Không ai được an toàn: thời tiết khắc nghiệt tàn phá các nước giàu

Lũ lụt càn quét nước Đức, hỏa hoạn hoành hành ở miền Tây nước Mỹ và những đợt nắng nóng đang rình rập… tất cả làm nổi bật cái thực tế rằng những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới vẫn không chuẩn bị cho các hậu quả ngày càng trầm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Cuối tuần này, một số quốc gia giàu có nhất châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn khi các dòng sông hung hãn chảy tràn qua bờ ở Đức và Bỉ, nhấn chìm các thị trấn, làm sụt lở đường giao thông và khiến người dân châu Âu choáng váng với cảnh tàn phá dữ dội của lũ lụt.

Chỉ vài ngày trước ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ – một khu vực nổi tiếng thời tiết mát mẻ, nhiều sương mù – hàng trăm người đã chết vì nắng nóng. Ở Canada, cháy rừng đã thiêu rụi và xóa một ngôi làng khỏi bản đồ. Thủ đô Moscow của Nga quay cuồng trong nhiệt độ cao kỷ lục. Và cuối tuần này, vùng núi Rocky Mountain chuẩn bị đón một đợt nắng nóng khác khi cháy rừng lan rộng khắp 12 tiểu bang miền Tây nước Mỹ.

Các thảm họa thời tiết khắc nghiệt trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ đã dẫn đến hai sự thật thiết yếu của khoa học và lịch sử: Thế giới nói chung đã không hành động để làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu mà cũng không chung sống với nó. Các thảm họa trong tuần hiện đã tàn phá một số quốc gia giàu có nhất thế giới, những quốc gia có được sự sung túc nhờ hơn một thế kỷ đốt than, dầu và khí đốt – các hoạt động đã bơm vào khí quyển các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đang làm thế giới ấm lên.

Giáo sư Friederike Otto, nhà vật lý tại Đại học Oxford, người nghiên cứu mối liên hệ giữa thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, cho biết: “Tôi nói điều này với tư cách là người Đức: Ý tưởng rằng bạn có thể chết vì thời tiết là hoàn toàn xa lạ. Thậm chí chúng ta còn không nhận ra rằng thích ứng là điều chúng ta phải làm ngay bây giờ. Chúng ta phải cứu mạng sống của mọi người ”.

Lũ lụt ở châu Âu đã giết chết ít nhất 165 người, hầu hết là ở Đức, nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu. Trên khắp Đức, Bỉ và Hà Lan, hàng trăm người đã được báo cáo mất tích, nghĩa là số người chết có thể tăng lên. Người ta đang đặt các câu hỏi liệu các nhà chức trách có cảnh báo đầy đủ cho công chúng về rủi ro hay không.

Câu hỏi lớn hơn nữa là liệu các thảm họa đang gia tăng ở thế giới phát triển sẽ có tác động đến những việc mà các quốc gia và công ty có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ làm để giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh mà chính họ phát ra hay không. Các thảm họa này chỉ xảy ra vài tháng trước các cuộc đàm phán về khí hậu do Liên Hiệp Quốc dẫn dắt ở Glasgow, Vương quốc Anh vào Tháng Mười Một sắp tới – một thời điểm để tính toán liệu các quốc gia trên thế giới có thể đồng ý về các cách thức kiềm chế lượng khí thải đủ để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu hay không .

Thảm họa do sự nóng lên toàn cầu gây ra đã để lại một chuỗi dài chết chóc và mất mát ở hầu hết các quốc gia đang phát triển, xóa sổ mùa màng ở Bangladesh, san phẳng làng mạc ở Honduras và đe dọa sự tồn tại của các quốc đảo nhỏ. Bão Hải Yến (Haiyan) tàn phá Philippines ngay trước cuộc đàm phán về khí hậu năm 2013, khiến đại diện của các nước đang phát triển phải kêu gọi tài trợ để đối phó với những mất mát và thiệt hại mà họ phải gánh chịu vì những thảm họa do khí hậu gây ra mà họ không chịu trách nhiệm. Lời kêu gọi đó đã bị các nước giàu có hơn, bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu, bác bỏ.

Ulka Kelkar, giám đốc tại Ấn Độ của tổ chức Viện Tài Nguyên Thế Giới (World Resources Institute) cho biết: “Các hiện tượng thời tiết cực đoan ở các nước đang phát triển thường gây ra cái chết và sự tàn phá lớn – nhưng đây được coi là trách nhiệm của chúng tôi, chứ không phải là bởi hơn một trăm năm khí nhà kính do các nước công nghiệp phát triển gây ra”. Bà nói, những thảm họa ngày càng trầm trọng này hiện đang tấn công các quốc gia giàu có, cho thấy các quốc gia đang phát triển tìm kiếm sự giúp đỡ của thế giới để chống lại biến đổi khí hậu là điều hợp lý.

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đặt 3 mục tiêu: giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1.5 độ C; thích nghi với biến đổi khí hậu và gia tăng đầu tư cho các mục tiêu này. Ảnh Yale University

Thật vậy, kể từ khi Thỏa thuận Paris 2015 đặt mục tiêu ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, lượng khí thải toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên. Trung Quốc là nước phát thải lớn nhất thế giới hiện nay. Lượng phát thải đã giảm đều đặn ở cả Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng chưa đạt tốc độ cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Mohamed Nasheed, cựu tổng thống của Maldives, một đảo quốc đang có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm, nói trong một tuyên bố thay mặt cho một nhóm các quốc gia tự gọi mình là Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu (Climate Vulnerable Forum): “Mặc dù không phải tất cả các nước đều bị ảnh hưởng như nhau, biến cố bi thảm này là một lời nhắc nhở, trong trường hợp khẩn cấp về khí hậu, không ai được an toàn, cho dù họ sống trên một đảo quốc nhỏ như đất nước tôi hay một quốc gia phát triển ở Tây Âu” .

Mức độ khốc liệt của những thảm họa này cũng đáng chú ý như thời điểm xảy ra của chúng, trước các cuộc đàm phán toàn cầu sắp diễn ra ở Glasgow để cố gắng đạt được thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu. Cho đến nay, thế giới rất kém về hợp tác, và trong tháng này, những căng thẳng ngoại giao mới đã xuất hiện.

Trong số các nền kinh tế lớn, Ủy ban châu Âu tuần trước đã giới thiệu một lộ trình thay đổi đầy tham vọng. Họ đề nghị ban hành luật cấm bán xe hơi chạy bằng khí đốt và dầu diesel vào năm 2035, bắt buộc hầu hết các ngành công nghiệp phải trả tiền cho lượng khí thải mà họ phát ra, và đáng kể nhất là áp thuế lên hàng hóa nhập cảng từ các quốc gia có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt.

Nhưng những đề nghị đó được cho là sẽ vấp phải sự phản đối gay gắt ngay từ bên trong châu Âu và từ các nước khác mà doanh nghiệp của họ có thể bị đe dọa bởi sắc thuế nhập cảng mới, gọi là carbon border tax, có khả năng làm phức tạp thêm triển vọng hợp tác toàn cầu ở Glasgow.

Các sự kiện mùa hè này xảy ra sau nhiều thập kỷ khoa học bị lãng quên. Các mô hình khí hậu đã cảnh báo về tác động tàn phá của sự gia tăng nhiệt độ. Một đánh giá khoa học toàn diện vào năm 2018 đã cảnh báo rằng việc không giữ được nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với khi bắt đầu thời đại công nghiệp có thể dẫn đến những kết quả thảm khốc, từ ngập lụt ở các thành phố ven biển đến mất mùa ở nhiều vùng khác nhau của thế giới.

Báo cáo đã cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới một con đường thực tế, dù hẹp, để thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. Nó yêu cầu toàn thế giới giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, kể từ đó, lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng lên, nhiều đến mức nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng hơn 1 độ C (khoảng 2 độ F) so với năm 1880, thu hẹp con đường để giữ mức tăng dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Khi nhiệt độ trung bình tăng lên, nó đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan nói chung. Trong những năm gần đây, các tiến bộ khoa học đã xác định chính xác mức độ mà biến đổi khí hậu gây ra cho các thảm họa cụ thể. Ví dụ, tiến sĩ Otto và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế kết luận rằng đợt nắng nóng bất thường ở Tây Bắc Hoa Kỳ vào cuối Tháng Sáu gần như chắc chắn sẽ không xảy ra nếu không có hiện tượng trái đất nóng lên.

Và mặc dù sẽ cần đến những phân tích khoa học sâu rộng để liên kết hiện tượng biến đổi khí hậu với trận lũ lụt kinh hoàng ở châu Âu tuần trước, người ta đã biết rằng một bầu khí quyển ấm hơn sẽ giữ nhiều độ ẩm hơn và gây ra lượng mưa lớn hơn trong nhiều cơn bão trên khắp thế giới. Ít ai nghi ngờ các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn do hậu quả của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một bài báo được xuất bản hôm Thứ Sáu dự báo sự gia tăng đáng kể các trận mưa bão di chuyển chậm nhưng dữ dội trên khắp châu Âu vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu.

Richard Betts, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Exeter ở Anh cho biết: “Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi mà chúng ta đã gây ra cho hệ thống và cũng tránh thay đổi thêm nữa bằng cách giảm lượng khí thải, giảm ảnh hưởng của chúng ta đến khí hậu”. Thông điệp đó rõ ràng đã không được các nhà hoạch định chính sách và có lẽ cả công chúng thấu hiểu, đặc biệt là ở các nước phát triển, nơi người ta vẫn nghĩ mình bất khả xâm phạm.

Kết quả là thiếu sự chuẩn bị, ngay cả ở những nước có nguồn lực. Tại Hoa Kỳ, lũ lụt đã giết chết hơn 1,000 người chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, theo số liệu liên bang. Ở vùng Tây Nam, tử vong do nắng nóng đã tăng đột ngột trong những năm gần đây.

Theo Jean Slick, người đứng đầu chương trình quản lý thảm họa và khẩn cấp tại Đại học Royal Roads ở British Columbia, Canada, đôi khi đó là do các chính phủ đã ứng phó chậm chạp với những thảm họa mà họ chưa từng trải qua, chẳng hạn như đợt nắng nóng ở miền Tây Canada vào tháng trước. “Bạn có thể có một kế hoạch, nhưng bạn không biết nó sẽ hoạt động được hay không,” bà Slick nói.

Những lần khác, đó là vì các chính phủ không có động cơ chính trị để tiêu tiền vào sự thích nghi với biến đổi khí hậu. Samantha Montano, giáo sư về quản lý khẩn cấp tại Học viện Hàng hải Massachusetts, cho biết: “Vào thời điểm chính quyền xây dựng xong cơ sở hạ tầng lũ lụt mới trong cộng đồng thì họ có thể sẽ không còn tại vị nữa. Nhưng họ phải biện minh cho hàng triệu, hàng tỷ đô la được chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đó.”

(theo The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: