3 nữ cầu thủ truyền cảm hứng cho thế giới

Điểm chung của họ là tinh thần chính trực, can đảm lên tiếng và đấu tranh cho bất bình đẳng giới và những bất công trong thể thao. (Ảnh: Getty Images)

Sau hơn một tuần khai mạc, Women’s World Cup 2023 đã lập nhiều kỷ lục về lượng khán giả, không chỉ ở hai nước đồng chủ nhà Australia và New Zealand mà còn ở nhiều quốc gia khác. Gần 6,43 triệu người đã theo dõi trận hòa 1-1 của đội tuyển nữ Hoa Kỳ với Hà Lan vào Thứ Tư, khiến trận đấu này trở thành trận đấu vòng bảng được xem nhiều nhất trong lịch sử FIFA Women’s World Cup được phát sóng bằng tiếng Anh, theo dữ liệu của Fox Sports.

Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thông báo đã bán được hơn 1,5 triệu vé, vượt xa Women’s World Cup 2019 do Pháp tổ chức, và vượt luôn chỉ tiêu đề ra. Nghĩa là Women’s World Cup 2023 trở thành sự kiện thể thao dành cho phụ nữ được tham dự nhiều nhất từ trước đến nay.

Số khán giả tham dự phá kỷ lục trận khai mạc Women’s World Cup 2023 bảng B giữa Úc và Ireland ngày 20 Tháng Bảy, 2023 ở Sydney. (Ảnh: Stephanie Meek – CameraSport via Getty Images)

Bất bình đẳng giới trong thể thao vẫn luôn là một thực trạng nhức nhối. Trong lịch sử, tỷ lệ phụ nữ tham gia thể thao là cực kỳ thấp, hoặc thậm chí phụ nữ xem thể thao là rất hạn chế. Ở Ả Rập Saudi, mãi đến năm 2018, phụ nữ mới được phép vào các sân vận động bóng đá.

Mặc dù vẫn tồn tại sự bất bình đẳng trong môn túc cầu, nhưng thế giới dường như đang chứng kiến một vài thay đổi quan trọng và ý nghĩa đối với thể thao dành cho phái nữ, đặc biệt là môn bóng tròn. Tất nhiên, các thay đổi quan trọng này không tự nhiên mà có. Chính nhờ các cầu thủ nữ đã kiên trì đấu tranh cho bình đẳng giới, tạo ra cơ hội cho thế hệ trẻ tương lai.

Dưới đây là ba nữ cầu thủ tiêu biểu của làng túc cầu thế giới đã sử dụng khả năng và những gì mình có để mang đến sự thay đổi tích cực và ý nghĩa. Điểm chung của họ là tinh thần chính trực, can đảm lên tiếng và đấu tranh cho bất bình đẳng giới và những bất công trong thể thao. Quả thực, thế giới chúng ta đẹp hơn là nhờ sự hiện diện của họ.

Megan Rapinoe, Hoa Kỳ

Megan Rapinoe sinh năm 1985 ở thành phố Redding, California. Rapinoe sở hữu ngoại hình nhỏ nhắn cùng nụ cười tỏa sáng. Nữ cầu thủ 38 tuổi chơi ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ OL Reign của giải bóng đá nữ nhà nghề Mỹ, được cho là nữ cầu thủ túc cầu nổi tiếng nhất Hoa Kỳ trong thập niên qua.

Rapinoe là biểu tượng của thể thao Hoa Kỳ và một nhà hoạt động nữ quyền. (Ảnh: Robin Alam/USSF/Getty Images )

Rapinoe là biểu tượng của thể thao Hoa Kỳ và một nhà hoạt động nữ quyền. Trong 17 năm gắn bó với đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Mỹ, Rapinoe đã giúp Mỹ giành được hai cúp vàng Women’s World Cup năm 2015 và năm 2019, đồng thời huy chương vàng tại Thế vận hội 2012.

Rapinoe đóng vai trò lá cờ đầu trong cuộc chiến yêu cầu liên đoàn bóng đá Mỹ phải công bằng và bình đẳng với tiền lương và tiền thưởng cho đội nữ. Mặc dù mang lại nhiều vinh quang cho đội Mỹ, thu nhập của các nữ cầu thủ lại luôn thấp hơn các nam cầu thủ. Cuối cùng, Rapinoe và đồng đội cũng đã giành chiến thắng pháp lý quan trọng vào năm 2022 sau sáu năm đấu tranh dai dẳng.

Rapinoe cũng là một nhà từ thiện và một nhà hoạt động xã hội. (Ảnh: Ulrik Pedersen/DeFodi Images via Getty Images)

Đối với dư luận, chiến thắng pháp lý này là nền tảng cần thiết cho làn sóng bình đẳng giới trong thu nhập và mở ra cánh cửa hy vọng cho các đội tuyển nữ ở các quốc gia khác. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của thể thao Hoa Kỳ đã bị Rapinoe và đồng đội thành công xóa bỏ.

Rapinoe cũng là một nhà từ thiện và một nhà hoạt động xã hội. Năm 2016, Rapinoe là nữ cầu thủ da trắng đầu tiên quỳ gối khi Quốc ca Mỹ vang lên. Hành động này của Rapinoe là thông điệp hiệp thông ủng hộ cựu ngôi sao giải bóng bầu dục Colin Kaepernick trong cuộc chiến phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.

Cùng với nữ đồng đội Alex Morgan, Rapinoe cũng là một trong hai nữ cầu thủ đầu tiên đăng ký Mục tiêu Chung (Common Goal), một phong trào phi lợi nhuận, trong đó các cầu thủ bóng đá quyên góp 1% tiền lương cá nhân của họ để hỗ trợ các hoạt động từ thiện liên quan đến túc cầu.

Khadija “Bunny” Shaw, Jamaica

Sinh năm 1997 tại Spanish Town, không xa thủ đô Kingston của Jamaica, nữ cầu thủ 26 tuổi Khadija Shaw là con út trong gia đình nghèo có 13 người con. Một người anh đã đặt biệt danh ‘Thỏ con’ (Bunny) cho Shaw vì cô ấy rất thích cà rốt. ‘Thỏ con’ là hình mẫu lý tưởng cho các cô gái trẻ Jamaica muốn thực hiện giấc mơ thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.

Nữ cầu thủ 26 tuổi Khadija Shaw (áo xanh) là con út trong gia đình nghèo có 13 người con. (Ảnh: James Gill – Danehouse/Getty Images)

Mẹ của Shaw cho rằng môn thể thào này chỉ lãng phí thời gian. Ở Jamaica không có đội tuyển nữ, nhưng Shawn rất muốn chơi bóng. Vì vậy, “Thỏ con” sẽ tìm đến trái banh khi mẹ đi chợ. Nếu bị mẹ bắt gặp, Shaw sẽ thương lượng về nhà rửa chén để được tiếp tục đá bóng. Cho đến khi “Thỏ con” được chọn vào đội U15 Jamaica ở tuổi 14, cha của Shawn đã thuyết phục bà mẹ để “Thỏ con” của họ được trải nghiệm một thử thách nặng ký.

Năm 2015, Shawn tham gia chính thức đội tuyển túc cầu nữ Jamaica và nhận được học bổng tại Đại học Tennessee, Hoa Kỳ, nơi cô ấy lấy được bằng về truyền thông, và trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học.

Năm 2021, ngay sau khi tham gia câu lạc bộ Manchester City tại, Shawn đã nhanh chóng trở thành một trong những tiền đạo đáng gờm nhất trong giải chuyên nghiệp các câu lạc bộ nữ. Tại đây, nàng “Thỏ con” Shaw đã xin lại tất cả những đôi giày bóng đá cũ mà các đồng đội ở Manchester City không dùng nữa. Shawn cho biết nhiều trẻ em Jamaica không có tiền để mua giày, vì vậy bất cứ khi nào quay trở lại Jamaica, cô ấy đều tặng những đôi giày cũ còn chất lượng đó làm giải thưởng trong các cuộc thi bóng đá nữ địa phương.

Đối với Shawn, người đã từng không có một đôi giày đá bóng, hành trình tiến trên con đường đỉnh cao của bóng đá chuyên nghiệp gần như là một phép màu. (Ảnh: James Gill – Danehouse/Getty Images)

Shaw luôn cố gắng sử dụng vị thế của mình để tạo ra sự thay đổi tích cực cho nền túc cầu Jamaica. Cô cho biết: “Nếu tôi ở Jamaica ngay bây giờ, tôi sẽ không lãng phí thời gian để chơi bóng.” Nếu xem xét sự phát triển của bóng đá nữ Jamaica trong thập kỷ qua khi có thể tham dự hai kỳ Women’s World Cup liên tiếp, thì tuyên bố của Shaw như một gáo nước tạt vào mặt liên đoàn bóng đá nước này.

Nhưng đối với Shaw, vẽ ra một bức tranh màu hồng về tương lai bóng đá nữ Jamaica không phải là giải pháp. Shaw hiểu rất rõ chỉ có thẳng thắn và trung thực đánh giá mới tạo nên thay đổi ý nghĩa.

Thành thật mà nói, thật không thể tin được chúng tôi đã đi được khá xa. Và cũng thật buồn khi thấy liên đoàn bóng đá Jamaica đã mặc kệ thành tích của chúng tôi. Không có nhiều cơ hội cho phụ nữ ở Jamaica. Và tôi phải lên tiếng về điều này, bởi vì mọi người cần biết về những gì đang xảy ra và những gì cần phải làm.”

Những lời “thuốc đắng dã tật” của Shaw xuất phát từ cảm giác thất vọng và tinh thần trách nhiệm. Đối với Shawn, người đã từng không có một đôi giày đá bóng, hành trình tiến trên con đường đỉnh cao của bóng đá chuyên nghiệp gần như là một phép màu. Và Shawn rất mong muốn phép màu này sẽ đến với thế hệ trẻ tiếp theo ở quê hương Jamaica.

Asisat Oshoala, Nigeria

Dù mới 28 tuổi nhưng Oshoala đã là cầu thủ của đội bóng Nigeria thành công nhất từ trước đến nay ở Châu Phi. Cô chơi ở vị trí tiền đạo cho câu lạc bộ vô địch giải nữ chuyên nghiệp Tây Ban Nha, Liga F Barcelona.

BRISBANE, AUSTRALIA – JULY 16: Asisat Oshoala of Nigeria poses for a portrait during the official FIFA Women’s World Cup Australia & New Zealand 2023 portrait session on July 16, 2023 in Brisbane, Australia. (Photo by Chris Hyde – FIFA/FIFA via Getty Images)

Những bước khởi đầu trong sự nghiệp đá bóng của Oshoala đầy những khó khăn, đặc biệt với một cô gái trẻ theo truyền thống Hồi Giáo. Bởi thế, ngay từ nhỏ, bố mẹ Oshoala đã cấm con gái mình chơi bóng tròn. Vượt lên những định kiến và thành kiến, Oshoala vẫn nuôi dưỡng ước mơ đá bóng chuyên nghiệp của mình.

Oshoala trở thành nữ cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong trận chung kết UEFA Women’s Champions League (Cúp vô địch các câu lạc bộ châu Âu) và cũng là nữ cầu thủ châu Phi đầu tiên vô địch giải đấu danh giá này. Tháng Tám năm 2022, Oshoala trở thành nữ cầu thủ châu Phi đầu tiên được đề cử cho danh hiệu Quả Bóng Vàng. Oshoala cũng đã 5 lần giành được giải thưởng Cầu thủ xuất sắc nhất năm của châu Phi.

Ảnh: Robert Cianflone/Getty Images

Oshoala cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc phụ nữ tham gia thể thao, đặc biệt là túc cầu. Bởi vậy, cô đã hăng hái hoạt động để giúp các cô gái trẻ có hoàn cảnh khó khăn tham gia thể thao, thông qua tổ chức phi lợi nhuận mang tên cô.

Oshoala chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Reuters:

Tôi nghĩ về những điều mình đã trải qua khi còn là một cô gái trẻ, những khó khăn khi cố gắng thuyết phục cha mẹ và cũng như không có nhiều cơ hội trong môi trường của mình. Tôi biết rằng tình trạng tương tự này vẫn đang xảy ra với các cô gái khắp nơi trên thế giới và tôi chỉ cố gắng làm trong khả năng của mình.”

Thông qua quỹ Asisat Oshoala Foundation, tập đoàn thể thao Nike tổ chức giải đấu Football4girls hàng năm ở Nigeria để mang đến cho các cô gái trẻ cơ hội thông qua việc tiếp cận cơ sở vật chất, đào tạo, thiết bị, và học bổng tiếp bước Oshoala. Nữ tiền đạo Asisat Oshoala đã được Cúp vô địch quốc tế nữ vinh danh vì những nỗ lực thúc đẩy môn túc cầu nữ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: