Ba ngày Tết và mâm cỗ Tết

(Ảnh: MXH)

Tục ngữ có câu“Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển cho rằng, vì phải thực hiện nghi lễ cúng bái, rồi bận tiếp khách, lại thêm khách đến ăn giỗ nhiều hơn dự tính… nên mới bị đói vào ngày giỗ cha; trong khi Tết, nhà nào cũng có cỗ, đi đâu cũng được mời ăn… nên no đủ. Giải thích như vậy là chưa thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của cái Tết trong tâm thức người Việt.

Ngày giỗ cha rất quan trọng và thường linh đình (Trâu bò được ngày phá đỗ, con cháu được bữa giỗ ông; Một bữa giỗ cha, ba ngày húp nước xáo). Nhưng giỗ cha không nhất thiết phải cỗ bàn thịnh soạn. Gặp năm mùa màng thất bát, đói kém, chiến tranh, loạn lạc… thì ngày giỗ cha, có khi chỉ có nén hương, chén nước, bát cơm, quả trứng gọi là “cúng cáo”, nhớ ngày kỵ. Như thế không có gì là trái đạo lý. Bởi tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ đầy. Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng (các cụ có thể “chước” đi cho). Thế nhưng ba ngày Tết lại là chuyện khác. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm, nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon, cũng phải ăn no, hoặc có gì đó khác ngày thường. Có câu Giàu hay nghèo, ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà, hay Đói cho chết, ngày Tết cũng phải no; Đói cũng thể ngày Tết, hết cũng thể ngày mùa là vậy.

Ngày Tết được ăn ngon, ăn no, mặc đẹp, vui vẻ, nhàn hạ, thì hy vọng cả năm cũng sẽ được như vậy. Bởi thế, Tết đến, người ta không chỉ ăn cho no bụng mà còn ăn để lấy may cả năm. Trong câu tục ngữ “Đói giỗ cha no ba ngày Tết”, dân gian đưa ra ngày rất quan trọng (giỗ cha) để so sánh, khẳng định một ngày khác còn quan trọng hơn nhiều: Tết là ngày quan trọng nhất trong tất cả những dịp lễ quan trọng trong năm; Có thể bị đói vào ngày giỗ cha, nhưng ba ngày Tết nhất định phải được no. 

Tết không chỉ ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên. Kẻ ăn mày đến ngày giỗ cha, có khi không có gì để cúng, nhưng Tết đến cũng phải cố tìm cách có được bữa tươm tất, no bụng. Người tha hương nơi góc biển chân mây, ngày giỗ cha có khi đành ngậm ngùi vọng bái; nhưng năm hết Tết đến thì nỗi sầu xa xứ bỗng trỗi dậy, thôi thúc người ta tìm mọi cách để trở về với quê hương bản quán. Không ai muốn (và không thể) “khất” được cái Tết. Không thể nhịn đói nằm co, một mình một bóng khi cả đất trời, thiên hạ đều náo nức đón Tết, vui Xuân, sum họp gia đình. Đó chính là sự đặc biệt của cái Tết so với tất cả những ngày đặc biệt trong năm.

(Ảnh: MXH)

“Ăn Tết” được hiểu bao gồm tất cả những nghi lễ, hoạt động vui chơi, thăm viếng, chúc tụng trong “ba ngày Tết”… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là “ăn Tết” với nghĩa quây quần bên mâm cỗ Tết mà tận hưởng thành quả lao động của cả một năm vất vả cực nhọc, một nắng hai sương. Tục ngữ có câu “Đi cày ba vụ không đủ ăn Tết ba ngày”. Quả vậy! Trong Đất lề quê thói, ông Nhất Thanh đã phải thốt lên: “Ta ăn Tết ba ngày mà có thể nói là sắm sửa Tết gần cả năm cũng không phải là ngoa”. Léopold Cadière (1869-1955), một học giả Pháp rất am hiểu phong tục tập quán, tâm lý người Việt, cũng nhận xét: “Đối với tất cả mọi người, ngay cả nhà nghèo, trong ngày Tết phải dâng cho ông bà tổ tiên những gì thịnh soạn nhất. Có người vì những ngày ấy mà mang nợ suốt năm, thế mà họ vẫn bằng lòng: Trước hết để dâng cúng tổ tiên và bắt đầu năm mới với bụng phủ phê no đầy”.

Xưa kia, đời sống kinh tế khó khăn. Quanh năm lao động quần quật, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nói gì đến ăn ngon, mặc đẹp. Thế nên, người ta phải làm lụng, dành dụm, chịu thương chịu khó, thiếu thốn quanh năm để dồn cho ba ngày Tết, cho mâm cỗ Tết. Lúa nếp cho năng suất thấp, hao cơm, nên ruộng đất được ưu tiên cấy lúa tẻ làm lương thực hàng ngày. Thường mỗi nhà chỉ dám dành dăm ba thước đất nhỏ hẹp để gieo cấy lúa nếp, rồi chia ra để sử dụng một cách dè xẻn trong các dịp giỗ chạp, lễ tiết, khách khứa trong năm. Còn lại, nếp phải để dành cho nồi bánh chưng và bánh tét – một trong những món chủ đạo (nếu không nói là quan trọng nhất) – mà ngày xưa chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào ba ngày Tết.

(Ảnh: MXH)

Con lợn xưa kia được xem là “hũ tiết kiệm”. Giống “lợn ta” vóc dáng vốn đã bé nhỏ, lại nuôi theo kiểu ăn theo người. Tí nước vo gạo, cám gạo, cơm thừa canh cặn “lấy phép”, còn lại chủ yếu lợn ăn rau bèo, nên càng chậm lớn. Sớm tối chăm bẵm, nhưng mỗi tháng lợn chỉ tăng được một vài cân là chuyện thường. Có khi lợn đã hết sức lớn, nhưng chưa đến Tết, thì người ta vẫn tiếp tục nuôi để dành. Đàn gà trống thiến chuẩn bị từ đầu năm, đã lớn đẹp như tranh, cũng phải để cuối năm, con thì bán bớt lấy tiền sắm Tết, con thì làm cỗ. Để có cá tát ao ăn Tết, thì ngày thường cũng phải ăn dè. Đến như mấy ống đậu xanh, khóm gừng, củ dong, hay mấy cái gộc tre, khúc củi nấu bánh chưng, rồi đồng tiền mua lá dong, lạt gói bánh…, cũng phải dành dụm, dồn góp dần mới làm nên cái Tết, mâm cỗ Tết.

Còn gì sung sướng, hân hoan cho bằng sau khi dâng cúng tổ tiên những sản vật tự mình nuôi trồng, cày cấy, rồi cả nhà quây quần bên mâm cỗ Tết. Mâm cỗ Tết hiện lên tựa trong giấc mơ ngày thường: Đồ ăn thức uống nào cũng ngon lành, thơm phức, đầy bát, đầy mâm! Người ta ăn với cảm giác tận hưởng, sung sướng nhìn ngắm lại thành quả lao động một nắng hai sương, công sức lao động của cả nhà quanh năm dồn góp mà thành. Trong không khí rạo rực của mùa xuân, tất cả đều hy vọng vào một năm mới no cơm ấm áo với bao điều tốt đẹp.

Mùng ba ăn rốn, mùng bốn ngồi không”. Nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển cho rằng, câu tục ngữ này phê phán thói ăn tiêu hoang phí, không biết lo xa. Nhưng thực ra, ý dân gian không phải vậy. Cả năm mong Tết, nhưng con cháu hay ông bà tổ tiên; người sống cũng như người đã khuất cũng chỉ đủ đầy, hương khói trong ba ngày Tết. Ngày mồng ba là ngày cuối cùng của ba ngày Tết được ăn uống “thả cửa”, cho dù không thịnh soạn bằng mấy ngày trước đó, nên gọi là “ăn rốn”.

Bánh chưng, giò chả gì đó cũng “vét” tất tần tật. Sang mồng bốn, “ngồi trơ, coi như trở lại ngày thường, hết Tết. Người ta lại trở về công việc đồng áng với bao vất vả lo toan thường ngày. Cho đến tận bây giờ, dù điều kiện kinh tế hơn trước rất nhiều, nhưng Tết với đầy đủ ý nghĩa, lễ nghi cũng chỉ gói gọn trong “ba ngày Tết” mà thôi. Thế nên dân gian còn có câu Sau ba ngày Tết là hết trơ trơ, Ông Vải ngồi chờ đến Tết năm sau…

Hàng ngàn năm qua, dù “thanh bình yên vui hay chiến tranh khốn khổ”… mỗi năm một lần, ba ngày Tết và mâm cỗ Tết sum họp gia đình vẫn rạo rực, tươi mới như mùa Xuân đất trời, thắp sáng niềm hy vọng trong lòng muôn người, muôn nhà, bất kể sang giàu hay nghèo khó…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: