MAGA nội chiến quanh thị thực H-1B

(Hình: natilyn-hicks-photography/Unsplash)

Một cuộc tranh luận nảy lửa trong nội bộ phong trào MAGA (Make America Great Again – Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại) đang diễn ra chung quanh chương trình nhập cư “người lao động có kỹ năng cao,” gọi là thị thực H-1B, lôi kéo nhiều chính trị gia ở hai phía đối lập. Tại sao chương trình thị thực H-1B lại bị xới lên và tranh cãi ngay trước ngày ông Donald Trump nhậm chức với lời cam kết “siết chặt nhập cư, trục xuất hàng loạt?”

MAGA cựu trào vs. MAGA tân tòng

Những người ủng hộ ông Trump trong phong trào MAGA chủ trương nước Mỹ là của người Mỹ, hạn chế và tiến tới chấm dứt tiếp nhận di dân kể cả bất hợp pháp và hợp pháp. Họ phẫn nộ khi thấy ông Trump ưu đãi những người như tỷ phú Elon Musk, tổng giám đốc Tesla. Họ lo sợ di dân “phá hủy nước Mỹ” như thông điệp được nhắc đi nhắc lại trong chiến dịch tranh cử của ông Trump.

Tuần trước, khi ông Trump thông báo dự định bổ nhiệm ông Sriram Krishnan – một nhà tài phiệt gốc Ấn Độ và ủng hộ việc đưa vào Mỹ những di dân có tay nghề – làm cố vấn cao cấp về trí tuệ nhân tạo (AI) thì các MAGA nổi bật như bà Laura Loomer lập tức phản đối.

Bà Loomer – một người có “thành tích” phân biệt chủng tộc và lan truyền thuyết âm mưu – nói quyết định của ông Trump “không phải là chính sách Nước Mỹ Trên Hết,” và các ông trùm công nghệ chỉ bám vào ông Trump để làm giàu cho bản thân. Đi xa hơn, bà Loomer gọi những di dân Ấn Độ vào Mỹ theo thị thực H-1B là “những kẻ xâm lược từ thế giới thứ ba.” Quan điểm sặc mùi kỳ thị chủng tộc của bà Loomer sau đó nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của những MAGA lâu đời khác như ông Steve Bannon, cựu chiến lược gia của ông Trump, nhà báo bảo thủ Ann Coulter hay cựu Dân Biểu Liên Bang Matt Gaetz.

Nhưng nó cũng gây ra phản ứng mạnh mẽ của ông Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy – hai tỷ phú được ông Trump bổ nhiệm đứng đầu một cơ quan mới, gọi là Bộ Cải Tổ Chính Phủ (DOGE). Ông Musk, người giàu nhất thế giới, sinh trưởng ở Nam Phi, gầy dựng sự nghiệp ở Mỹ từ thị thực H-1B, còn ông Ramaswamy sinh ra ở Cincinnati, Ohio, trong một gia đình di dân từ Ấn Độ. Hai tỷ phú này lập tức phản pháo cũng bằng những lời lẽ không kém phần gay gắt.

Trên mạng X, ông Musk tuyên bố ông sẽ “tham chiến” để bảo vệ chương trình thị thực H-1B dành cho chuyên viên công nghệ nước ngoài. “Lý do tôi ở Mỹ cùng với nhiều người quan trọng xây dựng nên SpaceX, Tesla và hàng trăm công ty khác làm cho nước Mỹ hùng mạnh là bởi vì H-1B… Tôi sẽ tham chiến về vấn đề này mà các vị có lẽ không hiểu nổi,” ông Musk viết hôm 28 Tháng Mười Hai, 2024.

Ông Ramaswamy thì đáo để hơn, đánh thẳng vào “văn hóa Mỹ.” “Nền văn hóa Mỹ của chúng ta tôn vinh sự tầm thường hơn sự xuất sắc đã quá lâu rồi (ít nhất từ thập niên 90 nếu không nói là sớm hơn)… Một nền văn hóa ca tụng một nữ hoàng vũ hội hơn là một quán quân Olympic toán học, một vận động viên hơn một thủ khoa, thì sẽ không sản xuất được những kỹ sư giỏi nhất,” ông Ramaswamy viết trên X.

Thế là một cuộc chiến ngôn từ dữ dội đã bùng ra giữa những người ủng hộ ông Trump lâu đời, là nhóm MAGA cựu trào, và những ông trùm công nghệ mới tham chính, bị gọi là MAGA tân tòng, chung quanh một vấn đề tưởng như rất nhỏ: chính phủ mới có tiếp tục mở rộng hoặc hạn chế hoặc chấm dứt chương trình thị thực H-1B hay không.

Trong cuộc chiến này, ông Donald Trump dường như đứng về phía các tỷ phú Elon Musk và Vivek Ramaswamy, trái với quan điểm mà các thành viên MAGA cựu trào theo đuổi. Đây có thể là một vụ “quay xe” của ông Trump do ảnh hưởng của ông Musk.

Khi ra tranh cử năm 2016, ông Trump gọi chương trình H-1B là “rất tệ hại” và “bất công” cho người lao động Mỹ; khi trở thành tổng thống năm 2017 ông ra sắc lệnh “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ,” phản đối việc thuê lao động nước ngoài; năm 2020 ông ký sắc lệnh dừng chương trình thị thực H-1B và các thị thực làm việc tạm thời khác.

Thế nhưng hôm 28 Tháng Mười Hai, 2024, trả lời phỏng vấn ông báo The New York Post, ông Trump nói ông “luôn ủng hộ thị thực H-1B,” rằng “Tôi có nhiều H-1B trong các khách sạn của mình. Tôi tin ở H-1B. Tôi dùng nó rất nhiều lần. Đó là một chương trình vĩ đại.” Phát biểu của ông Trump gây thất vọng cho các MAGA cựu trào, họ thấy ông đứng về phía các tỷ phú bất chấp ý kiến của những cử tri đã bỏ phiếu cho ông.

Hai mặt của H-1B

Theo cơ quan Di Trú Hoa Kỳ (USCIS), thị thực H-1B được cấp cho người nước ngoài là lao động chuyên nghiệp (professionals) có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó, có bằng cử nhân (bachelor) hoặc cao hơn. Hằng năm, Mỹ cấp khoảng 85,000 thị thực H-1B cho lao động có tay nghề nước ngoài, trong đó dành 20,000 thị thực cho những người có trình độ thạc sĩ trở lên.

Muốn vào Mỹ theo thị thực H-1B, ngoài trình độ chuyên môn, người lao động phải được một công ty Mỹ đứng ra bảo lãnh và bố trí công việc; công ty đó phải chứng minh với USCIS rằng họ không thể tuyển dụng tại Mỹ người có trình độ và tay nghề tương đương và cam kết trả cho người lao động mức lương không thấp hơn người Mỹ bản địa hoặc không thấp hơn mức lương mà người đó nhận được ở quê nhà của mình. Nên để ý, thị thực H-1B cấp cho công ty chứ không phải cho cá nhân người lao động và được công ty kiểm soát.

Người có thị thực H-1B được làm việc ở Mỹ ba năm và có thể gia hạn thêm ba năm hoặc được công ty bảo lãnh xin chuyển sang quy chế thường trú nhân (thẻ xanh) rồi trở thành công dân Mỹ vài năm sau đó. Theo dữ liệu của USCIS, cứ 10 người lao động có thị thực H-1B thì đến bảy người là người Ấn Độ làm trong lĩnh vực công nghệ, một người Trung Quốc, hai người còn lại đến từ Canada, Nam Hàn, Philippines, Mexico và Đài Loan.

Phải nói rằng, thị thực H-1B đã cung cấp cho các công ty công nghệ Mỹ một nguồn nhân lực đáng kể, đặc biệt là kỹ sư nhu liệu từ Ấn Độ. Công ty Tesla của ông Musk chẳng hạn, đã nhận được 724 chuyên viên H-1B trong năm 2024. Theo ông Musk, nền công nghiệp Mỹ rất thiếu kỹ sư tài năng do có ít người Mỹ theo học các ngành khoa học và công nghệ; và đó là lý do cần có chương trình H-1B. Sự sáng tạo của nước Mỹ đòi hỏi “những người quan trọng” từ nước ngoài như ông, bởi vì người Mỹ không muốn học những ngành công nghệ. “Ở Mỹ có quá ít người là kỹ sư tài năng và có động lực cao,” ông Musk viết trên mạng X để biện hộ cho quan điểm ủng hộ chương trình H-1B của ông.

Nhưng mặt trái của chương trình H-1B là khi các ông chủ dễ dàng thuê mướn được chuyên viên từ nước ngoài thì người Mỹ làm việc trong ngành công nghệ cao đã bị sa thải một cách có hệ thống và thay bằng người có thị thực H-1B với mức lương thấp hơn. “Khi người Mỹ nhận ra rằng họ không thể kiếm sống bằng nghề kỹ sư, họ sẽ từ bỏ nghề này. Chương trình H-1B đã làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt mà lẽ ra nó phải giải quyết,” nhà báo Farah Stockman trong ban biên tập báo The New York Times nhận định.

Theo nhiều nghiên cứu, phần lớn người có thị thực H-1B không phải là “tài năng” như ông Musk nói; hồi Tháng Tư, 2024, ông Musk đã sa thải 14,000 nhân viên Tesla, trong đó có nhiều người lao động vào Mỹ theo H-1B, đẩy họ vào tình cảnh khốn đốn. Một khía cạnh của chương trình H-1B mà ít người chú ý là người lao động vào Mỹ theo H-1B bị buộc chặt vào công ty đã bảo lãnh và kiểm soát thị thực của họ; họ không thể “đổi chủ” mà đành phải chấp nhận mức lương thấp.

Xét cho cùng, chương H-1B đã bị các ông chủ các công ty công nghệ lợi dụng để trục lợi qua việc thuê mướn và đưa vào Mỹ người lao động nước ngoài thay vì tuyển dụng và trả lương cao cho chuyên viên người Mỹ bản xứ, tạo ra một cuộc cạnh tranh không công bằng giữa người Mỹ và lao động nhập cư.

Đầu tư vào giáo dục là lời giải

Thực trạng thiếu kỹ sư trình độ cao trong nền kinh tế Mỹ là có thật và đang gây trở ngại cho sự phục hồi nền công nghiệp Mỹ. Một số công ty bán dẫn không muốn mở nhà máy ở Mỹ vì không thể tuyển dụng đủ công nhân lành nghề. Nhưng để giải quyết tình trạng này thì không thể ngăn chặn hoàn toàn việc “nhập cảng” lao động nước ngoài như quan điểm của nhóm MAGA cựu trào, cũng không thể tiếp tục để chương trình H-1B bị các ông chủ lợi dụng để trục lợi như quan điểm của các MAGA tân tòng.

Giải pháp hợp lý nhất là cải cách nền giáo dục Mỹ theo hướng đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp và khoa học, thường gọi tắt là STEM (science, technology, engineering and math) thay vì ưu tiên cho các ngành dịch vụ (y tế, giáo dục, tài chính, bán lẻ, vận tải, du lịch…). Các tập đoàn công nghệ như của ông Musk, muốn có đội ngũ kỹ sư tài năng thì nên đầu tư vào ngành giáo dục, tuyển chọn và đào tạo nghề nghiệp cho “những người giỏi nhất, sáng chói nhất” ngay tại các trường học Mỹ thay vì chỉ đơn giản thuê mướn người nước ngoài rồi đưa họ vào Mỹ làm việc với mức lương thấp để hưởng lợi.

Nước Mỹ không thiếu những con người giỏi và sáng chói như vậy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: