Nhắc đến Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông một thời của toàn cõi Đông Dương, có vô số hình ảnh để nhớ về. Trong thế giới ký ức đó, bảng hiệu quảng cáo vẽ bằng tay là một “di sản” của muôn nẻo phố phường ngày cũ. Đặc biệt là Sài Gòn – Gia Định sau năm 1954, hàng loạt “công ty” quảng cáo ra đời, dẫn đến nhiều nghệ nhân, hoạ sĩ thời đó có cơ hội thi tài múa cọ. Ai từng lớn lên ở Sài Gòn, khó mà quên những bảng hiệu của Thạch Chè Hiển Khánh; biển quảng cáo Con Ó Đen; bảng hiệu thâu băng nhạc, áp-phích giới thiệu phim…
Thời gian trôi đi, thời thế đổi ngôi. Sự phát triển của công nghệ in ấn, những bảng hiệu ra đời từ vi tính, decal với đủ màu sắc, đèn led chớp tắt bắt mắt dần thay thế những tấm bảng vẽ tay thủ công. Mấy mươi năm qua, Sài Gòn thưa dần, rồi mất hẳn nét đặc trưng một thời đó. Có còn chăng, là những tấm bảng đã phai ố theo mưa nắng, rệu rã, mục nhàu theo ngày tháng. Số nghệ nhân ít ỏi cuối cùng còn lưu giữ nghề này, đếm trên đầu ngón tay. Họ ngậm ngùi hiểu được: “hết thời rồi.” Hoạ sĩ Hoài Minh Phương (tên thật là Nguyễn Thế Minh) từng trăn trở: “Hiện nay, biển quảng cáo vẽ tay đang dần khan hiếm, không biết lớp già như tôi chết đi thì còn ai làm nữa không.”
Thế nhưng gần đây, vòng quay của con tạo xoay vần lại dẫn người Sài Gòn quay về tìm lại nét đẹp lộng lẫy của ngày cũ. Thú vị hơn là trong đó, không ít lớp trẻ, thanh thiếu niên trưởng thành sau cơn địa chấn 1975 lại say mê với linh hồn của những bảng hiệu tạo ra từ màu sơn, dầu bóng, phương pháp kẻ ô tỉ mỉ.
Nguyễn Nguyên Bảo – thế hệ 8X, luôn giữ trong tâm trí hình ảnh đường phố Sài Gòn của những năm 80 khi còn là một cậu bé, từ Đồng Tháp theo cha lên chốn “thị thành.” Sau khi tốt nghiệp một trường thiết kế đồ hoạ, Nguyên Bảo ở lại Sài Gòn. Anh chọn nghề vẽ bảng hiệu quảng cáo bằng tay để làm sống lại những ký ức của tuổi thơ mình.
“Tuy mình là dân tỉnh nhưng mình rất yêu Sài Gòn, giờ đây khi trưởng thành, những ký ức về Sài Gòn xưa vẫn còn in dấu trong lòng mình, nên mình rất hay hoài niệm về nó. Trong lúc vẽ, mình thường nhớ những hàng quán, những con đường, góc phố đã từng qua… Đối với mình, bảng hiệu vẽ tay có những đặc trưng rất độc đáo, nổi bật và khá lạ mắt. Tuy ngày nay, xã hội phát triển thật nhanh nhưng với mình Sài Gòn là những quán quen buổi sáng với ly cà phê, những cơn mưa rào vội vã, những con đường thân quen hàng ngày vẫn đi về, những bảng hiệu ghi dấu một thời mà mình đã và đang theo đuổi.” (Trích PLO)
Dĩ nhiên với kỹ thuật ngày nay, việc cho ra đời một bảng hiệu vẽ tay sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với mấy mươi năm trước. Nguyên Bảo cũng vẫn dùng máy tính để cân đối chữ, chọn phông chữ, cân nhắc màu sắc cho hài hoà, thích hợp yêu cầu của khách hàng và sản phẩm. Khi cần phông chữ lạ, đặc biệt, Bảo sẽ tự thiết kế đường nét. Sau đó, anh dùng cọ và sơn màu để tô lên bảng hiệu. Trong số khách hàng của Nguyên Bảo, có nhiều bạn trẻ đồng trang lứa với anh. Họ khởi nghiệp bằng những quán cà phê, tiệm trà, quán ăn. Họ chọn quay về với hình thức bảng hiệu vẽ bằng tay.
Không hộp thiếc cầu kỳ, không đèn màu chớp tắt, chỉ là những mảng gỗ hoặc bằng tôn, thêm khung sắt. Trên đó là tên thương hiệu to, rõ. Màu sắc nổi bật. Nội dung đơn giản với địa chỉ, số điện thoại, hoặc vài hình ảnh vui, bắt mắt. Chỉ như thế, nhưng những bảng hiệu đơn giản này đã trả lại cho Sài Gòn chút làn hơi ấm áp, chân tình.
Chợt nghĩ, nếu có một thế hệ nào đó, có thể trả lại thêm cho Sài Gòn những “con đường Duy Tân, cây dài bóng mát”…