Bầu cử Tổng Thống Mỹ: nhắm đến giới trẻ là chiến lược chung

Kayla Ng

Cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2024 đang nóng lên từng ngày, không chỉ bởi những tranh luận chính sách vận động tranh cử gay gắt giữa hai ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa và bà Kamala Harris của đảng Dân Chủ, mà còn bởi cuộc chiến giành lá phiếu của thế hệ cử tri trẻ – Gen Z (18-27 tuổi).

Đây là thế hệ cử tri lần đầu tiên tham gia bầu cử tổng thống và được dự đoán sẽ đóng một vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định, cho kết quả cuối cùng. Điều đáng chú ý là cách tiếp cận của hai ứng cử viên đối với Gen Z hoàn toàn trái ngược nhau.

Sự khác biệt trong chiến lược tiếp cận cử tri trẻ thể hiện rõ nét qua việc ông Donald Trump tập trung vào sự đổi mới truyền thông, tổ chức talkshow với các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Youtuber Paul Logan, Elon Musk, đồng thời thúc đẩy nền tảng mạng xã hội Truth Social của riêng mình. Trong khi đó, bà Harris lại chú trọng vào việc truyền tải các chính sách quan tâm đến giới trẻ như bình đẳng giới, sắc tộc, thuế và an sinh xã hội và truyền cảm hứng và sự gần gũi thông qua những câu chuyện của chính bà trên mạng xã hội.

Liệu sự khác biệt trong cách tiếp cận cử tri trẻ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy thoái sau đại dịch COVID-19 này, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả cuộc bầu cử?

Donald Trump: từ gặp gỡ trực tuyến streamer đến màn quay xe với TikTok

Ứng cử viên, cựu Tổng Thống Donald Trump đang triển khai một chiến lược tiếp cận cử tri trẻ đa chiều, phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống. Ông không chỉ đơn thuần đưa ra những lời hứa hẹn suông mà chủ động tìm kiếm tiếng nói của giới trẻ, lắng nghe những trăn trở và mong muốn của họ. Việc tham khảo ý kiến con trai Barron, người thuộc thế hệ Gen Z, là một minh chứng cho thấy ông Trump thực sự quan tâm đến việc thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của nhóm cử tri này.

Không dừng lại ở đó, ông Trump còn kết nối trực tiếp với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội – nơi giới trẻ dành phần lớn thời gian của mình. Những cuộc phỏng vấn trực tuyến với YouTuber Paul Logan, người sở hữu kênh Youtube với hơn 23 triệu người đăng ký, streamer 23 tuổi Adin Ross, và đặc biệt là doanh nhân công nghệ Elon Musk – người được coi là biểu tượng của sự đổi mới và thành công trong mắt giới trẻ – đã thu hút sự chú ý và tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Sự hiện diện của ông Trump trên các nền tảng mạng xã hội cũng được đẩy mạnh. Việc sở hữu mạng xã hội riêng – Truth Social – cho phép ông truyền tải thông điệp trực tiếp đến người ủng hộ mà không bị kiểm duyệt, đồng thời tạo ra một cộng đồng riêng, nơi những người ủng hộ ông có thể tự do bày tỏ quan điểm. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù trước đây từng cố gắng đóng cửa TikTok tại Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia, ông Trump đã thay đổi chiến lược và mở kênh TikTok riêng – một nền tảng được giới trẻ ưa chuộng – cho thấy ông sẵn sàng thích nghi với xu hướng mới để tiếp cận với thế hệ Gen Z.

Chiến lược tiếp cận giới trẻ của ông Trump không chỉ dừng lại ở không gian mạng. Ông còn tích cực tham gia các sự kiện thể thao và văn hóa dành cho giới trẻ như UFC 302. Hình ảnh ông xuất hiện bên cạnh những người nổi tiếng, tham gia vào các hoạt động giải trí đã góp phần tạo dựng một hình ảnh gần gũi và thân thiện hơn trong mắt giới trẻ. Sự kiện UFC 302 cũng là nơi ông Trump tận dụng sức mạnh của TikTok để kết nối với giới trẻ. Ông xuất hiện trong một video cùng với CEO UFC, Dana White, và bày tỏ rằng việc tham gia TikTok là “vinh dự” của ông.

Việc tích cực tham gia các sự kiện và sử dụng sáng tạo các nền tảng mạng xã hội cho thấy ông Trump không ngại thích nghi và làm mới bản thân để thu hút sự chú ý của giới trẻ. Đồng thời, ông cũng khéo léo lồng ghép những chính sách của mình như giải quyết lạm phát, tạo việc làm và đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu (“America First”) vào trong thông điệp truyền thông, nhằm tạo sự đồng cảm và ủng hộ từ thế hệ Gen Z. Phong cách thẳng thắn, không ngại tranh cãi cũng như lập trường cứng rắn với Trung Quốc của ông cũng là điểm cộng trong mắt một bộ phận cử tri trẻ.

Thêm vào đó, ông Trump còn thu hút sự ủng hộ từ một bộ phận giới trẻ bằng lập trường chống lại văn hóa “woke”-thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự nhận thức về bất công xã hội và phân biệt đối xử, thường bị chỉ trích bởi những người cho rằng nó đã đi quá xa, trở nên cực đoan và gây chia rẽ. Ông Trump thường xuyên lên tiếng phản đối văn hóa “woke,” điều này được nhiều người trẻ, đặc biệt là nam giới, đồng tình vì họ cảm thấy bị tấn công hoặc bị đổ lỗi một cách bất công bởi văn hóa này.

Tuy nhiên, ông Trump cũng gây tranh cãi khi bị cho rằng đã lợi dụng phong trào anti-woke này để kỳ thị chủng tộc, và cộng đồng LGBT. Ông thường xuyên chỉ trích các chính sách liên quan đến quyền lợi của người chuyển giới, đặc biệt là trong bối cảnh thể thao. Ông nói sự tham gia của trẻ em chuyển giới trong các môn thể thao dành cho giới tính của họ là “không bình thường” và cho rằng “đất nước đã trở nên bệnh hoạn” vì những vấn đề này.

Trump cũng gây khó chịu trong cộng đồng người da màu khi ông mô tả Phó Tổng Thống Kamala Harris, có mẹ là người Ấn Độ và cha là Jamaica nhập cư vào Mỹ, như đang cố gắng tỏ ra là người da đen để tìm kiếm sự ủng hộ, một phát biểu mà nhiều người cho là kỳ thị và không tôn trọng.

“Bà ấy là người gốc Ấn Độ và xưa nay bà ấy chỉ quảng bá cho nguồn gốc Ấn Độ của mình. Tôi không biết bà ấy là người da đen cho đến một số năm trước, khi bà ấy tình cờ trở thành người da đen, và bây giờ bà ấy muốn tự quảng bá như là một người da đen. Vì vậy, tôi không biết, bà ấy là người Ấn Độ hay là người da đen? Tôi tôn trọng cả hai chủng tộc, nhưng rõ ràng là bà ấy đang tỏ ra không tôn trọng, bởi vì bà ấy là người Ấn Độ từ đầu, và sau đó đột nhiên thay đổi và giờ trở thành người da đen,” ông nói. “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét điều đó.”

Kamala Harris: truyền cảm hứng từ những câu chuyện của bản thân

Dù thế, ứng cử viên bên Đảng Dân Chủ cũng có những vận động tranh cử trên mạng xã hội riêng thông qua những câu chuyện của riêng mình.

Phó Tổng Thống Kamala Harris đang sử dụng một chiến lược truyền thông độc đáo để thu hút sự chú ý và thiện cảm của giới trẻ, đặc biệt là thông qua việc tạo ra những meme (ảnh chế) hài hước và dễ lan truyền. Điển hình là câu chuyện bà kể về mẹ mình – nhà nghiên cứu ung thư quá cố Shyamala Gopalan Harris – với câu hỏi dí dỏm: “Bạn nghĩ bạn vừa rơi từ trên cây dừa xuống à?”

Thông qua câu chuyện này, bà Harris không chỉ tạo ra tiếng cười mà còn khéo léo truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của bối cảnh và lịch sử cá nhân trong việc định hình con người thông qua câu nói: “Bạn tồn tại trong bối cảnh của tất cả những gì bạn đang sống và những gì đã xảy ra trước bạn.” Bà cũng nhấn mạnh mỗi người đều tồn tại trong một bối cảnh xã hội và lịch sử nhất định, và những yếu tố này góp phần tạo nên bản sắc và giá trị của mỗi cá nhân.

Bà Harris cũng thường xuyên sử dụng những câu nói dí dỏm, những tiếng cười sảng khoái, và cả những cử chỉ, hành động ngộ nghĩnh để tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ, dễ dàng trở thành meme trên mạng xã hội. Từ những câu chuyện đời thường như việc bà yêu thích biểu đồ Venn, cách nêm gia vị cho gà tây Lễ Tạ Ơn, cho đến những triết lý sâu sắc được diễn đạt một cách dí dỏm, bà Harris tạo nên một hình ảnh gần gũi, thân thiện và dễ mến trong mắt giới trẻ. Mặc dù đôi khi bị chỉ trích là lặp đi lặp lại một số câu nói, nhưng chính sự lặp lại này lại vô tình tạo nên hiệu ứng “thần chú,” giúp thông điệp của bà dễ dàng ghi nhớ và lan truyền rộng rãi hơn. Chiến lược này cho thấy bà Harris không ngại phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống, sẵn sàng sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh gần gũi với giới trẻ để thu hút sự ủng hộ của họ trong cuộc đua chính trị.

Ngoài ra, bà Harris không chỉ tập trung vào TikTok mà còn ra mắt kênh WhatsApp để kết nối với cử tri gốc Latinh, cho thấy sự quan tâm đến việc tiếp cận đa dạng các nhóm cử tri trẻ.

Những cam kết tranh cử của bà với giới trẻ cũng nhắm trực diện tới các yếu tố được cho là điểm yếu của ông Trump như chính sách hỗ trợ giáo dục, giảm nợ sinh viên, bình đẳng giới và quyền quyết định sinh sản cũng như về bảo vệ môi trường.

Về chính sách, bà cam kết tăng cường đầu tư cho giáo dục khi cam kết tăng cường tài trợ cho các trường học phục vụ học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp thông qua chương trình Title I. Bà cũng đã kêu gọi tăng cường tài trợ cho các chương trình như Head Start, giúp cung cấp giáo dục mầm non cho trẻ em từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, bà đề xuất tăng lương cho giáo viên thêm $13,500/người trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện điều kiện làm việc và lương bổng cho giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, bà ủng hộ Đạo luật College for All, nhằm cung cấp giáo dục đại học miễn phí cho những sinh viên có thu nhập dưới $125,000 mỗi năm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm nợ sinh viên.

Về kinh tế, bà Harris tập trung vào việc tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và bền vững, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ thông qua các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ. Bà cũng cam kết mang lại lợi ích cho nam giới trẻ trong độ tuổi lao động, với việc tạo ra việc làm thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát và Đạo luật Khoa học và CHIP, cũng như đầu tư để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy quá liều opioid và tự tử – những vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều nam giới không có bằng đại học.

Bà Harris thể hiện cam kết mạnh mẽ với vấn đề biến đổi khí hậu, ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường như Green New Deal và giáo dục về biến đổi khí hậu. Điều này gây ấn tượng mạnh với cử tri trẻ, đặc biệt là khi bà từng có lịch sử “cứng rắn” với các tập đoàn dầu khí.

“Một trong những điều quan trọng mà em chú ý là bà Harris đã cứng rắn với các tập đoàn dầu khí,” Ariela Lara, 18 tuổi, sống ở Bay Area và làm việc với tư cách là người tổ chức Sunrise Movement, một nhóm vận động vì khí hậu, chia sẻ.

Lara mong muốn bà Harris tiến xa hơn và cam kết tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu quốc gia, thực hiện “Thỏa Thuận Xanh Mới” và chấm dứt phê duyệt các dự án dầu khí mới. Lập trường này càng được khẳng định qua việc bà từng kiện các công ty xe hơi và khí đốt vì vi phạm môi trường trong thời gian là bộ trưởng Tư Pháp California.

Bên cạnh đó, bà cũng tích cực khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội, tin rằng tiếng nói của họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai đất nước.

Đặc biệt, bà Harris nhắm vào điểm yếu của đối thủ Donald Trump bằng cách nhấn mạnh cam kết của mình về bình đẳng giới, quyền phá thai và quyền của cộng đồng LGBTQ+. Bà coi đây là những quyền cơ bản cần được bảo vệ, tạo ra sự đối lập rõ ràng với lập trường “anti-woke” của ông Trump, và thu hút sự ủng hộ từ những cử tri trẻ có quan điểm tiến bộ. Việc bà là người phụ nữ da màu đầu tiên được đề cử làm ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cũng là một yếu tố thu hút sự chú ý và ủng hộ từ những cử tri trẻ coi trọng sự đa dạng và đại diện.

Olivia Johnson, 19 tuổi, sinh viên ngành truyền thông đại chúng tại Cal State LA, chia sẻ rằng lập trường của bà Harris về kiểm soát súng đạn rất quan trọng với cô: “Chiến dịch của bà đã dạy cho em rất nhiều điều về các chính sách và sự chúng ảnh hưởng đến chúng em, đặc biệt là luật súng vì giết hàng loạt rất đáng sợ.”

Johnson cũng cho biết cô cảm thấy được tiếp thêm sinh lực bởi quan điểm của bà Harris về quyền phá thai và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp: “Em biết nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe như ung thư vú, sảy thai và phá thai,” cô nói. “Được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe thực sự quan trọng, đặc biệt là khi nhiều người xung quanh em có thu nhập thấp và phải sống dựa vào Medicare.” Chính vì vậy, cô cảm thấy yên tâm hơn khi bỏ lá phiếu đầu tiên cho bà Harris so với khi ông Biden được đề cử.

Cuộc chiến giành cử tri ngày càng hấp dẫn

Kể từ thời Obama, cử tri dưới 30 tuổi luôn là một phần vững chắc, nhiệt huyết trong liên minh của Đảng Dân chủ. Năm 2020, cử tri dưới 30 tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử của Tổng thống Joe Biden khi giúp ông giành chiến thắng ở nhóm tuổi này với hơn 20 điểm. Tuy nhiên, trước khi rút lui khỏi cuộc đua, Tổng thống Joe Biden đã bị ông Trump dẫn trước trong nhóm cử tri này. Đặc biệt ở nhóm cử tri nam có thiên hướng bảo thủ khi ủng hộ phong trào “anti-woke” và tin vào khả năng lèo lái kinh tế của ông Trump.

Nhưng sự xuất hiện của bà Harris đã thay đổi cục diện, bà nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và thậm chí vượt lên trước đối thủ, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ với cách biệt lên đến 24 điểm so với ông Trump. Bà Harris đã tạo nên làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội với vô số meme và video TikTok ca ngợi, đồng thời thu về số tiền quyên góp khổng lồ – 310 triệu đô la trong tháng 7 và 36 triệu đô la chỉ trong vòng một ngày sau khi công bố Thống đốc Minnesota, Tim Walz, là người đồng tranh cử. 170,000 người đã đăng ký tình nguyện cho chiến dịch của bà chỉ trong tuần đầu tiên được đề cử.

Mặc dù ông Trump đã có sự nỗ lực bắt kịp bà Harris cũng như phá cách khi trực tiếp tham gia phỏng vấn trên các kênh Youtube và mạng xã hội với các nhân vật gây ảnh hưởng cho giới trẻ. Thậm chí, ông đã phải kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng tiền điện tử crypto khi tuyên bố sẽ sẽ thúc đẩy Mỹ trở thành “thủ đô crypto của hành tinh” nếu tái đắc cử cũng là một sự thay đổi ngạc nhiên khi năm 2021 ông vẫn coi Bitcoin là một “trò lừa đảo” và cảnh báo rằng Bitcoin có thể là một “quả bom hẹn giờ” có thể gây ra thảm họa. Nhưng động thái này cũng vấp phải sự tranh cãi trong cộng đồng crypto trẻ và nhiều tiếng nói của các nhân vật hàng đầu trong ngành cũng nghi ngờ động lực này của ông.

Có thể thấy rằng, cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 đang chứng kiến một cuộc chiến chưa từng có trên mặt trận mạng xã hội, nơi hai ứng cử viên, ông Trump và bà Harris, đang nỗ lực tranh giành sự ủng hộ của thế hệ cử tri trẻ Gen Z bằng những chiến lược riêng biệt.

Liệu phong cách tiếp cận trực diện, tập trung vào thế mạnh kinh tế với khẩu hiệu “Make America Great Again” và tương tác trực tiếp trên mạng xã hội của ông Trump hay phong cách “chính trị gia” truyền thống của bà Harris, thể hiện qua việc tập trung cam kết vào các chính sách rõ ràng hơn cho hỗ trợ sinh viên, giới trẻ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và đa dạng sắc tộc, kết hợp với cách tiếp cận gần gũi, truyền cảm hứng trên mạng xã hội sẽ giành được ưu thế trong cuộc đua này? Câu trả lời sẽ được hé lộ trong chưa đầy 400 ngày tới, khi người chiến thắng cuối cùng bước vào Nhà Trắng, và chắc chắn rằng, mạng xã hội sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả cuộc bầu cử lịch sử này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: