Chưa đầy một tháng kể từ ngày trở lại Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, đã gây ra những trận động đất chính trị kinh hoàng. Được trao quá nhiều quyền lực, Cơ Quan Cải Tổ Chính Phủ (DOGE) đang tấn công thô bạo nền dân chủ Mỹ từng ngày từng giờ.
Gần như toàn bộ Quốc Hội đang bị vô hiệu hóa. Không hề được bầu lên từ bất kỳ lá phiếu nào, ông Elon Musk, “bộ trưởng” DOGE, đã biến các ông nghị Cộng Hòa lẫn Dân Chủ chẳng khác gì bù nhìn trong khi cá nhân ông Musk, một người gốc Nam Phi, giương giương tự đắc chà đạp Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Hiến Pháp Mỹ trước sự đe dọa chưa từng có
Chưa bao giờ nền dân chủ Mỹ bị sụp đổ với mức độ nghiêm trọng như vậy, kể cả thời Watergate. Hiến Pháp giờ chẳng khác gì tờ giấy lộn. Với truyền thống chính trị Mỹ, Quốc Hội (lập pháp), tổng thống (hành pháp) và tòa án (tư pháp) được cho là phải để mắt đến nhau, nhằm ngăn chặn bất kỳ nhánh nào của chính phủ trở nên nắm trong tay quá nhiều quyền lực và mặc sức thao túng. Tuy nhiên, toàn bộ các biện pháp kiểm tra và cân bằng đang bị phá nát.
Tổng thống không thể đóng cửa các cơ quan mà Quốc Hội tài trợ, nhưng đó là những gì ông Trump làm đối với Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID). Cần nhắc lại, USAID được Tổng Thống John F. Kennedy thành lập theo lệnh hành pháp năm 1961; và Quốc Hội thông qua luật vào năm 1998 để biến nó thành một “cơ quan độc lập” như các cơ quan khác trong nội các. Do vậy, số phận và sự sống còn của USAID đáng lý phải được Quốc Hội định đoạt chứ không phải tổng thống, càng không phải một “cơ quan ất ơ” chẳng thuộc lập pháp, chẳng phải hành pháp, và cũng chẳng là tư pháp như DOGE.
Tổng thống không thể sa thải các tổng thanh tra mà không thông báo cho các nhà lập pháp trước 30 ngày, nhưng ông Trump vẫn sa thải 17 người trong số họ. Quốc Hội đã thông qua luật buộc TikTok phải bán hoặc đóng cửa, và tòa án đã duy trì luật này, nhưng ông Trump từ chối thực thi.
Mới đây nhất, ngày 12 Tháng Hai, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chỉ đạo DOGE phối hợp với các cơ quan liên bang để thực hiện chiến dịch cắt giảm lớn số lượng nhân sự của chính quyền liên bang. Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy nước Mỹ đang sống trong tình trạng vô chính phủ như thế nào.
Giới luật gia và luật học đang lên tiếng gay gắt. Ông Brendan Nyhan, nhà khoa học chính trị tại Đại Học Dartmouth, nói rằng “Tổng thống đang công khai vi phạm luật pháp và Hiến Pháp từng ngày,” theo Los Angeles Times.
Bà Kristin Kay Mayes, bộ trưởng Tư Pháp Arizona, nói “những gì chúng ta chứng kiến hôm nay là một cuộc đảo chính chống lại nền dân chủ Hoa Kỳ,” rằng đất nước này “đang bên bờ vực của một chế độ độc tài” và nước Mỹ “chưa bao giờ ở trong một vị thế nguy hiểm hơn.”
Quốc Hội, với phe đa số thuộc về Cộng Hòa (GOP), đang nhũn như con chi chi. Không ông nghị GOP nào đủ dũng khí và liêm sỉ để bảo vệ Hiến Pháp và chống lại ông Trump và ngăn cản ông Elon Musk – theo cách như Thượng Nghị Sĩ John McCain từng làm thời Trump 1.0. Thượng Nghị Sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) thừa nhận rằng những gì chính quyền Trump đang làm là “vi phạm Hiến Pháp theo nghĩa chặt chẽ nhất” nhưng… “không ai nên than phiền về điều đó.”
Sự phân cực đang khiến Quốc Hội ngày càng giống một thể chế bù nhìn, tương tự các nước Cộng Sản độc tài, nơi những người đại diện cho nhân dân trở thành “nghị gật.” Năm 2004, khi tái đắc cử, Tổng Thống George W. Bush muốn tư nhân hóa An Sinh Xã Hội; tuy nhiên, chính đảng của ông đã dập tắt kế hoạch này. Bây giờ, GOP là con tin ngoan ngoãn của ông Trump.
Như nhận định trên The Washington Post của tác giả Alan Charles Raul (cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc thời Tổng Thống Ronald Reagan và là chánh cố vấn pháp lý của Văn Phòng Quản Lý Và Ngân Sách thời Reagan và George H. W. Bush), cuộc tấn công tàn bạo của DOGE vào toàn bộ hệ thống cấu trúc chính trị Mỹ – dưới sự chống lưng của ông Trump – không chỉ vượt qua các ranh giới thủ tục mà còn phá vỡ các biện pháp kiểm tra và cân bằng cơ bản của trật tự Hiến Pháp. Những gì DOGE đang làm cho thấy nước Mỹ không còn là quốc gia của thượng tôn pháp luật và Quốc Hội không còn là nơi có thể kiểm soát chi tiêu và thông qua luật.
Bà Amanda Frost, giáo sư luật thuộc Đại Học Luật Virginia, nói rằng một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp xảy ra khi một nhánh chính phủ, thường là nhánh hành pháp, “vượt quá thẩm quyền hiến định một cách trắng trợn và thường xuyên trong khi các nhánh khác không thể hoặc không muốn ngăn chặn điều đó.”
Giáo Sư Frost nói thêm: “Tôi vô cùng quan ngại, tôi nghĩ mọi người Mỹ cũng nên như vậy, về cách thức mà quyền hành pháp đang bị lạm dụng và vượt quá giới hạn thẩm quyền.”
Ông Ben Raderstorf, thành viên nhóm “Protect Democracy,” nhận định: “Chúng ta hoàn toàn đang ở trong một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp, không có cách nào khác để mô tả nhánh hành pháp hành động như thể nhánh lập pháp chỉ là cơ quan tư vấn.”
“Họ đang xé nát Hiến Pháp; nó đã biến mất,” bà Kimberly Wehle, giáo sư luật tại Trường Luật Đại Học Baltimore, nói thêm. “Ông ấy (Donald Trump) đang biến mình thành một vị vua có quyền lực vô hạn.”
Và ông David Alexander Bateman, chuyên gia về các thể chế dân chủ thuộc Đại Học Cornell, nhận xét: “Chúng ta đang hướng tới một phiên bản chính quyền độc tài.”
Tất cả điều đó đang xảy ra với sự phớt lờ như thể Quốc Hội đã bốc hơi biến mất, trong khi các giao thức của Hiến Pháp không cho phép bất kỳ cơ quan nào, dù được tổng thống ủy quyền, được quyền ra lệnh chuyển đổi – hoặc tổ chức lại cho đến khi không còn tồn tại – mà không có sự chuẩn thuận của Quốc Hội.
Hiến Pháp được thiết kế để đưa ra các biện pháp kiểm tra và cân bằng, cũng như phân chia quyền lực lẫn trách nhiệm của các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Người ta cũng hiểu rằng quyền hạn và nhiệm vụ của từng nhánh sẽ giao thoa với nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, tất cả quyền lập pháp đều thuộc về Quốc Hội và quyền hành pháp thuộc về tổng thống. Phần mình, tư pháp sẽ can thiệp khi phạm vi của thẩm quyền chung trở nên phức tạp và các ranh giới Hiến Pháp bị vượt qua.
Tư pháp cũng sẽ bị vô hiệu hóa?
