Tại Nghị Hội Toàn Quốc Đảng Cộng Hòa (RNC) đang diễn ra ở Milwaukee, Wisconsin, người ta tập trung chú ý sự kiện cựu Tổng Thống Donald Trump chính thức được đề cử tham dự cuộc đua vào chức tổng thống cuối năm nay; Thượng Nghị Sĩ JD Vance (Cộng Hòa-Ohio) được cử làm ứng cử viên phó tổng thống liên danh với ông Trump. Truyền thông bàn tán rôm rả về nhân vật JD Vance và quá trình “quay xe” của một kẻ cơ hội chính trị, từ người lên án ông Trump thậm tệ biến thành một “bản sao của ông Trump.”
Nhưng có một chuyện quan trọng ít người nói tới: đảng Cộng Hòa sẽ đưa nước Mỹ đến đâu nếu ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc và đảng Cộng Hòa giành được đa số của Quốc Hội?
Xin nhắc lại về “Dự Án 2025” – một kế hoạch hơn 900 trang, cải tổ toàn diện chính phủ liên bang và các chính sách kinh tế – xã hội mà đảng Cộng Hòa sẽ thực hiện. Tuy vậy, “Dự Án 2025” chỉ được coi là một văn kiện “không chính thức” do Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) – một tổ chức nghiên cứu hữu khuynh – biên soạn và ông Donald Trump nói ông không liên can. Văn kiện chính thức, hoặc Cương Lĩnh (2024 Platform – Make America Great Again), đang được trình bày tại RNC sẽ cho chúng ta câu trả lời đầy đủ hơn, rõ ràng hơn.
Cương Lĩnh chỉ dài 16 trang, kể cả Lời Nói Đầu, trình bày quan điểm và chính sách của đảng Cộng Hòa. Nội dung Cương Lĩnh gồm 10 chương, giải thích một cách vắn tắt 10 chính sách lớn mà đảng này theo đuổi, trong đó nổi bật nhất là chính sách chống lạm phát “xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử” và chính sách di trú “phong tỏa biên giới, chấm dứt cuộc xâm lăng của người di cư.” Các chính sách gây tranh cãi như chống phá thai, cổ xúy tự do súng đạn – được nhấn mạnh trong “Dự Án 2025” nhưng đã được đưa ra khỏi Cương Lĩnh này để né tránh phản ứng của dân chúng.
Để “xây dựng nền kinh tế vĩ đại nhất lịch sử,” Cương Lĩnh của đảng Cộng Hòa đề cao các biện pháp chống lạm phát, cắt giảm các chính sách điều hành kinh tế của chính phủ, “vĩnh viễn hóa” đạo luật về Giảm Thuế (Tax Cut and Jobs Act – TCJA) mà ông Trump ban hành trước đây; xét lại các hiệp định thương mại tự do “không công bằng” đã ký kết với nước ngoài và đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí để “biến nước Mỹ thành nhà sản xuất năng lượng thống lĩnh thế giới.”
Cương Lĩnh cũng yêu cần tái cân bằng cán cân thương mại – hiện nước Mỹ bị thâm hụt gần $1,000 tỷ mỗi năm – bằng biện pháp đánh thuế mọi hàng hóa nhập cảng, tước bỏ quy chế Tối Huệ Quốc (MFN) của Trung Quốc, loại dần việc nhập cảng hàng hoá thiết yếu từ nước này và chấm dứt việc Trung Quốc mua các tài sản và doanh nghiệp Mỹ.
Ngoài ra, Cương Lĩnh cam kết hỗ trợ công nghiệp xe hơi Mỹ bằng cách đảo ngược những quy định của chính quyền Joe Biden về xe điện, cấm nhập cảng xe hơi Trung Quốc và chuyển về Mỹ các dây chuyền cung ứng thiết yếu, biến Mỹ thành một “siêu cường về sản xuất công nghiệp” dưới khẩu hiệu: “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” (Buy American and Hire American).
***
Những lời hứa hẹn nghe rất hay, đúng mong ước của mọi người Mỹ nhưng nói dễ làm khó và một số điểm vừa nêu vừa thiếu thực tế vừa chứa đựng những mâu thuẫn không dễ giải quyết.
Một ví dụ, Cương Lĩnh hứa hẹn giảm lạm phát để giảm chi phí sinh hoạt nhưng đánh thuế lên mọi hàng hóa nhập cảng sẽ làm giá cả tăng lên vì xét cho cùng, thuế tăng sẽ được tính vào giá bán hàng mà người tiêu dùng phải trả, chưa kể những biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại làm cho việc xuất cảng của người Mỹ trở nên khó khăn hơn. Nếu đánh thuế 10% lên mọi hàng hóa nhập cảng vào Mỹ bất kể xuất xứ thì bình quân mỗi gia đình Mỹ sẽ tốn thêm mỗi năm $1,700 cho cái gọi là “thuế lạm phát” (inflation tax), theo tính toán của Peterson Institute for International Economics.
Dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát không nên là nỗi lo cốt tủy của người Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm mạnh từ mức 9.1%/năm vào Tháng Sáu, 2022, xuống còn 3%/năm hiện nay; còn theo tính toán của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (Fed), lạm phát thực chỉ còn 2.4% và cơ quan điều hành này đang tính hạ lãi suất căn bản theo chuyển động của thị trường. Giá xăng dầu và thực phẩm hiện dễ thở hơn so với năm 2019 nhất là khi so với đồng lương và thu nhập của người lao động bình thường đã được tăng lên trong năm năm qua.
Đảng Cộng Hòa coi giảm giá năng lượng (xăng) là yếu tố chính để giảm lạm phát. Cương Lĩnh kêu gọi “Chúng ta hãy KHOAN DẦU, BABY, KHOAN DẦU và chúng ta sẽ Độc lập về Năng lượng, thậm chí Thống trị trở lại” (chữ in hoa trong nguyên văn). Nhưng theo dữ liệu kinh tế, năm 2023 nước Mỹ sản xuất nhiều dầu khí nhất từ trước đến nay và đang là nhà xuất cảng năng lượng quan trọng, cung cấp cho Âu Châu lượng khí đốt khổng lồ giúp châu lục này khỏi phụ thuộc vào Nga sau vụ xâm lược Ukraine. Mỹ chỉ đi sau Trung Quốc về năng lượng tái tạo được.
Cái mà nước Mỹ cần lẽ ra là phát triển năng lượng tái tạo được như điện gió, điện mặt trời và năng lượng không gây ô nhiễm như năng lượng nguyên tử, chứ không phải đẩy mạnh việc khoan dầu và khí đốt – loại nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu của Trái Đất. Trong một buổi làm việc với các ông chủ của các tập đoàn dầu khí mới đây, ông Trump hứa hẹn bãi bỏ mọi giới hạn về khai thác dầu khí mà chính quyền Biden đặt ra nếu các ông chủ này đóng góp $1 tỷ vào quỹ tranh cử của ông; Cương Lĩnh của đảng Cộng Hòa dường như đi theo cuộc mặc cả đó.
Đảng Cộng Hòa từ lâu vẫn quan niệm giảm thuế cho doanh nghiệp, cho người giàu để những người này dùng đồng tiền giảm thuế đó đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong một mô hình kinh tế tư bản “nhỏ giọt từ trên xuống” (trickle-down economy). Nhưng theo nhiều nhà kinh tế học uy tín, “trickle-down economy” chỉ là một huyền thoại; các ông chủ tư bản được miễn giảm thuế chỉ dùng đồng tiền đó mua cổ phần, đẩy giá cổ phiếu lên đem lợi cho cổ đông hoặc đầu tư sản xuất ở nước ngoài, nơi có giá nhân công rẻ hơn, luật lệ về môi trường, về lao động lỏng lẻo hơn so với ở Mỹ; người lao động Mỹ không được hưởng gì cả. Việc giảm thuế cũng làm tiền thu vào ngân sách giảm theo, buộc chính phủ liên bang phải thu hẹp các chương trình phúc lợi xã hội. Tuy vậy, đảng Cộng Hòa vẫn cương quyết theo đuổi chương trình giảm thuế để thu hút sự ủng hộ của giới nhà giàu, của các tỷ phú như ông Elon Musk và nhiều người khác.
Vai trò điều hành của chính phủ trong nền kinh tế là vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Chính phủ can thiệp sâu vào thị trường thì sẽ biến thành xã hội chủ nghĩa, ngược lại, nếu không kiểm soát thì con ngựa bất kham của đồng tiền sẽ gây khủng hoảng kinh tế. Đảng Cộng Hòa xưa nay vẫn cổ xuý cho quan niệm “bàn tay vô hình” của thị trường điều tiết nền kinh tế, không cần chính phủ can thiệp. Cố Tổng Thống Ronald Reagan (Cộng Hòa) từng khẳng định: “Chính phủ không phải là giải pháp, chính phủ mới là vấn đề.” Cương Lĩnh của đảng Cộng Hòa năm nay tiếp tục quan điểm đó, hứa hẹn bãi bỏ nhiều quy định về kinh doanh, về môi trường của chính quyền Biden mà họ cho là cản trở tự do và tốn kém. Tuy vậy, bóng ma cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 có nguy cơ quay lại nếu các biện pháp kiểm soát kinh doanh bị bãi bỏ.
Hồi cuối Tháng Sáu 2024, 16 nhà kinh tế học xuất sắc nhất – tất cả đều được giải Nobel – đã cùng ký một bức thư cảnh báo nếu ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc và thực hiện chương trình kinh tế của đảng Cộng Hòa thì lạm phát sẽ bùng lên trở lại. Họ cũng cảnh báo, chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp sẽ làm cho lực lượng lao động Mỹ bị co lại, cạnh tranh giữa người lao động Mỹ tăng lên, đây tiền lương lên và từ đó thúc đẩy áp lực lạm phát.
***
Về nhập cư, Cương Lĩnh của đảng Cộng Hòa khẳng định, nếu trở lại nắm quyền, họ sẽ “PHONG TỎA BIÊN GIỚI, CHẤM DỨT CUỘC XÂM LĂNG CỦA NGƯỜI DI CƯ” và “THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH TRỤC XUẤT LỚN NHẤT TRONG LỊCH SỬ MỸ” (viết chữ in trong nguyên văn). Cương Lĩnh nhắc lại những biện pháp đã ban hành trong nhiệm kỳ trước đây (2017-2020) của ông Trump như xây bức tường biên giới với Mexico, đuổi người vượt biên trở lại bên kia hàng rào, truy lùng và trục xuất những người cư trú bất hợp pháp ở Mỹ cũng như chấm dứt chính sách “di cư dây chuyền” (chain migration) theo đó công dân Mỹ được bảo lãnh cho thân nhân từ nước ngoài đến Mỹ định cư.
Những người biên soạn Cương Lĩnh bị ám ảnh cái gọi là “Nạn dịch tội ác (crime epidemic) do người nhập cư gây ra” và quyết dùng mọi biện pháp để ngăn chặn hiện tượng vượt biên và đưa người nhập cư ra khỏi các thành phố nước Mỹ. Thực tế đã có một số trường hợp di dân lậu tấn công và gây tội ác với người Mỹ nhưng không nhiều và chưa có hiện tượng gọi là “nạn dịch tội phạm” mà thủ phạm là người nhập cư. Tất nhiên nhiều người Mỹ đã và đang là nạn nhân của nạn cưới giật, đánh đập, quấy rối, thậm chí giết người xảy ra trên đường phố nhưng điều tra cho thấy đa số thủ phạm thường là người Mỹ chứ không phải là người nhập cư và người nhập cư có xu hướng tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh hơn, tránh đụng chạm với cơ quan công lực hơn là người bản xứ.
Theo một số chuyên gia, chiến dịch trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ có thể gây nên một cơn ác mộng về nhân đạo, xã hội và cả kinh tế nữa.