“Đồ cái thứ lăng loàn” là…?

Minh họa

Trong cuộc sống có những phụ nữ bị mắng là “Đồ lăng loàn!”. Vậy tại sao lại gọi là “lăng loàn”? Và những hợp nào thì bị xem là “lăng loàn”?

Trong sách Đất lề quê thói có riêng một tiểu mục là “LĂNG LOÀN”. Tác giả Nhất Thanh viết:

Cô gái về nhà chồng, sau mọi thủ-tục lễ-nghi, bước chân vào phòng cô dâu, việc đầu tiên là vội vàng ngồi vào nơi đầu giường ngủ, và khi thay áo thì tìm cách vắt chờm lên trên áo của chồng, sớm được chừng nào hay chừng nấy. Những bạn bè đã đi bước trước và nhiều khi chính mẹ cô dâu đã rỉ tai bảo làm như vậy thì rồi sẽ không bị chồng bắt nạt, và trái lại sẽ bắt nạt được chồng (…) Tâm lý của phần đông các cô, rồi thành các bà, là thích bắt nạt chồng. Vừa mới bước chân về nhà người ta đã vội vã thực hiện ngay mấy điều tâm-niệm kia, rồi luôn luôn tìm cách áp đảo, không dùng thế công thì cũng giữ thế thủ”.

Ở đây, Nhất Thanh không giải thích cụ thể về nghĩa của từ, và chỉ nói đến thói lăng loàn của người vợ ở mức độ nhẹ là hay “bắt nạt”, “áp đảo” chồng. Trong thực tế, từ “lăng loàn” được dùng với nghĩa rộng và nặng hơn, gồm thái độ hỗn láo của nàng dâu với mẹ chồng, nàng dâu với bố chồng, hoặc chỉ chung những người phụ nữ có quan hệ trai gái phóng túng, có thái độ hỗn xược với bề trên. Ví dụ:

Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị): lăng-loàn • Không kể trên dưới, đức-hạnh, phóng đãng quá <> Con gái lăng-loàn mất nết”.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): lăng-loàn • Nói kẻ dưới hỗn xấc với người trên <> Con dâu hư lăng-loàn cả mẹ chồng”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “lăng loàn • Hỗn-xấc, lấn-lướt kẻ trên trước: Đàn-bà lăng-loàn”.

Về từ nguyên, thì lăng loàn là một từ Việt gốc Hán, vốn đọc là lăng loạn 凌亂 (loạn 亂 nói trại thành loàn). Sự ghi nhận của một số cuốn từ điển xuất bản trước 1975 cho ta thấy trong tiếng Việt, lăng loàn vốn cũng được nói là lăng loạn:

Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập): “lăng-loàn  [lăng-loạn] • Lấn lướt làm cho rối loạn <> đàn bà lăng-loàn”.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “lăng loạn • đt. Lấn-lướt làm rối-loạn hàng-ngũ, trật-tự”.

Trong tiếng Hán, lăng loạn 凌亂 có nghĩa là tạp loạn, không có trật tự (thường chỉ về cây cối, hoa cỏ, sự vật). Còn để chỉ người đàn bà lăng loàn, tiếng Hán có các từ như bát phụ 潑婦 (bát 潑 = ngang ngược; phụ 婦 = đàn bà → đàn bà ngang ngược), “hãn phụ” 悍婦 (hãn 悍 = mạnh tợnngang bướng → đàn bà ngang bướng, mạnh tợn).

Vì sao trong tiếng Việt, một người đàn ông dù hỗn xược thế nào cũng không ai gọi là lăng loàn? Có lẽ, từ chỗ quan niệm người phụ nữ trong gia đình phải giữ đạo vợ chồng, giữ phận làm dâu con, sao cho có phép tắc trên dưới, theo đúng luân thường, đạo lý, nên những người phụ nữ lăng loàn (lộn xộn, không có trên dưới, trật tự, bất chấp đạo lý) chính là người làm rối loạn cương thường (tam tòng, tứ đức…), không giữ đúng bổn phận, đạo làm vợ, làm dâu con. Thế nên người Việt đã mượn nghĩa của từ lăng loạn 凌亂 (lộn xộn, không có trật tự nói chung), trong tiếng Hán để tạo ra một từ có nghĩa mới trong tiếng Việt, chuyên chỉ về sự vi phạm đức hạnh của người đàn bà.

Như vậy, lăng loàn (termagant) là từ Hán Việt Việt dụng (từ gốc Hán được người Việt dùng với một nghĩa mới, không có trong tiếng Hán). Và một người phụ nữ bị xem là lăng loàn khi:

1-Có thái độ hỗn láo, xấc xược với chồng, bố mẹ, gia đình, họ hàng anh em nhà chồng.

2-Có mối quan hệ trai gái phóng túng.

3-Có thái độ hỗn xược với bề trên nói chung…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: