Mỹ cần công nhận chủ quyền của các nước ven biển Đông

Hải quân Trung Quốc tập trận trên biển Đông Việt Nam. Reuters

HIẾU CHÂN

Như tin đã đưa, trong tuần qua Mỹ đã đưa ba chiến hạm thuộc Hạm đội Bảy vào biển Đông Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam), sát vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, làm thế giới lo ngại một cuộc đụng độ nóng có thể xảy ra.

Tại địa điểm này, tàu thăm dò đáy biển Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc, được hộ tống bởi hàng chục tàu dân quân biển, tàu hải giám và cả tàu khu trục Vũ Hán, mấy ngày qua đã liên tục bám sát tàu thăm dò West Capella của công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, ý đồ quấy nhiễu và buộc Petronas phải từ bỏ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí – kịch bản mà tàu Hải Dương 8 đã thực hiện trong vùng biển Việt Nam năm ngoái.

Điểm mới của năm nay là hoạt động quấy nhiễu của Trung Quốc trên biển Đông hung hăng hơn do Bắc Kinh cho rằng các nước trên thế giới và khu vực đang bận rộn chống dịch cúm Vũ Hán và hải quân Hoa Kỳ đang bị “liệt” vì hạm đội trấn giữ an ninh khu vực tây Thái Bình Dương bị suy yếu, trong đó có HKMH Theodore Roosevelt phải nằm bờ vì thủy thủ bị nhiễm virus.

Bá chủ biển Đông là tham vọng cháy bỏng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Taiwannews.tw

Cho rằng cơ hội đã đến, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành động xâm lấn và khẳng định chủ quyền trên phần lớn diện tích biển Đông – hải lộ quan trọng nhất thế giới. Ngoài việc tung đội tàu các loại đông đảo và hùng hậu đi quấy nhiễu, đâm va tàu đánh cá và tàu dầu khí của các nước từ Việt Nam xuống tới tận Malaysia và Indonesia, Bắc Kinh thông báo thành lập các đơn vị hành chánh mới (quận Tây Sa và quận Nam Sa) để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, công bố định danh 80 đảo và đá không có người ở thuộc hai quần đảo này, chuẩn bị cho việc đánh chiếm và bồi đắp trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện các chiến hạm Hoa Kỳ, đặc biệt là tàu đổ bộ tấn công USS America chở theo chiến đấu cơ hiện đại F-35, khiến nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ không dám làm càn, bên cạnh nỗi lo lắng một cuộc đụng độ lớn có thể xảy ra vì những tính toán hoặc phỏng đoán sai lầm của các bên.

Tuy nhiên, có một quan điểm khá phổ biến ở Đông Nam Á là hoài nghi ý định thật sự của Hoa Kỳ. Nhà nghiên cứu Ian Storey của Singapore bày tỏ, Hải quân Mỹ có thói quen xuất hiện tại các điểm nóng một thời gian ngắn rồi rút đi, để các nước trong vùng phải tự lực đối phó với sự hung hãn ngày càng tăng của Bắc Kinh. “Ý định của người Mỹ ở đây là gì? Chỉ là để nói ‘chúng tôi có mặt’? Hoặc để ngăn cản hoạt động của tàu khảo sát của Trung Quốc?”, ông Storey nói.

Nỗi hoài nghi này có gốc rễ từ trong lập trường chính sách của Hoa Kỳ đối với vấn đề biển Đông – khu vực có mâu thuẫn sâu sắc về chủ quyền của các quốc gia ven biển với đòi hỏi quá sức tham lam của Trung Quốc. Đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc vẽ ra bao trùm 90% diện tích của biển Đông, chồng lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước ven biển, là cội nguồn sinh ra những xung đột không bao giờ dứt giữa các nước trong khu vực.

Thế nhưng cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp này, mà chỉ “bảo vệ quyền tự do hàng hải” trên biển Đông, thông qua các chiến dịch tuần tra chẳng dọa được ai. Nắm thóp được lập trường của Hoa Kỳ, Trung Quốc một mặt chỉ phản đối chiếu lệ các chuyến tuần tra vô hại của Hải quân Hoa Kỳ, mặt khác đẩy mạnh hoạt động xâm chiếm – từ bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo cho đến quấy nhiễu, tấn công tàu đánh cá và hoạt động kinh tế của các nước ven biển mà không sợ bị Hoa Kỳ ngăn cản. Ở đây, sự nhũn nhặn của Hoa Kỳ – vì bị ràng buộc bởi chính sách “không đứng về bên nào” – đã vô hình chung tiếp tay cho lòng tham vô đáy của Trung Quốc.

Thi thoảng, Hoa Kỳ lên tiếng phản đối bằng lời nói thì Trung Quốc chịu nhịn một chút để rồi chứng nào tật nấy Bắc Kinh vẫn làm theo ý đồ chiến lược của mình. Khi Tổng thống Barack Obama phản đối Trung Quốc bồi đắp các đảo đá ở Trường Sa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình long trọng cam kết với Tổng thống Mỹ sẽ không bao giờ bố trí quân đội tại các thực thể này; nhưng sự thực ai cũng biết là “đừng tin những gì cộng sản nói”, bảy đảo đá Trường Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 giờ đã biến thành bảy pháo đài vững mạnh, bảy HKMH không thể đánh chìm có đầy đủ phi đạo, cảng nước sâu, kho bãi, hệ thống hỏa tiễn và radar… sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trong tương lai, không phải với hải quân các nước ven biển vốn nhỏ bé và yếu kém hơn Trung Quốc, mà với chính Hoa Kỳ.

Nếu Hoa Kỳ tiếp tục chính sách hiện nay, viễn cảnh Hoa Kỳ bị đuổi ra khỏi biển Đông trong một tương lai không xa là điều có thể khẳng định trước; khi đó chẳng những hoạt động thương mại của Mỹ bị tổn hại mà ý đồ tiếp cứu các đồng minh ở Đông Bắc Á như Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản cũng khó mà thực hiện được nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc.

Chính vì vậy, đã có những tiếng nói yêu cầu Hoa Kỳ xét lại và thay đổi lập trường trong vấn đề biển Đông. Để ngăn chặn lòng tham của Trung Quốc, Hoa Kỳ nhất thiết phải đứng về phía các nước nhỏ đang bị Trung Quốc xâm lấn và bắt nạt. “Thực hành tự do hàng hải là quan trọng nhưng không đủ để bảo đảm vùng tây Thái Bình Dương không bị Trung Quốc thống trị. Hoa Kỳ vẫn giữ trung lập trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng có lẽ Hoa Kỳ cần bắt đầu công nhận chủ quyền của các nước như Việt Nam để buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho sự bành trướng của họ… Hoa Kỳ có quyền làm rõ rằng Mỹ vẫn là một cường quốc Thái Bình Dương và đại dịch coronavirus không làm suy yếu được quyết tâm của người Mỹ,” báo The Wall Street Journal (WSJ) viết trong bài xã luận dưới nhan đề “Coi chừng biển Đông” ngày 23-04 vừa qua.

WSJ là tờ báo có khuynh hướng hữu khuynh, những bình luận của báo phản ánh quan điểm của giới chính trị gia bảo thủ gần gũi với đảng Cộng hòa đương quyền và không phải ngẫu nhiên mà tờ báo lại lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ thay đổi lập trường, công nhận chủ quyền trên biển Đông của các quốc gia đang bị Trung Quốc bắt nạt.

Một khi Hoa Kỳ công nhận chủ quyền của các nước nhỏ như Việt Nam, và sẵn sàng hỗ trợ các nước này khi chủ quyền của họ bị Trung Quốc xâm lấn thì sự xuất hiện của các chiến hạm Mỹ trên vùng biển này mới thật sự có ý nghĩa, mới tiếp thêm hy vọng và sức mạnh cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bành trướng của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: