Chống dịch cúm Vũ Hán: Vì sao Mỹ chậm chân hơn Nam Hàn? (2)

Bệnh viện ở San Mateo đang tiếp nhận bệnh nhân. Hình: Los Angeles Times

So với Nam Hàn, Mỹ phát triển hơn hẳn về kinh tế lẫn khoa học và công nghệ. Nhưng khi dịch cúm Vũ Hán tràn tới, Nam Hàn đã chủ động ứng phó khá thành công trong khi Mỹ lúng túng và thiệt hại nặng nề. Nhiều người Mỹ muốn biết, tại sao lại như vậy? Bài phân tích chi tiết của Reuters.

Bài 1, Bài 3, Bài 4

Bài 2: Hai hệ thống khác nhau

Nước Mỹ chậm chân hơn Nam Hàn, theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, các quan chức địa phương và tiểu bang, là câu chuyện về sự khác biệt của hai hệ thống y tế cộng đồng giữa hai nước: một guồng máy hành chính thông suốt trái với một hệ thống bị tắc nghẽn, một giới lãnh đạo dạn dĩ với lãnh đạo thận trọng và một ý thức về sự cấp bách với sự phụ thuộc vào thủ tục hành chính.

Chính phủ của Tổng thống Trump bị vướng vào các luật lệ và quy tắc. Thay vì sớm huy động khu vực tư nhân vào việc phát triển dụng cụ thử nghiệm như Nam Hàn đã làm, các quan chức y tế Mỹ, theo lệ thường, phụ thuộc vào bộ test-kit do Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) phát triển, mà bộ test-kit này lại có lỗi. Rồi cũng bám theo quy trình xét duyệt rất mất thời gian của mình, Cục Quản lý Thực phẩm và Thuốc (FDA) không chịu phê chuẩn bất kỳ bộ test-kit nào ngoài bộ của CDC cho đến tận ngày 29-02, năm tuần lễ sau ngày bắt đầu thảo luận với các phòng thí nghiệm ngoài CDC.

Trong thời gian đó, do thiếu bộ công cụ xét nghiệm, trong nhiều tuần lễ CDC đã giới hạn các tiêu chí xét nghiệm, khuyến nghị chỉ xét nghiệm cho những người vừa trở về từ Trung Quốc, từ các điểm nóng khác, hoặc có tiếp xúc gần với những người được xác nhận đã nhiễm bệnh. Hậu quả là chính quyền liên bang không thể sàng lọc một số lượng không tính nổi những người Mỹ có nguy cơ ủ bệnh và bỏ lỡ cơ hội kiềm chế sự lây lan của virus, theo ý kiến của các chuyên gia y tế cộng đồng.

Mỹ cầu toàn

Nam Hàn chấp nhận rủi ro, nhanh chóng tung ra các bộ công cụ xét nghiệm rồi sau này sẽ khoanh vùng để kiểm tra độ hiệu quả của chúng. Ngược lại, cơ quan CDC của Mỹ nói họ muốn bảo đảm rằng xét nghiệm phải chính xác trước khi áp dụng cho hàng triệu người Mỹ. Ông Stephen Hahn, người phụ trách cơ quan FDA mới ba tháng nay, nói với Reuters: “Có một điều mà tôi kiên trì theo đuổi: chúng tôi không thể hy sinh phẩm chất của xét nghiệm bởi vì kết quả xét nghiệm không chính xác thì còn tệ hơn là không xét nghiệm gì cả”.

Nhưng rồi trước búa rìu dư luận trong một thời kỳ tái tranh cử, Tổng thống Trump hôm thứ Sáu đã phải cam kết cho hợp tác với tư nhân để thúc đẩy sản xuất test-kit, giúp cho việc xét nghiệm và chẩn đoán luôn sẵn sàng tại các bệnh viện. Tuần này, cơ quan FDA nói rằng hơn 35 trường đại học, bệnh viện và công ty xét nghiệm bắt đầu vận hành việc xét nghiệm của riêng họ theo chính sách được điều chỉnh của FDA. Nhưng phải vài tuần nữa mới có đủ test-kit cho nhu cầu.

Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm tuần trước nói với một ủy ban của Hạ viện: “Ý tưởng bất kỳ người dân nào cũng được xét nghiệm dễ dàng là cách mà các nước khác đang làm; nhưng chúng ta chưa sẵn sàng. Đó là một thất bại. Phải thừa nhận như vậy.” Đây là vấn đề mà người dân Mỹ, đã quen nghe nói rằng họ có một hệ thống chăm sóc y tế tiên tiến nhất thế giới, cảm thấy không thể hình dung được.

Ruth Blodgett, 65 tuổi, có người chồng cùng tuổi đã không được xét nghiệm coronavirus dù ông ấy đang nằm trong phòng cấp cứu ở ngoại ô thành phố Rochester, bang New York, có triệu chứng ho khan và đã được bác sĩ chỉ định phải xét nghiệm. “Tôi không biết tại sao chúng ta lại lâm vào tình cảnh tệ hại này,” bà Blodgett nói. “Với người Mỹ, đó là điều không chấp nhận được”.

Nam Hàn: “Tốc độ trước hết!”

Sau cuộc họp đặc biệt tại nhà ga Seoul ngày 27-01-2020, lãnh đạo chính phủ Nam Hàn nói với các công ty xét nghiệm rằng “quy trình phê chuẩn khẩn cấp” sẽ được thực thi cho nên họ phải nhanh chân lên và phát triển bộ test-kit.

Một trong những công ty dự họp là Kogene Biotech Co. Ltd là công ty có bộ test kit duy nhất được sử dụng trong những ngày đầu. Chính phủ phê duyệt bộ test-kit này ngày 04-02, chỉ một tuần lễ sau cuộc họp. “Chính phủ hành động rất nhanh chóng,” Myoah Baek, giám đốc điều hành của Kogene nói. Cơ quan KCDC “công khai thông tin về các phương pháp xét nghiệm cho nên nhà sản xuất test-kit có thể đẩy nhanh tiến trình phát triển công cụ,” ông Baek nói thêm.

Còn ông Lee Hyukmin, đứng đầu đội đặc nhiệm về coronavirus của Hội Y học Thí nghiệm Nam Hàn nói chính phủ nhanh nhưng không cẩu thả. “Tất nhiên một bộ kit được duyệt trong một tuần thì không thể tốt bằng bộ kit được thử nghiệm lâm sàng cả năm trời,” ông Lee nói. Vì vậy, trong những ngày đầu, chính phủ phải tổ chức kiểm tra chéo để bảo đảm việc xét nghiệm diễn ra đúng đắn. Cho đến tuần trước Nam Hàn đã có gần 100 phòng thí nghiệm sẵn sàng thực hiện xét nghiệm trong cả nước.

Phản ứng nhanh của Nam Hàn đối với coronavirus chủng mới là hậu quả của những vết thương trong quá khứ. Sau vụ bùng phát của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015, người dân đã phê phán nặng nề Tổng thống khi ấy là bà Park Geun-hye và chính phủ của bà đã ứng phó chậm chạp và không minh bạch. Niềm tin của công chúng vào bà Park lụi tàn; sang năm 2017 thì bà bị phế truất sau một vụ tai tiếng tham nhũng không liên quan tới dịch bệnh. Năm đó, Nam Hàn có 186 ca bệnh MERS, nhiều hơn bất cứ nước nào ngoài khu vực Trung Đông, với 38 trường hợp tử vong. “Chúng tôi không thể nào quên sự cố đó. Chúng tôi bị tổn thương rất nặng và chúng tôi rất ân hận,” ông Lee Sang-won của KCDC nói.

(còn tiếp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: