Bị thù ghét vì là người gốc Á, hãy báo cáo, đừng yên lặng!

Người dân biểu tình ở khu phố Tàu vào ngày 21 Tháng Ba năm 2021 tại thành phố New York sau vụ tấn công ở Atlanta, Georgia vào ngày 16 Tháng Ba, khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có sáu phụ nữ châu Á. (Hình: Alexi Rosenfeld/Getty Images)

“Đúng ngày này, ba năm trước, vụ xả súng tại Atlanta cướp đi tám mạng người. Chúng ta có mặt hôm nay để tưởng nhớ đến họ, nạn nhân của sự thù ghét, kỳ thị người gốc Á,” ông Mike Eng, cựu dân biểu tiểu bang California, mở đầu hội thảo tại trung tâm Rosemead Community Recreation Center, vào ngày 16 Tháng Ba vừa qua.

Hội thảo do Liên Minh Tội Phạm Thù Hận Chống Người Á Châu (Anti-Asian Hate Crimes Coalition-AHCC), Trung Tâm Thanh Niên Á Châu (Asian Youth Center-AYC), cùng các đối tác đồng tổ chức, nhằm mục đích đưa ra những hiểu biết sâu sắc về cách giải quyết tội phạm thù ghét, và phân biệt đối xử.

Một phút tưởng niệm các nạn nhân diễn ra xúc động khi đèn trong khán phòng tắt hết, chỉ còn những ngọn nến leo lắt.

Một phút tưởng niệm các nạn nhân của nạn thù ghét. (Hình: Đoan Trang)

Ngày 16 Tháng Ba, 2021, vụ xả súng ở ngay khu vực đô thị Atlanta, Georgia, làm chết tám người, sáu trong số nạn nhân là phụ nữ gốc Á, càng làm gia tăng tình hình căng thẳng về nạn phân biệt chủng tộc, khinh thường phụ nữ, và bạo lực xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.

Cô Cindy Wu, ủy viên Học Khu Mountain View, trong phần phát biểu của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và nhận thức trong việc chống lại tội phạm thù hận.

Trước đó, một nạn nhân của sự thù ghét được mời lên để kể lại câu chuyện bà bị tấn công trên chuyến Metro ở Long Beach như thế nào.

Người này đeo khẩu trang suốt buổi hội thảo, và yêu cầu không nêu danh tính, bật khóc khi kể đến đoạn kẻ tấn công đấm liên tục vào mặt bà, và miệng thì hét to lời phỉ báng sắc tộc của bà.

“Tôi không muốn nêu tên trên báo,” bà nói khi chúng tôi hỏi thêm bên ngoài cuộc hội thảo. “Cô cứ viết tôi là ‘Lwia’ – một ‘phụ nữ người Mỹ gốc Á 53 tuổi.’ Vậy thôi! Tôi đã bớt sợ hãi, nhưng không hoàn toàn yên tâm rằng mình sẽ không bị tấn công như thế nữa. Tôi khẳng định rằng tôi bị tấn công là do động cơ phân biệt chủng tộc, nhưng khi tôi trình báo, chẳng có ai làm gì cả.”

“Phụ nữ gốc Á 53 tuổi” kể lại câu chuyện mình bị tấn công tại Long Beach. (Hình: Đoan Trang)

Cô Cara Lam, người Mỹ gốc Hoa, đại lý cho New York Life Insurance Company tại Pasadena, đến tham dự hội thảo vì cho biết “bản thân rất quan tâm đến nạn thù ghét.”

“Không chỉ vụ thảm sát ở Atlanta, mà ở California cũng từng xảy ra các vụ nổ súng chết người,” cô Cara nói với nhật báo Người Việt. “Chúng ta phải lên tiếng, vì đâu ai biết được rồi đến lúc mình cũng là nạn nhân. Theo tôi, một trong những giải pháp là phải cấm sử dụng vũ khí cá nhân. Ngoài ra, vấn đề tâm lý cũng quan trọng, nên cần có sự thông cảm, khuyến khích con người kết nối, tạo những mối quan hệ sâu sắc hơn.”

Cô Cara Lam.

Sự căm ghét và chống người gốc Á tăng vọt trong những năm gần đây. Chỉ riêng từ năm 2020 đến năm 2021, báo cáo cho thấy bạo lực chống người gốc Á ở Hoa Kỳ tăng 339%, đó là chưa tính đến rất nhiều tội ác và sự thù ghét không bao giờ được báo cáo.

Nhưng việc các nạn nhân mạnh dạn trình báo là điều không dễ dàng, khi xung quanh họ chưa được bảo vệ một cách tuyệt đối, như trường hợp phụ nữ mang họ Nguyễn (không muốn nêu tên), kể riêng với chúng tôi bên lề hội thảo: “Chồng tôi người Việt, tôi không nói được tiếng Việt, nhưng rất muốn chia sẻ nỗi lo của mình, khi con trai 9 tuổi của tôi, học sinh West Creek Academy, thuộc Học Khu Saugus Union, chính là nạn nhân, bị bắt nạt nhiều lần. Cháu suy sụp, gần như trầm cảm, không muốn tiếp xúc với ai.”

“Đừng sợ gì cả, cứ nói ra, mọi người sẽ giúp đỡ bạn,” Giáo Sư Paul Chang, thuộc đại học Cal State Los Angeles, nói trong phát biểu của mình, như lời động viên mọi người đừng dấu kín những điều uẩn khúc khi bị thù ghét một cách vô cớ, để rồi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Quang cảnh cuộc hội thảo. (Hình: Đoan Trang)

Tham dự hội thảo, ông Blake Chow, thuộc Sở Cảnh Sát Los Angeles (LAPD), nói: “Chúng tôi luôn khuyên những nạn nhân hãy trình báo sự việc, bằng nhiều cách, gọi điện thoại, nhắn tin, có thể yêu cầu ẩn danh, nhưng đừng yên lặng.”

Ông Paul Kim, một công tố viên Los Angeles County, cũng khuyến khích những ai bị tấn công do thù ghét, phân biệt sắc tộc, hãy báo cáo cho cơ quan hữu trách. “Chúng tôi có nhiều cách để bảo vệ người báo cáo,” ông nói tại hội thảo.

Cô Esther Young Lim, chủ tịch hội đồng quản trị ban cố vấn cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương (AAPI), cho biết, chứng kiến ​​sự thù ghét sắc tộc một cách trắng trợn đối với cộng đồng AAPI, cô cảm thấy không thoải mái với chính màu da của mình.

“Với việc cộng đồng người Á Châu ngày càng trở thành mục tiêu của tội ác căm thù, theo bản năng, tôi ngày càng lo lắng cho sự an toàn của gia đình và bạn bè mình,” cô Lim nói.

Các diễn giả, từ trái, Giáo Sư Paul Chang, cảnh sát viên Blake Chow, cựu Dân Biểu Mike Eng, Ủy Viên Học Khu Mountain View Cindy Wu, tác giả Esther Young Lim, và công tố viên Paul Kim. (Hình: Đoan Trang)

Esther Young Lim là tác giả của tập sách “How to Report a Hate Crime.”

“Tôi thực hiện sứ mệnh của mình là tạo ra các tập sách trực quan này, nhằm giúp cộng đồng của chúng ta hiểu cách nhận biết, và báo cáo tội ác căm thù người Á Châu,” cô Lim cho biết.

Tập sách nhỏ đầu tiên được in vào Tháng Năm, 2020 và được phân phát cho các cộng đồng địa phương ở Los Angeles, hiện có sẵn ở dạng sách in và dạng sách điện tử bằng 13 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt.

Buổi hội thảo không chỉ để tưởng nhớ những nạn nhân của sự thù ghét, phân biệt sắc tộc, mà còn muốn gióng lên tiếng nói bảo vệ mọi người trong cộng đồng đa sắc dân, trong đó AHCC, cũng như AYC đóng vai trò quan trọng.

AHCC là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động toàn quốc nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền người gốc Á. Phương pháp tiếp cận của AHCC gồm bảo đảm công lý cho các nạn nhân tội phạm căm thù người gốc Á, chiến dịch không còn bắt nạt người gốc Á, vận động chính sách, và nâng cao vị trí lãnh đạo của người gốc Á.

AYC là một tổ chức phi lợi nhuận có sứ mệnh trao quyền cho thanh niên và gia đình có thu nhập thấp, người nhập cư, thuộc tất cả các cộng đồng vượt qua các rào cản để thành công, thông qua cung cấp giáo dục, việc làm, và dịch vụ xã hội phù hợp về mặt văn hóa và ngôn ngữ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: