Những chương trình cứu trợ khẩn cấp COVID-19 liên bang bị làm vấy bẩn bởi những màn gian lận tinh vi. Đâu là giải pháp?
Phần nổi của tảng băng chìm
“Trơ trẽn!” (brazen). Đó là từ khóa trong bản cáo trạng của Bộ Tư pháp đối với 47 bị cáo ở tiểu bang Minnesota khi cáo buộc họ đã bòn rút gần $250 triệu từ chương trình liên bang cung cấp thực phẩm miễn phí cho trẻ em thiếu đói trong đại dịch.
Những kẻ chủ mưu bị truy tố khai man cung cấp đến 125 triệu bữa ăn để ăn cắp tiền trợ cấp liên bang rồi dùng nó mua đồ trang sức, xe hơi sang, bất động sản và hơn thế nữa. Nhưng kế hoạch trộm cắp tiền cứu trợ COVID-19 lớn nhất được phát hiện này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Một báo cáo của cơ quan giám sát Bộ Lao động công bố vào tuần trước ước tính những kẻ lừa đảo có thể đã đánh cắp $45.6 tỷ tiền bảo hiểm thất nghiệp trong đại dịch. Khoảng hàng chục tỷ đôla có khả năng bị lừa đảo từ Chương trình Bảo vệ Khoản lương (Paycheck Protection Program-PPP), Chương trình Cho vay Thảm họa Tổn thương Kinh tế (Economic Injury Disaster Loan program-EIDL) và một số chương trình trợ cấp khác.
Tệ nạn gian lận lan tràn không có nghĩa là các chương trình hỗ trợ COVID-19 thất bại, nhưng những vụ gian lận bị phát hiện đã cung cấp bài học quan trọng về cách chính phủ nên quản lý các chương trình viện trợ và cho vay trong tương lai.
Khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ, các nhà lập pháp và quan chức chính phủ đã chạy đua để cung cấp hơn $5,000 tỷ viện trợ cho người dân và doanh nghiệp. Ngay từ đầu, họ đã hiểu rằng việc phân phát tiền cứu trợ ở quy mô lớn với tốc độ nhanh là rất cần thiết, nhưng sẽ không tránh khỏi việc tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội và trộm cắp bắt đầu đi… hành nghề. Họ cũng tin đây là cái giá có thể chấp nhận được để giữ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình trụ vững trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có (sẽ kiểm tra sau nếu phát hiện có vấn đề). Nhưng họ không nghĩ quy mô ăn cắp lại quá lớn như thế.
Để hầu hết mọi người tiếp cận được các khoản cứu trợ mà không bị chậm trễ, các chương trình cứu trợ được triển khai rộng rãi và không yêu cầu về “giấy tờ” và xác minh nghiêm ngặt (cái đó để làm sau khi cần). Hiểu được nguy cơ gian lận, Quốc hội thiết lập một số hàng rào bảo vệ đồng tiền cứu trợ liên bang, gồm cả yêu cầu báo cáo đối với các khoản chi lớn quá giới hạn. Nhưng nêu lý do khẩn cấp, chính quyền Trump lúc đó đã chống lại sự giám sát của Quốc hội. Vì vậy, những cơ quan hữu quan chỉ còn biết trông cậy vào điều tra hồi tố, vốn tốn kém hơn và ít hiệu quả.
Giải pháp?
Khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tăng cường thêm nguồn lực cho các cuộc điều tra và truy tố gian lận tiền cứu trợ COVID-19. Gần đây, Tổng thống Biden ký luật gia hạn thời hiệu truy cứu hình sự đối với những trường hợp gian lận PPP và EIDL từ năm năm lên 10 năm. Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận họ có thể không bao giờ phát hện được các trường hợp gian lận liên quan đến số tiền nhỏ hơn.
Vì vậy, dù chính phủ đã buộc tội hơn 1,500 cá nhân vi phạm cho đến nay, hàng triệu vụ gian lận có thể khác vẫn rất khó đưa ra ánh sáng. Như nhận định của Catherine Rampell, nhà báo chuyên mục của The Washington Post vào tháng trước, câu chuyện gian lận COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của việc phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ đã lạc hậu để bọn trộm cắp không thể lợi dụng.
Hệ thống dữ liệu tốt hơn sẽ giúp các cơ quan chức năng xác minh các thông tin từ thuế bảng lương và các hồ sơ khác, cho phép họ phát hiện hoạt động gian lận sớm hơn. Ngoài ra, công nghệ xác minh ID mới sẽ làm giảm nguy cơ bị đánh cắp danh tính và các “thuật toán máy học” (machine-learning algorithm) có thể nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu đáng ngờ trong dữ liệu cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Một bài học rút ra khác, đặc biệt là đối với các chương trình cấp cứu liên bang có số tiền lớn, là việc giám sát phải đi trước một bước chứ không phải phát hiện vấn đề mới lao vào. Đạo luật Cares (Cares Act) thành lập Ủy ban Trách nhiệm Giải trình Đối phó với Đại dịch (Pandemic Response Accountability Committee), một cơ quan gồm các thanh tra viên được trao nhiệm vụ giám sát chung các khoản cứu trợ đại dịch.
Ủy ban này cố gắng chia sẻ dữ liệu với công chúng để kêu gọi hợp tác, dù không dễ. Nhưng các cơ quan giám sát cũng cần nguồn kinh phí tương xứng để thực thi tốt nhất các sứ mệnh giám sát. Thêm chi tiêu tương đối và ổn định cho các cơ quan này có thể giúp giảm lãng phí điều tra.
Chi tiêu cứu trợ COVID-19 là một món quà trời cho đối với các doanh nghiệp và gia đình đang gặp khó khăn. Nhưng thật không may, đó cũng là cơ hội “bằng vàng” cho những kẻ lừa đảo muốn tìm kiếm thu nhập dễ dàng dù bất chính. Phản ứng đúng đắn của chính quyền là, trong khi thừa nhận tầm quan trọng của hoạt động cứu trợ trong những tình huống khẩn cấp quốc gia, chính quyền cũng cần sớm xây dựng một hệ thống giám sát, điều tra nhanh chóng, nhạy bén và linh hoạt hơn để đề phòng tái diễn các trường hợp gian lận qui mô lớn trong tương lai.
Đọc thêm: