Hệ thống gián điệp tuyệt mật của Hải quân Mỹ

Dưới đại dương sâu thẫm, Hải quân Mỹ không chỉ có những chiếc tàu ngầm mà còn nhiều hệ thống do thám được phát triển từ thời Chiến tranh lạnh (ảnh: Paul Hennessy/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Có lẽ chính hệ thống gián điệp tuyệt mật dưới nước của Hải quân Mỹ đã phát hiện tiếng nổ định mệnh của tàu lặn thám hiểm mini Titan.

Các chuyên gia tin rằng chính hệ thống micro cực nhạy dưới đáy biển dùng để theo dõi tàu ngầm Liên Xô đã phát hiện ra thảm họa của con tàu lặn Titan trong chuyến thám hiểm định mệnh. Trong những bí mật của chính phủ Hoa Kỳ, có bí mật về hệ thống gián điệp dưới nước, và trong số tất cả các loại bí mật quốc gia mà chính phủ Hoa Kỳ lưu giữ, ít loại nào được bảo vệ chặt chẽ như cách quân đội sử dụng công nghệ âm thanh tinh vi để theo dõi những gì đối thủ đang làm ở độ sâu hàng ngàn mét dưới biển.

Thúc đẩy cho việc phát triển năng lực nghe lén này là hàng thập niên nước Mỹ đứng bên miệng hố chiến tranh lạnh và lo lắng về việc các tàu ngầm Liên Xô có thể phóng vũ khí hạt nhân vào bên trong lãnh thổ. Những căng thẳng ngày nay với Trung Quốc là một lời nhắc nhở nữa về tầm quan trọng của các hệ thống gián điệp biển sâu khi Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đang vận hành những hạm đội gồm hàng chục tàu ngầm mà sáu chiếc có thể mang tên lửa đạn đạo có đầu đạn hạt nhân.

Brynn Tannehill, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp tại RAND, nhận định: “Bất cứ điều gì liên quan đến bộ ba hạt nhân triển khai từ đất liền, trên biển và trên không đều là siêu bí mật. Bất cứ điều gì liên quan đến khả năng cảm biến của Hoa Kỳ cũng là siêu bí mật”.

Một trong những hệ thống như vậy (không thể xác định được hệ thống nào) đã nghe thấy những gì các quan chức Mỹ cho rằng có thể là vụ nổ của tàu lặn Titan chỉ vài giờ sau khi nó bắt đầu cuộc hành trình đến xác tàu Titanic. Các quan chức này cho biết Hải quân Hoa Kỳ đã báo cáo những phát hiện cho chỉ huy Lực lượng Tuần duyên (Coast Guard) phụ trách khu vực đó. Dù Hải quân không thể nói chắc chắn âm thanh phát ra từ Titan, nhưng phát hiện đã giúp thu hẹp phạm vi tìm kiếm chiếc tàu bị mất tích trước khi mảnh vỡ của nó được phát hiện ngày 22 Tháng Sáu.

Những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm phát triển năng lực giám sát dưới nước đã có từ hơn một thế kỷ trước. Sonar, sử dụng sóng âm thanh để phát hiện và định vị các vật thể, đã được người Anh và các quốc gia khác sử dụng trong Đại chiến Thế giới lần thứ I để phát hiện tàu ngầm địch. Trong Đại chiến Thế giới lần thứ II, Hoa Kỳ đã phát triển các hệ thống sonar tầm xa để phát hiện những tàu ngầm của Đức ở Đại Tây Dương. Vào buổi bình minh của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ bắt đầu nghiên cứu hệ thống mà sau này gọi là Hệ thống Giám sát Âm thanh (Sound Surveillance System-SOSUS).

Được phát triển để phát hiện các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô, SOSUS dựa trên một mạng lưới các thiết bị nghe cực nhạy được cố định dưới đáy biển. Ngay cả tên của chương trình cũng được giữ bí mật cho đến sau ngày Liên Xô sụp đổ. Nhưng vị trí và khả năng của các ống nghe dưới nước vẫn còn là bí mật cho đến ngày nay. Tài liệu “Lịch sử phát hiện âm thanh tàu ngầm” do Hải quân nêu rõ:

“Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã trở thành thực tế lớn của cuộc sống hiện đại, một cuộc chạy đua vũ trang căng thẳng vẫn tiếp diễn, tập trung vào tàu ngầm và các hệ thống phát hiện âm thanh. Mục tiêu của các đô đốc Liên Xô là đạt được ưu thế về hải quân, sử dụng hải quân như yếu tố then chốt trong chiến lược toàn cầu của họ”.

SOSUS từng được sử dụng để tìm các con tàu bị đắm trước đó, gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Thresher bị chìm năm 1963 trong cuộc thử nghiệm lặn ngoài khơi Cape Cod, Massachusetts giết chết tất cả 129 người trên tàu. Brynn Tannehill, nhà phân tích của RAND lưu ý: “Hệ thống này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay và có khả năng chính nó đã phát hiện ra những tiếng động phát ra từ Titan nổ. Nhưng cũng có thể việc phát hiện này cũng nhờ các công cụ tìm kiếm khác. Dù chuyện gì đã xảy ra, có lẽ còn lâu nữa chính phủ Mỹ mới tiết lộ các chi tiết. Nhưng ngay khi bạn bắt đầu nói về các hệ thống tác chiến chống tàu ngầm và tàu thuyền ở Bắc Đại Tây Dương, bạn phải nghĩ trước tiên đến thông tin tuyệt mật” – dẫn lại từ Wall Street Journal.

___________

Blog quốc phòng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: