Thủ lãnh nhóm Oath Keepers là Stewart Rhodes cùng bốn đồng bọn đã bị kết tội trong một vụ án liên quan đến cuộc tấn công vào Điện Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng. Trong số gần cả chục tội danh lớn nhỏ bên công tố đưa ra, Rhodes và Kelly Meggs, người đứng đầu chi bộ Florida, bị kết tội nghiêm trọng nhất là Mưu đồ Phản loạn – Seditious Conspiracy, một trọng tội hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ.
Điều 18, Khoản 2384 của Bộ Luật Hình Sự, 18 U.S.C. § 2384, định nghĩa Seditious Conspiracy như sau (trích):
“two or more persons… conspire to overthrow, put down, or to destroy by force the Government of the United States,… or by force to prevent, hinder, or delay the execution of any law of the United States…”
Nói một cách nôm na, đó là trường hợp mà hai người trở lên mưu toan dùng vũ lực để lật đổ chính phủ Mỹ hoặc bằng vũ lực nhằm ngăn cản không cho chính quyền làm những gì luật pháp Hoa Kỳ cho phép.
Đạo luật này ra đời năm 1861, khi các nhóm secessionists ủng hộ việc tách khỏi Liên Bang chiếm thế thượng phong và kiểm soát một số tiểu bang ở miền Nam. Điều khoản này cho phép nhà nước kết tội họ cũng như dùng quân đội để triệt tiêu mọi mưu toan phản loạn. Và như ta biết, không lâu sau đó cuộc Nội Chiến bùng nổ.
Seditious Conspiracy khác với tội Treason (phản quốc) ở chỗ nó do nhiều người cấu kết với nhau để thực hiện, và đặc biệt là có yếu tố vũ lực. Từ sau Nội Chiến đến nay tội danh này rất ít khi được dùng để truy tố ai vì thật ra nó cực kỳ khó để chứng minh. Vào các thập niên 1930-1950 nó thường được dùng để bỏ tù những người đấu tranh đòi độc lập cho Puerto Rico, vốn là một lãnh địa dưới quyền pháp trị của Mỹ. Năm 1980 thủ lãnh của nhóm Puerto Rican Nationalists là Carmen Valentin Perez bị kết tội Seditious Conspiracy và tuyên án 90 năm tù. Bà được Tổng thống Bill Clinton ân xá năm 1999, trước khi ông chấm dứt nhiệm kỳ thứ nhì.
Một vài nhóm da trắng cực hữu ở Mỹ cũng từng bị truy tố tội danh này, như: Christian Front (1940); The Order and The Covenant (1988); Hutaree Patriot Front (2010). Nhưng không một ai trong số này bị kết tội. Năm 1920, vài yếu nhân của nhóm thiên tả El Ariete Society (theo chủ nghĩa cộng sản) cũng bị truy tố nhưng cuối cùng vẫn trắng án.
Các trường hợp truy tố thành công khá ít ỏi có thể kể: 1989, ba thành viên của một nhóm Marxist tên là United Freedom Front tấn công vào một số công sở và cơ quan nhà nước; 1995, Sheik Omar Abdel-Rahman lãnh đạo vụ đánh bom World Trade Center ở New York City năm 1993 – đó cũng là lần cuối cùng có người bị kết án tội Mưu đồ Phản loạn.
Như ta thấy, rất khó để thuyết phục bồi thẩm đoàn tội Seditious Conspiracy. Công tố viên thường chỉ truy tố khi họ nắm chắc 90-95% xác suất thắng. Bằng không họ thà bỏ qua để khỏi phí công sức. Trong vụ án Oath Keepers này, Bộ Tư Pháp đã phải bỏ rất nhiều thì giờ điều tra, thu thập tài liệu.
Hồi tháng Năm, phía công tố đã thuyết phục được ba thành viên Oath Keepers nhận tội Seditious Conspiracy để được giảm án; nhờ vậy Tư Pháp mới có đủ bằng chứng. Và để chắc ăn, họ chỉ tố Stewart Rhodes và đồng bọn phần “dùng vũ lực ngăn cản nhân viên nhà nước thi hành công vụ” chứ không đả động gì đến “âm mưu lật đổ chính quyền” vì họ dư biết là khó thắng. Vậy mà trong năm người bị Bộ Tư Pháp truy tố (indicted) tội Mưu đồ Phản loạn, chỉ có hai người là bị kết tội, đủ thấy đây là một tội trạng phức tạp cỡ nào.
Ngoài Seditious Conspiracy ra, các nghi can còn bị tố cáo một số tội danh khác như: Obstructing an Official Proceeding -Ngăn cản công sự (năm người GUILTY); Conspiracy to obstruct an Official – Âm mưu ngăn cản công sự (ba người GUILTY; Stewart Rhodes, Thomas Caldwell NOT GUILTY); Destruction of Government Property – Phá hoại tài sản nhà nước (ba người GUILTY, Rhodes không bị tố vì không có mặt tại hiện trường); Tampering with Documents – Giả mạo giấy tờ (bốn người GUILTY)…
Tính tổng cộng: Stewart Rhodes bị kết án 3 tội (5 cáo buộc); Kelly Meggs 4 tội (6 cáo buộc); Kenneth Harelson 4 tội (6 cáo buộc); Jessica Watkins 4 tội (5 cáo buộc); Thomas Caldwell 1 tội (5 cáo buộc).
Những con số này cho thấy hệ thống pháp lý của nước Mỹ vẫn hoạt động tốt. Bồi thẩm đoàn đã phán xét hoàn tòan dựa trên những chứng cớ bên công tố có thể chứng minh được “beyond a reasonable doubt” – không thể chối cãi. Các luật sư biện hộ cho bị cáo cũng phải lên tiếng công nhận thân chủ của họ đã “received a fair trial” – được phân xử một cách công minh.
Về phía Hành Pháp, vụ xử này là một phép thử quan trọng đối với Bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland. Như đã nói ở trên, Seditious Conspiracy không phải là một cáo buộc bình thường. Tuy chỉ hai trong năm bị cáo bị kết tội lần này, nhưng bấy nhiêu cũng đủ chứng tỏ chiến thuật của ông có kết quả mặc dù bị nhiều người chỉ trích là quá cẩn trọng và quá chậm. Mặt khác, đối với những người luôn miệng biện minh cho vụ phiến loạn 6/1 thuần túy là “một cuộc biểu tình được bảo vệ bởi Tu Chính Án thứ Nhất,” bản án dành cho Stewart Rhodes và đồng đảng là câu phản biện hùng hồn nhất.
Chưa hết, sắp tới đây thủ lãnh nhóm Proud Boys, Enrique Mario, và bốn người đồng đảng của y sẽ phải ra tòa tội Mưu đồ Phản loạn. Một thành viên Proud Boys cũng đã nhận tội và “thành khẩn khai báo” để được khoan hồng. Không ai có thể biết trước kết quả phiên tòa ấy sẽ ra sao, nhưng sau vụ xử này chắc mấy anh Proud Boys nhà ta đang run ghê lắm: Khung án tối đa cho tội Seditious Conspiracy là năm mùa World Cup!
_____