Nữ tu từ VN sang Little Saigon trong sứ mệnh phục vụ tông đồ

Các sœur đang chăm sóc trẻ khuyết tật. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Trong những ngày này, đại diện Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đang có mặt tại Little Saigon để làm một trong những việc tông đồ là kêu gọi cộng đồng giúp xây dựng nhà truyền giáo tại Ninh Bình.

Hiền dịu, khép kín, nhưng đầy nhiệt huyết của người đang gánh trên vai sứ mệnh phục vụ tông đồ, nữ tu (sœur, viết tắt Sr. – tiếng Pháp) Trần Thị Thắm từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, miền Bắc Việt Nam sang California với nhiệm vụ được giao: Kêu gọi lòng quảng đại của mọi người để xây dựng nhà truyền giáo nhằm giới thiệu Chúa Ki-tô qua đời sống tình thương yêu và sự phục vụ.

Sr. Trần Thị Thắm, Tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. (ảnh: Đoan Trang)

Là Tổng phụ trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Sr. Thắm cho biết đây không phải là lần đầu tiên sœur có mặt ở Hoa Kỳ, vì từng có những hoạt động phục vụ khác, cũng như các chuyến thăm hỏi chị em (cách gọi của các nữ tu với nhau) ở Mỹ.

“Trong dịp đi thăm các hội đoàn tại Mỹ lần này, ban tổ chức gợi ý khích lệ bằng tiệc gây quỹ cho nhà dòng giúp đỡ người nghèo và thực hiện chương trình bác ái tông đồ mà nhà dòng đang ước mong, đó là xây dựng nhà truyền giáo Ninh Bình,” St. Thắm cho biết.

Theo Sr. Thắm, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm thành lập năm 1902. Sau những năm chiến tranh, vào năm 1991, nhà dòng quy tụ lại được 30 sœur. Cho đến nay, nhà dòng có 408 nhân sự, trong đó các sœur hoạt động trên 40 giáo xứ, thuộc vùng nông thôn và những vùng sâu, vùng xa khu vực thành phị. “Chính vì thế, các hoạt động phục vụ tông đồ của nhà dòng cũng khá đa dạng,” Sr. Thắm nói. “Chúng tôi không chỉ chăm sóc cho trẻ em khuyết tật, người già, người nghèo khó, mà còn lo cho tương lai của một lớp trẻ phải sống ở một nơi thiếu thốn trăm bề.”

Hiện nay nhà dòng đang nuôi dưỡng hơn 30 trẻ mồ côi, khuyết tật, đa số bị bại não. Bé nhỏ nhất mới lên ba, lớn nhất 14 tuổi, nhưng trí não chậm phát triển, nên hầu như mọi sinh hoạt đều nương nhờ vào tình thương của các sœur trong nhà dòng.

Các sœur đang chăm sóc trẻ khuyết tật. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Theo Sr. Thắm, ngôi nhà nuôi dưỡng các cháu mồ côi, khuyết tật không lớn, điều kiện ăn ở tạm ổn nhưng khí hậu miền Bắc “lạnh thì cóng da, nóng lại như thiêu đốt” cũng là nỗi khó khăn, không chỉ cho các cháu mà cả người chăm sóc. Đa số các cháu trong giáo phận Phát Diệm, có một vài cháu ở Thanh Hóa. Các cháu có gia đình ở xa, thường hai, ba tháng có người đến thăm một lần, còn cha mẹ hoặc người thân của những cháu ở gần, các sœur khuyên cho cháu được về nhà ngày Chủ Nhật, vì “những cháu này rất nhạy cảm, dễ có cảm giác bị bỏ rơi,” như lời Sr. Thắm nói.

Các sœur đang chơi với trẻ khuyết tật. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Không chỉ nuôi trẻ bệnh tật, các sœur còn nhận chăm sóc không công các cháu nhỏ có cha mẹ phải đi làm đầu tắt mặt tối. Đi thăm các gia đình trong xứ, các sœur thấy nhiều con trẻ được cha mẹ đặt trong cũi rồi đi làm, không ai chăm sóc, nên thương tình đem về nhà dòng lo cho miếng ăn, giấc ngủ, chờ buổi chiều có người nhà đến đón. Nếu các cháu chịu ở lại, các sœur sẵn lòng nuôi dưỡng, chăm sóc cả ngày lẫn đêm, nhưng thông thường, cha mẹ được khuyên là hãy cho các cháu về, để có không khí gia đình. Những em lớn đến tuổi đi học mà không có người chăm sóc, các sœur cũng khuyên cứ đi học, rồi trưa về thì vô nhà dòng chơi với các sœur, như thế các cháu sẽ không bị bơ vơ, lạc lõng lúc cha mẹ vắng nhà, vừa được đi học, có bạn có bè, được các sœur chăm lo, mà vẫn có cha mẹ để ý tới bằng tình thương yêu máu mủ.

Phòng y tế chữa bằng phương pháp y học cổ truyền của nhà dòng. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Với quan niệm muốn thoát nghèo thì phải có học vấn, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm mở ra chương trình khuyến học, giúp học sinh gia đình nghèo có điều kiện đến trường bằng mức học bổng tượng trưng mang tính khích lệ – mỗi cháu được $100/năm. Hiện nay nhà dòng đang phát học bổng đều đặn cho 200 học sinh nghèo từ Lớp Một đến đại học. Cháu nào học hết bậc trung học, gia đình đỡ hơn, thì nhà dòng cấp cho cháu khác. “Ở vùng nông thôn, gia đình nghèo, các cháu không muốn đi học, không thích học, với số tiền ít ỏi này, cùng sự động viên của các sœur, các cháu sẽ chăm đến trường hơn, ít nhất là phải học hết lớp 12,” Sr. Thắm cho biết.

Phát học bổng cho các cháu trong chương trình khuyến học. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

“Lời Chúa dạy, khi mình làm một phần thân thể của Chúa, thì Chúa sẽ cho gấp trăm,” Sr. Thắm nói, và tâm sự. “Nhưng nhiều khi cũng lo lắng lắm, nhất là đầu dịch bệnh COVID-19, khi các sœur phục vụ miễn phí bữa điểm tâm cho người nghèo, mỗi tuần hai buổi, Thứ Tư và Chủ Nhật. Người có nhu cầu là bệnh nhân bệnh viện Kim Sơn gần nhà dòng, và người già ở khu vực Phát Diệm. Cũng có người già không đi lại được, hoặc người bị bệnh tâm thần, các sœur đem đồ ăn đến tận nơi. Nhưng mọi sự vất vả chỉ mấy tháng đầu tiên, sau đó nhà dòng được giúp để kéo dài chương trình này cho đến bây giờ, đã được hơn ba năm.”

Bữa điểm tâm mà Sr. Thắm nói đến gồm cháo và thức ăn. Gạo có sẵn, các sœur nấu cháo, còn đồ ăn chỉ tốn $500/tháng cho 300 người. Sr. Thắm cười, nói: “Rẻ chưa!” Chưa hết, các sœur còn đem gạo phát cho 400 người nghèo, người già, người neo đơn, mỗi người được 10kg/tháng. Tuy số gạo chỉ đủ cho một người, nhưng cũng là “chia ngọt xẻ bùi” vì “lực bất tòng tâm”, có muốn hơn cũng không được. Tuy vậy, người dân rất vui vì theo Sr. Thắm, vật chất chỉ là tượng trưng, các sœur không chỉ đem gạo đến tặng, mà còn ngồi thăm hỏi, động viên, để cư dân biết rằng vẫn có người quan tâm, thương yêu và cầu nguyện cho họ.

Sr. Điệp đang trao thực phẩm cho cư dân trong vùng. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Một mình làm không nổi, nhà dòng còn cộng tác với các tổ chức xã hội xây dựng nhà tình thương và làm phòng y tế miễn phí cho người nghèo. Nhưng niềm ao ước khát khao nhất của nhà dòng là có nơi đón tiếp để làm việc tông đồ hiệu quả hơn. Phục vụ ở địa bàn đồng quê, nên các sœur muốn có phòng y tế để chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh thông thường cho người không có điều kiện đến bệnh viện. Trong những năm qua, nhiều sœur được cử đi học các khóa chữa bệnh thông thường bằng phương pháp bấm huyệt và châm cứu. Những phương pháp này rất hiệu quả với người già yếu, người bị đau nhức, hoặc cấp cứu tức thời. Ngoài ra, các sœur cũng mong có một lớp học để dạy mẫu giáo, chăm sóc đạo đức khởi đầu cho các cháu bé. Tất cả công việc phục vụ của các sœur đều từ tâm, từ lòng bác ái mà thôi.

Một sœur đến thăm hỏi người già. (ảnh: Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm)

Trong sứ điệp Mùa chay hằng năm (năm nay mùa chay từ 22 Tháng Hai đến Lễ Phục Sinh – Easter, 9 Tháng Tư), một trong mười lời khuyên mà Đức Giáo Hoàng Francis gửi tín hữu Galata, là đoạn thư của Thánh Phaolô: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người”. Đức Giáo Hoàng còn nói: “Mùa Chay mời gọi chúng ta hoán cải, thay đổi tâm thức, sao cho chúng ta thấy được vẻ chân thật và tuyệt mỹ của cuộc đời không hệ tại ở việc sở hữu, nhưng là việc cho đi, không phải là tích lũy, nhưng là gieo vãi và chia sẻ điều tốt”.

Qua Saigon Nhỏ Online, Sr. đại diện Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm mời gọi quý độc giả gần xa tham dự bữa tiệc gây quỹ, được tổ chức vào lúc 5:30 chiều Chủ Nhật, ngày 19 Tháng Ba, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3, 6731 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683.

Nếu ai không dự tiệc được, trong thời gian này, có thể gửi ngân phiếu đến địa chỉ tại California:

Lovers of The Holy Cross

13122 Hilton Ln., Garden Grove, California 92843.

Về lâu dài, ngân phiếu đóng góp cho Hội Dòng Mến Thánh Giá, vui lòng gửi về địa chỉ:

Lovers of The Holy Cross of St. Louis

4211 Hydraulic Ave. St. Louis, MO 63116-4428.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: