7 Maxims về Donald Trump

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Điều khác biệt căn bản của quốc gia dân chủ so với quốc gia độc tài là không ai được đứng trên pháp luật và cựu tổng thống vẫn có thể bị truy tố và nhốt tù (như trường hợp Nam Hàn) – ảnh: Liu Jie/Xinhua via Getty Images)

Trong lúc truyền thông báo chí đua nhau đăng tin vụ FBI lùng sục tư dinh cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago, và tờ chứng thư [affidavit] vừa được quan toà buộc FBI phải công bố, thì Seth Abramson, một luật gia và giáo sư đại học chuyên nghiên cứu và viết sách về Donald Trump, nói rằng nếu muốn hiểu rõ sự việc ta cần phải nhìn nó qua lăng kính của bảy cái Maxims về con người ông Trump.

Maxim nghĩa là gì? Giở tự điển Webster ra thì thấy cắt nghĩa là: “An expression of general truth or principle, especially an aphoristic or sententious one.”

Đọc xong càng thắc mắc, bèn phải tra tự điển tiếp:

Aphorism: a terse saying embodying a general truth, or astute observation.

Sententious: abounding in pithy aphorisms and or maxims.

Pithy: brief, forceful and meaningful in expression.

Hoá ra định nghĩa của tự điển cũng lòng vòng ghê gớm. Nhưng sau khi xem xét đầu đuôi, tôi mạn phép dịch Maxim như vầy:

Câu nói phản ảnh một sự thật ai cũng đồng ý [general truth], đặc biệt là nó thường ngắn gọn [terse, pithy] nhưng hàm chứa nhiều điều ta có thể quan sát được [aphoristic] hoặc phải công nhận là chuyện hiển nhiên [sententious].

Trong toán học thì maxim tương đương với chữ axiom mà ta hay gọi là mệnh đề. Nhưng trong ngữ cảnh này thì có lẽ từ đó không chính xác lắm. Có người gọi là tiên đề, người thì cho là luận đề. Ai có cao kiến gì xin góp ý. Nhưng trở lại với tiền đề của bài viết, bảy cái “sự thật hiển nhiên” mà Seth Abramson đưa ra về Donald Trump là những gì?

Maxim I: “You must always keep your eyes on Trump.” Vì Trump hay giở chiêu tung hoả mù, Abramson khuyên ta chớ nên phí quá nhiều thì giờ vào những gì đang được đăng rầm rộ bởi truyền thông báo chí mà quên mất Trump đang thực sự làm gì. Ta có thể mượn một maxim khác, của Tổng thống Thiệu, để diễn tả khái niệm này — “Đừng nghe những gì Donald nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Donald làm!”

Maxim II: “Trump’s conduct will turn out to have been much worse than was initially reported.” Ta sẽ phát hiện ra rằng những gì Trump làm thật ra không ổn hơn những gì được báo cáo lúc ban đầu rất nhiều. Chẳng hạn mới đầu ta nghe Nha Văn Khố (NARA) bảo rằng ngài cựu tổng đã mang 15 thùng tài liệu về Mar-a-Lago, nhưng bây giờ con số đó là khoảng 50 đến 62 thùng. Hoặc khởi thuỷ số tài liệu mật [classified] chỉ chừng 100 tập, nhưng giờ đã lên đến cả 1,000. Mới đầu họ nói Trump chỉ mang một số giấy tờ riêng tư về để sau này lập thư viện tổng thống, nhưng giờ ta biết còn có những tài liệu tuyệt mật thuộc dạng “Special Access Programs”. Thế nên thiên hạ đã bắt đầu gọi xì-căng-đan lớn nhất lịch sử Bạch Cung này bằng một từ mới — NARA-Lago!

Maxim III: “Every statement made by Donald Trump should, at first hearing, be presumed to be a lie.” Mọi tuyên bố của Donald Trump, khi mới nghe lần đầu, ta nên coi nó như lời nói láo. Maxim này còn được diễn tả một cách khác: “Every accusation is a confession” – mỗi câu Trump buộc tội người khác là một câu ông ta nhận tội. Trump rất giỏi trong việc đổ tội cho người khác. Và khi ông ta mở miệng buộc tội ai là báo chí lại đổ xô vào mổ xẻ, phân tách những cáo buộc ấy để ông ta có thì giờ đi làm chuyện (“không ổn”) khác. Nhưng ngược lại, những lời tố cáo thiên hạ của Trump là con dao hai lưỡi – qua chúng ta có thể đoán được bản thân Trump đã hoặc đang làm gì.

Những trang hồ sơ mật của Quốc Gia được FBI tịch thu tại tư dinh cựu Tổng thống Donald Trump (ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Maxim IV: “Trump’s two chief sins are pride and greed.” Trong bảy tội lỗi chết người [the Seven Deadly Sins] thì hai tội nặng nhất của Trump là lòng kiêu ngạolòng tham. Và trong bảy cái maxim này thì đây có lẽ là maxim mọi người dễ thấy nhất nơi con người Trump. Có thể nói Trump không phải là người có tham vọng quyền lực (như Putin chẳng hạn). Suốt cuộc đời Trump, ông ta thích được làm nhân vật quan trọng và trên hết là làm tiền – bất kể bằng cách nào. Hồ sơ cực mật của quốc gia mà Trump dám mang về nhà mình một cách phi pháp thì đủ biết.

Maxim V: “Trump will always commit acts of Obstruction in attempting to hide his conduct.” Trump luôn tìm cách che giấu việc xấu của mình bằng những hành động mang tính Cản Trở. Từ khi còn trẻ, đối với Trump thì việc làm ra thật nhiều tiền là trên hết, do đó ông ta luôn tìm mọi cách né tránh sự can thiệp của pháp luật. Và thường là ông ta thành công. Thành thử riết rồi Trump tin là không ai có thể truy tố mình, rằng ông ta có thể đứng bên ngoài (hoặc bên trên) pháp luật. Nhưng có lẽ lần này vỏ quýt dày Donald Trump đã gặp móng tay nhọn Merrick Garland.

Maxim VI: “Trump uses his lawyers to commit crimes.” Trump mượn tay luật sư của mình để làm chuyện phi pháp. Seth Abramson giải thích, trong đầu mình Trump luôn tin rằng một nửa số luật sư là những kẻ phạm pháp. Sư phụ của Trump, cố luật sư Roy Cohn, là ví dụ điển hình. Gần đây hơn thì có Rudy Giuliani, Sidney Powell v.v. Thành thử nếu ta muốn biết Trump đang âm mưu chuyện chi, cách dễ nhất là theo dõi xem mấy tay luật sư của ông ta đang giở trò gì vì Donald luôn đứng sau lưng để giựt dây.

Maxim VII:With Trump, there is literally no bottom.” Trump không có đáy – ông ta sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì miễn đạt được mục đích. Là người chuyên viết sách về Trump, Abramson khuyên ta phải cảnh giác cao độ trong những ngày sắp tới. Nếu Trump cảm thấy ông ta có thể bị bắt hoặc bị truy tố, ông ta sẽ tìm cách tẩu thoát khỏi nước Mỹ. Nhưng nếu Trump nhận thấy Tư Pháp khó bề kết án mình, ông ta sẽ ra tranh cử vào năm 2024 và dùng việc mình bị truy tố như cái cớ để xách động những người ủng hộ mình, thậm chí kêu gọi họ nổi loạn một lần nữa và dẫn đến một cuộc nội chiến thật sự. Bởi vì, đối với Trump thì “There is no bottom!

Trên đây là vài nhận xét của một chuyên gia về Trump; đúng sai thời gian sẽ trả lời. Là công dân một xứ tự do dân chủ, như Nhật Bản, như Úc, như Đức, Nam Hàn (nơi tổng thống bị đưa vào nhà đá)…, ai cũng có quyền chỉ trích lãnh đạo chính quyền khi thấy họ làm điều quấy, với điều kiện ta phải chịu khó đi bầu và dùng lá phiếu của mình để chọn người đại diện. Tiếng Anh có câu: If you don’t vote, don’t complain!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: