Khi Mỹ không còn là nơi để xây dựng “giấc mơ Mỹ”

Biểu tình lên án phân biệt chủng tộc và làn sóng kỳ thị người gốc Á sau cái chết thảm khốc của Christina Yuna Lee (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

Làn sóng kỳ thị người gốc Á gần như không hề thuyên giảm tại Mỹ. Những vụ tấn công và giết người man rợ vẫn liên tục xảy ra. Không ít người châu Á đang nhìn nước Mỹ bằng cặp mắt rất khác.

Như nhiều người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai, Eric Wu sinh ra và lớn lên ở Seattle trong một gia đình với cha mẹ là người nhập cư Trung Quốc vốn khăn gói đến Mỹ để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho họ và con cái họ. Tuy nhiên, sự bùng nổ và gia tăng các vụ thù ghét chống người châu Á gần đây ở Mỹ đã khiến Eric Wu phải nghĩ lại. Wu, 20 tuổi, đã quyết định chọn nước khác để sống thay vì Mỹ. Hiện ở Anh học đại học, Wu bày tỏ phẫn nộ khi “cứ mỗi tuần, bạn lại thấy một vụ tấn công mới (nhằm vào người gốc Á). “Tôi tức giận khi có thể chứng kiến ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em họ hoặc anh chị em ruột của mình” trong số những người bị giết.

Một trong những sự kiện chấn động mới nhất là vụ Christina Yuna Lee, một phụ nữ Mỹ gốc Hàn, 35 tuổi, được tìm thấy bị đâm chết thảm khốc bởi một hung thủ da đen trong căn hộ của cô ở New York City hôm Chủ Nhật. Video giám sát cho thấy kẻ tình nghi đã bám theo Lee từ ngoài đường vào tòa nhà chung cư. Tháng trước, cũng tại New York, Michelle Alyssa Go, 40 tuổi, đã bị giết oan ức khi bà bị xô xuống đường ray tàu điện ngầm…

Khó có thể liệt kê đầy đủ những vụ tấn công tàn độc nhằm vào người gốc Á trong khuôn khổ một bài báo. Tháng Một 2022, Sở Cảnh sát San Francisco cho biết chỉ riêng năm 2021, các báo cáo liên quan tội thù ghét người gốc Á đã tăng 567%! Trên toàn quốc, số vụ án liên quan tội thù ghét người gốc Á đã tăng 73% trong năm 2020 so với năm trước đó, theo dữ liệu FBI. Liên minh công bằng người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương (Asian American-Pacific Islander Equity Alliance – AAPIEA), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại California, đã thu thập báo cáo về 10,370 vụ việc liên quan kỳ thị người gốc Á từ Tháng Ba 2020 đến Tháng Chín 2021, thuộc đủ kiểu, từ chửi mắng miệt thị, hành hung, đập phá tài sản, tấn công trên mạng đến từ chối bán hàng… COVID-19 đã làm bùng nổ nhanh làn sóng kỳ thị người gốc Á. Trong 30 năm trước đại dịch, AAPIEA xác định có 210 vụ tấn công bạo lực nhằm vào người gốc Á, trung bình 8.1 vụ mỗi năm. Nhưng trong suốt năm 2020 và 2021, đã có 163 cuộc tấn công hung ác, trung bình 81.5 vụ một năm – gấp 11 lần so với mức trung bình trước đó.

Tất cả đang khiến nhiều người gốc Á phải “tái đánh giá” lại những gì mình từng nghĩ về nước Mỹ, nơi vốn đầy rẫy lo ngại về các vấn đề chính trị và xã hội, đặc biệt bạo lực súng đạn. Eric Wu theo học tại Đại học King’s College London và đã lên kế hoạch trở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, với tình hình này, ý định trở lại Mỹ của Wu có khả năng “ném ra ngoài cửa sổ” – theo cách nói của đương sự (Washington Post 17-2-2022). Erin Wen Ai Chew, một phụ nữ Úc gốc Á 39 tuổi ở Sydney, trước đây thường xuyên đến Nam California, quê của chồng. Chew cho biết mình luôn cảnh giác, đặc biệt khi đi bộ trên đường phố Los Angeles một mình. Bây giờ, mức độ cảnh giác “càng tăng nhiều hơn”.

Tuần trước, một nhà ngoại giao Hàn Quốc đang đi ngoài phố ở thành phố New York đã bỗng nhiên bị đấm vào mặt. Và đến giờ, nhiều người vẫn còn nhắc lại vụ việc xảy ra vào Tháng Ba 2021 với vẻ kinh hoàng, khi tám người – chủ yếu là phụ nữ châu Á – đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại loạt tiệm spa ở khu vực Atlanta. Thoạt đầu, nhà chức trách còn do dự khi không chắc trong kết luận rằng vụ tấn công có động cơ chủng tộc hay không. Sau đó, công tố viên khẳng định tên Robert Aaron Long (da trắng) đã ra tay thảm sát vì thù ghét người gốc Á. Cộng đồng người Việt cũng không thể tránh khỏi trở thành nạn nhân. Ngày 17 Tháng Ba 2021, ông Phạm Ngọc, 83 tuổi, bị tấn công trên phố Market ở San Francisco. Ngày 20 Tháng Ba, một người đàn ông 60 tuổi gốc Việt khác bị tấn công ở khu Uptown, Chicago. Tiếp đó là vụ xả súng ở Quận Cam, Nam California – nơi được mệnh danh là thủ phủ của cộng đồng người gốc Việt.

Hiển nhiên nước Mỹ vẫn là điểm hạ cánh mong muốn của nhiều người nhập cư châu Á. Trong số thành phần nhập cư gần đây đến Mỹ, người châu Á là nhóm dân lớn thứ hai và được Trung tâm nghiên cứu Pew dự đoán là nhóm dân lớn nhất vào năm 2055. Tuy nhiên, với làn sóng kỳ thị không hề dừng lại, dự báo của Pew có thể không còn chính xác trong tương lai gần. Công dân những nước giàu như Nhật hoặc Hàn Quốc không còn chọn Mỹ để thử thách bản thân và tìm kiếm cơ hội. Jane Jeong Trenka, sinh ở Hàn Quốc và trưởng thành tại Mỹ, đã trở về cố quốc từ năm 2005. Jane Jeong Trenka còn nhớ hồi năm 2013, trong một lần trở lại Mỹ du lịch, một gã lạ mặt đã nện thình thình vào cửa xe hơi của cô và thét lên: “Mày cút về nước của mày đi!”.

Những câu chuyện tương tự Jane Jeong Trenka chưa hẳn “đại diện” cho toàn cảnh bức tranh xã hội Mỹ nhưng sự lớn phình của tâm lý thù ghét người gốc Á, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19 đến nay, là một thực tế chẳng ai có thể bác bỏ. Cũng như một thực tế khác mà gần như chẳng ai có thể bác bỏ: Nước Mỹ bây giờ đã không còn là nước Mỹ của “ngày trước”. Ngày càng hỗn loạn và bát nháo hơn, ngày càng lộn xộn hơn trong xã hội và ngày càng rạn nứt và chia rẽ hơn về chính trị. Đó là một nước Mỹ mà chỉ một thập niên trước ít người có thể hình dung…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: