Thấm thoát mà đã gần sáu tháng kể từ ngày chúng tôi loan báo bản tin vui cùng quý vị đồng hương, liên quan đến chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” tức “Private Sponsorship” dưới tiêu đề “Hy Vọng Đã Vươn Lên”, khoảng ba tuần lễ trước ngày Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, chính thức tuyên bố cũng như giới thiệu cơ quan Welcome Corps đến tất cả mọi người.
Đây chính là niềm hy vọng và cũng là chìa khóa mở cửa cho những người tị nạn trên toàn thế giới nói chung và đồng bào tị nạn Việt Nam của chúng ta nói riêng, được có cơ hội định cư tại Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một xứ sở tự do và giàu lòng nhân ái.
Trong bức tâm thư gửi toàn thể cộng đồng người Việt tại nước Mỹ, tôi đã xin được đảm nhiệm vai trò phối trí viên tình nguyện, với hy vọng đem kinh nghiệm của 41 năm phục vụ trong lĩnh vực định cư để tiếp tay các nhà bảo trợ, quý cơ quan, đoàn thể, cùng các tổ chức tôn giáo hay cộng đồng địa phương v.v…, có nhã ý cứu giúp người tị nạn bằng cách trở thành các nhà bảo trợ theo quy tắc đòi hỏi của cơ quan Welcome Corps cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thật không thể ngờ, chỉ trong vòng một vài tháng, quý vị đồng hương chúng ta ở khắp mọi nơi đã đáp ứng một cách rất nồng nhiệt, vượt quá niềm mong đợi của tất cả mọi người. Tôi đã nhận được hàng trăm email của quý vị hảo tâm, có lòng nhân ái, muốn giúp đỡ hoặc bảo trợ những người đồng cảnh ngộ nhưng kém may mắn hơn mình. Bên cạnh đó, tôi cũng được mời đi thuyết trình ở nhiều nơi, từ Dallas, Houston (Texas), Atlanta, Virginia, New Jersey, New York, Palm Beach (Florida), Orange County (California)…, do các cộng đồng địa phương tổ chức, để giải thích thủ tục cùng nhu cầu đòi hỏi của chương trình Welcome Corps.
Qua các buổi nói chuyện vừa kể, tôi đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều quý vị chủ nhân các hãng xưởng, công nghệ, kỹ thuật, nhà hàng, nông trại, cùng những hệ thống sản xuất, các ngành thẩm mỹ, thực phẩm v.v… Rất nhiều người ngỏ ý vừa muốn giúp đồng bào định cư, vừa muốn cung cấp công ăn, việc làm cho họ, lại vừa tìm được nhân viên làm việc cho cơ sở của mình. Song song với việc đó, tôi cũng đã giới thiệu và kết nối người bảo trợ cùng đồng bào tị nạn của chúng ta, những người đang mong chờ được định cư.
Nhiều cuộc thăm viếng, tiếp xúc và gặp gỡ đã được diễn ra ngay tại Thái Lan trong những tháng vừa qua. Cả hai bên đều đã gặp nhau, trao đổi nguyện vọng, tin tức về gia cảnh cùng với khả năng nghề nghiệp v.v… Nhìn sự quan tâm của người bảo trợ, ánh mắt hy vọng và biết ơn của người tị nạn, tôi hãnh diện là mình đã tạo được cơ hội để mong, rồi người sẽ cứu người.
Tính cho đến ngày hôm nay thì đã có hàng trăm đồng bào tị nạn có dịp gặp gỡ trực tiếp các nhà bảo trợ. Họ đã có những sự liên hệ khá chặt chẽ, chỉ đợi khi Welcome Corps chấp nhận đơn của các “Nhóm 5 Người” (Group of Five), thì có thể họ sẽ có đủ dữ kiện và hồ sơ để giới thiệu đến phái đoàn phỏng vấn Hoa Kỳ.
Rất tiếc là tiến trình thực thi chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” đã không tiến hành nhanh chóng như dự trù. Trong cuộc họp cập nhật tin tức diễn ra vào ngày 8 Tháng Năm 2023 vừa qua, cơ quan Welcome Corps cho biết có lẽ phải đợi đến khoảng cuối năm thì giai đoạn hai (tự chọn người tị nạn để bảo trợ) mới có thể bắt đầu. Tuy nhiên lúc này là quãng thời gian thích hợp nhất để các nhà bảo trợ kết hợp thành lập “Nhóm 5 Người”, đồng thời hoàn tất các khóa huấn luyện ngắn cũng như thực hiện xong kế hoạch định cư (welcome plan) cho các gia đình mà quý vị dự định sẽ bảo lãnh.
Nhưng tình người đã không ngưng ở đó, mà nó đã vượt đại dương đến tận các quốc gia khác, đặc biệt là Úc Châu.
Mặc dù người Việt tại Úc Châu không có chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân” cho người Việt Nam như Canada và sắp tới là Hoa Kỳ, nhưng từ khi biết được tin, có những hy vọng dù nhỏ nhoi cho đồng bào ta hiện đang lánh nạn ở Thái Lan, thì cộng đồng người Việt tại Brisbane, tiểu bang Queensland, đã có nhã ý đóng góp để phụ một tay với các nhà bảo trợ ở Hoa Kỳ. Họ biết rằng, qua sự hướng dẫn của Welcome Corp thì một “Group of Five” có thể bảo lãnh một hay nhiều gia đình, miễn là hội đủ điều kiện tài chánh đòi hỏi là $2,375.00 cho một đầu người (tương đương với $3,500.00 Úc kim).
Và để thể hiện một cách cụ thể, vào tối Thứ Bảy tuần qua, 20 Tháng Năm 2023, một buổi dạ tiệc gây quỹ có tên là “Yểm Trợ Công Tác Định Cư Người Tị Nạn Việt Nam tại Thái Lan”, do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Queenland đứng ra tổ chức, đã thu hút được khoảng 300 quan khách tham dự. Đặc biệt còn có sự hiện diện của một số quý vị dân cử người bản xứ, trong số đó có Thượng nghị sĩ Paul Scarr.
Khi được biết nỗ lực của người Việt trong cuộc vận động giúp định cư đồng hương của mình qua các chương trình “Bảo Trợ Tư Nhân” tại Canada và Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Scarr ngoài việc quyên tặng Ban Tổ chức $1,000, ông cũng đã chia sẻ cùng bác sĩ Bùi Trọng Cường, chủ tịch CĐNVTD Queensland rằng, ông muốn đề nghị với Quốc hội cùng chính phủ Úc Châu một chương trình tương tự như vậy.
Và ngay sau đó BS Cường đã nhanh chóng lấy hẹn để tiếp xúc với văn phòng ông Paul Scarr hầu cung cấp thêm tin tức và tài liệu để giúp ông thượng nghị sĩ hoàn thành dự án. Dĩ nhiên bất cứ dự luật nào đệ trình Quốc hội cũng đều có những rủi ro, người ủng hộ, kẻ chống đối. Nhưng nếu không bắt đầu thì chẳng bao giờ chúng ta bước được đến đích. Hy vọng nước Úc sẽ thay đổi chính sách khắt khe của họ đối với các thuyền nhân tị nạn Việt Nam như hiện nay.
Vào cuối chương trình Ban Tổ chức đã công bố kết quả tạm thời, số tiền đóng góp của quý vị đồng hương đã lên đến $80 ngàn Úc kim. Và cộng đồng tin rằng, con số đó sẽ còn cao hơn trong những ngày sắp tới.
Theo sự trình bày của BS Bùi Trọng Cường, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Queensland sẽ quản trị toàn bộ số tiền này. Đợi cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu chấp thuận đơn xin bảo trợ của các “Nhóm 5 Người” (Group of Five), cũng như bắt đầu phỏng vấn đồng bào tị nạn, thì CĐNVTD Queensland sẽ tiếp xúc, liên lạc và đưa ra quyết định hỗ trợ “Nhóm 5 Người” nào, thuộc địa phương hoặc tổ chức nào ở Hoa Kỳ.
Công việc quan trọng nhất của chúng ta hiện nay là tập trung vào công tác bảo trợ cho đồng bào tị nạn Việt Nam đã có quy chế tị nạn và hội đủ các điều kiện đòi hỏi của cơ quan Welcome Corps được đi định cư tại Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó chúng ta vẫn không quên tranh đấu cho những cựu thuyền nhân hay người tị nạn, đã bị từ chối hoặc chưa có quy chế vì những lý do khác nhau.
Công việc còn dài và sẽ rất đa đoan. Nhưng nếu mọi người cùng một lòng, một dạ, chung lưng đấu cật để hỗ trợ nhau trong việc giúp đỡ người tị nạn, thay vì tranh cãi hoặc đả kích lẫn nhau, thì nguyện ước đóng lại trang sử thuyền nhân Việt Nam trong công bằng và danh dự mới có thể thực hiện được.
Nhân đây, tôi xin chân thành gửi lời cảm tạ đến bác sĩ Bùi Trọng Cường, chủ tịch cùng toàn thể anh chị em trong ban chấp hành CĐNVTD Queensland. Cám ơn món quà tặng thật giá trị, đồng tiền kỷ niệm 50 năm ngày nước Úc tham dự vào cuộc chiến bảo vệ cho tự do, dân chủ tại Việt Nam, với hình ảnh lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ. Nhưng có lẽ không món quà nào có thể quý giá hơn hoặc so sánh được bằng sự hiện diện của 300 quý vị đồng hương, tất cả mọi người đã luôn luôn tin tưởng và dành cho tôi những cảm tình thật nồng hậu trong đêm dạ tiệc bao la và ấm áp tình người vừa qua.
Kính chúc quý vị luôn bình an và dồi dào sức khỏe.