Chính phủ Mỹ cho biết tất cả các khoản tiền gửi tại Silicon Valley Bank (SVB) đã có sẵn vào thứ Hai, 13 Tháng Ba để chờ người gửi đến giao dịch. Động thái này được xem là nhằm tránh tác động dây chuyền đến hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Người gửi tiền thở phào nhẹ nhõm
Các cơ quan quản lý cũng đã đóng cửa ngân hàng Signature Bank of New York (Signature) vào ngày Chủ nhật (ngân hàng thứ hai bị mất khả năng chi trả trong tuần qua) khi sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính đe dọa lan rộng. Chính quyền Biden đã thông báo vào tối Chủ nhật rằng tất cả những người gửi tiền tại SVB bị phá sản sẽ có quyền rút tất cả số tiền gửi vào sáng thứ Hai, nếu muốn. Quyết định được xem là một biện pháp can thiệp đặc biệt nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lớn hơn trong hệ thống tài chính Mỹ.
Về phần mình, Cơ quan Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo đang thành lập một quỹ cho các ngân hàng Mỹ vay để hỗ trợ họ tránh khỏi những rủi ro tài chính sau sự sụp đổ của SVB vào thứ Sáu tuần trước. Fed không tiết lộ số tiền cụ thể của quỹ cho vay mới, nhưng nói “nó đủ lớn để đáp ứng hàng ngàn tỷ đôla cần hỗ trợ”. Một loạt các biện pháp khẩn cấp đối phó khủng hoảng của chính quyền liên bang là phản ánh nỗi sợ hãi lan tràn trong lĩnh vực ngân hàng chỉ vài ngày sau sự sụp đổ của SVB, mà nhiều chuyên gia tài chính ban đầu nghĩ nó chỉ là “một sự sụp đổ cô lập”.
Jacqueline Reses, Giám đốc điều hành Lead Capital, một ngân hàng có trụ sở tại Thành phố Kansas và là cựu giám đốc điều hành của công ty thanh toán Square, đánh giá cao quyết định cấp cứu hệ thống ngân hàng: “Tôi rất nhẹ nhõm vì các công ty mới thành lập gửi tiền tại SVB rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm”. Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen khẳng định những người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ gánh nặng nào trong chương trình bảo vệ người gửi tiền. “Quỹ hỗ trợ được bảo đảm bằng nguồn tiền thường xuyên (hiện là $100 tỷ) được các ngân hàng Mỹ gửi vào Fed”.
Không cứu không được
Chương trình giải cứu của Fed cũng cho phép các ngân hàng dùng Trái phiếu Kho bạc Mỹ (U.S. Treasuries) và các chứng khoán an toàn khác của chính phủ làm tài sản thế chấp để đổi lấy các khoản vay lên đến một năm từ ngân hàng trung ương (tức Fed). Sáng kiến này nhằm giải quyết một trong những vấn đề dẫn đến phá sản của SVB. Đó là các khoản lỗ chưa được thừa nhận (unrealized losses) liên quan đến các chứng khoán chính phủ mà ngân hàng đang giữ.
Khi Fed tăng lãi suất vào năm ngoái, giá trị của những chứng khoán đó đã giảm. Theo FDIC, cuối năm ngoái, các ngân hàng đã báo cáo khoản lỗ $620 tỷ, nhưng họ sẽ không thực sự mất tiền nếu họ giữ những chứng khoán chính phủ đó cho đến ngày đáo hạn. Nhưng nếu ngân hàng phải hộc tốc bán chúng để đáp ứng cơn sốt rút tiền của người gửi tiền (như vụ rút tiền hàng loạt tại SVB), khoản lỗ sẽ lập tức xuất hiện trên sổ sách, tức là từ “unrealized losses” trở thành “realized losses”.
Các điều khoản cho vay mới của Fed hào phóng hơn so với kênh cho vay 90 ngày truyền thống. Ngân hàng trung ương sẽ cho vay theo giá trị ban đầu của chứng khoán thay vì giá trị thị trường giảm của nó, do đó cho phép các ngân hàng trì hoãn việc ghi nhận các khoản lỗ trong tối đa một năm. Theo một quan chức Fed, chương trình mới và sự hỗ trợ của Fed đối với SVB và Signature là ví dụ về “cách đối phó cổ điển của ngân hàng trung ương trước hoảng loạn” (classic central bank panic actions).
Anil Kashyap, giáo sư tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago nhận định:
“Sự sụp đổ của SVB sẽ khiến các cổ đông của ngân hàng phải trả giá đắt và có thể gây ra các vấn đề kinh tế cho các công ty gửi số tiền lớn không có bảo hiểm tiền gửi. Nhưng điều đó không có nghĩa là cả hệ thống tài chính sẽ gặp nguy hiểm như trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Vụ SVB không phải là sự kiện mang tính hệ thống mà chỉ là một ngân hàng cỡ trung được quản lý tồi. Có thể hơi lộn xộn một chút, nhưng SVB không phải ở trung tâm hệ thống nên không thể làm hệ thống nổ tung. Hệ thống ngân hàng Mỹ có tính tập trung cao với năm ngân hàng hàng đầu nắm giữ gần $13 ngàn tỷ tài sản (asset) nên ngay cả khi các ngân hàng khác có quy mô tương đương với SVB gặp cơn lốc rút tiền gửi, hệ thống tài chính tổng thể vẫn tiếp tục hoạt động bình thường”.
Các công ty công nghệ khởi nghiệp vẫn như ngồi trên lửa
Trong vụ SVB, các nhà hoạch định chính sách chịu sức ép phải hành động nhanh từ những người nổi tiếng ở cái nôi công nghệ Silicon Valley, trong đó có cả nhà tài trợ chính trị và các doanh nhân. Các nhà sáng lập và nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (start-up) đã có một cuối tuần đau đầu với câu hỏi làm sao tìm ra tiền để trả lương cho nhân viên và tiếp tục hoạt động vào tuần tới khi SVB phá sản.
Jacob Eiting, Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp RevenueCat, đã tweet gửi các thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Ohio, trong đó lưu ý công ty của ông đang khốn đốn tìm kiếm thanh khoản để có thể tồn tại trong tuần tới. “Tôi không đánh cược rủi ro và không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp để phải rơi vào tình trạng này. Chúng tôi chỉ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng và hiện tại, công việc kinh doanh của chúng tôi đang ở một vị trí bấp bênh” – ông nhấn mạnh.
Hemant Teneja, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư mạo hiểm General Catalyst, cho biết ông và một số công ty đầu tư mạo hiểm khác bắt đầu cung cấp các khoản vay lãi suất thấp để giúp các công ty trả lương cho nhân viên. Brex, một công ty công nghệ tài chính ở San Francisco cũng hỗ trợ tín dụng khẩn cấp cho các công ty khởi nghiệp. Tính đến thứ Bảy, công ty cho biết đã nhận được đơn xin vay $1.5 tỷ từ gần 1,000 công ty!
Một số nhà đầu tư nổi tiếng kêu gọi chính phủ liên bang hãy bảo vệ người gửi tiền. David Sacks, một đối tác tại công ty đầu tư Craft Ventures, lưu ý trên podcast All-In: “Không phải các công ty công nghệ lớn gặp rủi ro mà là các công ty nhỏ hơn. Vụ SVB tác động rất tai hại đến các công ty mới thành lập. Đây chính là những công ty sẽ giúp nước Mỹ duy trì sức cạnh tranh với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới trong tương lai”, dẫn lại từ The Washington Post.