Xem tin tức, thấy bên Anh thiên hạ la làng vì nóng làm dân Texas như tôi phải cười mỉm. Tất nhiên đối với người dân của xứ sở sương mù thì 40 độ C (104F) là chuyện hi hữu, năm thì mười hoạ mới thấy một lần. Cách đây ba năm Luân Đôn chỉ lên tới 38C đã đủ khiến mọi người nổi nóng. Lần này từ Scotland sang tận Ireland, nhìn trên bản đồ thời tiết thấy chỗ nào cũng đỏ choét, trừ một khuỷnh nhỏ bên bờ Tây Ireland gần quê hương thi sĩ W.B. Yeats; chân núi Benbulben nơi ông đang nằm chắc vẫn còn mát mẻ.
Tuy từng viếng Anh quốc nhiều lần, nhưng hình như tôi chưa bao giờ để ý đến một đặc điểm của nhà cửa bên ấy. Đó là đa số không có máy lạnh. Điều này cũng dễ hiểu, vì ở cái xứ lâu lâu mới có một ngày nắng đẹp thì cần quái gì chống nóng? Như George Harrison của ban Beatles hát trong bài “Here Comes the Sun”:
“Little darling, it feels like years since it’s been clear. Here comes the sun, and I say it’s alright!”
Cảm giác như cả mấy năm mới thấy em mặt trời xuất hiện, làm cho chàng George phải thốt lên: “Quá đã!” Rất tiếc George Harrison đã qua đời từ năm 2001. Nếu còn sống không biết ông sẽ nghĩ sao về hiện tượng Global Warming thời nay và cơn nhiệt cuồng đang càn quét quê xứ của Beatles.
Cảnh một khu nhà ở Wennington gần London cháy phừng phừng đã khiến nhiều người bị sốc thật sự. Sở Cứu hoả Đô thành cho biết xưa nay mỗi ngày họ chỉ nhận trung bình khoảng 350 cú gọi cầu cứu; nội trong ngày thứ Ba vừa rồi đã có hơn 2,000 cú gọi – nhiều nhất kể từ thời Đệ Nhị Thế Chiến khi Luân Đôn bị Đức oanh tạc. Trên toàn quốc, các sở cứu hỏa báo cáo đã xảy ra hơn 60 vụ cháy gây nhiều thiệt hại cho cư dân.
Sở Y tế Anh cho biết ít nhất mười mấy người đã chết đuối tại các vùng sông hồ trong mấy ngày qua do tìm cách tránh nóng. Trong khi đó thì Bộ Giao thông cho hay nhiều tuyến xe lửa, xe điện phải ngưng hoạt động để giữ cho đường sắt không bị sức nóng làm vẹo cong. Tại Phi trường quốc tế Luton, một đoạn phi đạo đã… chảy nhựa khiến nhiều chuyến bay không thể đáp xuống hay cất cánh. Đến như Parliament (Nghị Viện Anh quốc) xưa nay nổi tiếng “cứng ngắt đúng quy tắc” mà cũng cho phép thành viên không phải mặc áo khoác, và đàn ông không cần đeo cravate.
Nhưng so với lục địa Âu Châu thì Anh quốc cũng còn… “mát” hơn nhiều. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đạt kỷ lục 47C (117F). Chính quyền hai nước cho biết hơn 600 người đã thiệt mạng vì nóng. Lửa đã thiêu rụi ít nhất 25,000 mẫu ở Tây Ban Nha; 15,000 mẫu ở Bồ Đào Nha; 20,000 mẫu ở Pháp; và một số nơi khác như ở Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ… Tại vùng Gironde miền Nam nước Pháp, hơn 3,500 cư dân phải tản cư. Ở Hy Lạp, một vụ cháy rừng lớn đang đe doạ khu vực ngoại ô thành phố Athens.
Khác với người Mỹ, đại đa số dân Âu Châu đồng ý nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nạn nóng hiện nay là “greenhouse gas” và Global Warming – hiện tượng hâm nóng toàn cầu gây nên bởi các loại thán khí được nhả ra từ nhiên liệu chứa carbon. Chỉ riêng năm ngoái, hơn nửa triệu mẫu đất và rừng đã bị hoả thiêu, lắm khi chỉ vì sự bất cẩn của con người.
Dù vẫn biết Global Warming có thật và cần phải đối phó, chính quyền các nước Âu Châu đều ngạc nhiên với tốc độ phát triển cũng như mức độ tàn phá của nó. Hầu hết đang lúng túng vì hạ tầng cơ sở chưa đủ sức để kháng cự lại. Chẳng hạn như ở Anh, người ta sẽ phải nghĩ đến việc tăng cường hệ thống máy lạnh cho trường học và các doanh nghiệp nhỏ. Tuần vừa qua người dân Anh đã mua sạch quạt máy đủ loại.
Tình hình ở Mỹ cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu. Cali nhiều năm qua bị cháy rừng liên miên đã đành, Texas cả tuần nay cũng bị bà hỏa tấn công. Lần đầu tiên trong nhiều năm, khu vực Bắc Texas gần Dallas-Fort Worth đã có những vụ cháy lớn. Nhiệt độ mấy ngày vừa qua có khi lên đến 108F.
Ra đường chẳng khác nào bước vào cái lò lửa nên ai nấy ru rú trong nhà. Khác với bên Anh, ở Texas hầu như nhà nào cũng có máy lạnh. Tuy nhiên máy lạnh thì cần điện, mà lưới điện Texas lại không kết nối với mạng lưới điện toàn quốc (Đó là lý do mùa Đông năm 2020 Texas bị tê liệt hoàn toàn bởi trận bão tuyết khiến nhiều người thiệt mạng.)
Để tránh tình trạng quá tải, tuần rồi, công ty điện lực lớn nhất Texas, ERCOT, đã năm lần bảy lượt kêu gọi người dùng hãy cố tiết kiệm điện bằng mọi cách. Như tránh xài máy giặt máy sấy hay các vật dụng hao điện vào ban ngày; chỉnh nhiệt kế trong nhà lên 77-80F để bớt chạy máy lạnh v.v. Tội nhất là các tù nhân. Trong số gần 100 nhà tù của tiểu bang Texas, 70% không có máy lạnh. Nhiều nơi nhiệt độ trung bình trong tù là 110F, có chỗ lên đến 149F (theo một bảng báo cáo của Đại học Texas A&M.)
Tuy nhiên, khác với các nước Âu Châu, nhiều chính trị gia Mỹ, nhất là tại các tiểu bang “Đỏ” như Texas luôn chống lại các chính sách cắt giảm “greenhouse gas”, nhất là tại những bang sản xuất nhiều dầu lửa hay than đá. Cách đây chỉ vài ngày, trong lúc cả nước đang phát điên vì nóng thì ông nội Thượng nghị sĩ Joe Manchin của West Virginia (nơi có nhiều mỏ than) đã dùng lá phiếu đầy quyền lực của mình để ngăn chặn một đạo luật nhắm đến việc khuếch trương và phát triển các ngành năng lượng xanh. Thật đúng với thành ngữ “đánh đàn trong lúc La Mã cháy rụi.”
Là cư dân Texas, người viết chỉ biết thở dài ngao ngán và… cầu cho trời mưa, để lưới điện tiểu bang không bị đánh sập thêm lần nữa. Giữa cái lạnh cóng với cái nóng của Tét-xác, thật khó nói cái nào khổ hơn.