Tư pháp đang bắt đầu ra tay. Hơn 40 vụ kiện được các bộ trưởng tư pháp tiểu bang tống đạt gần đây, công đoàn và các tổ chức phi lợi nhuận đang chống lại ông Trump. Những hành động hung hãn nhất của ông Trump đã bị các chánh án đóng băng, ít nhất thời điểm hiện tại: Lệnh hành pháp chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh – bị đóng băng. Lệnh khóa sổ chi tiêu của Văn Phòng Quản Lý Và Ngân Sách – tạm hủy bỏ. Lệnh chuyển nữ tù nhân chuyển giới sang nhà tù chỉ dành cho nam – bị dẹp tiệm. Quyền truy nhập của DOGE vào hệ thống thanh toán Bộ Tài Chính – bị tạm dừng. Chiến dịch hủy diệt USAID – tạm thời bị đóng băng…
Vấn đề quan trọng được quan tâm nhiều nhất bây giờ là ông Trump có thể phớt lờ những phán quyết ngăn chặn của nhánh tư pháp (tức các chánh án) hay không. Mới đây, Phó Tổng Thống JD Vance nói rằng “các chánh án không được phép kiểm soát quyền lực hợp pháp của hành pháp.
Ngày 8 Tháng Hai, ông JD Vance – người có bằng luật Đại Học Yale – đã đăng lại từ một học giả pháp lý cực hữu của Đại Học Harvard, với nội dung rằng chánh án không có quyền tạm dừng các sắc lệnh tổng thống (“Sự can thiệp của tư pháp vào các hành vi hợp pháp của nhà nước, đặc biệt là hoạt động của một nhánh ngang bằng, là vi phạm sự phân chia quyền lực”).
Hiện thời, ba ông Trump, Vance và Musk đang phản ứng bằng chiến dịch làm mất uy tín không chỉ những chánh án “phá thối” họ mà thậm chí cả chính hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Đây có thể là một nỗ lực tạo tiền đề cho việc thách thức Tối Cao Pháp Viện nếu tòa tối cao không đứng về phe họ.
Ngày 3 Tháng Hai, ông Musk “cảnh báo” trên X (Twitter): “Các chánh án phải bị loại nếu không sẽ không có công lý.”
“Con sâu đáng khinh đó giả dạng chánh án nên cần phải bị ném ra ngoài và đối mặt cáo buộc hình sự,” ông Musk viết về một chánh án Vương Quốc Anh. Ông Musk gọi một luật sư Delaware trong một vụ kiện liên quan việc Tesla phải bồi thường là “một tên cực tả giả danh làm chánh án.”
Những bôi nhọ và lời lẽ vung vít như vậy đang được tung ra để “nhồi sọ” người dân rằng hệ thống tư pháp Hoa Kỳ là… bất hợp pháp, tạo tiền đề cho những hành vi bạo lực nhằm vào các chánh án ra phán quyết chống lại ông Musk hoặc ông Trump.
Tháng Mười, ông Musk từng viết trên X: “Nhất thiết, để trở thành nền dân chủ thực sự, ý chí NHÂN DÂN phải thắng thế. Không có chánh án nào lớn hơn ý chí đồng thuận của người dân.” Và cần nhắc lại thêm, ngày 8 Tháng Hai, ông Musk đồng ý với ý kiến của Thượng Nghị Sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) rằng sự kiện một chánh án New York chống lại ông Trump là một “cuộc đảo chính” tư pháp. Ngày hôm sau, ông Musk kêu gọi luận tội ông và đề nghị Quốc Hội sa thải “1%” chánh án tồi tệ nhất.
Bất luận thế nào, cho dù chính quyền Trump có công khai thách thức tòa án hay không thì nỗ lực trao quyền cho tổng thống làm bất cứ điều gì ông ấy muốn vẫn đang được thực hiện. Hàng loạt sắc lệnh vi hiến vẫn ra đời. Đến lượt ông Trump, ông vẫn ngang nhiên chống lưng cho ông Musk để đương sự tiếp tục phá phách hệ thống chính trị Mỹ. Hiến Pháp tiếp tục được xé bỏ. Nền dân chủ đang chìm trong sâu vào bóng tối. Đó không phải là một cảm giác hoặc suy nghĩ bi quan. Nó là một thực tế.