Từ câu chuyện của đạo diễn Chloe Zhao: Quê hương không phải chốn nương thân

Câu chuyện của nữ đạo diễn Chloe Zhao (Triệu Đình) bị Bắc Kinh chỉ đạo không cho hệ thống truyền thông toàn Trung Quốc loan tin về việc bà được vinh danh tại giải Oscar lần thứ 93, không chỉ là việc kiểm duyệt nhân thân, mà còn lại mở ra nhiều cánh cửa hậu trường chính trị.

Cuốn phim Nomadland của bà Chloe Zhao giành giải Đạo diễn giỏi nhất, Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Không phải chuyện kinh động từ bộ phim có một ngân sách thấp chỉ 5 triệu USD, mà vấn đề là lần đầu tiên, một phụ nữ Châu Á nhận giải, và người gốc Trung Quốc thứ hai, sau đạo diễn Ang Lee (Lý An). Gọi là gốc Trung Quốc, vì tuy sinh ra ở Bắc Kinh, nhưng bà Chloe Zhao sống ở Mỹ và muốn coi nơi này là một quê hương của mình.

Theo tờ The Wall Street Journal, một phóng viên giấu tên ở Trung Quốc cho biết, mọi phương tiện truyền thông nhà nước đều nhận được tin nhắn, nhắc nhở là không được nói gì về giải thưởng Oscar của bà Chloe Zhao, kèm theo giải thích ngắn là do có một số “dư luận trước đó”.

Cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo là nơi duy nhất được lệnh viết bài về phim của bà Chloe Zhao, nhưng chê và nói Nomadland “đặc trưng của người Mỹ và khác xa với cuộc sống thực của người Trung Quốc”. Cũng trong bài báo ấy, tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn dạy dỗ bà Chloe Zhao rằng “Chúng tôi hy vọng bà ta có thể ngày càng trưởng thành hơn. Trong thời đại mà cuộc đối đầu Trung – Mỹ ngày càng gay gắt, cô ấy có thể đóng vai trò trung gian trong hai xã hội và tránh trở thành điểm tạo ra những mâu thuẩn. Cô ấy không thể thoát khỏi cái nguồn gốc của mình, và cô ấy nên tích cực sử dụng nó”.

Bộ phim Nomadland kể một câu chuyện tĩnh lặng và dịu dàng về sự sụp đổ kinh tế của một thị trấn công ty ở vùng nông thôn Nevada, từ đó bà Fern (Frances McDormand) quyết định lái chiếc xe tải của mình và lên đường khám phá cuộc sống bên ngoài xã hội, thảnh thơi như một người du mục thời hiện đại. Bộ phim chứa đầy sự cô đơn của một người đứng trước cánh cửa tuổi xuân khép lại, cô đơn và tìm kiếm những cảm nhận nội tâm. Phim còn có cảnh tuyệt đẹp và sâu thẳm của miền Tây nước Mỹ.

Phim chỉ vậy thôi. Chẳng chính trị chính em gì, nhưng Bắc Kinh không chỉ thất vọng vì phim bởi một người Trung Quốc, mà chẳng nói gì về Trung Quốc để họ có thể dựa dẫm vinh quang – kiểu rất thường thấy ở các nhà nước độc tài và cộng sản: Luôn xua người tài khác quan điểm chính trị ra đi, nhưng khi họ thành đạt thì luôn cố vơ vào như thân thiết lắm. Điều tức giận của Bắc Kinh, mà theo đài ABC của Úc tiết lộ, là bà Chloe Zhao từng có quan điểm ủng hộ các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong.

Chính vì vậy, nên lúc này không phải là lần đầu tiên Nomadland bị truyền thông Trung Quốc tìm cách xóa đi trên tin tức. Tháng trước, hãng Associated Press cũng ghi nhận thấy rằng các bài đăng trên mạng xã hội và các bài báo công khai khác về bộ phim đã bị các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc xóa bỏ. Lý do bắt nguồn từ những bình luận của bà Chloe Zhao trên các phương tiện truyền thông phương Tây trước đây, bày tỏ quan điểm chính trị của mình về chế độ cộng sản. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013 với tạp chí Filmmaker, bà nói rằng Trung Quốc là “nơi có những lời nói dối ở khắp mọi nơi”. Dĩ nhiên, bình luận đã gây ra phản ứng dữ dội với bộ máy cầm quyền cộng sản Trung Quốc.

Thế là bộ máy Ngũ Mao Đảng, tức Đảng 5 xu, lực lượng dư luận viên hùng hậu của đảng vào cuộc để tranh cãi, chửi bới tục tĩu bất kỳ ai khen ngợi phim hay tài năng của bà Chloe Zhao. Còn các dư luận viên cao cấp có lý luận thì viết bài dài trên các trang mạng như Weibo, Douban… chê bai kiểu có kiến thức. Những cuộc tranh luận dữ dội nói trên, ngược lại bộc lộ cho thấy những lo lắng sâu sắc của người dân Trung Quốc tỉnh táo về vấn đề văn hóa được kiểm duyệt dưới ánh sáng cộng sản, khiến cảm giác “cái gì vui, mới cũng có”, như thật ra nhu cầu “tự tin về văn hóa” của một dân tộc đang là vấn đề.

“Nhà nước cộng sản không thích một người từ đất nước, lớn lên bằng học thức tự do và trở nên có quyền lực với công chúng, đứng ngoài sự kiểm soát chính trị đã hình thành lâu nay của đảng”, một người bình luận có tên Nangxi trên trang Weibo, viết như vậy, “đặc biệt khi bà Chloe Zhao nói coi nước Mỹ như một quê hương”.

Sự kiện này nhắc về chuyện Việt Nam, cũng bẽ bàng không kém.

Vào năm 2013, trong danh sách đề cử giải Oscar, người ta thấy tên một người Việt, đó là đạo diễn Kim Nguyễn khi bộ phim “War Witch” (Phù thủy chiến tranh) lọt vào top 5 đề cử Phim nước ngoài hay nhất. Lập tức, như vớ được vàng, báo chí truyền thông Việt Nam hết đợt này đến đợt khác ngợi ca bộ phim về đề tài chiến tranh ở Congo, Châu Phi và luôn nhấn mạnh ý đạo diễn mang dòng máu Việt, tài năng gốc Việt… Thế nhưng sau một lần phỏng vấn trực tiếp, Kim Nguyễn nói rằng anh không muốn mình bị gán vào chữ gốc Việt, bởi anh sinh ra vào năm 1974 ở Canada, bởi từ ba anh, một kinh tế gia Việt Nam có nhiều hiểu biết về Việt Nam sau 1975, chia sẻ với anh. Thế là từ đó, Kim Nguyễn mất tích trên truyền thông Việt Nam, mặc dù anh ta vẫn là một trong những đạo diễn tên tuổi ở Montreal, Quebec, và vẫn hoạt động thường xuyên. Phim mới nhất của anh là The Hummingbird Project, hoàn thành vào năm 2018.

Trước đó, câu chuyện của nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn cũng là một ví dụ khó quên. Ông là người Châu Á đầu tiên đoạt giải cuộc thi Chopin lần thứ 10 ở Warsaw, Ba Lan, năm 1980. Bố của Đặng Thái Sơn là Đặng Đình Hưng, một nhà thơ nổi danh ở Hà Nội. Ông thật sự là một người đa tài với hội họa, âm nhạc và cả kiến trúc. Năm 1956, tại miền Bắc Việt Nam, nhà thơ Đặng Đình Hưng cùng nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã đứng lên tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở, để nói thẳng, viết thật. Những cái tên đứng cùng ông lúc đó có Phan Khôi – Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy – Thư ký tòa soạn, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, bà Thụy An. Có nhiều nhà trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này và mọi người biết đến nó dưới cái tên là nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”.

Số phận của phong trào này, bị đàn áp và tù tội như thế nào, đó là một câu chuyện dài khác. Sau đó, ông Hưng chọn ly dị vợ là nghệ sĩ piano Thái Thị Liên để bà cùng 3 đứa con được yên thân trong giai đoạn kinh hoàng ấy. Cuộc đời của Đặng Thái Sơn tưởng chừng như đã chìm vào bóng tối, nếu như không được vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, vô tình nghe thấy tiếng đàn qua một buổi tập.

Đặng Thái Sơn, ảnh chụp khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky.

Năm 1976, Đặng Thái Sơn được đi du học Liên Xô theo bảo lãnh của ông Isaac Katz, sau khi ông làm áp lực với phía Hà Nội, rằng nếu không đưa Sơn đi học được, thì ông cũng sẽ tác động Bộ Văn Hóa Nga ngừng các suất học bổng cho các “con ông cháu cha” thời đó.

Khi đi trên đường đi thi bằng hỏa xa, Đặng Thái Sơn viết thư cho bố mình, ông Đặng Đình Hưng rằng ““Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vác-sa-va (tiếng Ba Lan – Warzawa) quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon (Natanson) một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do…”

Khi giành giải nhất ở Warsaw, thoạt đầu do không có quốc tịch rõ ràng, ban tổ chức định giương cờ Nga Sô (vì lý lịch là được các giáo sư Nga đỡ đầu giới thiệu, và là thí sinh từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky với hạng xuất sắc), nhưng Đại sứ quán Việt Nam đã ngay lập tức điện về Hà Nội xin ý kiến và can thiệp, yêu cầu giương cờ Việt Nam, giới thiệu là thí sinh Việt Nam.

Và cuối cùng, thí sinh Việt Nam đó, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, cùng với người mẹ, bà Thái Thị Liên đã chọn định cư tại Montreal và xin nhập quốc tịch Canada, coi đó như một quê hương.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: