Tục ngữ Việt Nam có câu “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa”. “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích:
“Chưa từng thấy ai lại ưa bán đắt để phải ngồi lì ngoài chợ cho tới tận trưa (mới được ra về). Hay dùng để dặn mọi người chuyên buôn bán chớ có tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình”.
Tuy nhiên, cả nghĩa đen và nghĩa bóng soạn giả đều giảng không chính xác. Xưa kia chợ sáng thường họp rất sớm và đến đến nửa buổi là bắt đầu tan chợ. Cả kẻ bán lẫn người mua đều tính toán sao cho việc mua bán kết thúc sớm để trở về nhà, có khi đường rất xa. Bởi thế, “chợ trưa” hiểu theo nghĩa bóng chỉ tình trạng ế ẩm, quá lứa lỡ thì, mà Việt nam tự điển (Lê Văn Đức) giảng là: “chợ trưa • (B) Gái về già, lỡ-thời: Em về giục mẹ cùng cha, Chợ trưa dưa héo kẻo mà buồn thay (CD).
Chỉ lỡ buổi chợ hoặc hàng hóa ế ẩm, thì kẻ mua người bán mới gặp nhau lúc chợ trưa. Thế nên dân gian có câu “Ông đi chợ trưa gặp bà bán ế”, ý nói đôi bên cùng may mắn, đúng dịp; kẻ muộn màng gặp người ế ẩm (đồng nghĩa “Gái lỡi thì gặp quan tri góa vợ”; “Buồn ngủ gặp chiếu manh/Vừa khi chồng bỏ gặp anh đứng/giữa đường”).
Như vậy để hiểu đúng câu tục ngữ, có hai điều cần chú ý:
1-“Bán đắt” trong “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa” có nghĩa đắt khách, đắt hàng, bán chạy, hàng hóa được nhiều người mua, chứ không phải “bán đắt” = tham lam, bán với giá cắt cổ, mà Nguyễn Đức Dương gọi là “tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình”.
2-Phân biệt sự khác nhau giữa “mà” và “để”:
– “Mà” = “từ biểu thị điều nêu ra sau đó là không phù hợp với điều vừa nói đến” (Từ điển điển tiếng Việt – Vietlex), chính là nghĩa của “mà” trong câu tục ngữ đang bàn: “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa” = Chẳng ai bán đắt hàng mà lại phải ngồi tới tận lúc chợ trưa để bán.
-Trong khi “để” = “từ biểu thị điều nêu ra sau đó là kết quả tự nhiên và không hay của việc vừa nói đến” (Từ điển Vietlex), một từ không có trong câu tục ngữ đang xét. Theo đây, chỉ một khi sửa câu tục ngữ thành “Chẳng ai bán đắt để ngồi chợ trưa”, mới có thể hiểu theo cách giảng của Nguyễn Đức Dương = “Chẳng ai lựa chọn cách bán với giá đắt, để rồi phải ngồi tới lúc chợ trưa để bán”.
Như vậy, câu “Chẳng ai bán đắt mà ngồi chợ trưa”, nghĩa đen được hiểu: kẻ bán nói rằng hàng mình đắt khách, nhưng một sự thực hiển nhiên không thể chối cãi: nếu “bán đắt” (đắt hàng), thì kẻ bán đã không phải ngồi tới tận lúc “chợ trưa”. Đã ngồi đến lúc “chợ trưa” là có vấn đề. Thế nên, dân gian còn có câu: “Của ngon ai để chợ trưa/Chẳng dưa quạ mổ cũng cà chín cây” (Ca dao). Đại Nam quấc âm tự vị: “Ai tầng bán đắt mà ngồi chợ trưa: hiểu về gái mới lớn, có duyên thì lấy chồng sớm, vô duyên thì phải muộn mằn”.
Về nghĩa bóng, không phải câu này “dùng để dặn mọi người chuyên buôn bán chớ có tham một vài món lợi nhỏ mà tự làm khổ chính mình” (như Nguyễn Đức Dương giải thích), mà ám chỉ trường hợp ế ẩm, hẩm hiu mà còn làm cao, giả bộ ta đây còn đợi giá: “Đã đem mình bán cửa tao, Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!” (Truyện Kiều); hay “Ba chồng để ngọn sông Đào, Trở về đóng cửa làm cao chưa chồng” (Ca dao).