Đang bị Mỹ cũng như nhiều nước tẩy chay, Huawei đã bí mật vận động hậu trường bằng chiến dịch truyền thông với chiến thuật “đánh lẻ” nhưng mục tiêu nhằm “thắng lớn”. Chiến dịch này được thực hiện như thế nào?
Edwin Vermulst, một luật sư thương mại ở Brussels, chẳng cần suy nghĩ nhiều trước khi viết một bài báo cho Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, với nội dung chỉ trích chính sách của Bỉ đe dọa loại Huawei khỏi các hợp đồng béo bở. Vermulst chẳng xa lạ gì với Huawei. Đương sự là “người nhà” của tập đoàn Trung Quốc này trong nhiều năm. Sau khi bài báo được đưa lên mạng ngày 17-12-2020 trên một trang web tiếng Hà Lan, Vermulst bắt đầu chuẩn bị viết bài thứ hai…
Đây là một phần trong chiến dịch “đánh du kích” trên mặt trận truyền thông nhằm gây ảnh hưởng của Huawei. Đầu tiên, ít nhất 14 tài khoản Twitter giả mạo với thông tin “hồ sơ cá nhân” ghi là chuyên gia viễn thông, giới viết lách và cả giới nghiên cứu đã chia sẻ các bài viết của Vermulst. Điều này cùng lúc được thực hiện khi xuất hiện nhiều người khác tấn công dự thảo luật của Bỉ với nội dung kiểm soát và hạn chế những nhà cung cấp nào được đánh giá là mang lại “rủi ro cao” như Huawei trong việc thiết lập hệ thống 5G cho nước này – theo Graphika, công ty chuyên nghiên cứu thông tin sai lệch và tài khoản mạng xã hội giả mạo.
Bước tiếp theo của chiến dịch là giới chức Huawei tweet lại nội dung từ các tài khoản giả mạo, để đẩy mạnh mức độ lan tỏa đến giới hoạch định chính sách, báo chí và lãnh đạo doanh nghiệp. Kevin Liu, chủ tịch phụ trách các vấn đề quan hệ đối ngoại và truyền thông công chúng của Huawei ở Tây Âu, người có tài khoản Twitter với 1,1 triệu người theo dõi, đã chia sẻ 60 bài đăng từ các tài khoản giả mạo trong ba tuần vào tháng 12 – theo Graphika. Trong khi đó, tài khoản chính thức của Huawei ở châu Âu, với hơn năm triệu người theo dõi, đã thực hiện tương tự 47 lần.
Ben Nimmo, nhà điều tra của Graphika, nhận xét rằng chiến dịch “đánh du kích” của Huawei cho thấy một bước ngoặt mới trong thao túng mạng xã hội. Những thủ thuật từng được sử dụng chủ yếu cho các mục tiêu tấn công nhà nước – như sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 – đang được Huawei điều chỉnh để đạt mục tiêu riêng.
Đây không phải chuyện một quốc gia nhắm vào một quốc gia khác nhưng ít nhiều cũng mang tính chính trị vì nó tác động đến chính sách của một quốc gia. Graphika, nơi cung cấp dữ liệu cho cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ về thông tin sai lệch của Nga nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ, cho biết hiện thời chưa có đủ bằng chứng để xác định ai đứng sau chiến dịch vận động gây ảnh hưởng của Huawei.
Phần mình, Huawei cho biết trong một tuyên bố rằng họ bắt đầu điều tra nội bộ “để cố gắng tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra và liệu có bất kỳ hành vi nào không phù hợp hay không”. Đại diện của họ nói: “Huawei có các chính sách truyền thông xã hội rõ ràng dựa trên thông lệ tốt nhất của quốc tế…
Một số phương tiện truyền thông xã hội và hoạt động trực tuyến khiến chúng tôi phải lưu ý đã cho thấy chúng tôi có thể thiếu kiểm soát việc tuân thủ các chính sách này và các giá trị rộng lớn hơn của Huawei về sự cởi mở, trung thực và minh bạch”. Twitter đã xóa các tài khoản giả mạo sau khi Graphika thông báo về chiến dịch vào ngày 30-12-2020.
Vài năm gần đây, Huawei đã trở thành mục tiêu của một số nước phương Tây, đặc biệt Mỹ. Chính quyền Trump cáo buộc Huawei mang lại mối đe dọa an ninh quốc gia, rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ truyền thông của Huawei để làm gián điệp. Huawei luôn phủ nhận. Chính quyền Trump đã thực hiện một số bước để cản trở Huawei, trong đó có việc cắt đứt nguồn cung cấp chất bán dẫn.
Tân Chính phủ Joe Biden cũng không hề tỏ vẻ nương tay với Huawei. Người được bổ nhiệm ghế Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ – Gina Raimondo – trình bày trong phiên điều trần Thượng viện rằng “Tôi sẽ sử dụng toàn bộ bộ công cụ ở mức tối đa có thể để bảo vệ người Mỹ và hệ thống mạng của chúng ta khỏi sự can thiệp Trung Quốc”. Tháng 12-2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua ngân sách 1,9 tỷ USD tài trợ cho việc thay thế thiết bị của ZTE và Huawei trong các hệ thống mạng của Mỹ. Chính phủ Anh cũng loan bố cấm các sản phẩm Huawei vào năm 2020; Đức và các nước châu Âu khác đang tranh luận về cách đối phó riêng của họ.
Graphika bắt đầu nhận biết chiến dịch truyền thông ủng hộ Huawei, sau khi phát hiện các bài đăng đáng ngờ về chính sách 5G của Bỉ từ các tài khoản Twitter từng được sử dụng trong một hoạt động quảng bá chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Tạp chí Bỉ Knack và Michiel van Hulten, giám đốc Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Brussels, cũng phát hiện điều này. Như nói ở trên, có 14 tài khoản giả được giới chức Huawei mạnh tay chia sẻ nhằm lan rộng những bài báo “viết đẹp” cho công ty cũng như chỉ trích chính sách 5G “sai lầm” của Bỉ. Chiến dịch kéo dài ba tuần được thiết kế để “chốt” “ngày khóa sổ” vào 30-12-2020 – thời điểm mà Chính phủ Bỉ xem xét chính sách 5G.
Thoạt nhìn, các tài khoản giả mạo không có gì bất thường. Tài khoản sử dụng ảnh đại diện linh tinh với thông tin rất ít về hồ sơ cá nhân; đa số chỉ có hơn 1.000 người theo dõi. Nhưng khi kiểm tra kỹ, các nhà điều tra bắt đầu nhận thấy các tài khoản này “có vấn đề”. Hầu hết người theo dõi của các tài khoản trên là giả mạo (bot). Ảnh đại diện được tạo ra bởi phần mềm trí tuệ nhân tạo. Cần biết, một số doanh nghiệp trực tuyến hiện bán đầy ảnh người giả nhằm tránh rủi ro bị phát hiện mà việc sử dụng ảnh người thật có thể mang lại.
Các tài khoản giả mạo trên đã chia sẻ bài viết từ những ấn bản trực tuyến khác nhau, trong đó có hệ thống mạng truyền thông EU Reporter, nơi chuyên đăng thông tin chính phủ lên trang web của họ hoặc trên các chi nhánh truyền thông London Globe và New York Globe. “Nếu chính phủ Bỉ loại trừ các nhà cung cấp cụ thể thì ai sẽ trả giá cho điều này?” – đó là tựa một bài viết đăng trên các trang thuộc EU Reporter.
Colin Stevens, chủ bút của EU Reporter, cho biết trong một email rằng ông “không biết bất kỳ tài khoản Twitter giả mạo nào quảng cáo các bài báo của chúng tôi”. Stevens nói rằng Huawei từng trả tiền cho EU Reporter để đăng các bài xã luận nhưng những bài báo này luôn được “dán nhãn” “từ chối trách nhiệm”. Trong một số trường hợp, các nhà điều tra đã tìm ra nhiều bài báo tương tự bài của Vermulst mà Huawei trả tiền cho người viết nhưng nêu rõ từ chối trách nhiệm về thỏa thuận tài chính.
Phil Howard, Giám đốc Viện Internet Oxford, cho biết những hoạt động như thế này có khuynh hướng phổ biến hơn khi thông tin sai lệch ngày càng được thương mại hóa. Trong một báo cáo gần đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã xác định, năm 2020, có 63 trường hợp mà một số công ty quan hệ công chúng (public relations-PR) dính vào các hoạt động bóp méo thông tin.