Một góc Miami (ảnh: joe-desousa-unsplash)

Thành phố Miami của tiểu bang Florida đang chứng kiến ​​sự sụt giảm dân số đầu tiên sau nhiều thập niên. Từng là một hình mẫu “đô thị toàn cầu” với tham vọng trở thành một trung tâm kinh doanh và tài chính, nay nhiều cư dân rời đi hơn là tìm đến. Vì đâu nên nỗi?

Giấc mơ đô thị “kiểu mẫu” lụi tàn

Chi phí nhà ở tăng cao và thị trường lao động vẫn chưa hồi phục đầy đủ sau đại dịch khiến nhiều người dân địa phương phải đóng gói đồ đạc tìm đến nơi khác dễ sống hơn. Theo một nghiên cứu gần đây của LinkedIn, các điểm đến hàng đầu của các chuyên gia sau khi bỏ Miami là Orlando, Vịnh Tampa, Atlanta và Jacksonville. Tất cả các thành phố này đều có thời tiết ấm áp, thuế thấp và giá nhà rẻ hơn nhiều.

Billy Corben, một nhà làm phim tài liệu địa phương thường chỉ trích mô hình “tăng trưởng nhanh” của các chính trị gia địa phương, nhận xét: “Những người đóng góp cho thành phố này không đủ khả năng sống tốt trong ngôi nhà mà họ đã dành cả đời tạo dựng. Một khi những họ không còn ở đây nữa thì Miami còn lại gì?”

Theo phân tích dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ của Viện Brookings, từ 2020 đến 2022, Quận hạt Miami-Dade đã mất 79,535 người chuyển đến các nơi khác của Florida hoặc các tiểu bang khác. Dù người nước ngoài nhập cư bù đắp một số và giúp dân số tăng nhẹ vào năm ngoái, nhưng dân số Miami-Dade vẫn giảm so với năm 2022 và là đợt giảm dân số đầu tiên sau nhiều năm (ít nhất là từ 1970). Mất dân số ở quận hạt lớn nhất nhưng phần còn lại của Florida, từ năm 2021 đến 2022, lại có thêm nhiều người dọn đến hơn bất kỳ tiểu bang nào khác.

Theo trang web trực tuyến Zillow, giá nhà ở Miami đã tăng 53% kể từ Tháng Sáu, 2020, cao thứ hai trong 50 thị trường nhà ở đô thị hàng đầu, chỉ sau Tampa. Công ty dữ liệu CoStar cho biết giá thuê nhà trung bình tại Miami đã tăng 27% kể từ 2019 bất chấp dân số ít dần đi. Lý do là thiếu nhà cho thuê giá rẻ đã trở thành vấn nạn kinh niên. Bùng nổ kinh tế nhưng Miami-Dade vẫn chịu mất mát dân số.

Maria Ilcheva, Trưởng trung tâm thông tin điều tra dân số tại Trung tâm đô thị Jorge M. Perez thuộc Đại học Quốc tế Florida nhận định: “Bỏ đi là tầng lớp trung lưu, nguồn tài năng của Miami, khi nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở nơi khác”. Jose Perez, một nhà môi giới bất động sản sinh ra và lớn lên ở Miami, nằm trong số những người bị ảnh hưởng. Ông nói: “Hơn một nửa khách hàng của tôi đã ra đi từ lúc chi phí sinh hoạt bắt đầu tăng cao. Với thu nhập từ $70,000 đến $150.000 một năm, tiền lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Không thể tích luỹ!”.

Jose Perez đã bán căn nhà ở Miami với giá $800,000 và mua một căn tương đương ở thành phố Ocala, miền Trung Florida với giá chỉ $297,000. “Ở nơi mới, chỉ riêng tiết kiệm bảo hiểm đã thêm được $5,460 một năm. Thuế tài sản từ $7,000 giảm xuống chỉ còn $2,000 một năm” – Perez, hiện đang làm việc cho công ty xây dựng nhà quốc gia D.R. Horton, nói. Natalie Pena và chồng đã bán ngôi nhà rộng 1,100 foot vuông ở Miami với giá $440,000. Tháng Sáu, họ cùng con trai chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn ở Ocala, với giá chỉ bằng một nửa. “Tuy nhiên, chúng tôi phải chịu một số hy sinh. Chẳng hạn tìm việc làm khó hơn. Chồng tôi làm nghề cắt tóc phải đi làm sớm và mất 4 tiếng rưỡi mới đến tiệm” – Pena nói.

Miami là một trong những khu vực đô thị có giá cả cao nhất nước trước đại dịch, nay còn tăng hơn nữa. Thành phố Miami công bố mức lạm phát giá tiêu dùng Tháng Sáu là 6.9%, tức gấp đôi mức lạm phát quốc gia. Thành phố cũng có tỷ lệ người thuê nhà phải trả giá cao lớn nhất so với các thành phố lớn khác: 61% người thuê nhà đang bỏ ra từ 30% trở lên thu nhập gia đình cho nhà ở. Giá thuê cao gây nhức nhối vì tiền lương theo giờ của khu vực, dù tăng, nhưng vẫn thấp hơn trung bình toàn quốc trong năm 2022 và thua xa thu nhập ở New York và San Francisco.

Giá nhà ở Miami đã tăng 53% kể từ Tháng Sáu, 2020, cao thứ hai trong 50 thị trường nhà ở đô thị hàng đầu nước Mỹ (ảnh: pili-gonzalez-prieto-unsplash)

Phát triển nhưng thiếu cân xứng

Thật dễ dàng để nhận ra Miami là một thành phố đang bùng nổ phát triển. Các đại lộ chính rải rác cần cẩu xây dựng và các tòa tháp văn phòng có tỷ lệ trống thấp so với các thành phố lớn khác ở Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp của Miami-Dade thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc và tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới cũng nhanh nhất. Nhưng trong quá trình phát triển, Miami có vẻ sẽ lập lại vết xe đổ của New York và San Francisco, hai trung tâm tài chính và công nghệ của Mỹ, nơi sự bùng nổ số công việc văn phòng nhận lương cao đã đẩy chi phí sinh hoạt lên, khiến tầng lớp trung lưu và lao động phải chuyển đến những nơi có giá cả phải chăng hơn.

Miami đang thu hút rất nhiều công ty mới. Năm 2022, có hơn 127,895 đơn đăng ký kinh doanh tại Miami-Dade, giảm nhẹ so với năm trước, nhưng cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Nhưng nhiều công ty tài chính và công nghệ chỉ mở các văn phòng nhỏ hoặc văn phòng vệ tinh sử dụng ít người. Số khác tập trung vào kinh doanh tiền điện tử, một thị trường đã đi xuống. Giao thông công cộng hạn chế và đường xá tắc nghẽn cũng khiến việc thu hút người lao động khó khăn hơn.

Số giờ bị lãng phí do tắc nghẽn giao thông ở Miami đã tăng 59% từ năm 2022, một trong những mức tăng cao nhất tại các thành phố lớn Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để lạc quan. Làn sóng cư dân giàu có đổ vào và giá bất động sản tăng cao giúp tăng doanh thu thuế. Xây dựng mới bắt đầu tấp nập hơn sẽ kéo giảm chi phí nhà ở trong tương lai. Tiền thuê nhà cũng tăng chậm lại và tiền lương tăng.

Năm ngoái, Miami-Dade đã chính thức thừa nhận cuộc khủng hoảng nhà ở và đưa ra một số sáng kiến ​​nhà giá rẻ cùng các chương trình khác. Thống đốc Florida Ron DeSantis gần đây đã ký luật giúp đẩy mạnh hoạt động xây dựng nhà ở giá rẻ trên toàn tiểu bang để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở. Luật “Live Local Act” cũng cấm các thành phố tự ban hành các biện pháp kiểm soát tiền thuê nhà.

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, thị trường lao động của Miami-Dade lại tụt hậu so với phần còn lại của Florida. Tháng Năm, tổng số người có việc làm ở Miami-Dade thấp hơn một chút so với năm 2019 trong khi tăng trên toàn bộ Florida. Nhìn chung, Miami-Dade vẫn chưa thể sánh được với sự đa dạng về kinh tế của các thành phố như New York. Miami cũng chưa sánh kịp thành công của các thành phố đang bùng nổ trên “vành đai nắng” như Phoenix và Austin (Texas) trong việc thu hút các nhà máy và trụ sở công ty lớn, mang lại hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: