Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện, một sự hỗn loạn mới bắt đầu?

Sau lần bỏ phiếu thứ 15, Kevin McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện thứ 55 của Hoa Kỳ vào ngày 7 Tháng Một 2023, sau cuộc bỏ phiếu cù nhằng nhất kể từ năm 1859 (ảnh: Samuel Corum/Getty Images)

Sự hỗn loạn trong cuộc bầu chọn chủ tịch Hạ viện đã tạo ra bầu không khí rất xấu cho an ninh quốc gia Mỹ trước khi bế tắc kết thúc.

Đối với một số quan chức, tình trạng bế tắc phải mất mấy ngày mới giải quyết xong bằng các “nhân nhượng phi thường” của người được bầu (Kevin McCarthy) là điềm báo ác mộng về những trận chiến ngân sách sắp tới, đặc biệt là trận chiến có thể xảy ra về kinh phí cho Ngũ Giác Đài, các khoản viện trợ nước ngoài và các gói hỗ trợ cho Ukraine (vốn theo truyền thống được sự ủng hộ của lưỡng đảng nhưng sẽ trở thành con mồi cho loại chủ nghĩa bè phái làm tê liệt Hạ viện).

Như nhà bình luận John Hudson viết trên The Washington Post, sự hỗn loạn trên là một vở hài kịch “đáng để thưởng thức” trước khi GOP nắm quyền và tiến hành các cuộc điều tra tốn thời gian về các vấn đề như: Chính quyền Biden rút quân khỏi Afghanistan, hành động của Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas và các chuyến công du cấp tập khắp thế giới của John F. Kerry, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden; cùng các vấn đề khác.

Trước khi Kevin McCarthy thành công ở lần bầu thứ 15, chính quyền Biden cảnh báo sự hỗn loạn kéo dài trong Hạ viện có thể gây cản trở cho an ninh quốc gia của Hoa Kỳ vì Hạ viện có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại. Quốc hội Mỹ không có quyền thực hiện chính sách đối ngoại nhưng thường cố gắng điều chỉnh nó bằng cách đe dọa cắt bớt tiền, một chiến thuật mà các quan chức Hoa Kỳ thường không hài lòng, nếu không nói là khó chịu. Đầu tuần, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã bác bỏ ý kiến cho rằng cuộc đấu đá giữa các đảng viên GOP trong Capitol Hill “đang làm hoen ố hình ảnh nền dân chủ Mỹ như một hệ thống quản trị ổn định để thế giới noi theo”.

Một số người trong Hạ viện có lý do để lo lắng về sự hỗn loạn của nhánh lập pháp. “Không chỉ các đảng viên Dân chủ cười nhạo – Dân biểu GOP Michael Waltz (Florida) nói với kênh Fox Business trước khi McCarthy chiến thắng – Đảng Cộng sản Trung Quốc, người Nga, Bắc Hàn, Iran cũng nhìn vào nền dân chủ chúng ta, gọi nó là ‘rối loạn chức năng’ và khẳng định rằng ‘làm theo cách của chúng tôi là tốt hơn’ chứ không phải theo cách Mỹ!”.

Cần nhấn mạnh, một khi chủ tịch Hạ viện chưa được chọn, các nhà lập pháp không thể thực thi trọng trách của họ, gồm cả nhận các báo cáo tình báo về an ninh quốc gia và phân bổ kinh phí quốc phòng. Ronald Neumann, chủ tịch Học viện Ngoại giao Hoa Kỳ và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao nhận định: “Tác động của vài ngày bế tắc là rất nhỏ. Nhưng tác động sẽ tăng lên theo thời gian vì Hạ viện chưa có Speaker sẽ không thể nghe báo cáo tóm tắt về an ninh quốc gia và chính phủ cũng không nhận được phản hồi của Hạ viện đối với các vấn đề cấp bách và ưu tiên”.

Những người GOP chống đối McCarthy lạnh lùng tin rằng việc Kevin McCarthy bị cho “lên bờ xuống ruộng” đã chứng tỏ… sức mạnh của  họ. Các thành viên của nhóm, đặc biệt là dân biểu Matt Gaetz của tiểu bang Florida, đã kịch liệt phản đối những dự luật mang tính lưỡng đảng, chẳng hạn việc Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine. Nếu nhóm này có thể ngăn Hạ viện bắt tay vào công việc trong một thời gian đáng kể rồi mới nhân nhượng (có điều kiện) thì họ cũng có thể làm suy yếu các ưu tiên lập pháp lưỡng đảng.

Họ đã đạt được những cam kết từ McCarthy, gồm cả quy định mới chỉ cần một dân biểu là đủ để buộc bỏ phiếu bãi nhiệm chủ tịch Hạ viện. Joel Rubin, cựu quan chức phụ trách các vấn đề lập pháp tại Bộ Ngoại giao, nhận định: “Chúng ta sẽ chứng kiến một ban lãnh đạo Hạ viện không ổn định và sẽ không thể có một chính sách an ninh quốc gia mang tính lưỡng đảng vì chủ tịch sẽ bị yêu cầu bỏ phiếu bãi nhiệm ngay lập tức nếu ông ta làm thế” (điều đó có nghĩa là một màn hỗn loạn khác lại diễn ra!).

Tháng Mười Hai qua, các nhà lập pháp của Quốc hội cũ đã “mua” cho mình một chút không gian để thở phào khi họ thông qua được gói kinh phí trị giá $1.7 ngàn tỷ, trong đó có gần $40 tỷ viện trợ cho Ukraine. Toà Bạch Ốc cho biết gói này dự định kéo dài đến cuối Tháng Chín, thời điểm kết thúc năm tài chính.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: