Mỹ: Kiến nghị Tối cao Pháp viện bãi bỏ Obamacare

Nếu Obamacare bị chấm dứt hiệu lực sẽ có khoảng 23 triệu người, phần lớn là người thu nhập thấp, sẽ bị mất bảo hiểm y tế. Ảnh minh họa CDC

H.C.

Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã kiến nghị Tối cao Pháp viện tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Luật chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (Affordable Care Act, ACA) gọi tắt là Obamacare. Nếu được chuẩn y thì bảo hiểm y tế của 23 triệu người dân Mỹ thuộc diện thu nhập thấp có thể bị hủy bỏ giữa lúc đại dịch Covid-19 đang gia tăng mạnh trở lại.

Trong một bản kiến nghị dài 82 trang được đệ trình Tối cao Pháp viện khuya hôm qua thứ Năm 25-06, chỉ một tiếng đồng hồ trước hạn cuối cùng là nửa đêm, chính phủ liên bang cùng với các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa của tiểu bang Texas và 16 tiểu bang khác lập luận rằng ngay từ năm 2017, Quốc hội Mỹ – khi ấy do đảng Cộng Hòa kiểm soát cả hai viện – đã bác bỏ một số phần của luật này, bác bỏ quy định phạt tiền tất cả những ai không có bảo hiểm y tế vì cho đó là bất hợp hiến. Vì thế việc duy trì hiệu lực của đạo luật ACA – gồm có ba phần – là không hợp lý. Yêu cầu của tiểu bang Texas và 16 tiểu bang khác đã có từ lâu, bây giờ được đề ra trở lại với sự tham gia mạnh mẽ hơn của Tòa Bạch ốc.

Được Quốc hội xây dựng và thông qua rồi Tổng thống Barack Obama ký thành luật năm 2010, Luật ACA bắt buộc mọi người dân Mỹ phải tham gia ít nhất một chương trình bảo hiểm y tế nếu không sẽ bị phạt. Theo luật, người nghèo hoặc thu nhập quá thấp được chính phủ tài trợ bảo hiểm y tế qua việc mở rộng chương trình trợ giúp y tế Medicaid, người thu nhập trên ngưỡng nghèo phải mua bảo hiểm y tế có hoặc không có sự tài trợ của chính phủ tùy theo mức thu nhập, người có việc làm thường xuyên thì mua bảo hiểm y tế có sự hỗ trợ của công ty. Đạo luật có những điều khoản được nhiều người ủng hộ như các công ty bảo hiểm không được từ chối các khách hàng là người đã có bệnh từ trước.

Nhưng các chính trị gia Cộng Hòa cho rằng, đạo luật ACA cho phép chính phủ can thiệp quá sâu vào thị trường chăm sóc sức khỏe. Khi Cộng Hòa giành lại được quyền lãnh đạo Tòa Bạch ốc và lưỡng viện Quốc hội năm 2017, họ lập tức đem đạo luật ACA ra mổ xẻ và bác bỏ từng phần, nhưng không hủy bỏ được đạo luật ACA bởi vì chưa đưa ra được một luật khác để thay thế, điều chỉnh việc chăm sóc sức khỏe của người dân.

Năm 2018, khi đảng Dân Chủ giành lại được quyền kiểm soát Hạ viện, tiểu bang California đã dẫn đầu 16 tiểu bang khác đề nghị duy trì Luật ACA, phản bác yêu cầu bãi bỏ của nhóm 17 tiểu bang do Texas dẫn đầu. Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết dù đã qua nhiều phiên tòa ở cấp tiểu bang và liên bang.

Sự kiện chính phủ kiến nghị Tối cao Pháp viện chấm dứt hiệu lực của Luật Obamacare, một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh cãi về luật này, chứng tỏ chăm sóc y tế là một vấn đề quan trọng của cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới: Tổng thống Trump của đảng Cộng Hòa quyết tâm bãi bỏ Obamacare trong khi ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân Chủ quyết tâm bảo vệ nó.

Nhưng việc phản bác Luật ACA đưa ra vào cái ngày mà số người nhiễm coronavirus của Mỹ lập kỷ lục mới với 2,4 triệu người nhiễm bệnh và 124.000 người tử vong là một việc làm không đúng thời điểm. Mấy tháng đại dịch vừa qua đã làm cho hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm và mất luôn cả quyền lợi bảo hiểm y tế – dựa trên việc làm và công ty – của họ.

Đảng Dân chủ, đã nhiều lần yêu cầu Tối cao Pháp viện tuyên bố Luật ACA không trái với Hiến pháp, đang cố gắng chống đỡ cho đạo luật, đã lên án hành động của Cộng Hòa là tàn nhẫn và phi đạo đức.

Tối cao Pháp viện chưa thông báo sẽ xem xét kiến nghị của chính phủ vào thời điểm nào nhưng nhiều quan sát viên dự đoán vào mùa thu, ngay trước cuộc tổng tuyển cử.

(theo Reuters, NYT)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: