Cộng Hòa chặn luật ngân sách, chính phủ có thể đóng cửa và vỡ nợ

trần nợ
Lãnh đạo khối Cộng Hòa tại Thượng Viện, ông Mitch McConnell nhiều lần phản đối dự luật nâng trần nợ của đảng Dân Chủ. Ảnh Chen Mengtong/China News Service via Getty Images

Các nghị sĩ đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã phản đối một dự luật chi tiêu ngân sách cần thiết để ngăn chính phủ đóng cửa trong tuần này và vụ vỡ nợ vào tháng tới, đưa Hoa Kỳ đến gần bờ vực của một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Như tin đã đưa, ngân sách hoạt động chính phủ liên bang Hoa Kỳ cần phải được Quốc Hội phê chuẩn trước ngày 30 Tháng Mười, nếu không chính phủ sẽ bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Đồng thời, trần nợ – tức khoản tiền tối đa mà chính phủ được phép vay mượn – sẽ bị “đụng” vào giữa Tháng Mười; nếu trần nợ không được Quốc Hội nâng lên, chính phủ sẽ không thể tiếp tục vay mượn và bị vỡ nợ (default) do không có tiền trả tiền lời và tiền vốn cho những khoản nợ đã vay trước đây.

Đầu tuần trước, Hạ Viện Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời, bố trí ngân sách cho chính phủ hoạt động đến hết ngày 31 Tháng Mười Hai năm nay và tạm treo (suspend) trần nợ để chính phủ được tiếp tục vay mượn đến hết năm 2022. Nhưng để được Quốc Hội thông qua và thi hành, dự luật cần phải được Thượng Viện bỏ phiếu thuận với tỷ lệ tối thiểu 60/40. 

Nhưng sáng nay Thứ Hai 27 Tháng Chín, các thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đã từ chối cho phép đảng Dân Chủ nâng giới hạn vay liên bang. Kết quả bỏ phiếu sáng Thứ Hai 27 Tháng Chín chỉ là 48/50, không đạt túc số cần thiết, theo tường thuật của truyền thông.

Lập luận của đảng Cộng Hòa là đảng Dân Chủ phải gánh vác gánh nặng chính trị hiện thời bởi vì đảng này nắm quyền điều hành cả Tòa Bạch Ốc (hành pháp) và lưỡng viện Quốc Hội (lập pháp). Khi đảng Cộng Hòa nắm được quyền lực dưới thời cựu Tổng thống Trump, đảng này đã quyết định nâng trần nợ lên hơn $7,000 tỷ, và được đảng Dân Chủ khi ấy chấp nhận.

Dự luật ngân sách bị chặn hôm Thứ Hai bao gồm cả khoản chi tiêu khẩn cấp để hỗ trợ tái định cư người tị nạn Afghanistan trị giá $6.3 tỷ và khắc phục hậu quả thiên tai, giúp các cộng đồng xây dựng lại sau bão, cháy rừng và các thảm họa thiên nhiên gần đây khác trị giá $28.6 tỷ.

Quốc Hội
Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) (trái), Lãnh đạo Đa số Thượng Viện Charles Schumer (Dân Chủ – New York) (phải) và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (giữa) tại Quốc Hội ngày 23 Tháng Chín thảo luận việc thông qua dự luật ngân sách và nâng trần nợ công để tránh việc đóng cửa chính phủ. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

Sự bế tắc tại Thượng Viện phản ánh nỗ lực của đảng Cộng Hòa nhằm cản trở Tổng thống Joe Biden và đảng Dân Chủ trong nỗ lực duy trì chính phủ đang điều hành cuộc chống dịch COVID và phục hồi kinh tế Mỹ, cũng như ban hành một chương trình hành động đầy tham vọng.

Nếu không vượt qua được sự bế tắc mang tính đảng phái ở Quốc Hội, chương trình nghị sự của ông Biden và vận mệnh của đảng Dân Chủ sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm, một viễn cảnh mà các đảng viên Cộng Hòa có vẻ thích thú.

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell của Kentucky, lãnh đạo phe Cộng Hòa thiểu số tại Thượng Viện, cho biết: “Chúng tôi sẽ không cung cấp phiếu bầu của đảng Cộng Hòa về việc nâng trần nợ,” lời cảnh báo mà ông đã đưa ra trong nhiều tháng. “Lưỡng đảng không phải là một công tắc đèn – mà đảng Dân Chủ bật lên khi họ cần vay tiền và tắt khi họ muốn tiêu tiền,” ông McConnell nói thêm.

Trên báo The New York Times, các chuyên gia tài chính và pháp luật cho rằng, việc tăng trần nợ là cần thiết để trang trải các khoản vay đã vay trong quá khứ dưới thời chính quyền của cả hai bên, chứ không phải để trả cho các kế hoạch mà ông Biden chưa ký thành luật. Và cho đến nay, giữa hai đảng có rất ít hoạt động tiếp xúc hoặc thương lượng để giải quyết bế tắc.

Đảng Dân Chủ bác bỏ lập luận đó, cáo buộc đảng Cộng Hòa liều lĩnh gây nguy hiểm cho niềm tin và sự tín nhiệm của Hoa Kỳ trên các thị trường tài chính. Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer của New York, lãnh đạo phe Dân Chủ đa số tại Thượng Viện, nói rằng cuộc bỏ phiếu đã đưa các nghị sĩ Cộng hòa “vào hồ sơ cố tình phá hoại khả năng thanh toán các hóa đơn của đất nước”. “Sau ngày hôm nay, sẽ không còn nghi ngờ gì về việc bên nào trong phòng này đang làm việc để giải quyết các vấn đề mà đất nước chúng ta phải đối mặt và bên nào đang đẩy chúng ta tới một thảm họa không cần thiết, có thể tránh được”, ông Schumer nói thêm.

Khi dự luật chi tiêu bị bế tắc tại Thượng Viện, Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân Chủ – California) đã nói chuyện riêng với các nghị sĩ Dân Chủ để tìm cách vượt qua. Bà Pelosi, ông Schumer và ông Biden cũng đã lên kế hoạch nói chuyện vào Thứ Hai. Tuy nhiên, cho đến tối Thứ Hai, vẫn chưa rõ các nhà lãnh đạo Quốc Hội sẽ xử lý tình trạng khẩn cấp này như thế nào để duy trì hoạt động của chính phủ. 

Đây có lẽ là vụ bế tắc trầm trọng nhất đối với việc vay nợ của Mỹ. Các nhà kinh tế và phân tích lo ngại rằng không bên nào sẽ nhân nhượng trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ và chính phủ sẽ không thể trang trải các khoản an sinh xã hội, hỗ trợ lương thực hoặc hỗ trợ cho các cựu chiến binh và gia đình quân nhân. Dự báo gần đây nhất từ ​​Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, một tổ chức tư vấn độc lập, ước tính Bộ Tài chính Mỹ sẽ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ của mình từ ngày 15 Tháng Mười đến ngày 4 Tháng Mười Một.

Các nghị sĩ đảng Dân Chủ – những người đã giúp nâng giới hạn vay khi Tổng thống Donald J. Trump còn đương nhiệm – đã hy vọng sẽ có ít nhất mười thành viên đảng Cộng Hòa từ bỏ lập trường cứng rắn của họ nhưng điều đó đã không xảy ra.

Một số nghị sĩ Dân Chủ chỉ ra sự bế tắc ở Thượng Viện là một bằng chứng thêm nữa cho quan điểm của họ rằng đã đến lúc phải thay đổi quy tắc filibuster của Thượng Viện – theo đó một dự luật quan trọng cần đạt số phiếu 60/40 mới được thông qua – để tước bỏ công cụ quan trọng của đảng thiểu số để ngăn chặn hành động lập pháp. Thượng Nghị Sĩ Richard J. Dublin (Dân Chủ – Illinois) nhận định: “Chúng ta đang đùa với lửa khi đặt trọn vẹn niềm tin và sự tín nhiệm của nước Mỹ vào một vụ filibuster tồi tệ. Theo tôi nghĩ, vụ bế tắc là một bằng chứng tích cực rằng filibuster không thúc đẩy tính lưỡng đảng mà nó tạo ra sự chia rẽ đảng phái không thể giải quyết được”.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: