Trước khả năng Donald Trump ngày càng tiến gần đến ghế tổng thống, việc nhìn lại những gì ông Trump làm trong nhiệm kỳ một là điều cần thiết, để thấy rõ hơn và từ đó có quyết định đúng đắn trong 105 ngày trước ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một, 2024.
Nói như nhà báo Kevin Drum, Tòa Bạch Ốc những ngày Trump bắt đầu nhiệm kỳ một hệt như củ hành thối: Mỗi khi bóc ra một lớp, nó càng ngửi nặng mùi. Nhà bình luận Andrew Rosenthal gọi Trump là “tổng thống trung học” để chỉ hành vi thiếu trưởng thành của Trump. Như một học sinh thường giãy nãy và đổ lỗi người khác để biện minh cho khả năng kém cỏi của mình, Trump luôn “đổ thừa.”
Trong cuộc phỏng vấn chương trình “Fox & Friends” ngày 28 Tháng Hai, 2017, Trump nói rằng những tin tức rò rỉ từ Tòa Bạch Ốc là do Barack Obama “đứng đằng sau.” Trump cũng nhiều lần nói làn sóng biểu tình khắp nước Mỹ với đủ thành phần tham dự là bởi Hillary Clinton giật dây và người biểu tình được “trả tiền.” Trump chưa bao giờ đưa ra bằng chứng cho những cáo buộc. Bằng cách “đổ thừa,” Trump không thừa nhận những sai lầm và thất bại khi điều hành quốc gia.
Cũng trong buổi phỏng vấn “Fox & Friends,” Trump đã tự “chấm điểm”: “Xét về thành tựu, tôi nghĩ tôi sẽ cho tôi điểm A, vì tôi nghĩ tôi đã làm được những điều lớn lao.” Giữa Tháng Hai, 2016, Trump cũng nói: “Chưa bao giờ có một tổng thống làm được nhiều như vậy trong thời gian cực ngắn.” Tuy nhiên, nhà báo Matthew Yglesias đã chỉ ra: Ở thời điểm tương tự, Barack Obama đã chuẩn y dự luật kích cầu trị giá gần $1 ngàn tỷ để vực dậy nền kinh tế đổ nát gây ra thời George W. Bush; mở rộng chương trình bảo hiểm y tế cho bốn triệu trẻ em; hạn chế tình trạng phân biệt đối xử trong luật lao động.
Trong những ngày đầu tiên ở ghế tổng thống, Bill Clinton ký 24 dự luật; John F. Kennedy, 26; Harry Truman, 55; và Franklin D. Roosevelt, 76. Trong khi đó, dù lưỡng viện thuộc kiểm soát Cộng Hòa, Trump vẫn chưa ký hơn 10 dự luật. Hơn một tháng sau khi Trump nhậm chức, gần 2,000 vị trí cần được bổ nhiệm vẫn còn… trống mà hầu hết không cần Thượng Viện phê chuẩn!
Và như đã biết, Trump liên tục dội bom tweet. Gần như mỗi ngày. Nội dung tweet không phải Trump đã làm được gì, mà là Trump “mắng mỏ” ai! Như một đứa trẻ, Trump chỉ muốn được khen. Trump thù ghét chỉ trích và lập tức phản ứng khi bị chỉ trích. Trump dùng ngôn ngữ “bình dân.”
Trong nhiều trường hợp, đối tượng bị “trả đũa” hầu hết là phụ nữ (ca sĩ Madonna, diễn viên Meryl Streep…). Cách Trump tự “làm truyền thông” bằng Twitter cho thấy Trump muốn thể hiện “cái tôi” vĩ cuồng, rằng chẳng ai có thể kiểm soát được mình. Nó phá vỡ nguyên tắc lẫn truyền thống bất thành văn mà mọi nguyên thủ, không riêng Mỹ, theo đó, tất cả những gì được phát biểu đều luôn thận trọng, cân nhắc và chừng mực, vì mọi tuyên bố hay phát biểu nguyên thủ được xem là “đinh đóng cột” và luôn được trích dẫn. Thật khó có thể tưởng tượng một nguyên thủ “làm chính sách” bằng tweet và “xây dựng quốc gia” bằng những tin tweet nhảm nhí.
Trump luôn tự nhìn vào… lưng mình. Ông sợ bị “nói xấu” và ám ảnh bị nói xấu. Trump cũng bị ám ảnh bởi sự thua kém. Ngay buổi sáng đầu tiên trong Tòa Bạch Ốc, Trump đích thân gọi (ban quản lý công viên quốc gia) Park Services để nói về chuyện những bức ảnh so sánh số người tham dự lễ đăng quang của mình với Obama. Trong cuộc điện đàm với Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull, Trump ba hoa về tỷ lệ phiếu đại cử tri. Trump đã thay đổi ghế tổng thống hơn là ghế tổng thống thay đổi con người Trump.
Tổng Thống Lyndon B. Johnson từng nói: “Chức danh tổng thống sẽ biến mọi người, dù lớn hay nhỏ như thế nào, để khiến anh ta, dù lớn thế nào, cũng không thể lớn hơn những gì mà ghế tổng thống yêu cầu.”
Tuy nhiên, sự nông nổi của Trump đã làm cho ghế tổng thống Mỹ trở nên dị dạng một cách khôi hài. Eliot Cohen, viên chức ngoại giao thời George W. Bush, nói: “Tôi đã lăn lộn chính trường 26 năm và tôi chưa từng thấy bất kỳ điều gì như thế này. Tôi thành thật không nghĩ rằng đây là một tổng thống có sức khỏe tâm thần bình thường.”
Cần nhắc rằng, trong một e-mail rò rỉ vào Tháng Chín, 2016, cựu Ngoại Trưởng Colin Powell gọi Trump là “nỗi nhục quốc gia và kẻ bị ruồng bỏ quốc tế” (“national disgrace and aninternational pariah”).
Tòa Bạch Ốc biến thành “Nhà Trump”
Để “làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”, Trump… sửng cồ với báo chí (gọi báo chí là “kẻ thù của nhân dân”); Trump miệt thị hệ thống tư pháp Mỹ; Trump kích động một sự chia rẽ xã hội nghiêm trọng chưa từng có; Trump “nỗ lực” giẫm lên Hiến Pháp khi phớt lờ định chế “tam quyền phân lập.” Các cơ quan hành pháp gần như bị tước quyền. Tòa Bạch Ốc biến thành “Nhà Trump.” Tháng Hai, 2017, Ivanka Trump, dù không có bất kỳ chức vụ gì, đã ngồi chủ tọa cuộc gặp một số thành viên Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa trong Tòa Bạch Ốc. Ivanka cũng từng tiếp Thủ Tướng Canada Justin Trudeau tại Tòa Bạch Ốc.
Bộ Ngoại Giao không còn đóng vai trò cơ quan quan trọng nhất nội các Hoa Kỳ. Trong suốt một tháng kể từ ngày Trump nhậm chức, các buổi họp báo hàng ngày ở Bộ Ngoại Giao, hình thành từ thời Ngoại Trưởng John Foster Dulles vào thập niên 1950, đã biến mất. Đây là hoạt động từng được xem là dấu chỉ cho thấy một chính phủ minh bạch sẵn sàng cung cấp thông tin mà người dân cần biết, về chính sách đối ngoại và vai trò nước Mỹ như thế nào trên trường thế giới.
Rex Tillerson, người được bổ nhiệm ngoại trưởng dù không có chút kiến thức đối ngoại và hiểu biết về các quan hệ đối ngoại phức tạp cũng như những cam kết ràng buộc giữa Mỹ với thế giới, trong thực tế, gần như bị cho ra rìa. Sau đó, Rex Tillerson thậm chí bị sa thải bằng một tin nhắn!
Vai trò “Nhà Trump” còn thể hiện ở việc chiến lược gia Stephen K. Bannon (được xem là “nhiếp chính”) có mặt trong các cuộc họp an ninh quốc gia; trong khi con rể Trump, Jared Kushner, được giao nhiệm vụ trung gian đàm phán Israel-Palestine. Một viên chức giấu tên thậm chí nói rằng Jared Kushner mới thật sự là “ngoại trưởng.”
