Để đối phó Trung Quốc, Guam được quân sự hóa như thế nào?

Pháo đài bay B-52H Stratofortress tại Căn cứ Không quân Andersen, Guam (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Guam, nằm ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đang trở thành tâm điểm chính một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai với Trung Quốc.

Hòn đảo rộng 212 dặm vuông hiện là nơi mà cả bốn lực lượng vũ trang chính của Hoa Kỳ đóng quân. Dù có khoảng cách khá xa châu Á nhưng Guam vẫn là mục tiêu tấn công hỏa tiễn nếu chiến tranh xảy ra ở Thái Bình Dương. Đó là lý do mà Guam, một trong những lãnh thổ nhỏ nhất của Mỹ, đang biến thành nơi được củng cố nghiêm ngặt nhất. Guam là một trong những lãnh thổ Mỹ được quân sự hóa nhiều nhất, với các lực lượng Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến đều có mặt và luôn trong tư thế sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

Sự liên kết của Guam với an ninh Hoa Kỳ có từ hơn 100 năm trước, khi Mỹ chiếm đảo trong cuộc chiến với Tây Ban Nha. Guam trở thành lãnh thổ Mỹ vào năm 1898 trước khi bị quân phiệt Nhật xâm lược và chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Năm 1945, Hoa Kỳ lấy lại Guam và không lâu sau hòn đảo trở thành điểm nóng trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Liên Xô và Trung Quốc, khiến quân đội Mỹ không thể rời Guam mà còn biến hòn đảo thành một căn cứ chính để chống lại sự bành trướng cộng sản.

Máy bay Rockwell B-1B Lancer tại Căn cứ Không quân Andersen, Guam (ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Guam là nơi Washington có thể làm bất cứ điều gì mình muốn vì hòn đảo này không phải lãnh thổ quốc gia khác (như các căn cứ mà Mỹ đóng ở Nhật hoặc Hàn Quốc chẳng hạn). Thời Chiến tranh Việt Nam, Căn cứ Không quân Andersen trở thành bệ phóng cho các cuộc tấn công của pháo đài bay B-52 Stratofortress vào miền Bắc Việt Nam. Cảng Apra của hòn đảo còn là căn cứ tàu ngầm hỏa tiễn hạt nhân Polaris có tầm hoạt động bao phủ toàn vùng Viễn Đông.

Tầm quan trọng chiến lược của Guam suy giảm vào cuối Chiến tranh Lạnh và hòn đảo trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng đối với khách du lịch Nhật Bản. Nhưng nay, khi Hoa Kỳ đối mặt với các lực lượng trên không và trên biển đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, Guam lại quay về vị thế quân sự quan trọng. Washington xem Guam là trụ cột của chiến lược phòng thủ Mỹ ở Thái Bình Dương, là bàn đạp tiếp cận Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Hàn, Hàn Quốc và Đài Loan.

Tất cả các lực lượng vũ trang chính của Hoa Kỳ đều cắm rễ tại lãnh thổ nhỏ bé này, với mục tiêu chính là kiềm chế sức mạnh quân sự và sự hung hăng của Trung Quốc. Căn cứ chính của Không quân Mỹ trên Guam là Căn cứ Không quân Andersen. Là “quê hương” của Lực lượng không quân 36th Wing, căn cứ có diện tích khoảng 18,000 mẫu Anh và chứa được 193 máy bay. Không quân chủ yếu sử dụng căn cứ này làm điểm tập kết, cho cả các lực lượng hoạt động trong khu vực lẫn các tàu chở dầu hỗ trợ máy bay hoạt động trên Thái Bình Dương rộng lớn.

Bài viết mới nhất về Guam trên Popular Mechanics cho biết, căn cứ không có bất kỳ loại máy bay thường trực nào nhưng có các cuộc luân chuyển thường xuyên của lực lượng oanh tạc cơ (Bomber Task Force) thuộc Không quân Thái Bình Dương, cũng như lực lượng máy bay tiếp liệu (Tanker Task Force), có nghĩa là luôn có một lượng hỏa lực khổng lồ trên đường băng. Ngoài ra còn có Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (U.S. Space Force), một bộ phận của Không quân, với đơn vị Space Delta 8 chuyên vận hành các ăng-ten điều khiển vệ tinh và các trạm điều khiển mặt đất trên đảo.

Một “cư dân” lâu năm khác của Guam là Hải quân Hoa Kỳ. Căn cứ Hải quân Guam gồm Cảng Apra, nơi neo đậu các chiến hạm ở cực Tây nước Mỹ. Apra không chỉ đóng vai trò trạm dừng chân của các tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo lớp Ohio ở Thái Bình Dương mà còn là nơi neo của năm tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đó là các tàu ngầm lớp Los Angeles: Key West, Asheville, Annapolis, Springfield và Jefferson City. Việc neo đậu sẵn tại đây cho phép tàu ngầm không phải làm chuyến hành trình dài 5,900 dặm từ Bờ Tây đến nên chúng có thêm nhiều thời gian hơn để tuần tra các vùng biển chịu trách nhiệm giám sát ở Tây Thái Bình Dương. Các tàu ngầm cũng sẽ ứng biến nhanh hơn khi xảy ra chiến tranh.

Ngoài Cảng Apra, Hải quân phân bổ ba hoặc bốn tàu khu trục hỏa tiễn dẫn đường đến đảo trong thời chiến. Ít nhất một tàu khu trục luôn trong tình trạng trực chiến, sử dụng hệ thống tác chiến Aegis và dàn hỏa tiễn đánh chặn SM-3 Block 1B để tiêu diệt các hỏa tiễn đạn đạo bay tới. Hải quân sẽ sớm thay thế tàu khu trục bằng hệ thống hỏa tiễn Aegis Ashore, một phiên bản trên đất liền của Aegis/SM-3 nhằm có thể giúp các khu trục trạm rảnh tay thực hiện các nhiệm vụ khác.

Thủy quân lục chiến cũng trong quá trình tăng cường sự hiện diện trên đảo bằng cách chuyển một phần lực lượng III Marine Expeditionary Force từ đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi dễ bị tấn công, đến Guam. Thủy quân lục chiến sẽ có căn cứ thường trực với 1,300 binh sĩ tại Trại Blaz mới thành lập, cùng 3,700 binh sĩ khác thường xuyên luân chuyển đến từ lục địa Mỹ và Hawaii để thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện tác chiến.

Hệ thống hỏa tiễn bắn chặn THAAD (ảnh: Lockheed Martin/Getty Images)

Để đối phó việc Bắc Hàn thử hỏa tiễn đạn đạo, năm 2014, Lục quân (Army) đã triển khai dàn hỏa tiễn phòng thủ THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) tới Guam. Một dàn THAAD điển hình gồm radar AN/TPY-2 và sáu bệ phóng, mỗi bệ phóng trang bị tám hỏa tiễn. THAAD cung cấp khả năng phòng thủ cho toàn bộ hòn đảo. Lục quân đang chịu áp lực phải mở rộng khả năng phòng thủ bằng cách triển khai các dàn hỏa tiễn Patriot PAC-3 có thể bảo vệ những vị trí cụ thể như căn cứ không quân và hải quân trước hỏa tiễn đạn đạo của địch bay tới.

Trong hai thập niên 1980 và 1990, Trung Quốc đã đổ nguồn lực vào việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo. Nhờ vậy, Trung Quốc có nhiều hỏa tiễn tầm xa, kể cả hỏa tiễn đạn đạo tầm trung DF-26 (Đông Phong 26) biệt danh “Tàu tốc hành Guam” (“Guam Express”) có thể bay đến Guam trong vòng dưới 30 phút. Có thể mang hai tấn chất nổ tấn công mục tiêu trong phạm vi 150 mét, DF-26 trở thành mối đe dọa lớn đối với các cơ sở quân sự Mỹ trên khắp Guam.

Liệu Trung Quốc sẽ tấn công Guam? Kể từ năm 1991, Trung Quốc đã nhiều lần theo dõi việc Mỹ sử dụng lợi thế căn cứ nước ngoài để hỗ trợ các cuộc chiến Iraq, Afghanistan và những nơi khác. Nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan hoặc tấn công Nhật Bản thì chắc chắn Guam sẽ là địa điểm không thể thiếu để Trung Quốc “tiên hạ thủ vi cường”. Với Bắc Kinh, việc ôm tham vọng bá chủ Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc những cục xương khó nhằn như Guam phải biến mất. Dĩ nhiên ở thời điểm này, đây là điều bất khả đối với Trung Quốc.

___________

Blog Quốc phòng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: