H.C.
Hoa Kỳ đang cân nhắc những biện pháp cấm vận Trung Quốc sau động thái gần đây của Trung Quốc ở Hong Kong trong lúc căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh nóng lên, tờ Wall Street Journal tường thuật hôm nay Chủ nhật 12-07. Tuy nhiên, vị thế của thành phố này như một trung tâm tài chính toàn cầu làm cho sự lựa chọn của Mỹ không dễ dàng.
Hồi cuối tháng trước, Trung Quốc đã ban hành đạo luật an ninh quốc gia mới, trao cho chính phủ Bắc Kinh nhiều quyền lực hơn trong việc giám sát và hạn chế các hoạt động chính trị ở lãnh thổ này, vi phạm nguyên tắc “một quốc gia hai chế độ”, xé bỏ hiệp định chuyển giao Hong Kong ký kết giữa Bắc Kinh và chính phủ Anh quốc năm 1984.
Hoa Kỳ, cùng nhiều quốc gia khác, đã lên tiếng phản đối Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh vẫn bất chấp. Năm ngoái, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (“Hong Kong Human Rights and Democracy Act”), theo đó, chính phủ Mỹ phải báo cáo định kỳ tình hình dân chủ của Hong Kong, nếu nhân quyền và tự do của người dân Hong Kong bị thu hẹp thì Mỹ phải xem xét rút lại những ưu đãi về thương mại với Hoa Kỳ mà vùng đất này được hưởng theo đạo luật Chính sách Hong Kong năm 1992 (HKPA).
Hồi tháng Năm khi bàn tay của Bắc Kinh thò sâu vào công việc nội trị của Hong Kong, Tổng thống Donald Trump đã nói Washington đang xem xét hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong và rút lại quy chế ưu đãi đặc biệt về thương mại và du lịch cho lãnh thổ này. Nhưng cho đến nay, chính phủ Mỹ mới chỉ thông báo hạn chế cấp visa cho một số công dân Trung Quốc, hạn chế việc xuất khẩu sang Hong Kong những sản phẩm công nghệ có thể được dùng trong lĩnh vực quân sự. Nhiều chuyên gia cho biết những biện pháp như vậy có rất ít tác động tới quyết tâm của Bắc Kinh sáp nhập vùng đất này vào hệ thống an ninh và chính trị độc tài của Hoa Lục.
Bây giờ, khi tự do của người Hong Kong bị đe dọa bởi luật an ninh mơ hồ và hà khắc mới ban hành, đã đến lúc chính phủ Mỹ phải thực hiện những biện pháp trừng phạt cứng rắn theo yêu cầu của luật pháp Mỹ. Nhưng lựa chọn biện pháp nào, không phải là chuyện dễ. Báo WSJ cho biết các quan chức cao cấp của Tòa Bạch ốc đã họp trong ngày thứ Năm vừa qua để bàn kế hoạch xử lý vấn đề Hong Kong nhưng chưa có kết quả cụ thể; một phiên họp khác sẽ được tổ chức đầu tuần tới và sau đó sẽ công bố các lệnh cấm vận hoặc các biện pháp trừng phạt.
Nếu Hoa Kỳ tấn công vào hệ thống tài chánh – một trong những cột trụ làm nên một Hong Kong trung tâm tài chánh thế giới – thì các công ty và người tiêu dùng Hoa Kỳ, phương Tây và cả Hong Kong có thể bị tổn thương trầm trọng. Đã có những ý kiến đề nghị chính phủ Mỹ có biện pháp cắt đứt “dây neo” (peg) đồng đô la Hong Kong vào đô la Mỹ – yếu tố giúp tỷ giá giữa hai đồng tiền này luôn ổn định và Hong Kong tránh được những cú sốc khủng hoảng mà các đồng tiền châu Á đều gặp phải. Có ý kiến đề nghị cấm vận các ngân hàng và doanh nghiệp ủng hộ luật an ninh quốc gia Hong Kong của Bắc Kinh,. Nhưng một quan chức cao cấp trong chính phủ nói, biện pháp cứng rắn với đồng tiền và hệ thống tài chánh của Hong Kong đã không còn được xem xét nữa ít nhất là trong thời gian trước mắt.
Một số quốc gia như Canada và Úc đã công bố biện pháp hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ đã ký với Hong Kong. Luật này cho phép dẫn độ về Hong Kong xét xử những tội phạm hình sự đã đào tẩu sang Úc hoặc Canada. Lý do hủy bỏ thỏa thuận dẫn độ, theo các quan chức Úc và Canada, là do tư pháp Hong Kong không còn có tính độc lập nữa mà hoàn toàn bị điều khiển bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc qua luật an ninh quốc gia.
Vương quốc Anh, Canada và Úc cũng đã thông báo sẽ điều chỉnh chính sách nhập cư để cho phép những công dân Hong Kong bị đàn áp có thể tới các nước này định cư, Anh quốc có thể nhận tới ba triệu người, còn Úc trước mắt sẽ nhận 10.000 người cư trú dài hạn và có thể nhập tịch sau này. Bắc Kinh rất giận dữ với quyết định nhận người của London, Canbera và Ottawa. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đang xem xét một dự luật cấp quy chế tỵ nạn cho người dân Hong Kong bị đàn áp bởi luật an ninh quốc gia mới, nhưng biện pháp này sẽ gặp khó vì không tương thích với chính sách siết chặt hoạt động nhập cư vào Mỹ của chính quyền Trump.
Một biện pháp khả dĩ là cấm vận có mục tiêu. Tháng trước các nhà lập pháp lưỡng đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua với đa số tuyệt đối dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong có vai trò tích cực trong việc ban hành và thực thi đạo luật an ninh quốc gia, giống như Mỹ vừa ban hành lệnh trừng phạt bốn quan chức cao cấp Trung Quốc trong vụ giam cầm và đàn áp người Uighur ở Tân Cương. Dự luật cho phép Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chánh từ chối visa nhập cảnh của những quan chức này cùng gia đình họ, đóng băng các tài sản mà họ và gia đình có ở Mỹ.
Trước đây ông Trump rất ngần ngại trong việc đối đầu với Trung Quốc vì ông không muốn ảnh hưởng tới cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa hai nước, giúp ông giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và mở rộng thị trường cho hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ. Nhưng đến nay, sau khi Trung Quốc lộ rõ bộ mặt dã man trong vụ đại dịch Covid-19, có vẻ như Mỹ đã sẵn sàng cứng rắn với Bắc Kinh, vấn đề là tìm cho ra những biện pháp trừng phạt nào vừa làm Trung Quốc phải nghĩ kỹ trước khi hành động, vừa không gây hại cho Mỹ, đồng minh và nhất là cho người dân Hong Kong.
Người dân Hong Kong và cộng đồng quốc tế không thể là nạn nhân những biện pháp trừng phạt của Mỹ, họ không phải chịu trách nhiệm về những chính sách tham tàn của Bắc Kinh.
“Bạn muốn tìm những biện pháp cấm vận gây thương tổn cho những kẻ đầu têu ra đạo luật [an ninh] đó mà không bắn vào chân mình thì đó là một công việc rất khó. Có rất nhiều lựa chọn, nhưng không lựa chọn nào thật sự tốt cả,” bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách của Asia Society, cựu quan chức cao cấp về thương mại của Mỹ, nhận xét.