Đổng Lý Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Reince Priebus là người được Trump giao việc ký bổ nhiệm 15 đại sứ chứ không phải Ngoại Trưởng Tillerson. Trong số tân đại sứ được Reince Priebus chọn, hầu hết là “người của Trump”: Lew Eisenberg (giám đốc một quỹ đầu tư); Duke Buchan (nhà tài phiệt Wall Street); Georgette Mosbacher (doanh nhân; người đóng góp tài chính cho Fox News, hãng truyền thông ủng hộ Trump)…
Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại thêm, cuối Tháng Giêng, 2017, bức điện thư của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối lệnh cấm nhập cư của Trump bắt đầu nhanh chóng lan truyền, bắt đầu từ Washington rồi sau đó đến các tòa đại sứ Mỹ khắp thế giới. Chỉ trong thời gian ngắn, bức điện được ủng hộ với hơn 1,000 chữ ký. Đây là ví dụ cho thấy, dù chính trường Mỹ đang biến thành “rạp xiếc” như thế nào, Trump cũng không thể “thống trị” nước Mỹ theo cách như một ông chủ háo thắng.
***
Bị “vật” không ít lần trong nhiệm kỳ một, Donald Trump có thể đã biết rằng làm tổng thống khác với ngồi ghế điều hành doanh nghiệp. Trong thương trường, không có khái niệm dân chủ hay sức mạnh nhân dân. Thương trường cũng không có những hệ thống chính trị tản quyền để Trump có thể đơn phương dùng thủ đoạn đàm phán nhằm chơi ép hoặc thậm chí ngồi lên đầu đối thủ mà trong trường hợp này là nhân dân. Các công ty con của Trump không hề giống như các tiểu bang Hoa Kỳ. “Đàm phán” với nhân dân, với tư cách tổng thống một nước như Mỹ, không phải như “đàm phán” với các đối tác làm ăn.
Một tổng giám đốc điều hành hoặc chủ doanh nghiệp có thể ra các mệnh lệnh ảnh hưởng đến bất kỳ nhà máy nào của ông ta. Các tiểu bang Hoa Kỳ và quyền hạn hợp hiến của họ không phải là nhà máy của một tập đoàn. Nền dân chủ Mỹ đã hình thành và tồn tại lâu hơn bất kỳ doanh nghiệp lâu đời nào nhất trên nước Mỹ. Cái “tôi” của Trump dù lớn thế nào cũng không thể to hơn và đè bẹp được các giá trị mà trong đó “tự do” là một trong quyền được tôn xưng mạnh nhất. Không phải tự nhiên nước Mỹ được xem là “thế giới tự do.”
Các hành động quyết liệt và nhanh chóng của Trump, từ việc kêu gọi xây bức tường ngăn biên giới Mỹ-Mexico đến việc xóa sổ Obamacare lẫn TPP, cho thấy ông là con người của hành động. Gần đây, ông nói ông có thể “dẹp tiệm” cuộc chiến Ukraine trong vòng một nốt nhạc. Trump nói là làm nhưng vấn đề của ông không phải là làm cái gì mà là cách ông làm và làm như thế nào. Ấn tượng và di sản để lại của ông trong nhiệm kỳ một là làm cho nước Mỹ trở nên xấu xí hơn. Các cuộc biểu tình dữ dội từ sau khi Trump nhậm chức đã cho thấy điều đó. Bức tường Mỹ-Mexico được xây dang dở cùng lúc với bức tường nhân dân được dựng lên, ngay trong lòng nước Mỹ. Trump không thể “Make America Great Again” bằng cách va đầu vào bức tường nhân dân.
Mark Salter, cựu tùy viên của Thượng Nghị Sĩ John McCain, nói rằng ông không bao giờ có thể hy vọng Trump thay đổi, vì điều đó đòi hỏi Trump “không chỉ phải trưởng thành ở vị trí mình mà còn phải chín chắn hơn.”
Bây giờ, Trump đang lại quay đường đua. Cự ly đến Tòa Bạch Ốc, với ông, ngày càng gần hơn bao giờ hết. Ông đã rút ra được bài học gì từ nhiệm kỳ một và liệu ông có thể khác với phiên bản cũ? Với những gì ông phát biểu trong chiến dịch tranh cử 2024, dường như Trump vẫn là Trump, dù có thể ông đã nhận ra rằng nước Mỹ không phải thuộc sở hữu của riêng ông; rằng nước Mỹ đã được xây và được dựng lên bằng lịch sử của tự do và dân chủ, chứ không phải được xây bởi bàn tay nhỏ bé của Trump. Tuy nhiên, con báo khó có thể thay đổi vết đốm. Trump vẫn là Trump. Vấn đề bây giờ là có bao nhiêu cử tri nhận ra điều này.