Inspector General là gì?

Tiếng Anh theo dòng thời sự
Minh họa: Unsplash

Mấy tuần trước nghe tin các nhân viên Mật Vụ hô hoán đánh mất một lô tin nhắn vì “đổi điện thoại di động.” Giờ đến phiên Bộ Nội An cũng báo cáo là nhiều mẩu điện tin của họ vào cùng thời điểm cũng bị “deleted” một cách bí ẩn! Ai đã xoá những cú text đó? Xoá hồi nào? Nội dung của chúng là gì? Tại sao xoá?!?

Trả lời những câu hỏi vô cùng quan trọng đó là nhiệm vụ của một cơ quan nhà nước gọi là OIG – Office of Inspector General (Văn phòng Tổng Thanh tra). Văn phòng OIG được thành lập dưới thời Tổng thống Jimmy Carter bởi một đạo luật mang tên Inspector General Act of 1978. Đạo luật này cho phép chính phủ lập ra mười hai chức vụ Tổng thanh tra (Inspectors General) với các quyền hạn và nghĩa vụ như sau:

1/authority to review the internal documents of their departments or offices (quyền kiểm tra tài liệu cơ quan trực thuộc thẩm quyền);

2/responsibility to investigate fraud (bổn phận điều tra các vụ gian lận hay lãng phí);

3/give policy advice (cố vấn các chính sách của cơ quan);

4/handle certain complaints by employees (xử lý đơn than phiền của nhân viên)

5/report to the heads of their agencies and to Congress on their activities every six months (mỗi sáu tháng phải báo cáo công việc lên Giám đốc cơ quan hoặc lên Bộ trưởng).

Các vị tổng thanh tra này đều do tổng thống bổ nhiệm, và phải được Thượng Viện chấp thuận. Đến năm 2008 đạo luật này được bổ sung và OIG mở rộng ra đến 72 ban bộ của chính phủ Liên Bang (Federal government) cũng như một số cơ quan độc lập thuộc Hành Pháp như Federal Reserve (Cục Dự Trữ Liên Bang) hay Federal Communication Commission (Uỷ ban Truyền thông Liên bang).

Do đó, khi Bộ Nội An (Homeland Security) ra đời sau vụ khủng bố 9/11, Bộ cũng có một văn phòng OIG riêng đứng đầu bởi một vị tổng thanh tra. Và cũng kể từ đó Sở Mật Vụ (Secret Service) được nằm dưới sự quản lý của Bộ Nội An, tức dưới quyền kiểm soát của Tổng thanh tra Bộ Nội An.

Chuyện gì đã xảy ra tại Bộ Nội An?

Ngay sau khi Uỷ Ban Đặc trách Điều tra vụ 6/1 phát giác một số tin nhắn của nhân viên Mật Vụ trong hai ngày 5 và 6 tháng Giêng đã biến mất, Tổng thanh tra Bộ Nội An là ông Joseph Cuffari liền tuyên bố văn phòng ông sẽ “open a criminal probe” – tức mở một cuộc điều tra hình sự. Tuy nhiên, các viên chức của Sở Mật Vụ nói họ đã báo cho ông Cuffari biết về việc tin nhắn bị xoá từ tháng Năm năm 2021, tức trước đó cả mười mấy tháng. Liền lúc đó văn phòng ông Cuffari đã mở một cuộc điều tra, nhưng một tháng sau thì cuộc điều tra bỗng dưng được/bị khép lại (chẳng biết vì lý do gì). Thế rồi đến Tháng Mười Hai thì nó được mở trở ra, nhưng không ai trong Quốc Hội được thông báo, nhất là Uỷ Ban 6/1 của Hạ Viện đang điều tra vụ tấn công Điện Quốc Hội.

Chủ tịch Uỷ Ban, ông Bennie Thompson, vừa gửi một bức thư yêu cầu ông Cuffari “recuse himself from the investigation” – nghĩa là tự rút lui ra khỏi cuộc điều tra hình sự hiện nay, để cho một người khác vào thay thế. Lý do vì có dấu hiệu cho thấy có thể chính ông Cuffari cũng liên can đến sự việc nghiêm trọng này. Việc ông Cuffari là người được Tổng thống Trump bổ nhiệm hồi năm 2019 cũng làm nhiều người mất tin tưởng vào khả năng giữ trung lập của ông ta.

Chưa kể là mới đây nhất ta còn được cho biết thêm rằng điện thoại di động và text message giữa hai viên chức cao cấp của Bộ Nội An trong những ngày tao loạn tháng Giêng cũng đã bị xoá sạch. Hai người đó là Chad Wolf – Quyền Bộ trưởng (Acting Secretary) Bộ Nội An, và Ken Cuccinelli – Quyền Phó Bộ trưởng (Acting Deputy Secretary) Bộ Nội An. Hai người này được Tổng thống Trump bổ nhiệm suông vào cuối năm 2019 mà không cần Thượng Viện chấp thuận. Tháng Mười Một 2020 Toà án Liên bang ra phán quyết việc họ được giữ những chức vụ đó là “illegal” – bất hợp pháp. Khi Chad Wolf từ chức ngày 11/1, năm ngày sau cuộc phiến loạn, các tin nhắn giữa y và tay phụ tá Ken Cuccinelli cũng biến mất theo.

Chính vì không thể tin tưởng Inspector General của Bộ Nội An có thể điều tra chính mình, ngày hôm qua Thượng nghị sĩ Dick Durban (DC-Illinois) đã gửi thư cho Bộ Tư Pháp yêu cầu Bộ trưởng Merrick Garland phải “xen vào ngay lập tức và truy đến cùng xem chuyện gì đã xảy ra với các tin nhắn, đồng thời bắt những người có trách nhiệm (responsible) phải chịu trách nhiệm (accountable)” – “step in and get to the bottom of what happened to these text messages and hold accountable those who are responsible.”

Now what?!

Nhiều người cắc cớ hỏi: “Thế Tổng thống Biden có quyền đuổi việc ông Joseph Cuffari  không?” Câu trả lời là “Có!”, nhưng phải có lý do chính đáng vì Quốc Hội cũng có quyền phản bác. Chẳng hạn như hồi mới nhậm chức, Tổng thống Reagan đã muốn đưa người của mình vào thay thế một số Inspectors General do Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm, nhưng bị Quốc Hội phản đối quá nên ông phải lùi bước.

Tuy nhiên, năm 2020 Tổng thống Trump đã đuổi việc năm vị Tổng thanh tra trong vòng sáu tuần lễ với những lý do hết sức mơ hồ, nặng cảm tính. Thấy vậy, Quốc Hội đã phải ra đạo luật H.R. 6984 – Inspector General Independence Act, để bảo vệ sự độc lập của các Tổng thanh tra. Đạo luật này đòi hỏi tổng thống nếu muốn đuổi việc Inspector General thì phải có lý do chính đáng và phải trưng ra đầy đủ bằng cớ. Cho nên muốn đuổi ông Tổng thanh tra Joseph Cuffari không phải chuyện đơn giản. Để xem Tổng thống Biden ứng xử thế nào.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: