Trước Tết ta vừa qua, BS Trần Mộng Lâm- Chủ bút báo Quốc Gia có gởi cho tôi một điện thư (ngày 18/12/2022) nguyên văn như sau:
“Câu đồng dao là: Con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà, chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo. Mấy câu này có ý nghĩa gì và đã xuất hiện trong trường hợp nào, vào thời điểm nào? Xin anh Thiết và các anh trong hội Việt Học cho lời giải thích để chúng tôi hiểu. Cám ơn anh”.
Tôi đã hồi đáp như sau:
Thưa BS Trần Mộng Lâm,
Đáng lý ra tôi đã trả lời ngay câu hỏi của anh qua điện thoại vì đây là đề tài tôi đã từng nghiên cứu. Nhưng bởi cái tánh “cầu toàn” nên tôi phải hồi đáp bằng văn bản. Xin mời anh đọc nguyên văn bài Trả lời trong khả năng hạn chế của tôi. Hy vọng sẽ làm vui lòng anh phần nào.
Theo nghĩa thông thường Ca dao là những bài hát lưu hành trong dân gian. Theo Từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn không có giai điệu, chương khúc. Còn đồng dao là câu hát của trẻ con, lời ca dân gian của trẻ con (đồng: con trẻ- Tự Vị, tr.323).
Nguồn gốc
Ai là tác giả của ca dao? Phần đông các nhà nghiên cứu đã đưa ra hai cách giải thích:
1.- Ca dao do giới bình dân lao động- cụ thể là nông dân sáng tác. Trương Tửu viết: “Nông dân Việt Nam đã làm ra nước Việt Nam, làm ra văn hóa Việt Nam, làm ra lịch sử Việt Nam. Cái đẹp đẽ, cái nên thơ, cái tôn quý của sức mạnh nông dân đã đổ vào câu ca, tiếng hát” (Kinh Thi Việt Nam, Sài Gòn. Liên Hiệp xb. 1950, tr.105). Nhận định của Trương Tửu có phần phiến diện, cực đoan. Chính ông đã vô tình phủ nhận sự đóng góp vào gia tài văn hóa bình dân của giới trí thức.
2.- Ca dao do các bậc văn nho trí thức sáng tác. Ưng Bình viết: “Những câu hát hay hò mà thường dân năng hát, đó có phải là thường dân đặt ra đâu, chính là các bậc văn sĩ đời xưa đặt ra mà thường dân ta nhớ lại” (Bán Buồn Mua Vui. Huế, Khánh Quỳnh xb.1954).
Nhận định của Ưng Bình cũng phiến diện, chủ quan. “Ông chỉ nhìn thấy cái lý thú, cái tao nhã trong tiếng hát, câu hò mà quên mất đi cái phần mộc mạc, bình dị, cái quê kệch trong tiếng nói chất phác hồn hậu, đậm đà màu sắc quê hương của người bình dân” (Nguyễn Kiến Thiết: Tánh Cách Đặc Thù Của Ca Dao Miền Nam. Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1972, tr.13).
Như vậy theo thiển ý, ca dao (có đồng dao) – một bộ phận của văn chương bình dân truyền khẩu do những bậc văn nho trí thức và giới bình dân lao động sáng tác.
Các bậc văn nho trí thức có thể là những hưu quan hoặc các môn đồ Khổng Mạnh đỗ đạt nhưng không muốn bị ràng buộc bởi danh lợi, lui về tiêu dao nơi điền lý; cũng có thể là các nho sinh “lảo đảo trường ốc” nên mở trường dạy học và sáng tác thơ văn để chuyên chở đạo lý thánh hiền (Văn dĩ tải đạo).
Ngoài ra, một số thức giả lưu tâm đến tiền đồ văn hóa dân tộc đã sáng tác, sưu tầm văn hóa dân gian, trong đó có ca dao, hò vè nhằm bảo tồn cái di sản lý thú của ông cha. Những sáng tác thơ văn nầy lưu hành trong dân gian, truyền tụng từ đời nầy sang đời khác, được đông đảo quần chúng đón nhận, chọn lọc, “nhuận sắc”; và cứ thế mà phổ biến rộng rãi qua hình thức truyền miệng để rồi trở thành văn hóa dân gian – gia tài chung của dân tộc.
Do vậy mà dấu ấn của tác giả đã bị mờ nhạt, thời điểm xuất hiện cũng khó xác định, ngoại trừ những câu ca bài hát có tác giả cụ thể hoặc liên quan tới lịch sử, địa danh, nhân danh.
Chẳng hạn như câu ca dao: “Hỡi cô tát nước bên đàng / Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?” do thi sĩ Bàng Bá Lân sáng tác đã trở thành ca dao.
Còn câu ca dao miền Nam: “Chim quyên hút mật bông quỳ / Nam kỳ Lục tỉnh thiếu gì gái khôn” xuất hiện ở Lục tỉnh sau khi vua Minh Mạng phân chia Nam kỳ làm sáu tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) từ năm 1832, v.v…
Tình trạng “tam sao thất bổn” và “dị bản” cũng không thể tránh khỏi. Điều đáng nói là làm sao biết văn chương bình dân vay mượn văn chương bác học hay văn chương bác học chịu ảnh hưởng văn chương bình dân.
Như vậy một bài ca dao, dân ca trước khi được truyền tụng thường phải trải qua ba giai đoạn: Sáng tác; Lưu hành; Nhuận sắc.
Trở lại bài đồng dao:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
(Dị bản: Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!)
Mèo là động vật nhỏ có vú, chuyên ăn thịt và sống chung với loài người (mèo nhà). Nhà nông nuôi mèo để bắt chuột (Chó giữ nhà, mèo bắt chuột) và đôi khi làm thú cưng như ở các đô thị nên chúng rất thân thuộc và gần gũi với con người.
Chuột là động vật ăn tạp và gặm nhấm. Chúng hay cắn xé đồ đạc, phá hại mùa màng và có khả năng gây ra nhiều dịch bịnh nguy hiểm. Vì vậy mèo được nuôi để diệt chuột.
Đây là bài đồng dao có nguồn gốc từ bài ca dao cổ xuất hiện vào thời phong kiến ở nước ta, khi xã hội còn phân chia thành hai giai cấp đối kháng: Thống trị và bị trị. Vì chưa thấy sách vở nào đề cập đến “trường hợp” và “thời điểm” xuất hiện nên chúng tôi nêu lên nghi vấn nầy ngõ hầu các bậc cao minh vui lòng giải đáp. Chúng tôi chỉ có thể giải thích bài ca dao/đồng dao như dưới đây.
Giải thích:
1.- Cách 1: Bài ca dao trên nhằm nói lên sự mâu thuẫn, sự tương phản trong xã hội có giai cấp. Đó là sự mâu thuẫn/tương phản giữa cái xấu xa và cái đẹp đẽ (Aristote); giữa cái tầm thường và cái cao quý (Kant); giữa cái có lý và cái phi lý (Richter). Từ cái tương phản, mâu thuẫn dẫn đến sự đối kháng.
Bài ca dao mô tả mối quan hệ ở nông thôn xưa, giữa kẻ mạnh cai trị (Mèo) và kẻ yếu bị trị (Chuột). Đó là quan hệ đối kháng, nước-lửa, mất-còn, trong đó chuột luôn ở thế yếu. Có người cho rằng: Bài ca dao phản ảnh sự giả nhân giả nghĩa của con mèo và sự khôn ngoan láu lỉnh của chú chuột.
Mèo chắc không rảnh để đi “thăm” chuột, nếu không có ác ý. Phải chăng đợi lúc chuột sơ hở là vồ, đớp ngay? Song, chú chuột lém lỉnh đâu dễ bị mắc lừa. Chuột đã cao chạy xa bay. Để làm vừa lòng mèo, chuột nhắn lại rằng bận đi chợ xa, mua đủ thứ vật dụng như mắm, muối về để lo giỗ cha kẻ không mời mà đến! Bài ca dao còn hàm chứa một nghịch lý: Kẻ bị trị lại lo giỗ quải cho ông cha kẻ thống trị nhằm thể hiện mong muốn hòa bình, an phận, yên thân. Nghịch lý đó còn được thể hiện ở bức tranh Đám cưới chuột – tức Trạng chuột vinh quy của làng tranh Đông Hồ.
Cũng có người giải thích: Xã hội phong kiến ngày xưa chưa có dân chủ, pháp luật, khi mà kẻ thống trị (vua quan) nắm toàn quyền sanh sát thì người dân đen thấp cổ bé miệng phải hối lộ, đút lót để lấy lòng vua quan là việc không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, họ không đủ mạnh hoặc chưa gặp thời cơ để “dấy can qua” ngõ hầu “sát nhứt miêu cứu vạn thử”. Bài ca dao còn toát lên một lời nguyền rủa, chửi “cha chú mèo”, một tiếng kêu công lý nhằm đạp đổ thành trì bất công áp bức!
2.- Cách 2: Bài đồng dao “Con mèo mà trèo cây cau” được sáng tác nhằm mục đích giáo dục tuổi thơ bằng những hình ảnh đẹp, sống động, ngộ nghĩnh qua màn kịch ngắn mà hai nhân vật chánh thủ diễn hết sức tự nhiên.
Quan hệ đối kháng giữa mèo và chuột được thay thế bằng sự thân thiết, gần gũi và biết quan tâm tới nhau. Quan hệ hỗ tương giữa mèo và chuột còn được thể hiện qua bài ca dao về tục Làm rể ở Nam kỳ: “Chuột kêu chút chít trong rương / Anh đi cho khéo đụng giường má hay…”.
Đầu óc non nớt của trẻ thơ được nuôi dưỡng rất sớm bằng tình cảm nhân hậu, yêu thương, thấm đậm nghĩa tình. Ở đây chưa thấy bóng dáng của hận thù giữa muôn loài. Bài đồng dao nầy nằm trong hệ thống các bài ca dân gian có cùng một mô-típ, cấu trúc quen thuộc như: Con kiến mà leo cành đa / Con cò mà đi ăn đêm… Lời lẽ ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng gói ghém tình ý rất sâu sắc có ý nghĩa giáo huấn rất cao.
__________
Một ngày sau khi nhận được thư trả lời của tôi, BS Trần Mộng Lâm đã phản hồi với lời lẽ hết sức lịch sự, khiêm tốn. Xin phép được chép nguyên văn như sau để rộng đường dư luận:
“Tôi ruột để ngoài da nên nghĩ sao nói vậy, xin anh bỏ qua cho nếu có gì làm anh phật lòng, nhưng tôi nghĩ không phải đây là một câu hát nghêu ngao mà phải có một lý do mà mình chưa biết nên hỏi mọi người nhưng nếu chỉ là kẻ bị đàn áp và kẻ đàn áp thì câu hát đó không thể truyền tụng trong dân gian từ mấy trăm năm (cần gì phải nói con mèo và con chuột, cây cau, mắm và muối ).
Ông thầy tôi, GS Trần Ngọc Ninh có lẽ biết vì ông đã giảng cho tôi là câu nói đó liên quan đến lịch sử Việt Nam, hình như là từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ đánh trận Đống Đa với Tôn Sỹ Nghị, nhưng rất tiếc là GS Ninh hiện đang nằm khu emergency bên Mỹ, có lẽ sắp chết, nên tôi không dám làm phiền thầy, nhưng không thể đơn sơ như mình nghĩ, vì giảng như vậy quá dễ. Vậy xin anh bỏ qua cho” (Điện thư ngày 8/01/2023).
Như vậy theo cách giải thích của BS Trần Ngọc Ninh (do BS Trần Mộng Lâm dẫn) thì bài ca dao/đồng dao trên có nguồn gốc lịch sử “Từ khi Quang Trung Nguyễn Huệ đánh trận Đống Đa với Tôn Sỹ Nghị”. Chúng tôi chưa thấy có sách vở nào giải thích như BS Ninh và nêu sự tồn nghi nầy với ước mong các bậc thức giả vui lòng lên tiếng để có dịp học hỏi. Xin thành thật cám ơn quý vị, đặc biệt BS Trần Mộng Lâm đã tin tưởng nơi tôi và đặt câu hỏi rất thú vị nhân Tết con Mèo.
Montréal, Tháng Ba 2023