H.C.
Hoa Kỳ vừa công bố trừng phạt 24 quan chức cao cấp của Trung Quốc – trong đó có một ủy viên bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc – do hành vi xói mòn tự do dân chủ ở Hong Kong. Lệnh cấm vận phát ra chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà ngoại giao cao cấp nhất của hai nước ở Alaska, cho thấy chính phủ Joe Biden không nhượng bộ những yêu cầu tái lập quan hệ bình thường giữa hai nước.
Báo The New York Times đưa tin sáng nay thứ Tư 17-03, Bộ Ngoại giao công bố cấm vận về tài chính, cấm nhập cảnh nước Mỹ và đóng băng tài sản tại Mỹ của 24 quan chức cao cấp Trung Quốc, người có chức vụ cao nhất là Wang Chen (Vương Thần) Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSTQ, phụ trách việc sửa đổi luật bầu cử ở Hong Kong, theo đó chỉ những người được đảng CSTQ coi là “ái quốc” mới được đề cử vào cơ quan lập pháp của lãnh thổ này, loại bỏ những nhà đấu tranh dân chủ hoặc bất đồng chính kiến.
Trước đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã cấm vận nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Hong Kong, bao gồm Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam, chỉ huy cảnh sát và bộ trưởng tư pháp của lãnh thổ, cấm những người này sử dụng dịch vụ của các tổ chức tài chính liên quan tới Hoa Kỳ. Biện pháp cấm vận của chính phủ ban hành theo đạo luật Hong Kong Tự chủ (Hong Kong Autonomy Act, HKAA) đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Trump ký ban hành năm ngoái, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia khắc nghiệt lên lãnh thổ Hong Kong.
Cho đến nay, ngoài ban lãnh đạo chính quyền Hong Kong, Hoa Kỳ đã quyết định cấm vận 14 phó chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc ở Bắc Kinh; Wang Chen là quan chức cao cấp nhất bị trừng phạt.
“Trung Quốc sử dụng việc cưỡng ép và xâm lược để hủy hoại một cách có hệ thống quy chế tự chủ của Hong Kong, chèn ép dân chủ ở Đài Loan, lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và yêu sách chủ quyền biển ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Antony Blinken
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken, đang công du Nam Hàn, nói rằng quyết định trừng phạt nhằm phản bác nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ quy chế tự chủ của Hong Kong bằng việc viết lại luật bầu cử của vùng lãnh thổ này nhắm lập ra một cơ quan lập pháp tuân thủ sự kiểm soát của đảng CSTQ. “Hành động [của Bắc Kinh] đang xói mòn hơn nữa tính tự chủ cao mà Trung Quốc đã cam kết với Hong Kong, phủ nhận tiếng nói của người dân Hong Kong trong việc quản trị cuộc sống của họ,” ông Blinken nói trong thông báo đưa ra từ Seoul. Nói chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Nam Hàn Chung Eui-yong, ông Blinken cũng mạnh mẽ phê phán các hành động của Bắc Kinh: “Trung Quốc sử dụng việc cưỡng ém và xâm lấn để hủy hoại một cách có hệ thống quy chế tự chủ của Hong Kong, chèn ép dân chủ ở Đài Loan, lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng và yêu sách chủ quyền biển ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế”.
Trước đó, trong chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Llyod J. Austin III đã lên án mạnh mẽ Trung Quốc “có các hành động gây bất ổn” trong khu vực.
Một quan chức ngoại giao cao cấp khác của Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell, cố vấn cao cấp của Tổng thống Joe Biden về châu Á, nói với báo Úc The Sydney Morning Herald rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không được cải thiện chừng nào Bắc Kinh chưa chấm dứt cuộc chiến tranh kinh tế không tuyên chiến chống lại nước Úc. Giữa năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tăng thuế nhập cảng, hoặc cấm nhập cảng nhiều mặt hàng của Úc như thịt bò, rượu vang, than đá… nhằm trả đũa việc Úc kêu gọi cộng đồng quốc tế tổ chức điều tra nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh lập tức lên án Hoa Kỳ về cái mà họ gọi là hành động can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc. Tại cuộc họp báo sáng nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) nói rằng quyết định cấm vận 24 quan chức cao cấp Trung Quốc liên quan tới vấn đề Hong Kong “thể hiện đầy đủ những ý định điên khùng của Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Hồi đầu tuần, bằng giọng điệu trịch thượng thường có, Triệu tố cáo Hoa Kỳ có “não trạng được ăn cả, ngã về không” sẽ bị “vứt vào sọt rác của lịch sử”.
Theo lịch trình, trên đường từ Seoul trở về Washington, Ngoại trưởng Blinken sẽ có cuộc gặp với Yang Jiechi (Dương Khiết Trì), Trưởng ban đối ngoại đảng CSTQ và Wang Yi (Vương Nghị), Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, tại Anchorage, Alaska. Cùng dự cuộc họp, phía Hoa Kỳ còn có Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan. Đây là cuộc tiếp xúc ngoại giao cao cấp đầu tiên giữa hai nước Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Biden.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ có rất ít tác dụng thay đổi hành vi của Bắc Kinh nhưng việc công bố quyết định trừng phạt tại thời điểm này, ngay trước cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa hai nước ở Alaska phát đi thông điệp rằng chính quyền Biden không ngại lên án Trung Quốc nơi công cộng.