Tiếp tục phanh phui kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 của cựu Tổng thống Donald Trump, phiên điều trần thứ năm ở Hạ viện vào chiều nay 23 tháng Sáu 2022 tập trung vào việc ông Trump gây áp lực buộc các quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp phải tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận theo ý ông và khi yêu cầu sai trái của mình không được đáp ứng, ông Trump đã tìm cách thay thế lãnh đạo của bộ bằng một người thân cận với ông, đẩy cơ quan thực thi pháp luật cao nhất của đất nước vào một tình huống hỗn loạn.
Bài liên quan:
- Phiên điều trần thứ nhất: Donald Trump là kẻ đốt lửa
- Phiên điều trần thứ hai: Sự thật về lời nói dối lớn
- Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc
- Phiên điều trần thứ tư: Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ
Ra điều trần trực tiếp hôm nay có ông Jeffrey Rosen, quyền Bộ trưởng Tư pháp sau khi Bộ trưởng William Barr từ chức hồi giữa tháng Mười Hai 2020, ông Richard Donoghue và ông Steven Engel, cựu Thứ trưởng Bộ Tư Pháp. Điều khiển phần phỏng vấn là Dân Biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa – Illinois), thành viên Ủy ban Lựa chọn của Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng 2021 (Ủy ban 6 tháng Giêng).
Trước khi vào phần phỏng vấn các nhân chứng, Ủy ban 6 tháng Giêng đã cho chiếu hình ảnh các cựu bộ trưởng tư pháp trong các chính phủ Cộng Hòa và Dân Chủ từ thời ông George Bush đến ông Barack Obama; tất cả đều ra tuyên bố khẳng định tính độc lập của Bộ đối với Tòa Bạch Ốc và tránh xa chính trị đảng phái trong các quyết định điều tra.
Tính độc lập đó bị vi phạm khi ba quan chức cao cấp nhất của Bộ Tư Pháp thời Trump kể lại việc họ đã liên tục bị tổng thống thúc ép, từ ngày này qua ngày khác, buộc họ phải “công nhận” những cáo buộc vô căn cứ rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Người tiền nhiệm của họ, Bộ trưởng William Barr đã phải từ chức sau khi làm ông Trump phẫn nộ khi tuyên bố công khai rằng không có bằng chứng gian lận nào có thể thay đổi kết quả bầu cử. Những người kế nhiệm ông Barr tiếp tục gạt bỏ từng yêu cầu của ông Trump vì không có bằng chứng về việc gian lận trên diện rộng. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm bám giữ quyền lực, ông Trump đã lập kế hoạch đưa một người trung thành với ông lên thay thế quyền bộ trưởng tư pháp, người sẵn sàng giúp ông thực hiện ý đồ.
Lời khai hữu thệ của các ông Rosen, Donoghue và Engel đều nói rằng ông Trump và bộ sậu của ông đưa ra nhiều cáo buộc về bầu cử gian lận nhưng các cuộc điều tra của FBI và các bộ phận điều tra của bộ đều xác định không có cáo buộc nào là đúng sự thật. Ông Trump cũng nhiều lần tỏ ý “không hài lòng về những việc Bộ Tư pháp đã làm để điều tra gian lận bầu cử”.
Hết lần này đến lượt khác, các nhà lãnh đạo Bộ Tư Pháp giải thích cho ông Trump rằng chính quyền các tiểu bang thực hiện và giám sát cuộc bầu cử ở các tiểu bang mà không bị liên bang can thiệp; họ đã nhiều lần chứng minh cho ông thấy rằng không có gian lận bầu cử ở quy mô có thể làm đảo ngược kết quả theo hướng có lợi cho ông. Nhưng ông Trum vẫn cứ tiếp tục gây sức ép ngày càng nặng nề để buộc họ phải tuyên bố điều ngược lại.
Quan hệ giữa ông Trump với Bộ Tư Pháp chuyển sang một bước sóng gió mới vào cuối tháng Mười Hai sau khi một dân biểu đảng Cộng Hòa, ông Scott Perry của tiểu bang Pennsylvania, đề nghị ông Trump cất nhắc ông Jeffrey Clark lên chức vụ bộ trưởng. Khi bắt đầu cuộc họp kéo dài nhiều tiếng đồng hồ tại Phòng Bầu Dục vào tối ngày 3 tháng Giêng 2021, “Tổng thống quay sang tôi và ông ấy nói: ‘Một điều mà chúng tôi biết là bạn, Rosen, bạn sẽ không làm gì cả. Bạn thậm chí không đồng ý với những tuyên bố về gian lận bầu cử và anh chàng này [Clark] ít nhất có thể làm điều gì đó.“, ông Rosen kể lại. Ông Trump chỉ rút lại kế hoạch sau khi các lãnh đạo Bộ Tư Pháp, gồm Rosen, Donoghue và Engel tuyên bố họ sẵn sàng từ chức tập thể để phản đối.
Ông Jeff Clark là một luật sư, gia nhập Bộ Tư Pháp năm 2018 và đang đảm nhiệm chức vụ phụ tá bộ trưởng phụ trách các cuộc điều tra về môi trường và điều hành bộ phận dân sự của bộ. Ông Clark đã được Ủy ban 6 tháng Giêng gửi trát đòi ra điều trần nhưng từ chối cộng tác. Dân Biểu Kinzinger điều khiển phiên thảo luận cho rằng Clark là một luật sư có trình độ chuyên môn duy nhất là lòng trung thành với ông Trump. “Jeff Clark là ai? Ông ấy là người sẽ làm bất cứ điều gì mà tổng thống muốn ông ta làm, kể cả việc lật đổ một cuộc bầu cử dân chủ tự do và công bằng,” ông Kinzinger nói.
Sự kiện đáng chú ý nhất về vai trò của Jeff Clark là ông ta đã nhân danh Bộ Tư Pháp gửi một lá thư cho cơ quan lập pháp một số tiểu bang chiến trường yêu cầu họ ngừng chứng thực kết quả bầu cử. Nội dung lá thư, được Ủy ban 6 tháng Giêng trích dẫn, tương tự như kế hoạch của ông John Eastman, luật sư riêng của ông Trump, đòi các tiểu bang lập ra danh sách “đại cử tri đoàn” giả mạo, trung thành với ông Trump, thay vì bỏ phiếu cho ông Biden như kết quả số phiếu phổ thông, và gửi danh sách đại cử tri giả đó tới Quốc Hội để chứng thực trong phiên họp khoáng đại ngày 6 tháng Giêng 2021.
Chỉ một giờ trước khi phiên điều trần bắt đầu chiều nay, có tin các đặc vụ liên bang đã khám xét nhà của Clark ở Virginia, nhưng chưa rõ FBI đang tìm kiếm những gì.
***
Như vậy, cùng với Lời Nói Dối Lớn rằng cuộc bầu cử bị gian lận, bị đánh cắp [xem tường thuật phiên điều trần thứ hai], ông Trump đã có nhiều hình thức gây áp lực với các quan chức và nhân viên bầu cử ở một số tiểu bang [phiên điều trần thứ tư], áp lực và gây nguy hiểm cho Phó Tổng thống Mike Pence [phiên điều trần thứ ba] và cả các quan chức lãnh đạo Bộ Tư Pháp [phiên điều trần thứ năm] – là cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật trong nhánh hành pháp của ông. Tất cả đều nhằm một mục đích là đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 3 tháng Mười Một 2020, giúp ông biến thua thành thắng để tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Chưa kể rằng Lời Nói Dối Lớn của ông Trump đã kích động đám đông những người ủng hộ ông tấn công vào trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ngày 6 tháng Giêng 2021 nhằm ngăn chặn cuộc họp khoáng đại của lưỡng viện Quốc Hội kiểm đếm phiếu đại cử tri, chứng nhận chiến thắng cuộc bầu cử thuộc về ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden [phiên điều trần thứ nhất].
Không chỉ gây áp lực lên các cơ quan liên quan tới bầu cử, ông Trump còn thực hiện nhiều vụ kiện ở các tòa án các cấp, lên cả Tối Cao Pháp Viện, với niềm hy vọng rằng các thẩm phán do ông bổ nhiệm sẽ ra phán quyết chấp thuận những lời cáo buộc sai sự thật của ông về bầu cử gian lận. Âm mưu đó không thành công và cả 61 vụ kiện mà ông và bộ sậu của ông khởi xướng đều bị tòa án bác bỏ.
Nhưng lời nói dối lớn về cuộc bầu cử 2020 của ông Trump có được sự ủng hộ của một số nghị sĩ, dân biểu đảng Cộng Hòa trong Hạ Viện. Những lời khai tại phiên điều trần thứ tư và thứ năm cho thấy có một số dân biểu Cộng Hòa hậu thuẫn cho một kế hoạch của ông Trump đưa ra một số “đại cử tri giả” làm căn cứ để ông Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố ông Trump thắng cử tại một số tiểu bang chiến trường. Dân Biểu Scott Perry của Pennsylvania nói trên, cùng các đồng viện Cộng Hòa như Andy Biggs ở Arizona, Mo Brooks ở Alabama, Matt Gaetz ở Florida và Louie Gohmert ở Texas đều đã tham gia vào nỗ lực từ chối cuộc kiểm phiếu bầu cử hoặc gửi “đại cử tri giả”. Lời khai của các lãnh đạo Bộ Tư Pháp cho biết, ông Trump nhiều lần yêu cầu các vị này rằng: “Chỉ cần tuyên bố cuộc bầu cử là hỏng, phần việc còn lại để cho tôi và các nghị sĩ Cộng Hòa giải quyết.”
Thông tin từ bà Cassidy Hutchinson, phụ tá của Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc thời Trump, ông Mark Meadows khai trước cuộc điều trần cho thấy, cả năm dân biểu Cộng Hòa kể trên đều đã nhận ra sai lầm trong hành vi của họ và đã tìm cách xin ông Trump ân xá trước khi ông rời ghế tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng 2021. Ông Kinzinger nói rằng lý do duy nhất để họ xin ân xá “là họ nghĩ họ đã phạm tội”.
Dân Biểu Mo Brooks – một người trung thành với ông Trump nhưng đã bị ông cựu tổng thống “đá đít” và thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa chọn người ứng cử vào vị trí thượng nghị sĩ đại diện Alabama mới đây – cho biết, sau vụ thất bại cay đắng đó ông ta sẵn sàng ra điều trần nếu được Ủy ban triệu tập.
Vụ “đại cử tri giả” có thể là chủ đề của các phiên điều trần kế tiếp, sẽ diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Độc Lập đầu tháng Bảy và sau khi Ủy ban 6 tháng Giêng thu thập thêm nhiều chứng cứ.
***
Phiên điều trần mới nhất ít tập trung vào bạo lực tại Điện Capitol hơn là những thủ đoạn thúc đẩy về pháp lý của ông Trump để hủy bỏ kết quả bầu cử, giúp ông tiếp tục cầm quyền một nhiệm kỳ nữa. Và đây mới là dấu hiệu vi phạm trầm trọng Hiến Pháp và các định chế dân chủ làm nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước Hoa Kỳ hơn hai trăm năm qua.
Những kế hoạch và thủ đoạn lợi dụng quyền lực tổng thống để ép buộc các nhánh tư pháp, lập pháp và cả hành pháp thực hiện những hành vi trái pháp luật và vi hiến của ông Trump chỉ để ông tiếp tục cầm quyền cho thấy nước Mỹ đã ở rất gần một cuộc khủng hoảng hiến pháp. “Chúng ta đã gần như đánh mất tất cả,” Dân Biểu Kinzinger nói.