Miền Tây Hoa Kỳ có thời được coi là vùng đất có những khả năng vô hạn: cảnh quan hùng vĩ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và những thành phố tráng lệ vươn lên từ sa mạc. Nhưng bây giờ, một cơn hạn hán bị biến đổi khí hậu làm cho tồi tệ hơn đang nhanh chóng hút cạn các hồ chứa nước, thổi bùng những vụ cháy rừng khổng lồ, những đợt không khí nóng chết chóc và làm khô héo khu vực kinh tế nông nghiệp quan trọng nhất của đất nước.
Ông Joel Del Bosque, một nông gia trồng dưa và các loại trái cây khác ở vùng Central Valley của California từ năm 1985 đến nay, than thở: “Tôi thực sự lo lắng. Tôi thực sự lo lắng”. Ông đã đi qua nhiều đợt hạn hán trước đây, nhưng chưa bao giờ thấy một đợt khô hạn khủng khiếp như thế này.
Phóng viên Ben Tracy của đài truyền hình CBS News theo chân ông Del Bosque ra một cánh đồng rộng lớn đầy bụi mà ông bỏ hoang vì không có đủ nước tưới để trồng cây. Cánh đồng rộng một phần ba diện tích trang trại của ông Del Bosque. “Nếu không đưa được nước tới đây, chúng tôi sẽ mất mùa. Một số cây trồng sẽ chết,” ông nói.
Trang trại của ông Del Bosque dựa vào nguồn nước từ hồ chứa San Luis Reservoir, nhưng hiện thời hồ chỉ còn 30% dung tích vốn có của nó. Tiểu bang California đã kêu gọi cư dân tiết kiệm nước và bắt đầu hạn chế nguồn nước giao cho các trang trại nông nghiệp – những nơi cung cấp cho đất nước phần lớn trái cây, các loại hạt và rau xanh. Ông Del Bosque vẫn phải trả tiền cho nguồn nước mà giờ đây ông không còn nhận được nữa.
Các nông gia láng giềng của ông trong thung lũng này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Nhiều người đang rất lo lắng. Một số người thậm chí mất trí. Nếu sang năm mà vẫn không có nước thì chúng tôi không canh tác được nữa. Cây cối không có nước, chúng sẽ chết”, ông nói.
Đại hạn tồi tệ nhất trong 12 thế kỷ
Hạn hán tàn phá không chỉ tiểu bang California mà có ảnh hưởng gần như toàn bộ miền Tây.
Ông Park Williams, một nhà khí tượng thủy văn của Đại học California, Los Angeles (UCLA) nhận xét: “Đợt hạn hán này thật sự tồi tệ; đó là một trong số ít những năm hạn tồi tệ nhất kể từ năm 800 sau Công Nguyên”. Ông Williams cho rằng, đây không chỉ là một mùa hè khô hạn và nóng bức kéo dài, mà là một “đại hạn” (megadrought) theo cách nói của các nhà khoa học. “Chúng ta thực sự đang ở năm thứ 22 của một cuộc đại hạn kéo dài từ năm 2000 đến nay,” ông Williams nói.
Ông và các đồng nghiệp biết được điều đó nhờ nghiên cứu các vòng gỗ trong thân cây; các vòng gỗ này cho biết cây lớn thêm được bao nhiêu trong một năm cụ thể nào đó. “Thời gian 22 năm vừa qua thật sự được coi là giai đoạn 22 năm khô hạn nhất trong ít nhất 1,200 năm qua, dựa theo ghi chép về các vòng gỗ ở thân cây,” ông Williams nói và cho rằng giờ đây con người đang phải đấu tranh với một cuộc khủng hoảng nước ở miền Tây mà xã hội hiện đại của nước Mỹ chưa bao giờ phải đương đầu.
Theo các nhà khoa học, người Mỹ từ lâu đã biết miền Tây là vùng đất khô cằn. Vào giữa những năm 1800, chính phủ Hoa Kỳ đã cử một nhà địa chất học, ông John Wesley, khảo sát nguồn cung cấp nước ở miền Tây Hoa Kỳ và đưa ra những khuyến nghị về đường lối phát triển. Ông Williams nói rằng ông Wesley đã cảnh báo miền Tây sẽ không có đủ nước cho một khối dân số mở rộng. “Nhưng chúng ta đã bẻ cong quy luật khi bắt đầu nghĩ cách chinh phục dòng sông Colorado và bắt nó phải phục vụ các tiểu bang miền Tây”, ông Williams nói.
Đập Hoover (Hoover Dam) ở Nevada giáp ranh với Arizona, một kỳ công về kỹ thuật, được cho là giải pháp bằng bê tông cho vấn đề thiếu nước. Nó thuần hóa dòng sông Colorado hùng vĩ và tạo ra hồ Mead (Lake Mead) ở tiểu bang Nevada, đến nay vẫn là hồ chứa nước lớn nhất quốc gia. Chính nguồn cung cấp nước từ hồ Mead và sông Colorado là thứ đã làm nên các thành phố miền Tây như Los Angeles, Phoenix và Las Vegas, và giúp tạo ra một số vùng canh tác nông nghiệp trù phú nhất nước. Bây giờ 40 triệu người Mỹ ở bảy tiểu bang phụ thuộc vào nguồn nước này.
Hiện mực nước trong hồ Lake Mead đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Vào năm 2000, nước hồ dâng lên tới đỉnh đập Hoover nhưng trong thời kỳ đại hạn hán, mực nước hồ đã giảm đi hơn 140 feet. Bà Pat Mulroy, cựu giám đốc ủy ban nước miền nam Nevada, nói: “Khi hồ Mead mất nhiều nước như thế này, đối với tôi, đó là lời cảnh báo hết sức nghiêm trọng”.
Vào tháng tới, có thể chính phủ liên bang Hoa Kỳ sẽ đưa ra một quyết định vô tiền khoáng hậu: lần đầu tiên tuyên bố dòng sông Colorado bị thiếu nước, từ đó ban hành biện pháp giảm nguồn nước cung cấp cho Nevada và Arizona; nông dân các tiểu bang này có thể bị giảm 25% lượng nước mà họ nhận được. “Đây là điểm bước ngoặt. Đây là một vấn đề sinh tử cho Arizona, cho California, cho Nevada. Đây là một hệ thống sông ngòi, một nguồn cung cấp nước không thể bị sụp đổ,” bà Mulroy nói.
Theo bà Mulroy, nếu không có nguồn cung cấp nước từ sông Colorado và hồ Mead, thì sẽ không có các đại đô thị như Phoenix, Las Vegas và cả Los Angeles. “Những thành phố và cơ sở kinh tế đó đang ở trong tình trạng nguy hiểm”, bà nói.
Tác động của biến đổi khí hậu
Cái mà miền Tây cần nhất là tuyết. Vào mùa hè, tuyết trên các đỉnh núi tan thành nước và chảy về các hồ chứa. Ông J.T. Reager, một nhà khoa học về nước ở Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ví von: “Ở miền Tây, tuyết giống như bình điện của chúng ta; đó là nơi chúng ta tích trữ nước”. “Bây giờ chúng ta có ít tuyết hơn trước. Mùa tuyết rơi cũng đã ngắn hơn đáng kể,” ông Reager nói và cho biết thêm rằng tình trạng đó chắc chắn bị biến đổi khí hậu làm cho tồi tệ hơn.
Biến đổi khí hậu làm cho miền Tây Hoa Kỳ nóng hơn và khô ráo hơn; mưa rơi nhiều hơn tuyết, nhưng nước mưa bốc hơi nhanh hơn. “Về lâu dài, những gì chúng tôi thấy từ các dữ liệu mà vệ tinh của chúng tôi thu thập được là một bức tranh ngày càng khô hạn,” ông Reager nói và trưng ra các hình ảnh cho thấy lượng nước mặt và nước ngầm ở các tiểu bang miền Tây đã giảm như thế nào trong mấy năm gần đây.
Một vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) đang ghi lại sự thất thoát nước chứa trên các ngọn núi, hồ chứa nước và cả các mạch nước ngầm. “Đây là một số hình ảnh mà chúng tôi thu được từ vệ tinh từ Tháng Tư 2010, 2015 và 2021, cho thấy sự khô hạn ở miền Tây đang diễn tiến đều đặn,” ông Reager nói.
Liệu chúng ta có thể hồi phục từ cơn đại hạn này hay không? Ông Reager cho rằng chúng ta sẽ cần một thập niên “thật sự ướt át” – mà điều đó hầu như sẽ không xảy ra.
Kết thúc những giấc mơ
Ông Joel Del Bosque đã cho 70 công nhân trang trại của mình nghỉ việc và không biết, liệu trang trại của ông còn cầm cự được bao lâu nữa nếu như cơn đại hạn tiếp tục kéo dài.
Ông nói rằng, làm nông nghiệp giống như một giấc mơ từ thời thơ ấu; vì ông là con của một nông dân. “Tôi có nhiều người phụ thuộc vào tôi. Có hàng trăm người làm việc ngoài đồng, hái dưa… Có những người giống như tổ tiên tôi, họ đến đây, làm việc chăm chỉ để nuôi nấng con cái, cho con cái vào đại học giống như tôi. Và cơn đại hạn cũng sẽ kết thúc giấc mơ của họ…”
(theo CBS News)
Đọc thêm: