Bài “Nghe hơi nồi chõ” (báo Tuổi trẻ Online) viết: “Theo từ điển tiếng Việt nghĩa đen “nghe hơi nồi chõ” là nghe tiếng hơi nước trong chõ đồ xôi, do phải nghe qua thành nồi bịt kín nên khó đoán định đúng độ sôi của nước bên trong”.
Sách “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương) giải thích: “Nghe hơi nồi chõ Thăm chừng xem hơi có bay lên trong nồi chõ không (để đoán xem cái đang đồ đã chín chưa). Hay dùng để ví với việc quen đoán già đoán non qua những tin đồn thất thiệt tình cờ nghe được”.
Không rõ “từ điển tiếng Việt” mà bài trên báo Tuổi Trẻ dẫn của tác giả nào, nhưng cách giải thích nghĩa đen này, theo chúng tôi không ổn. Bởi khi nồi đáy của chõ xôi sôi, hơi nước nóng bắt đầu thoát lên, đồng nghĩa với “độ sôi của nước bên trong” luôn ở 1000C, không hơn không kém. Thế nên, không ai đi “đoán định” độ sôi của nước trong nồi chõ làm gì.
Cách giải thích của Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương, xem ra cũng khó thuyết phục. Vì người ta lấy thời gian đun nấu để xác định thời điểm đồ ăn đã được hấp/nấu chín hay chưa, chứ không phải quan sát qua hơi nước bốc lên. Mặt khác, chỉ cần nồi chõ sôi một lúc, đủ làm nóng đều gạo, thịt phía trên, là bắt đầu nhìn thấy hơi nước/khói bốc lên, phì ra, chứ không phải đợi đến lúc xôi chín mới thấy hơi. Ấy là chưa nói đến việc nếu cần biết “hơi có bay lên” không, người ta chỉ cần quan sát hơi khói bên ngoài, mà không cần “thăm chừng xem hơi có bay lên trong nồi chõ không” (tức phải nhìn vào trong nồi chõ).[1]
Sách “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, tác giả Lê Gia sau khi bác bỏ cách hiểu (giống báo Tuổi Trẻ trích dẫn), đã “bàn thêm” như sau: “Cái nồi chõ để nấu xôi không làm chín xôi một cách trực tiếp bằng nước sôi mà bằng hơi nước nóng ở dưới nồi bốc lên, như vậy là nước đã làm chín xôi một cách gián tiếp bằng nước nóng. Ý nói: Nghe được điều gì đó một cách gián tiếp qua trung gian, chứ không phải có mặt tại chỗ mà nghe, mà thấy. Thí dụ: “Sách báo y chẳng có đọc, cứ đi nghe hơi nồi chõ ở đâu đó rồi cãi bướng”.
Tuy nhiên, cách giải thích của Lê Gia càng không ổn. Vì tuy “làm chín xôi một cách gián tiếp”, nhưng xôi vẫn chín thơm ngon, có kết quả mắt thấy tay sờ, đâu có gì sai lệch, không chính xác, chắc chắn? Ví dụ, trong “Cái sân gạch”, Đào Vũ viết: “Điểm yếu nhất của lão là lão chỉ nghe hơi nồi chõ, chứ thật tình chưa thực mục sở thị”. Theo đây, cái chính là tục ngữ ám chỉ việc chỉ nghe hơi, nghe mùi (tức chuyện của nhà khác, người khác) chứ không tận mắt nhìn thấy. Hơn nữa, “làm chín xôi một cách gián tiếp”, nghĩa là nói về cách nấu xôi, sao lại gọi là “nghe hơi”?[2]
Theo chúng tôi, mấu chốt của vấn đề là phải hiểu đúng nghĩa từ “nghe hơi”.
“Nghe” ở đây không phải là cảm nhận âm thanh, tiếng động bằng thính giác; “hơi” cũng không phải là hơi nước, hơi khói bốc lên từ nồi chõ (nhìn thấy bằng mắt), mà “hơi” có nghĩa là “mùi”. “Nghe hơi” là đánh hơi, nhận biết mùi gì bằng khứu giác.
Nhiều người cho rằng, đã gọi là “nghe”, thì phải là sự cảm nhận âm thanh bằng tai, chứ không ai “nghe” được mùi, và lại là “nghe” bằng mũi. Và từ “nghe mùi” ở đây chẳng qua là tiếng địa phương Thanh Hóa. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
“Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của) ghi nhận: “nghe mùi • biết mùi”;
“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) giảng: “nghe • Nhận được mùi bằng mũi: Nghe hôi-hôi, nghe có mùi thúi”; “nghe hơi • đt. Đánh hơi, nghe mùi phảng-phất: Nghe hơi tanh, lằng bay tới. • (B) Nghe phỏng, không đích-xác: Nghe hơi rồi nói phỏng”.
Hay “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí): “hơi • 1 Khí, mùi <> Hơi đất, hơi nước, hơi bùn, hơi khó ngửi. Văn-liệu: Quen hơi bén tiếng. Nghe hơi nồi chõ…”. Điều thú vị là trong tiếng Hán, chữ “văn” 聞, ngoài nghĩa là “nghe thấy”, cũng còn có nghĩa là “ngửi thấy”.
Ngoài ra, không phải “nồi chõ” chỉ dùng để đồ xôi. “Đại Nam quấc âm tự vị” (Huình Tịnh Paulus Của) cho biết: “Chõ .n. Đồ bằng đất có hông, phía dưới có xoi lỗ để mà xôi, mà hấp. Cái chõ. Id; Chõ xôi. Đồ bằng đất để mà xôi xôi”; “Xôi.n. Lấy hơi nước sôi mà làm cho chín; nếp đã nấu chín cách ấy”.
Theo đây, nồi chõ là một dụng cụ để mà “xôi, mà hấp” nhiều loại đồ ăn, chứ không chỉ riêng có xôi. Nghĩa là người ta không chỉ “xôi” gạo nếp mà còn “xôi ngô”, “xôi sắn”, “xôi thịt”, “xôi bánh”… “Hơi nồi chõ” theo nghĩa rộng, được hiểu là tất cả các loại mùi vị thức ăn do nấu nướng mà bay ra, khiến ta có thể cảm nhận, đoán định bằng khứu giác.
Vì là xôi/nấu thức ăn bằng hơi nước nóng bốc lên, nên mùi thức ăn từ chõ cũng xông lên, lan toả rất mạnh. Ở thôn xóm xưa kia, cái đói cái thèm dường như luôn dày vò và tác động mạnh đến mọi giác quan người ta. Bởi vậy, mùi thức ăn thơm ngon toả ra từ nơi nào, luôn gây được sự chú ý, phán đoán thế này thế kia. Ví dụ: “Hi..ít…h…à! Nhà ông B đồ xôi hay sao mà thơm quá!”; “Mùi gì như mùi cốm nếp ấy nhỉ!”. Thậm chí chỉ là cảm thán “Mùi gì mà thơm thế nhỉ!”…
Vì không được tận mắt nhìn thấy nồi chõ, chỉ “nghe hơi”, nghe mùi thoang thoảng, như xa như gần trong gió, nên rất khó biết nó toả ra từ hướng nào, nhà nào, và đích xác nó là mùi của loại thức ăn gì. Ví như tuy cảm nhận là mùi thơm của xôi nếp, nhưng thực tế không phải từ chõ xôi, mà là từ nồi…cháo nếp, hoặc chõ bánh nếp; không phải đến từ nhà ông B, mà là từ nhà bà A. Thậm chí, mùi “xôi” ấy, thực chất chỉ là hương của nắm lá cây cơm nếp, được hấp trong nồi cơm tẻ để tạo mùi. Và dù có phỏng đoán thế nào, thì tất cả cũng chỉ là “nghe hơi”, hóng chuyện, ngửi mùi thức ăn của nhà khác mà thôi!
Như vậy, về nghĩa bóng, “Nghe hơi nồi chõ”, không đơn thuần nói việc “chỉ nghe qua lời đồn đại, không có gì chắc chắn” (“Từ điển tiếng Việt”-Vietlex), mà dân gian còn có thâm ý chế giễu, chửi khéo kẻ thích nghe ngóng, hóng hớt, “chõ mũi” vào chuyện người khác, chẳng khác nào đánh hơi, nghe nghe mùi thức ăn từ nồi chõ nhà khác, rồi phỏng đoán, bàn ra tán vào như thật, trong khi chính mình cũng không tận mắt nhìn thấy, không biết thực hư ra sao. Theo đây, dù đều có ý ám chỉ sự “nghe qua lời đồn đại” rồi nói theo, nhưng kiểu ví von “nghe hơi nồi chõ” của dân gian “đau” hơn nhiều[3].
Chú thích:
[1]-Một số cuốn từ điển khác chúng tôi có trong tay chỉ giải thích nghĩa bóng:
1-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Nghe hơi nồi chõ. (chõ: nồi có lỗ ở đáy để đồ xôi). Chỉ nghe qua người khác nói, không có gì chắc chắn”.
2-“Thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Bùi Hạnh Cẩn): “Nghe hơi nồi chõ: Chỉ nghe lại qua người khác nói, không có gì chắc chắn”.
3-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “Nghe hơi nồi chõ. Hay tin nhà nào có đám tiệc hoặc đình chùa có cúng thì đến kiếm ăn”.
[2]-Lê Gia dẫn một số cách giải thích, nhưng không cho biết cụ thể trong sách nào:
“1) Chỉ nghe đồn đại, nghe qua người khác, không có gì chắc chắn cả, ví như nghe hơi nước trong chõ đồ xôi, do phải nghe qua thành nồi bịt kín thì khó mà đoán định đúng độ sôi của nước bên trong.(?). 2) “Nồi chõ”: Nồi hông hay cái xửng bao giờ cũng được đặt trên một nồi nước sôi. Nồi nước này sôi thì phần bếp ở trên nồi hông (hay xửng) mới nhờ hơi nóng đó mà chín thành hơi được. Do đó mà tiếng nước sôi không phải là do nồi hông (chõ) mà chính là của nồi nước. Nếu nghe hơi nồi chõ thì không chính xác(?)”.
Tác giả Lê Gia phản biện hai cách hiểu trên như sau: “Theo chúng tôi: Đây đâu phải là nghe tiếng nước sôi ở dưới nồi qua cái hơi ở chỡ mà là xôi chín gián tiếp theo hơi nước nóng, tức nghe qua hơi gió đưa đi chứ không nghe trực tiếp, và “chín thành hơi” là chín thế nào”.
[3]-Tục ngữ Hán có câu đồng nghĩa ““Đạo thính đồ thuyết-道聽塗說 (Nghe chuyện ngoài đường rồi nói lại chuyện ngoài đường). Nguyên câu này trong sách “Luận Ngữ”: “Tử viết: Đạo thính nhi đồ thuyết, đức chi khí dã-道聽而塗說德之棄也-Khổng Tử nói rằng: Những kẻ nghe chuyện ngoài đường rồi thuật lại chuyện ngoài đường, thì bỏ mất cái đức của mình đi vậy”.