Sự gia tăng lạm phát không ngừng tại Mỹ đã đạt đến mức cao nhất trong bốn thập niên vào tháng trước, tăng lên 7,5% do nhu cầu tiêu dùng bùng nổ cùng với sự gián đoạn nguồn cung bởi đại dịch. Bộ Lao động – hôm nay, ngày 10 Tháng Hai 2022 – cho biết chỉ số giá tiêu dùng (đo lường những gì người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ) đạt mức cao nhất vào Tháng Một 2022, kể từ Tháng Hai 1982… Dân tình đang méo mày méo mặt vì lạm phát có thể “đốt cháy” $276 mỗi tháng…
Cái gọi là chỉ số giá cốt lõi, không bao gồm các danh mục thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động, đã tăng 6% trong Tháng Một so với một năm trước. Cái gì cũng tăng. Mở mắt ra là thấy tăng, từ một số mặt hàng gia dụng hàng ngày, trong đó có thực phẩm, xe cộ, chỗ ở và thậm chí điện; đến giá cho thuê nhà. Dẫn lại từ Wall Street Journal (10-2-2022), Kathy Bostjancic, nhà kinh tế tài chính Mỹ thuộc Oxford Economics, cho biết những gì bắt đầu dẫn đến lạm phát do đại dịch bây giờ đang mở rộng trên nhiều “mặt trận”, từ hàng hóa của nền kinh tế đến dịch vụ.
Cụ thể, giá xe hơi đã qua sử dụng tiếp tục diễn một vai “phản diện” trong bộ phim lạm phát, tăng 40.5% trong Tháng Một so với một năm trước. Giá thực phẩm tăng 7%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Giá nhà hàng tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980, đẩy giá đồ ăn nhanh tăng 8% so với một năm trước. Giá hàng tạp hóa tăng 7.4% do giá thịt và trứng tiếp tục thăng thiên ở mức hai con số. Giá năng lượng tăng 27% (dù có giảm so với mức cao nhất của Tháng Mười Một là 33.3%) nhưng chi phí điện tăng “đặc biệt mạnh”. Tháng Mười Hai 2021, khoảng 47% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ có kế hoạch tăng giá trong ba tháng tới, theo Hiệp hội Thương mại Độc lập Quốc gia Hoa Kỳ (National Federation of Independent Business).
Tuy nhiên, cần nói thêm, nền kinh tế đã mở rộng 5.5% vào năm ngoái, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Sự tăng trưởng nhanh được thúc đẩy bởi thị trường lao động mạnh. Các nhà tuyển dụng đã có thêm 1.6 triệu việc làm trong ba tháng qua. Dù vậy, tréo ngoe ở chỗ, việc gia tăng áp lực tiền lương liên quan thị trường việc làm lại trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Tăng trưởng tiền lương hàng năm ở mức 4.5% vào Tháng Mười Hai 2021, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2002.
Tại các văn phòng công ty, mối lo ngại lạm phát ngày càng lớn, theo cuộc khảo sát 133 CEO công ty lớn của Hoa Kỳ do Conference Board, một nhóm nghiên cứu kinh doanh, thực hiện. Gần 3/4 đối tượng được hỏi cho biết việc tăng lãi suất của Fed khó có thể ngay lập tức kiềm chế lạm phát, với hầu hết đều cho rằng vấn đề chuỗi cung ứng đang bị nghẽn là một thách thức lớn trong kiểm soát kinh tế để từ đó hạ nhiệt lạm phát.
Aichi Amemiya, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Nomura Securities, cho biết: “Chi phí thuê nhà chiếm gần một phần ba chỉ số CPI, tăng đều đặn, khiến gia tăng áp lực lạm phát và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy”. Trong khi đó, tỉ lệ cao ốc cho thuê đang trống (rental vacancy rate) lại giảm xuống 5.6% trong quý IV-2021, mức thấp nhất kể từ những năm 1980. Tỉ lệ nhà trống thấp như vậy có thể đẩy giá thuê nhà ở cao hơn, gây thêm áp lực lên lạm phát.
Wall Street Journal kể một trường hợp về Allison Reyes và người bạn trai. Hai người vốn ở một căn hộ mới gần sông Schuylkill ở Philadelphia trong bốn tháng. Khi tầng hầm căn hộ ngập do nước dâng cao sau cơn bão Ida vào Hè năm ngoái, họ tìm nơi ở mới; và sốc té ngửa khi giá bất động sản cho thuê đắt hơn 30% so với chỉ vài tháng trước, từ $2,400 lên $3,000/tháng…
Trong một bài báo khác cùng ngày 10 Tháng Hai 2022, Wall Street Journal cho biết, lạm phát đang khiến một hộ gia đình Mỹ trung bình phải tốn thêm $276/tháng. Đừng sắm sửa gì thêm nếu đã có đồ xài, vì giá một cái máy giặt chẳng hạn đã tăng 12.1% vào năm ngoái. Hiệu ứng gợn sóng của lạm phát nhìn chẳng lãng mạn chút nào. Ngân sách nhiều gia đình đang bị ăn mòn. Giá xăng tăng gấp đôi kể từ trước đại dịch. CNN (10-2-2022) cho biết, cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Jared Bernstein thừa nhận rằng chính quyền Joe Biden “còn rất nhiều việc để làm” liên quan việc “xử” lạm phát.