“Chắp bút” hay “chấp bút”?

Minh họa: Joanna Kosinska/Unsplash

Ai chắp bút cho bài phát biểu gây chú ý của Tổng thống Mỹ…”; “Đây là người chắp bút dự thảo Hiến pháp…”; “Người chấp bút hồi ký cựu thủ tướng Anh…”

Một số tiêu đề và nội dung trích dẫn trên đây cho chúng ta thấy “chắp bút” và “chấp bút” được dùng như nhau. Vậy đây là hai từ đồng nghĩa hay một từ với hai cách viết chính tả đều được chấp nhận?

“Chấp bút” 執筆 là một từ Việt gốc Hán, trong đó “chấp” 執 có nghĩa là cầm, nắm. Ví dụ: chấp chính 執政 (nắm giữ chính quyền); chấp chưởng 執掌 (nắm giữ và quản lý); chấp sự 執事 (người nắm giữ một phần việc trong cách cuộc tế lễ).

Tra cứu hàng chục cuốn từ điển tiếng Việt, không có cuốn nào ghi nhận “chắp bút”. Với “chấp bút”, một số cuốn biên soạn và xuất bản ở miền Bắc (chủ yếu sau 1975) có thu thập và giải nghĩa. Tuy nhiên cách giải nghĩa còn phiến diện:

– “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học) giảng: “chấp bút: Viết thành văn theo ý kiến đã thống nhất của tập thể tác giả. Giao cho một người chấp bút”.

-“Từ điển tiếng Việt” (Trung tâm từ điển học Vietlex – Hoàng Phê chủ biên) giảng: “chấp bút: khởi thảo văn bản theo ý kiến đã thống nhất của một tập thể. Cuốn sách do một giáo sư nổi tiếng chấp bút ~ “Canh tư chấp bút thề nguyền, Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung.” (Cadao).

-“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên): “chấp bút: Viết thành văn bản sau khi đã thu lượm ý kiến nhiều người”.

Sở dĩ chúng tôi nói cách giảng của các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt phiến diện, bởi nghĩa “khởi thảo văn bản theo ý kiến đã thống nhất của một tập thể” chỉ áp dụng trong các ngữ cảnh như: chấp bút cho dự thảo Hiến pháp; chấp bút cho Văn kiện đại hội…

Trong khi ở các ngữ cảnh khác như “Người chấp bút hồi ký cựu thủ tướng Anh…” thì “chấp bút” ở đây có nghĩa là ghi chép lại lời kể của nhân vật trong hồi ký. Sự ghi chép này phụ thuộc vào cá nhân người kể chuyện, chứ không liên quan gì đến “ý kiến đã thống nhất của tập thể tác giả” nào khác.

Ngay như trong câu ca dao “Canh tư chấp bút thề nguyền, Khứ lai minh bạch cho tuyền thủy chung” mà Vietlex trích dẫn thì chấp bút ở đây lại có nghĩa viết, sáng tác (thư, thơ, văn…) chứ không phải là tổng hợp ý kiến của một tập thể hay ghi chép lại lời kể của một cá nhân.

Trong tiếng Việt, “chấp” và “chắp” với nghĩa áp lại, nối lại với nhau là hai hai cách cách viết có khi được dùng như nhau, như: chấp tay/chắp tay; chấp vá/chắp vá; chấp nối/chắp nối. Tuy nhiên, chấp với tư cách là yếu tố Hán Việt, nghĩa là cầm, nắm giữ, thì chỉ có duy nhất cách viết đúng là chấp.

Sở dĩ có sự nhầm lẫn “chấp bút” thành “chắp bút” vì trong tiếng Việt, “chấp” với nghĩa cầm, nắm giữ, không độc lập trong hành chức. Từ chỗ không hiểu nghĩa của “chấp”, người ta suy diễn “chắp bút” tức là chỉ công việc sửa chữa, thêm bớt, chắp nối để tạo thành một văn bản hoàn chỉnh. Cách phán đoán này tương tự như với trường hợp “sáp” 插 trong “sáp nhập” 插入 (nhập vào với nhau làm một). Vì không hiểu nghĩa của “sáp” 插 (nhập vào) nên người ta viết thành “sát nhập”.

Như vậy, cách viết đúng là “chấp bút”, chứ không phải “chắp bút”. “Chấp bút” 執筆 có nghĩa gốc là “cầm bút”. Nghĩa rộng là:

1.Ghi chép hoặc viết văn, sáng tác.

2.Khởi thảo văn bản hoặc viết thành văn bản theo sự thống nhất nội dung của tập thể.

3.Thuật ngữ thư pháp, chỉ cách cầm bút khi viết chữ bằng bút lông.

Trong ba nghĩa trên thì nghĩa một và nghĩa hai khá thông dụng trong tiếng Việt. Nghĩa ba chỉ giới hạn trong bộ môn thư pháp với những người học, viết chữ Hán bằng bút lông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: