Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) vừa công bố những nơi hạ cánh mới cho khoang đổ bộ Mặt trăng trong chương trình “quay lại Mặt trăng” của Hoa Kỳ.
13 khu vực ở Cực Nam (South Pole) của Mặt trăng là một khoảng cách dài đến nơi phi hành gia Neil Armstrong đi bộ trước đây với khoang đổ bộ Apollo. NASA mới giới thiệu chứ chưa phóng tên lửa chở các phi hành gia lên Mặt trăng và cũng chưa chọn phi hành đoàn khám phá bề mặt Mặt trăng trong chương trình Artemis. Tuy nhiên, ngày 19 Tháng Tám, cơ quan này đã xác định được nơi các phi hành gia sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng.
Đó là 13 khu vực ở Cực Nam, nơi có băng trong các miệng núi lửa bị che khuất thường trực và cách xa những địa điểm mà Armstrong và các phi hành gia Apollo khác từng đặt chân xuống. Sứ mệnh đầu tiên của con người quay trở lại Mặt trăng sau 50 năm sẽ diễn ra vào đầu năm 2025 nếu đúng kế hoạch và sẽ là chuyến hạ cánh Mặt trăng đầu tiên của một phi hành đoàn Hoa Kỳ kể từ phi vụ Mặt trăng cuối cùng của Apollo vào năm 1972.
NASA tuyên bố sẽ đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng, một kế hoạch táo bạo dưới thời chính quyền Trump và được chính quyền Biden kế thừa. Dù gặp phải một số trục trặc và chậm trễ, đây là chương trình thám hiểm không gian đầu tiên kể thời Apollo. Nhưng không giống như Apollo, Artemis được thiết kế để con người có thể hiện diện lâu dài bên trên và xung quanh Mặt trăng. NASA đang đi trước các quốc gia khác với tâm thế cấp bách, vì Trung Quốc cũng có ý đồ gửi các phi hành gia lên Mặt trăng, thậm chí còn muốn tuyên bố chủ quyền!
Trong một cuộc họp ngắn ngày 19 Tháng Tám, các quan chức NASA chính thức thông báo đã chọn được các địa điểm hạ cánh tương lai xuống Mặt trăng bằng cách sử dụng dữ liệu lập bản đồ bề mặt Mặt trăng của tàu vũ trụ robot Lunar Reconnaissance Orbiter bay quanh Mặt trăng từ năm 2009 và các nghiên cứu khác về Mặt trăng.
Mark Kirasich, phó quản trị NASA phụ trách bộ phận phát triển chương trình Artemis nhận định: “Việc khoanh vùng xong những khu vực này có nghĩa là chúng ta đã tiến gần hơn đến việc đưa con người trở lại Mặt trăng kể từ Apollo. Nhiệm vụ mới này sẽ không giống với bất kỳ nhiệm vụ nào trước đây. Các phi hành gia sẽ đến những vùng tối con người chưa khám phá và đặt nền móng để có thể lưu trú dài hạn trong tương lai”.
Theo The Washington Post, tất cả địa điểm cụ thể được chọn đều nằm trong cụm vĩ độ sáu độ của Cực Nam vì đây là các điểm hạ cánh an toàn và đủ gần các vùng bị che khuất thường trực để các phi hành gia có thể thực hiện chuyến đi bộ ở đó trong sứ mệnh kéo dài sáu ngày rưỡi trên Mặt trăng. Theo NASA, các phi hành gia có thể “lấy mẫu và tiến hành phân tích khoa học tại các khu vực không bị che khuất để có thông tin quan trọng về độ sâu, sự phân bố và thành phần của băng nước đã được xác nhận là có tại Cực Nam”.
Nước rất quan trọng để duy trì sự sống của con người và hai thành phần cấu thành nước – hydro và oxy – được sử dụng làm nhiên liệu cho tên lửa đẩy. Chương trình Apollo đã thực hiện sứ mệnh đến các vùng xích đạo của Mặt trăng, nơi có ánh sáng ban ngày kéo dài dưới hai tuần. Nhưng Cực Nam Cực chỉ có vài ngày sáng nên sứ mệnh khó khăn hơn và cũng hạn chế thời điểm có thể phóng con tàu, gọi là “launch window” (cửa sổ phóng). Sarah Noble, trưởng nhóm khoa học Mặt trăng Artemis nói: “Cách xa các điểm đáp của Apollo, chúng ta sẽ đến những nơi hoàn toàn khác”.
Thông báo về những điểm đáp chọn lọc được đưa ra khi NASA chuẩn bị chuyến bay đầu tiên trong chương trình Artemis vào ngày 29 Tháng Tám nếu không có gì thay đổi. Sứ mệnh có tên Artemis I, sẽ đánh dấu lần phóng tên lửa đầu tiên của Hệ thống Phóng Không gian (Space Launch System) mới khổng lồ của NASA. Tàu vũ trụ mang theo khoang (capsule) Orion không người, bay vào quỹ đạo quanh Mặt trăng để thực hiện một sứ mệnh kéo dài 42 ngày. Đầu tuần này, NASA đã đưa tên lửa và tàu vũ trụ lên bệ phóng 39B tại Trung tâm Không gian Kennedy ở tiểu bang Florida.
Các quan chức cho biết “cửa sổ phóng” chỉ dài hai giờ từ 8g33 sáng. NASA cũng ấn định ngày phóng dự phòng 2 và 5 Tháng 9 đề phòng không phóng được vào ngày 29 Tháng Tám. Mike Sarafin, giám đốc sứ mệnh Artemis của NASA, cho biết: “Một trong những mục tiêu chính của chuyến bay là kiểm tra tấm chắn nhiệt của Orion (tấm chắn nhiệt có nhiệm vụ bảo vệ Orion và phi hành đoàn khỏi nhiệt độ khắc nghiệt khi đi vào bầu khí quyển của Trái đất ở tốc độ 24,500 dặm/giờ, tức Mach 32).
Sau sứ mệnh Artemis I sẽ là chuyến bay tiếp theo (sớm nhất vào năm 2024) với tàu vũ trụ mang bốn phi hành gia bay quanh Mặt trăng, nhưng không hạ cánh. Sứ mệnh hạ cánh dự kiến được sẽ diễn ra vào năm 2025 tuỳ vào một số yếu tố, gồm cả sự phát triển tên lửa Starship và tàu vũ trụ của công ty SpaceX. Tàu vũ trụ của SpaceX sẽ hội ngộ Orion trên quỹ đạo Mặt trăng và sẽ đưa các phi hành gia đổ bộ và rời bề mặt Mặt trăng. “Tôi có cảm giác như chúng ta đang ở trên một chiếc tàu lượn sắp đi qua đỉnh một ngọn đồi cao. Mọi người hãy thắt dây an toàn, chuẩn bị du ngoạn Mặt trăng!” – Jacob Bleacher, nhà khoa học thám hiểm chính của NASA, nói với các phóng viên trong ngày công bố các điểm thám hiểm.