Mặc đồng phục American Airlines bị bệnh, nữ tiếp viên kiện và được bồi thường hơn $1 triệu 

Một tiếp viên American Airlines (Hình: Robert Alexander/Getty Images)

Bốn tiếp viên hàng không của hãng American Airlines đã được bồi thường hơn $1 triệu trong vụ kiện tại California nhằm vào nhà sản xuất đồng phục Twin Hill, The Washington Post cho biết.  

Thiếu luật về hoá chất trong đồng phục tiếp viên

Nữ tiếp viên Tracey Silver-Charan không hề nghĩ rằng bộ đồng phục mới là nguyên nhân khiến bà không được khỏe trong mỗi chuyến bay. Là tiếp viên hàng không hơn 37 năm, bà đã trải qua nhiều lần thay đổi đồng phục nhưng vấn đề chỉ bắt đầu xuất hiện khi American Airlines phát đồng phục mới cho tất cả nhân viên vào Tháng Chín 2016. Gần như ngay sau đó, bà thấy mệt mỏi dai dẳng. Mỗi khi xong một chuyến bay, về nhà bà mới dễ chịu trở lại. Silver-Charan, 61 tuổi sống ở Los Angeles, nói: “Tôi bị suy hô hấp nghiêm trọng. Thậm chí có lúc không thở được, giọng khàn như sắp ngất và nổi mẩn đỏ”.

Năm 2017, 425 nhân viên American Airlines và các chi nhánh của hãng đâm đơn kiện lên tòa, nêu rõ những vấn đề sức khỏe của họ là do formaldehyde, một hóa chất phổ biến để chống nhăn áo quần có trong chiếc áo cánh cotton do một nhà máy may mặc ở Trung Quốc sản xuất. Cuối cùng, ngày 25 Tháng 10, bồi thẩm đoàn California trong phiên toà “đại diện” xử vụ kiện tập thể nhằm vào nhà sản xuất trang phục Twin Hill và công ty mẹ cũ của họ Tailored Brands (sở hữu các chuỗi bán lẻ quần áo Men’s Wearhouse, Jos. A. Bank và các nhà bán lẻ lớn khác). Twin Hill chấp nhận khoản bồi thường hơn $1 triệu cho Silver-Charan và bốn nguyên đơn.

Vụ kiện này là một trong nhiều vụ kiện do tiếp viên hàng không đệ trình về đồng phục trong thập niên qua. Phán quyết của tòa án California đã thiết lập một tiền lệ mới để xác định rủi ro gây ra cho sức khỏe của nhân viên hàng không, từ bộ đồng phục của họ, mở ra cơ hội cho các thỏa thuận trong tương lai hoặc các vụ kiện liên quan đến các nhà cung cấp đồng phục.

Đơn kiện vụ Silver-Charan nêu rõ, từ năm 2016, Twin Hill đã cung cấp khoảng 1.4 triệu sản phẩm may mặc và phụ kiện cho hơn 65,000 nhân viên của American Airlines. Trong một cuộc phỏng vấn với The Washington Post, Silver-Charan cho biết:

“Một tháng sau khi tôi phàn nàn với người giám sát, phía cung cấp đồng phục bảo tôi thử giặt chúng và thông báo cho họ nếu vấn đề không hết. Khi tình hình không được cải thiện, tôi và hàng ngàn nhân viên được American Airlines cho phép mặc lại đồng phục cũ của mình. Nhưng khi ở cạnh những người vẫn mặc đồng phục mới, các vấn đề sức khỏe (gồm tổn thương da và phổi) không hề giảm. Cuối cùng, tôi phải nghỉ làm sáu tháng không lương từ Tháng Mười Một 2016. Vì sinh nhai, tôi đã quay trở lại làm việc. American Airlines khuyên nhân viên mua đồng phục từ các nhà bán lẻ lớn như Macy’s hay J.C. Penney nếu thích. Nhưng nhiều người vẫn mặc đồng phục mới và tác hại của nó vẫn còn”.

Silver-Charan kể thêm: “Twin Hill xem tình trạng bệnh của tôi chỉ là một phát ban nhỏ. Nói thế là sai sự thật. Đôi mắt của tôi trông giống như đang thi đấu quyền Anh. Mắt tôi sưng tấy. Tôi bị viêm phế quản và viêm thanh quản. Tôi chụp lại tất cả các triệu chứng và gửi cho chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của công ty”. Không lâu sau, American Airlines chấm dứt hợp đồng với Twin Hill. Năm 2020, hãng hàng không ký hợp đồng cung cấp đồng phục với Lands’ End.

Bà Tracey Silver-Charan (ảnh: Allison Zaucha for The Washington Post via Getty Images)

Quá khứ không mấy êm ả của Twin Hill

Về phần mình, Twin Hill không xa lạ với phiên toà loại này. Năm 2013, các tiếp viên của Alaska Airlines từng đệ đơn kiện Twin Hill lên Viện Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (NIOSH) vì đồng phục mới mà họ được cấp vào năm 2010 và 2011 gây phát ban, kích ứng mắt, nổi mề đay, phồng rộp và các vấn đề về da khác. Nhưng NIOSH chỉ khuyến nghị người lao động tránh tiếp xúc mắt với formaldehyde, nhưng lại không đưa ra khuyến nghị nào về tiếp xúc qua da.

Ba năm sau vụ kiện, Alaska Airlines mới thu hồi lại những đồng phục có vấn đề. Tuy nhiên, công ty không thừa nhận mối liên hệ giữa đồng phục và các vấn đề sức khỏe của nhân viên. Twin Hill thắng trong phiên tòa. Vụ kiện đồng phục năm 2020 nhằm vào Lands’ End của các tiếp viên hàng không Delta Air Lines cũng không thành công.

Một nghiên cứu năm 2018 của trường Harvard T.H. Chan School of Public Health, do chuyên gia sức khỏe nghề nghiệp Eileen McNeely chủ trì, đã theo dõi hàng trăm nhân viên của Alaska Airlines trước và sau khi họ mặc đồng phục của Twin Hill. Kết quả cho thấy có sự gia tăng đáng kể số nhân viên (chủ yếu là tiếp viên hàng không) báo cáo các triệu chứng về da liễu, hô hấp và dị ứng. Có người bắt đầu nhạy cảm với nhiều loại hóa chất. Khi họ cởi bỏ bộ đồng phục đó, tình trạng giảm hẳn.

Trong khi các hóa chất như formaldehyde có trong nhiều quần áo bán ở Mỹ (nơi có các quy định ít nghiêm ngặt so với châu Âu) thì tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác, như phi công, bị phơi nhiễm cao hơn do tính chất công việc (phải mặc đồng phục nhiều giờ liền, kể cả khi ngủ trên các chuyến bay dài).

Đẩy xe đồ ăn lên xuống lối đi ở độ cao 35,000 feet là một công việc mệt nhọc, đổ mồ hôi, làm tăng sự cọ sát với các hóa chất có hại trong quần áo. “Mẩn đỏ xuất hiện ở cổ, thắt lưng, nơi mọi thứ cọ xát khi bạn đổ mồ hôi” – một chuyên gia nói. Các tiếp viên hàng không làm việc gần nhau trong môi trường cabin kín, nên khả năng tiếp xúc với hóa chất từ áo quần của người khác là rất cao.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: