Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch: Bìm bìm là thứ dây leo rất e ngại khi leo vào các nhà gạch (vì cái nóng kinh khủng tỏa ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi). Hay dùng để chỉ rõ một lẽ thật: “Đã hèn mọn thì chớ có bám víu vào các quý ông cao sang mà dễ bị thiệt đến thân”.
Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng soạn giả đều giảng không chính xác.
Bìm bìm (Ipomomea hederacea Jacq) thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), chữ gọi “khiên ngưu” 牽牛. Đây cũng là tên vị thuốc Bắc chữa phù thũng, thông đại tiểu tiện…
Tương truyền, ngày xưa có người dắt trâu đến để đổi lấy phương thuốc chữa bệnh từ bìm bìm (dị bản: dắt trâu đến để cảm ơn người đã mách cho bài thuốc chữa khỏi bệnh từ bìm bìm), nên loài cây này có tên “khiên ngưu” 牽牛 (dắt trâu). Lại có thuyết cho rằng, vì trong hoa bìm bìm có hình ngôi sao, thời kỳ hoa nở lại trùng với sự xuất hiện của chòm sao Khiên Ngưu 牽牛 mùa hè (tức Ngưu Lang tinh 牛郎星 hay Ngưu Lang Chức Nữ tinh 牛郎織女星), nên dân gian gọi loài hoa này là “khiên ngưu”. Dược điển “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi có ghi nhận vị thuốc này.
Trong thực tế, bìm bìm là cây phát triển mạnh về mùa hè, giỏi chịu nắng nóng. Bởi thế người ta dẫn dụ bìm bìm leo lên phủ kín mái tôn, mái fibro xi măng (những vật liệu hấp thu nhiệt rất lớn), để chống nóng cho quán xá, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Theo đây, về nghĩa đen: “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch” không phải vì sợ “cái nóng kinh khủng tỏa ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi”, như lý giải của Nguyễn Đức Dương.
Vậy, tại sao bìm bìm lại “đâu dám leo nhà gạch”?
Bìm bìm phát triển cực mạnh, vứt đâu cũng sống. Dù là một vị thuốc Bắc, nhưng với người Việt, bài thuốc có vị “khiên ngưu” không thông dụng. Mặt khác, nếu cần thì người ta thu hái bìm bìm hoang dại rất sẵn có trong tự nhiên, chứ không bao giờ trồng. Bởi thế, dân gian không cho bìm bìm sống ở khu vực phong quang, hay đất đai gieo trồng. Vì một khi đã leo lên được chỗ nào thì bìm bìm tồn tại và phát triển năm này qua năm khác, mọc lấn át tất cả. Sự che phủ dày đặc của bìm bìm không chỉ phá hỏng cây cối, mà còn phá hỏng rào giậu.
Mà rào giậu thì sao?
Lẽ thường, rào giậu không chỉ là địa giới phân chia nhà này với nhà kia, mà còn là phên giậu bảo vệ, che chắn kẻ gian tà hay gia súc gia cầm xâm nhập phá hại. Nhìn vào hàng rào có thể đoán biết được gia cảnh giàu nghèo, quy củ hay bệ rạc của chủ nhân. Bởi thế, thành ngữ “giậu nát chó ỉa” được dùng để chỉ cảnh nhà sa sút, tha phương cầu thực, rào giậu không ai chăm sóc. Trong khi tục ngữ “Giậu đổ bìm leo” lại cho thấy, khi rào giậu còn được trông nom, tu bổ, thì không ai để cho bìm bìm leo lên cả. Chỉ khi cảnh nhà tiêu điều hoang phế, “giậu nát chó ỉa”, thì bìm bìm mới có cơ hội leo lên. “Giậu đổ” thì “bìm leo”! Chính nghĩa đen này đã làm nên nghĩa bóng: kẻ tiểu nhân gặp lúc người ta thất thế mới thừa cơ vùi dập, lấn lướt, làm những điều mà trước đó chẳng dám ho he, động đậy. Thế nên tục ngữ Mường Ráo bổ chò ẻ thêm = Rào bổ [ngã, đổ] chó ỉa thêm.
Trở lại với câu “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”.
Xưa kia, phần nhiều nhà tranh vách đất lụp xụp. Thế nên “nhà gạch” là ngôi nhà quý. Theo đây, nếu như thành ngữ “Giậu nát chó ỉa” ám chỉ cảnh nhà sa sút, tiêu điều, thì câu “nhà ngói sân gạch cây mít” (dị bản “nhà ngói bức bàn”, “nhà ngói cây mít”) lại tả cơ ngơi bề thế, sung túc, vui vầy của người giàu có ở thôn quê. Với bờ giậu, mà một khi “giậu” có “đổ” thì bìm mới “leo” lên được, thì thử hỏi ai người để cho bìm bìm “leo nhà gạch”? “Nhà gạch” cao quý, chứ đâu phải “giậu nát chó ỉa”?
Như vậy, về nghĩa đen: chỗ của bìm bìm là nơi bờ hoang, bãi rậm, “giậu nát chó ỉa”, không phải ở “nhà gạch”. Không ai để cho bìm bìm leo lên nhà gạch, vì đây không phải là chỗ dành cho nó, chứ không phải “vì cái nóng kinh khủng tỏa ra từ nó có thể thiêu cháy dễ dàng cả dây bìm bìm tươi”, như soạn giả “Từ điển tục ngữ Việt” lý giải.
Về nghĩa bóng: Bìm bìm tượng trưng cho thấp kém, hèn mọn; nhà gạch là nơi chốn cao sang, tôn quý. “Bìm bìm đâu dám leo nhà gạch”, ý nói tự biết thân biết phận, không dám chơi trèo, đua đòi (câu đồng nghĩa Đũa mốc đâu dám chòi mâm son). Cũng dựa trên nghĩa đen đã phân tích ở trên, dân gian còn có câu: bìm bìm lại muốn leo nhà gạch (phê phán, chế giễu kẻ có thân phận thấp kém lại muốn đua đòi, chơi trèo; đồng nghĩa Đũa mốc lại chòi mâm son). Không phải “Đã hèn mọn thì chớ có bám víu vào các quý ông cao sang mà dễ bị thiệt đến thân”, như giải thích của Nguyễn Đức Dương.