh liệt về nguồn gốc của mình.
Cha là người Mỹ gốc Việt, mẹ là người Mỹ gốc Phi, bản thân cô sinh ra và lớn lên ở Mỹ, có thể nói thế giới của Ashley là một “tiểu địa cầu”. Cô đi chùa với ba và bà nội vào dịp lễ truyền thống của người Việt Nam. Cô đi lễ nhà thờ cùng với mẹ để cầu nguyện như một người Christian. Ashely nói: “Mặc dù là người sinh ra ở Mỹ, người Mỹ hoàn toàn, nhưng tôi tự hào vì tôi và em trai đã được nuôi dưỡng kết hợp bởi nhiều sự tinh tuý của các nền văn hoá. Chúng tôi vẫn là người Mỹ gốc Việt và người Mỹ gốc Phi.”
Không những tự hào, Ashley còn trân trọng giá trị truyền thống của từng nền văn hoá mình mang trong người. Trong ngày cưới của mình, cô chọn mặc áo dài, chiếc áo truyền thống tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam với lý do “muốn tôn vinh gia đình gốc Việt của mình và văn hoá Việt Nam” với gia đình chồng và gia đình Mỹ gốc Phi của cô.
Ashley nhớ rất rõ, cô cảm thấy mình rất lộng lẫy, duyên dáng khi mặc áo dài Việt Nam khiêu vũ trong ngày cưới.
Người thổi hồn cho các phim hoạt hình Mỹ
Có lẽ chính nhờ mang trong mình dòng máu “mix”, Ashley đã có sự nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật ngay từ nhỏ. Điều này đã đưa cô đến với ngành diễn xuất sân khấu (Life theatre and acting). Và cũng chính từ đây, cô có cơ hội biết về nghệ thuật chuyển âm.
“Vào một mùa hè nọ, có người phụ nữ đến trường của chúng tôi để nói về việc tuyển lựa giọng cho việc chuyển âm. Bà ấy làm việc cho một công ty tuyển giọng nói. Tôi hỏi bà có cần người thực tập hoặc phụ tá không? Bà ấy trả lời “Có”. Thế là tôi đến làm việc cho bà ấy. Khi ra trường, tôi được họ thuê chính thức,” Ashley kể lại.
Bên cạnh đó, một trường dạy lồng tiếng đã tuyển Ashley làm kỹ sư âm thanh. Chưa hết, cùng thời điểm, nhà hát Shakepearean Theatre đã tuyển cô gái Việt-African này làm diễn viên bán thời gian.
Khả năng diễn xuất, ca hát, am hiểu kỹ thuật âm thanh và viết nhạc đã chính thức đưa Ashley đến làm việc ở một môi trường mới chuyên nghiệp hơn, rộng lớn hơn, đó là công ty DreamWorks nổi tiếng của thế giới.
“Khi làm việc cho Dreamworks, tôi nhận ra mình bị say mê bởi phim hoạt hình và muốn được hướng dẫn diễn xuất cho các nhân vật trong phim. Một người tôi từng làm việc chung về các dự án chuyển âm, bà Christy Reed, biết được nguyện vọng của tôi. Bà đề nghị tôi làm phụ tá cho bà. Do đó, tôi rời DreamWorks. Bà Christy chính là người thầy của tôi trong lĩnh vực lồng tiếng,” Ashley kể lại bước ngoặc lớn trong sự nghiệp của mình.
Từ đó, Ashley Nguyễn DeWitt chính thức bước vào lãnh vực chuyển âm và tuyển lựa nhân vật cho phim hoạt hình. Cô tự do thể hiện tài năng của mình qua nhiều hợp đồng các hãng phim lớn như Netflix, CN (Cartoon Network), và DreamWorks.
Nhìn lại hơn 10 năm “tung hoành” thổi hồn vào những bộ phim hoạt hình nổi tiếng, Ashley khẳng định những gì cô có được hôm nay là do sự ủng hộ rất lớn từ gia đình đa văn hoá, đa sắc tộc của mình.
“Là những di dân đến Mỹ, bà của tôi, ba mẹ của tôi đã làm việc rất vất vả để tôi được theo đuổi công việc mình yêu thích. Tôi mãi tự hào về dòng máu đa sắc tộc đang chảy trong người mình,” Ashley chia sẻ.
Không chỉ thế, Ashley tin rằng, còn rất nhiều những người trẻ gốc Việt như cô đã và đang nỗ lực chứng minh tài năng, bản sắc của dân tộc mình trên nước Mỹ hôm nay.
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.