Đột phá trong việc chống lạm dụng chất gây nghiện ở California

(minh họa: Colin Davis/Unsplash)

Với tỷ lệ tử vong do dùng heroin quá liều, kể cả fentanyl, “đại dịch opioid” được xếp vào danh sách những vấn đề nhức nhối ở California.

Đại dịch opioid (opioid epidemic) được coi là cuộc khủng hoảng ma túy tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tỷ lệ tử vong hiện nay ngang bằng với bệnh AIDS trong những năm 1990, và với việc sử dụng quá liều heroin và các loại thuốc phiện khác hiện giết chết hơn 27,000 người mỗi năm, cuộc khủng hoảng đã dẫn đến những lời kêu gọi phải hành động khẩn cấp.

Tại cuộc hội thảo qua Zoom do EMS và Sierra Health đồng tổ chức hôm 18 Tháng Giêng, ba nhà lãnh đạo của tổ chức phi lợi nhuận Sierra đã chia sẻ cách họ đổi mới công tác phòng chống lạm dụng chất kích thích và thúc đẩy công bằng y tế trên khu vực Bắc California, từ vùng nông thôn xa xôi như Inyo County, qua Central Valley, đến Alameda County.

Theo CDC, vào năm 2022, hơn 109,000 người dân California chết do sử dụng ma túy quá liều. Kaying Hang, chủ tịch Sierra Health Foundation, cho biết sử dụng thuốc quá liều là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho cư dân California, mà đa số là người trẻ và trung niên.  Bà dự đoán con số này chưa dừng ở đây, mà sẽ tiếp tục tăng.

(minh họa: Randy Laybourne/Unsplash)

Theo Hang, đó là kết quả của 50 năm chính phủ liên bang và tiểu bang phản ứng với việc sử dụng ma túy bằng cách bỏ tù và kiểm soát cực đoan dưới biểu ngữ ‘cuộc chiến chống ma túy’. Chẳng khác nào họ là tội phạm.

“Trong khi những người sử dụng ma túy không phải ai xa lạ, mà là hàng xóm, thành viên gia đình, bạn bè của chúng ta,” Hang nói. “Nhiều người thuộc cộng đồng da màu bị kỳ thị, bị tổn thương từng phải dụng đến chất kích thích này, dù họ là nạn nhân. Chúng ta có thể cho họ cơ hội để thoát khỏi chất gây nghiện, bằng cách ưu tiên chăm sóc, hơn là hình sự hóa.”

Nói về chiến lược cai nghiện và lý do tại sao họ tiếp cận việc điều trị bằng chăm sóc sức khỏe thay vì trừng phạt, đại diện Trung tâm Sierra Health Foundation cho biết, sự chăm sóc này có hình thức hợp tác với các tổ chức dựa vào cộng đồng, thông qua các hoạt động và dịch vụ văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu ở từng nơi, như giáo dục về ma túy, xét nghiệm, giảm thiểu tác hại cho người sử dụng, hỗ trợ phục hồi và các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và vệ sinh.

Hang nói thêm: “Chúng tôi tin rằng những người gần bị tổn thương nhất là những người ở vị trí tốt nhất để xác định giải pháp là gì, và mục đích của chúng tôi là giúp mọi người hướng tới cuộc sống tương lai cho bản thân họ một cách tốt nhất.”

Tại hội thảo, Mari Perez-Ruiz, Giám đốc Điều hành của Central Valley Empowerment Alliance (CVEA), cho biết các cộng đồng nông thôn nhỏ, có nhiều người gốc La tinh và Philippines trên khắp Central Valley như Poplar, với hơn 5,000 cư dân sống trong 700 ngôi nhà tồi tàn suốt 50 năm qua, là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, nhưng lại chẳng được ai quan tâm”.

Perez-Ruiz nói: “Đối với chúng tôi, khả năng tiếp cận sức khỏe phụ thuộc vào việc chống lại quan niệm, cho rằng cộng đồng của chúng tôi không có tương lai, thông qua Chiến dịch Công bằng Y tế Nông thôn của CVEA.

Phát biểu tại hội thảo, Perez-Ruiz cho biết tình trạng lạm dụng ma túy tràn lan, đặc biệt là fentanyl, đang rất nghiêm trọng ở Central Valley. “Cộng đồng của chúng tôi là mục tiêu của các băng đảng và đôi khi các bậc cha mẹ ở đây cũng đang sử dụng hoặc bán ma túy,” Perez-Ruiz nói.

“Vì vậy chúng tôi đã thành lập LUPE (Trung tâm Lãnh đạo, Đoàn kết, Quyền lực, Trao quyền) – một trung tâm an toàn, không băng đảng, không ma túy dành cho thanh thiếu niên, cùng nhau và trò chuyện với cha mẹ về việc giảm thiểu tác hại, để tất cả họ nhìn thấy, thay đổi cho cuộc sống của mình.”

Bà cho biết thêm, ở Poplar, chỉ có 3% thanh niên dự kiến sẽ học tiếp lên đại học. Khi không có kỳ vọng vào lớp thanh niên, học hướng tới thể hệ trẻ hơn. Tất cả trẻ em ở đây đều được ăn trưa miễn phí, vì gia đình các cháu quá nghèo khó. Tôi thấy hứa hẹn ở những nơi mà người khác không nhìn thấy tương lai.”

(ảnh: Central Valley Empowerment Alliance)

Arlene Brown, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phục hồi Crossroads và Dịch vụ Giảm thiểu Tác hại của Bản địa Skoden ở  Inyo County và Mono County, đồng thời là thành viên của Bộ lạc Bishop Paiute, cho biết: “Người Mỹ bản địa có tỷ lệ chết do sử dụng ma túy quá liều cao nhất, không chỉ ở California mà trên toàn quốc”.

Ở Inyo, nơi có 17% dân số là người Mỹ bản địa, mặc dù chương trình của trung tâm là dành cho tất cả mọi người, với mục đích chia sẻ sự chữa lành, giúp đỡ mọi người, chứ không phải là người bản địa.

Cô giải thích: “Kể từ buổi sơ khai của thời kỳ thuộc địa, chúng tôi đã là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến chống ma túy, vì vậy chúng tôi tìm cách phi thực dân hóa ngay từ đầu. Chúng tôi biết những người thân yêu của mình xấu hổ vì lạm dụng chất kích thích, nếu chúng ta không quan tâm, chỉ đẩy họ đi xa hơn. Loại bỏ những rào cản kỳ thị trong việc chăm sóc, trung tâm Crossroads cứu được hơn 80 mạng sống – vừa chữa lành, lại vừa bảo vệ văn hóa của cộng đồng nhỏ bé này.

Braunz Courtney, Giám đốc Điều hành Dự án Phòng chống Giáo dục HIV của Alameda County (HEPPAC) cho biết: “Khi nói về việc giảm thiểu tác hại, chúng ta cần hiểu rằng, không phải tất cả những người đang trong quá trình hồi phục đều tỉnh táo hoặc muốn làm vậy. Vì thế chúng tôi đặt ra mục tiêu là gặp gỡ từng cá nhân và giúp đỡ tùy vào mức độ nghiện ngập của họ bằng cách cung cấp phương pháp điều trị có hỗ trợ bằng thuốc.”

Ngoài một phòng khám tại Oakland, HEEPAC còn có các đơn vị lưu động và nhân viên tư vấn thường xuyên, trao đổi ống chích, giáo dục về sự nguy hại của việc sử dụng quá liều, xét nghiệm HIV và Viêm gan C, chăm sóc vết thương áp xe và đào tạo cách mang và sử dụng Narcan.

Hàng trên, từ trái: Kaying Hang, Mari Perez-Ruiz. Hàng dưới, từ trái: Arlene Brown, Braunz E. Courtney. (ảnh chụp qua màn hình Zoom)

Theo Courtney, nhiệm vụ của HEEPAC không phải là tạo ra “ngôi nhà chăm sóc sức khỏe” như Kaiser – kiểu truyền thống. Ở đây, người cần sẽ đến để lấy các dụng cụ hoặc thực phẩm, nói chuyện thẳng thắn, thoải mái không chỉ về những điều người nghiện không muốn nghe như việc sử dụng ma túy, mà còn những gì mà họ thích nói.

Ông nói thêm: “Đối với chúng tôi, vấn đề là tạo ra những ngôi nhà ở bất cứ nơi nào có người cần… Chúng tôi không ở đây để giáo huấn, để bảo họ phải làm gì. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng có nghĩa là những người tiếp cận dịch vụ sẽ cho chúng tôi biết họ muốn gì và chúng tôi cho họ biết cách đạt được điều đó. Họ phải là người quyết định tương lai cho chính họ.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: