Mỹ cấm vận quan chức cao cấp Trung Quốc

H.C.

Chính phủ Mỹ hôm nay (thứ Năm 09-07) công bố lệnh cấm vận ba quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó có một ủy viên bộ chính trị – nhóm cầm quyền chóp bu của đảng này – vì vi phạm nhân quyền đối với các sắc tộc và tôn giáo thiểu số mà Trung Quốc giam cầm ở tỉnh Tân Cương của nước này.

Ba quan chức bị cấm vận gồm Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), ủy viên bộ chính trị, bí thư đảng bộ khu tự trị Tân Cương Uighur, Châu Hải Luân (Zhu Hailun), bí thư đảng bộ ủy ban chính trị và tư pháp Tân Cương và Vương Minh Sơn (Wang Mingshan), bí thư đảng bộ sở công an Tân Cương.

Ba người này, và thân nhân gia đình của họ bị cấm đi vào nước Mỹ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ có thêm các biện pháp hạn chế thị thực (visa) với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc tòng phạm trong việc “giam giữ bất công và lạm dụng” người Uighur, người Kazakh và các sắc tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Gia đình của những người này cũng bị hạn chế tương tự.

“Mỹ sẽ không ngồi yên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm nhân quyền nhắm vào người sắc tộc Uighur, người Kazakh và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương, bao gồm việc cưỡng bức lao động, giam cầm tùy tiện nhiều ngàn người và cưỡng bức tránh thai cùng nỗ lực xóa bỏ văn hóa và đức tin Hồi giáo của họ,” ông Pompeo tuyên bố khi thông báo biện pháp cấm vận mới nhất vào hôm nay.

Lệnh cấm vận của Mỹ đưa ra vào lúc có nhiều áp lực buộc chính phủ phải hành động trước tình trạng cưỡng bức giam giữ và lạm dụng các cộng đồng theo Hồi giáo ở Trung Quốc. Theo hãng tin AP, có 78 thượng nghị sĩ và thành viên Quốc hội Mỹ viết thư cho Tổng thống Donald Trump yêu cầu cấm vận các quan chức Trung Quốc và kêu gọi Liên hiệp quốc điều tra xem các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương có cấu thành tội diệt chủng hay không. Tổ chức của những người Uighur lưu vong cũng đã nộp đơn kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court, ICC) yêu cầu điều tra tội ác diệt chủng của Trung Quốc đối với người sắc tộc Uighur.

*

Theo thông tin của các “cựu tù nhân” và gia đình họ, trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã bắt giam hơn một triệu người là người sắc tộc thiểu số, giam giữ họ trong các nhà tù và trại tập trung, nơi họ bị buộc phải học tập chính trị, cải tạo tư tưởng, bị buộc từ bỏ tôn giáo và ngôn ngữ của họ và bị lạm dụng về thể xác. Con cái của những người bị giam giữ bị đưa vào các trại trẻ mồ côi, nơi chúng cũng bị nhồi sọ về tư tưởng.

Từ lâu chính quyền Bắc Kinh đã nghi ngờ người Uighur theo Hồi giáo, còn gọi là người Duy Ngô Nhĩ, có khuynh hướng muốn ly khai, tách ra khỏi Trung Quốc do họ có ngôn ngữ, văn hóa và đức tin tôn giáo khác hẳn với người Hán Trung Quốc. Nỗi nghi ngờ đó dẫn tới chính sách thiết lập các trại tập trung để cải tạo tư tưởng người Uighur, dưới chiêu bài chống Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Lúc đầu, Trung Quốc phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung ở Tân Cương nhưng trước dư luận quốc tế, họ phải thừa nhận nhưng cho rằng đó chỉ là các trung tâm dạy nghề.

Bắc Kinh nói Tân Cương từ lâu đã là lãnh thổ của Trung Quốc dù thực tế lịch sử đây là nước East Turkestan bị Trung Quốc xâm lược và sáp nhập dưới thời Mãn Thanh và đặt tên là Tân Cương (vùng biên giới mới). Trung Quốc nói họ mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho vùng đất xa xôi này song nhiều nhóm người Uighur bản địa nói rằng họ bị tước đoạt các cơ hội kinh tế do chính quyền đưa nhiều người sắc tộc Hán đa số từ khắp nước tới Tân Cương định cư, dần dần xóa bỏ văn hóa, ngôn ngữ và đức tin Hồi giáo của người thiểu số.

Bị thế giới phản đối mạnh, tháng Mười Hai năm ngoái, chính quyền Tân Cương thông báo đóng cửa các trại tập trung vì “tất cả học viên đã tốt nghiệp” – thông tin này rất khó kiểm chứng vì việc đi lại, làm tường thuật ở vùng này bị giám sát rất chặt và bị nhiều hạn chế. Nhiều người Uighur và Kazakh nói thân nhân của họ vẫn còn bị giam cầm, bị chuyển sang các nhà tù hoặc bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy.

Mới tuần trước, hãng tin AP có bài phóng sự độc quyền gây chấn động miêu tả việc chính quyền Trung Quốc cưỡng bức phụ nữ Uighur phải dùng biện pháp tránh thai, hạn chế tỷ lệ sinh đẻ nhằm làm giảm quy mô dân số của sắc tộc này.

*

Quyết định cấm cửa các quan chức cao cấp của Cộng sản Trung Quốc công bố hôm nay là bước mới nhất trong hàng loạt biện pháp chống Trung Quốc mà chính phủ Mỹ thực hiện trong lúc quan hệ giữa hai nước xấu đi chung quanh vấn đề đại dịch Covid-19, nhân quyền, Hong Kong và thương mại. Nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức cấm cửa một nhân vật thuộc hàng ngũ chóp bu của Trung Quốc, một đồng chí thân cận và tin cẩn của Tập Cận Bình.

Tháng 10-2019, chính phủ Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận lên các quan chức Trung Quốc, “được tin rằng chịu trách nhiệm, hoặc đồng lõa với” việc giam cầm người Hồi giáo ở Tân Cương. Mỹ cũng đưa vào sổ bìa đen hơn hai chục công ty và cơ quan Trung Quốc dính líu tới việc vi phạm nhân quyền ở khu vực này – trong đó có sở công an Tân Cương, các công ty sản xuất công nghệ giám sát và nhận diện khuôn mặt – cấm các công ty này mua sản phẩm và linh kiện của Mỹ.

Tháng trước, Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật về nhân quyền của người Uighur đã được Quốc hội Mỹ thông qua với đa số tuyệt đối. Đạo luật quy định các cá nhân Trung Quốc, kể cả Trần Toàn Quốc, phải bị cấm vận vì đàn áp người thiểu số; quy định các cá nhân và công ty Mỹ bán sản phẩm hoặc hoạt động ở Tân Cương phải bảo đảm các hoạt động của họ không góp phần vi phạm nhân quyền hoặc sử dụng lao động cưỡng bức.

Mới tuần trước, chính phủ Mỹ cũng cấm nhập cảnh các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm ngăn cản người nước ngoài đặt chân tới Tây Tạng – một đất nước bị chiếm đóng khác ở miền tây Trung Quốc.

Những biện pháp cấm vận của Mỹ đối với quan chức Trung Quốc được ban hành vào lúc Tổng thống Trump muốn tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, lên án thành tích nhân quyền tệ hại của Trung Quốc nhằm phản bác lời tố cáo của ông John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia. Trong cuốn sách vừa phát hành và gây nhiều tranh cãi của mình, ông Bolton nói ông Trump đã nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình làm đúng khi thiết lập các trại tập trung giam cầm hàng triệu người sắc tộc thiểu số.

Ông Trump cũng muốn lấy điểm cho cuộc bầu cử tháng Mười Một tới, khi ông luôn tố cáo đối thủ cạnh tranh của mình, ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden, là “quá mềm mỏng với Trung Quốc”. Đáp lại, ông Biden ra tuyên bố gọi các hành động của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương là “tội ác táng tận lương tâm” và cho biết, nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ “ủng hộ một lộ trình cho phép những người bị đàn áp được tị nạn tại Mỹ và các nước khác”.

(theo AP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: