Gen Z và nỗi sợ mất việc

Gen Z ngày càng lo lắng về sự an toàn trong công ăn việc làm. (Hình minh họa: Masjid MABA/Unsplash)

Nỗi sợ bị sa thải ngày càng tăng của Gen Z trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Một xu hướng nổi bật đang nổi lên trong lực lượng lao động Hoa Kỳ: Gen Z ngày càng lo lắng về sự an toàn việc làm, ngay cả khi các chỉ số thị trường lao động rộng hơn cho thấy sự ổn định.

Một báo cáo gần đây từ Allianz Life nêu bật sự phân chia thế hệ này, tiết lộ 64% những người lao động Gen Z lo sợ khả năng bị sa thải trong năm tới. Con số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với mức 55% chỉ vài tháng trước và cao hơn đáng kể so với mối lo ngại của Gen Millennials (45%) và Gen X (41%).

Những lo lắng gia tăng này không hoàn toàn vô căn cứ. Trong khi thị trường lao động nói chung có vẻ mạnh mẽ, năm nay có một loạt các cắt giảm việc làm nổi bật từ các công ty lớn như Microsoft, UPS, Dell và BP, cùng với việc cắt giảm trong chính phủ liên bang. Một báo cáo mới đây của Challenger, Gray & Christmas nhấn mạnh thêm xu hướng này, lưu ý việc cắt giảm việc làm giữa năm đạt tổng số cao nhất kể từ đại dịch COVID-19.

David Rice, chuyên gia nhân sự tại People Managing People, cho biết môi trường này có thể khiến những người trẻ chuyên nghiệp cảm thấy “có nguy cơ bị thay thế,” thiếu ảnh hưởng trong giai đoạn sự nghiệp của họ, với viễn cảnh làm việc tự do giống như “đâm đầu vào hang cọp.”

Mặc dù Gen Z ngày càng lo lắng, dữ liệu chính thức của thị trường lao động lại cho thấy một bức tranh khác. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp và tình trạng sa thải nói chung, theo Job Openings and Labor Turnover Survey (JOLTS), vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, tăng trưởng việc làm là tích cực, với Labor Department báo cáo có 7.8 triệu việc làm tại Hoa Kỳ vào Tháng Năm, tăng so với mức 7.4 triệu vào Tháng Tư.

Tuy nhiên, theo Rice lập luận, nhận thức có thể tác động như dữ liệu. Ông chỉ ra nhiều người lao động Gen Z chưa trải qua suy thoái kinh tế đáng kể và “hồ sơ kỹ năng thô” của họ kết hợp với bối cảnh thay đổi của các công việc cấp đầu vào góp phần gây ra sự bất an của họ.

Giáo Sư Rita McGrath của Columbia Business School củng cố điều này, lưu ý động lực “tuyển dụng sau cùng, sa thải trước” thường tác động đến những người lao động trẻ tuổi, ít kinh nghiệm hơn trong quá trình cắt giảm nhân sự của công ty.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào nỗi sợ bị sa thải của Gen Z là sự tập trung của họ vào các ngành từng trải qua tình trạng mất việc làm. Các ngành như công nghệ, bán lẻ, truyền thông và chính phủ có sự cắt giảm đáng kể về lực lượng lao động trong năm qua, những lĩnh vực mà người trẻ tuổi thường chiếm tỷ lệ quá cao. Rice suy đoán về mối liên hệ trong lĩnh vực công nghệ, đáp lại câu hỏi rằng có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chính lĩnh vực này đang phát triển AI và bắt đầu nghĩ nó cần ít người hơn không? Ông phủ nhận điều này.

Jason Leverant, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tại AtWork Group, đồng ý với việc tin tức từ thế giới công nghệ ảnh hưởng đến những người lao động trẻ tuổi, có khả năng đóng vai trò là “chất xúc tác tuyệt vời” để họ khám phá các ngành khác. Ngoài công nghệ, Rice còn chia sẻ thêm về việc các ngành truyền thông và chính phủ cũng thể hiện sự sa thải đáng kể, làm tăng thêm bất ổn chung.

Những lo lắng về kinh tế này còn trầm trọng hơn do áp lực tài chính nghiêm trọng chỉ có ở Gen Z. Nhiều người bước vào lực lượng lao động với gánh nặng nợ sinh viên khá lớn, với mức nợ trung bình của sinh viên tốt nghiệp khoảng $77,000. Cùng với chi phí nhà ở tăng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi tiền thuê nhà rất đắt đỏ, khả năng đạt được sự ổn định tài chính của họ trở nên bấp bênh.

Rice nêu bật sự chênh lệch rõ rệt: kể từ năm 1985, giá nhà trung bình tăng 408%, trong khi thu nhập hộ gia đình trung bình chỉ tăng 241%. Sự mất cân bằng này khiến viễn cảnh suy thoái kinh tế trở nên đặc biệt đe dọa đối với những người trẻ chuyên nghiệp đang cố gắng tự duy trì cuộc sống.

Yếu tố AI: Một sự lo lắng mới

Sự tiến bộ nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI) nảy sinh ra một sự lo lắng đáng kể khác cho Gen Z.

Một cuộc khảo sát của World Economic Forum cho thấy 41% các công ty toàn cầu dự đoán sẽ cắt giảm lực lượng lao động trong năm năm tới do AI. Rice chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa việc sa thải nhân viên công nghệ và sự phát triển của AI, cho biết những người lao động trẻ cảm thấy như họ đang “tự đào tạo mình cho một công việc mà có thể sẽ không tồn tại khi bạn thành thạo công việc đó.”

Tác động tiềm tàng của AI đặc biệt nghiêm trọng đối với những người đảm nhiệm các vai trò hỗ trợ sáng tạo, hành chính và kỹ thuật – những vị trí theo truyền thống được coi như một điểm khởi đầu vào thế giới chuyên nghiệp.  Những vai trò này hiện đang đi đầu trong sự gián đoạn của AI, khiến những người làm việc trẻ tuổi khó có được chỗ đứng.

Trong khi Leverant tin AI chủ yếu là một “công cụ tăng hiệu quả” chứ không phải yếu tố đánh cắp công việc ngay lập tức, thì tốc độ thay đổi nhanh chóng và việc thiếu các lộ trình rõ ràng để thích ứng với sự gián đoạn của AI tạo ra căng thẳng tâm lý đáng kể cho một thế hệ mới bắt đầu sự nghiệp.

Rice kết luận rằng sự tấn công liên tục của các tiêu đề và suy đoán này, mà không có hướng dẫn rõ ràng hoặc chương trình hiểu biết về AI toàn cầu, đủ để khiến bất kỳ ai cũng lo lắng, đặc biệt những người mới vào nghề.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo